Bản đồ cho thấy phạm vi rộng lớn của “những trang trại thu hoạch cưỡng bức nội tạng con người”, khi Ủy ban lên án ngành thương mại có doanh thu 1 tỷ đô la này
Tác giả: Shannon Molloy
Dịch giả: Bùi Xuân Bách
19-6-2019
Hơn một triệu người bị cầm giữ và bỏ tù trong các trại tra tấn với một mục đích tàn bạo – thu hoạch nội tạng.
Trung Quốc đang cưỡng bức thu hoạch nội tạng của hàng vạn tù nhân chính trị để vận hành một thị trường đen y tế đang phát triển nhanh chóng, trị giá 1 tỷ USD mỗi năm, một Ủy ban quốc tế tố cáo. (“China Tribunal”, một ủy ban độc lập được thành lập bởi một tổ chức vận động để cứu xét vấn đề này).
Trong nhiều năm, các nhóm nhân quyền đã bày tỏ lo ngại liên quan đến nhiều người trong số khoảng 1,5 triệu người bị giam giữ trong các trại tù, nơi là một phần trong hệ thống âm thầm thu hoạch nội tạng con người.
Nhưng giờ đây, China Tribunal, một Ủy ban về Trung Quốc được thành lập đặc biệt ở London, đã tuyên bố, không còn nghi ngờ gì về việc thu hoạch nội tạng cưỡng bức do nhà nước hỗ trợ, đang diễn ra trên quy mô lớn.
Ủy ban bao gồm các thành viên từ Hoa Kỳ, Vương quốc Anh, Malaysia và Iran, kể cả các chuyên gia về nhân quyền, phẫu thuật cấy ghép và quan hệ quốc tế. Ủy ban độc lập này đã nghe điều trần từ 50 nhân chứng và kiểm tra một khối lượng lớn bằng chứng gồm hình ảnh và văn bản trong năm qua.
Việc đó bao gồm lời khai về các hành vi dã man, kể cả việc cắt bỏ nội tạng trên bệnh nhân còn sống.
Bác sĩ Enver Tohti, đã từng làm bác sĩ phẫu thuật ở Trung Quốc và được chỉ đạo thực hiện việc lấy nội tạng trên các đối tượng không tự nguyện.
Những gì tôi nhớ là, bằng dao mổ tôi đã cố cắt vào da anh ta, và nhìn thấy có máu chảy ra, bác sĩ Tohti đã kể lại với Ủy ban về một vụ giải phẫu sống như vậy. “Điều đó cho thấy rằng trái tim vẫn còn đập cùng lúc, anh ta đang cố gắng chống lại việc phẫu thuật của tôi, nhưng anh ta quá yếu”.
Một bản đồ các bệnh viện thực hiện cấy ghép nội tạng ở Trung Quốc cho thấy, chúng ở gần các trung tâm giam giữ đã biết.
Con số các vụ giải phẫu đã thực hiện, danh sách chờ đợi cực ngắn với người nhận và sự mở rộng các cơ sở bệnh viện đã chứng minh điều đó vượt ra ngoài sự nghi ngờ hợp lý rằng, “việc thu hoạch nội tạng cưỡng bức đã được thực hiện trong nhiều năm ở khắp Trung Quốc trên quy mô khá lớn”, báo cáo chỉ rõ.
Đứng đầu Ủy ban là ông Geoffrey Nice, một Luật sư của Vương quốc Anh. Ủy ban đã xem xét nhiều bằng chứng rằng, hầu hết những người bị sát hại do nội tạng của họ bị cướp đoạt, là các tù nhân chính trị từ phong trào Pháp Luân Công, cũng như những người dân tộc thiểu số Duy Ngô Nhĩ.
Thực tế đó, điều mà Trung Quốc tiếp tục phủ nhận, cấu thành tội diệt chủng, giết người và tra tấn trên quy mô công nghiệp, nôi Nice nói.
“Thu hoạch nội tạng cưỡng bức trên cơ sở án tử hình là một hành động xấu xa không gì so sánh nổi, kể cả với những tội ác giết người hàng loạt đã xảy ra trong thế kỷ trước”, ông nói.
Ủy ban đã nghe điều trần rằng, việc thu hoạch nội tạng cưỡng bức đã diễn ra ít nhất từ năm 2001 trở đi, mặc dù thực tế, có thể nó đã bắt đầu từ lâu trước đó.
Ước tính có khoảng 60.000 ca phẫu thuật cấy ghép đã diễn ra mỗi năm trong hai thập niên vừa qua, phần lớn trong số đó được thực hiện với nội tạng từ các tù nhân bị sát hại, Ủy ban cho biết.
“Ngoài những năm bị giam cầm mà không được xét xử công bằng, điều kiện sống tồi tệ, bị tra tấn và đe dọa xử tử, những người sống sót đã đưa ra bằng chứng về việc bị kiểm tra cơ thể, bao gồm xét nghiệm máu, chụp X-quang và siêu âm“, theo báo cáo của Ủy ban.
Các chuyên gia cũng cho biết, lời giải thích hợp lý duy nhất cho các cuộc kiểm tra này là để bảo đảm rằng, các nạn nhân có nội tạng khỏe mạnh và phù hợp với việc cấy ghép.
Nội tạng trên thị trường chợ đen được bán với giá khá cao, chẳng hạn khoảng 160.000 đô la cho một lá gan khỏe mạnh.
David Kilgour, cựu ngoại trưởng Canada, đã làm chứng tại phiên điều trần của Ủy ban hồi tháng Tư và cho biết, hoạt động buôn bán nội tạng của Trung Quốc đang ngày càng phát triển.
“Bằng chứng có rất nhiều; chúng cho thấy nạn buôn bán các bộ phận cơ thể người khủng khiếp này đang tiếp diễn và đang gia tăng, trên thực tế“, ông nói.
Trung Quốc đã liên tục phủ nhận việc thu hoạch nội tạng cưỡng bức, mặc dù Ủy ban nhận xét rằng, lập trường chính thức của Trung Quốc đã thay đổi nhiều lần.
“Năm 2001, một phát ngôn chính thức từ một quan chức Trung Quốc tuyên bố rằng, ‘nguồn cung cấp nội tạng chính có được từ sự đóng góp tự nguyện của các công dân Trung Quôc’,” Ủy ban cho biết.
“Tuy nhiên, chỉ bốn năm sau đó, tuyên bố chính thức lại chuyển sang rằng, phần lớn nội tạng có nguồn gốc từ các tử tù sau khi đã có sự đồng ý của họ”.
Một số lượng ngày càng đông những nhân vật trong các cộng đồng y tế và học thuật trên thế giới đã nói rằng, với quy mô thương mại như vậy, việc thu hoạch nội tạng không thể có được, nếu chỉ được hỗ trợ nhờ sự đóng góp tự nguyện và hợp pháp.
Mặc dù vậy, ông Nice chỉ ra rằng, cộng đồng quốc tế tiếp tục nhắm mắt làm ngơ, với nhiều trường đại học và tổ chức y tế, “tích cực hợp tác” với Trung Quốc về nghiên cứu và đào tạo.