Bản tin ngày 18-6-2019

Tin Biển Đông

VnExpress có bài: Vấn đề Biển Đông sôi sục ở Philippines sau vụ tàu cá bị đâm chìm. Ông Ian Storey, học giả cao cấp thuộc Viện ISEAS-Yusof Ishak ở Singapore bình luận, nếu tàu Trung Quốc cố tình đâm tàu cá Philippines đang đứng yên, đó là hành vi vi phạm các chuẩn mực quốc tế. Ông Store nói: “Đây không chỉ là một hành động gây hấn mà còn vi phạm nghĩa vụ xưa nay về việc hỗ trợ những người đi biển gặp nạn dù tàu của họ có đang hoạt động trong vùng biển tranh chấp hay không”.

Chuyện tàu Trung Quốc cố ý tấn công tàu cá Philippines hay tàu cá Việt Nam đều thể hiện của sự bành trướng của Bắc Kinh trên Biển Đông: “Nhiều năm qua, các tàu cá Trung Quốc ồ ạt xâm nhập vào những vùng biển tranh chấp để đánh bắt, trong khi tàu hải cảnh Trung Quốc được triển khai kín đáo ở khoảng cách xa”.

Mỹ dọa “ra tay” sau vụ Trung Quốc đâm tàu cá Philippines ở Biển Đông, Infonet đưa tin. Đại sứ Mỹ tại Philippines Sung Kim nhấn mạnh, bất cứ vụ tấn công nào nhắm vào tàu thuyền hay máy bay của Philippines cũng có thể khiến Mỹ thực thi những nghĩa vụ được định rõ trong Hiệp ước Quốc phòng song phương mà Mỹ và Philippines đã ký kết.

Phó Tổng thống Philippines yêu cầu đưa thủy thủ đoàn Trung Quốc ra xét xử, theo báo Người Lao Động. Vụ tàu Trung Quốc đâm chìm rồi bỏ mặc tàu cá Philippines, Phó Tổng thống Leni Robredo phát biểu: “Chúng tôi cực lực lên án hành động vô trách nhiệm của thủy thủ đoàn Trung Quốc liên quan và bày tỏ sự thất vọng sâu sắc trước việc chính phủ Trung Quốc từ chối thừa nhận tội ác của những người chịu trách nhiệm đánh chìm tàu ​​cá Philippines và bỏ rơi các ngư dân. Những người liên quan phải bị xét xử theo các điều ước quốc tế và luật pháp Philippines”.

Nhiều năm qua, quen bắt nạt các tàu cá Việt Nam như, cướp hải sản, đâm chìm rồi bỏ chạy, các tàu Trung Quốc không hề gặp sự phản đối nào ngoài những lời phát biểu suông của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam. Đã quen trò này, bây giờ TQ áp dụng vào Philippines, nhưng không dễ dàng bắt nạt nước này. Philippines đưa vụ tàu cá bị tàu Trung Quốc đâm chìm ra LHQ, báo Pháp Luật TP HCM đưa tin.

Bộ trưởng Ngoại giao Philippines Teodoro Locsin cho biết, ông đã ủy quyền cho Đại sứ quán Philippines ở Anh gửi thư khiếu nại lên LHQ và Tổ chức Hàng hải Quốc tế của LHQ (IMO). Ông cũng gửi tuyên bố của chính phủ lên IMO, rằng thuyền viên của Philippines đã bị bỏ mặt “một cách vô nhân đạo” và sẽ thiệt mạng nếu không nhờ sự hỗ trợ của tàu Việt Nam.

Mời đọc thêm: Duterte gọi vụ tàu cá Philippines bị đâm chìm trên Biển Đông là ‘tai nạn’Thuyền trưởng tàu Philippines bị đâm chìm ở Biển Đông từ chối gặp Duterte (VNE). – Philippines đòi xét xử tàu Trung Quốc đâm chìm tàu cá trên Biển Đông (DT). – Mỹ, Philippines nói về hiệp ước phòng thủ chung ở Biển Đông — Biển Đông: Philippines tính mua siêu máy bay Mỹ bảo vệ ngư dân (PLTP). – Đang căng thẳng với TQ, Philippines ngỏ ý mua siêu máy bay Mỹ (DV). – Biển Đông đón gió phương Tây (TT).

Nợ như “chúa chổm”

VietNamNet có bài: Thu không đủ chi, nợ công 3,2 triệu tỷ loay hoay vay mới trả cũ. Một báo cáo gần đây của Chính phủ thừa nhận, nợ công VN ở ngưỡng 3,2 triệu tỷ đồng. Trung bình mỗi người dân gánh 32 triệu đồng nợ công. Ông Võ Hữu Hiển, Phó Cục trưởng Cục Cục quản lý nợ và Tài chính đối ngoại cảnh báo, một trong các vấn đề tác động đến sự an toàn nợ công của Việt Nam là việc các khoản vay sắp đến hạn trả.

Khi lãnh đạo CSVN nói rằng, nợ công “ở ngưỡng” nào đó, thì người dân hiểu rằng, nợ công đã vượt qua ngưỡng đó rồi. Chính phủ CSVN vẫn cho rằng, “nợ công so với GDP đã giảm. Báo cáo cho thấy: Các chỉ tiêu nợ đến ngày 31/12/2018 đều đạt và thấp hơn rất nhiều so với chỉ tiêu nợ công đã được Quốc hội cho phép”. Đó là “chỉ tiêu” do họ tự vẽ ra để “ru ngủ” lẫn nhau.

VOA viết: Nợ công của Việt Nam gây tranh cãi, chuyên gia cảnh báo rủi ro. TS Lê Đăng Doanh lưu ý: “Hiện nay, Bộ Tài chính, chính phủ phải phát hành trái phiếu. Cái trái phiếu đó dùng để chi trả nợ. Trong đó có trả nợ lãi và một phần trả nợ gốc, cho nên là tổng số nợ ngày càng tăng lên chứ chưa giảm đi được, và đó là vấn đề rất nguy hiểm”. Trái phiếu cũng là bằng chứng cho thấy tình hình thật đằng sau những lời nói dối của chính phủ về khả năng kiểm soát nợ công.

TS Nguyễn Trí Hiếu phân tích chiêu trò “tái cơ cấu nợ”: “Dùng nợ cũ để trả nợ mới ở Việt Nam gọi là tái cơ cấu nợ… điều này rất nguy hiểm vì đến cuối cùng dư nợ cứ thế tăng mãi. Cái rủi ro, cái nguy hiểm của tái cơ cấu nợ là chúng ta có một cái ảo tưởng là mình có trả nợ, nhưng thực tế là nợ càng ngày càng lớn”.

Mời đọc thêm: CSVN nợ công gần 74 tỉ USD ‘loay hoay vay mới trả cũ’ (NV). – Tăng cường an toàn nền tài chính quốc gia (VTV). – Nợ công đang được kiểm soát chặt chẽ (TBTC). – Nợ công đã thấp hơn dự kiến nhưng vẫn tiềm ẩn nhiều thách thức (VOV). – Hà Nội công khai 194 doanh nghiệp nợ gần 300 tỷ tiền thuế (KTĐT).

Địa ốc Alibaba vs Công an địa phương

Sau vụ Công an thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu bắt một số nhân viên Tập đoàn địa ốc Alibaba trong vụ cưỡng chế tuần trước, đến ngày 16/6, Tổng giám đốc địa ốc Alibaba cùng nhân viên ‘quây’ trụ sở công an đòi thả người, VTC đưa tin. Công an thị xã Phú Mỹ xác nhận, hàng chục nhân viên của Công ty địa ốc Alibaba đã kéo đến trụ sở hô hào, yêu cầu thả người.

Nhóm người này do ông Nguyễn Thái Luyện, TGĐ địa ốc Alibaba dẫn đầu, theo sau là hàng chục nhân viên mặc áo đỏ, mang dòng chữ Tập đoàn địa ốc Alibaba. Đứng trước cổng trụ sở Công an thị xã Phú Mỹ, nhóm này liên tục hô to “thả người” theo sự dẫn dắt của ông Nguyễn Thái Luyện.

Hàng chục nhân viên địa ốc Alibaba liên tục hô to “thả người” theo khởi xướng của ông Nguyễn Thái Luyện – Tổng Giám đốc công ty. Nguồn: VTC

Báo Người Lao Động có bài: Địa ốc Alibaba “làm trời” ở Bà Rịa – Vũng Tàu. Vụ lãnh đạo Alibaba liên tục làm áp lực với chính quyền và Công an thị xã Phú Mỹ sau vụ chống cưỡng chế, bài báo cho biết: “Ông Nguyễn Thái Luyện trước đó còn livestream trên fanpage của Công ty CP Địa ốc Alibaba đòi dùng xe ủi để ủi vào nhà của ông Nguyễn Văn Thắm, Chủ tịch UBND thị xã Phú Mỹ”.

Về hai đối tượng đang bị Công an thị xã Phú Mỹ tạm giữ hình sự, một trong hai người đó chính là bà Nguyễn Huỳnh Tú Trinh, là người “đã chỉ đạo nhân viên an ninh của Alibaba đập xe cẩu khi lực lượng chức năng đang cưỡng chế công trình vi phạm tại xã Tóc Tiên”, bà này còn nói:  “An ninh đâu, nghe chị nói không. Đập chiếc xe cẩu này cho chị luôn”.

Mời đọc thêm: Nhiều người mặc áo ‘Tập đoàn địa ốc Alibaba’ đến trụ sở công an đòi thả người (TN). – Bà Rịa – Vũng Tàu: Nhiều người mặc áo “Tập đoàn địa ốc Alibaba” đến trụ sở công an đòi thả người (ĐSPL). – Tạm giữ hình sự 2 đối tượng liên quan đến địa ốc Alibaba (TĐ). – Tạm giữ 2 đối tượng để điều tra về hành vi cố ý làm hư hỏng tài sản (VOV).

Sai phạm trong sử dụng đất công

Báo Pháp Luật TP HCM có bài: Hàng loạt sai phạm trong sử dụng đất công sản tại Quảng Ngãi. Thanh tra tỉnh Quảng Ngãi công bố kết luận thanh tra sai phạm đất đai tại 6 huyện và thành phố thuộc tỉnh này, nhiều tài sản là nhà, đất công bị sử dụng sai mục đích hoặc quản lý yếu kém gây thất thoát, “không báo cáo, đề xuất để lãng phí đất công hoặc cho tư nhân thuê đất với giá rẻ hay để họ chiếm dụng mà không có biện pháp thu hồi”.

Sai phạm ở Huyện ủy Đắk Hà, Kon Tum: Cho tư nhân “xẻ thịt’ đất công viên, Ban Thường vụ huyện bị kiểm tra, theo báo Tiền Phong. Bài báo cho biết, UBKT Tỉnh uỷ Kon Tum đã ra quyết định kiểm tra sai phạm đối với Ban Thường vụ Huyện uỷ Đắk Hà nhiệm kỳ 2015 – 2020, trong vụ đầu tư xây dựng Công viên Đắk Hà và Công viên 24/3.

Ông Đoàn Ngọc Thắng, Chủ tịch UBND huyện Đắk Hà đã đề nghị cấp có thẩm quyền chuyển mục đích sử dụng đất công cộng, ở hai khu công viên nói trên, sang mục đích thương mại – dịch vụ cho các tổ chức cá nhân liên quan.

Trang Người Đồng Hành bàn về vụ thoái vốn Vinachem: Tâm điểm những lô đất vàng. Tập đoàn hóa chất VN (Vinachem) đang đẩy mạnh việc thoái vốn khỏi các đơn vị thành viên, “vốn hiện có kết quả kinh doanh èo uột nhưng có điểm nhấn ở quỹ đất đang quản lý, sử dụng khá lớn”. Nói cách khác, “điểm nhấn” đó là cái vốn cuối cùng mà các doanh nghiệp “quả đấm thép” có thể níu kéo hơi tàn sau chuỗi ngày chìm trong lỗ lã và nợ nần.

Như doanh nghiệp cao su Sao Vàng “có đến 212.538m2 đất khu công nghiệp tại KCN Châu Sơn; đất kinh doanh tại Đà Nẵng, Thái Bình, Vĩnh Phúc; đất văn phòng thương mại tại Hà Nội, TP HCM. Đặc biệt là lô đất vàng 62.438m2 tại số 231 Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân, Hà Nội”.

Báo Pháp Luật Plus đưa tin: HDTC đưa đối tác ra tòa nhằm lấy lại “đất vàng” đã bán nhưng bất thành. Bài viết bàn về tranh chấp đất đai giữa Công ty SGCL và Công ty HDTC. Công ty HDTC đã nhận tiền chuyển nhượng một khu đất của dự án Khu đô thị An Phú – An Khánh, quận 2, thành Hồ từ năm 2005, nhưng đến nay vẫn không chịu sang tên sổ đỏ, khiến đối tác không thể thực hiện dự án. Không những vậy, HDTC còn kiện đối tác hòng “chiếm” lại đất nhưng bất thành.

Đại diện SGCL cho biết, sau khi bản án phúc thẩm được tuyên (phía tòa án không chấp thuận kháng cáo của HDTC), “gần đây đã có một số thông tin đăng tải một cách suy diễn một chiều … dẫn đến quy chụp việc HDTC chuyển nhượng khu đất trên cho SGCL với giá rất thấp so với giá thị trường, làm thất thoát tài sản Nhà nước”.

Mời đọc thêm: Việt Nam có trên 10 triệu ha đất đang có nguy cơ bị suy thoáiĐịa phương đùn đẩy, dân xây nhà lấn chiếm gần 200m2 đất ở Thanh Hóa (VNN). – Vụ đua nhau “xẻ thịt” công viên: Làm rõ dấu hiệu vi phạm của lãnh đạo huyện (NLĐ). – Cần xử lý nghiêm sai phạm về quản lý đất đai ở thị trấn Sông Đốc (ND). – 4 gia đình tranh chấp nhau 1 mảnh đất ở Sơn La: Chủ tịch xã nói gì? (KT). – Nỗi đau mang tên “tranh chấp đất” (CATP). – Làm gì khi bị lấn chiếm, tranh chấp đất đai? (CafeLand).

Các quan địa phương cố ý làm trái

Chuyện ở Nghệ An: Chính quyền địa phương thu nhiều khoản trái quy định, theo báo Công Lý. Đó là vụ chính quyền xã Diễn Hoàng, huyện Diễn Châu, trong nhiều năm qua đã “tận thu” khoản tiền trái với quy định của Nhà nước với số tiền không nhỏ, bị người dân phản ánh. Đến nay, chuyện “sửa sai” của địa phương vẫn còn mang tính hình thức.

Theo đó, từ năm 2006 đến năm 2015, UBND xã Diễn Hoàng “đã thực hiện thu theo phương án thu hàng năm của địa phương, với số tiền 6.000 đồng/sào đất nông nghiệp, và từ 2016 đến 2018 là 10.000 đồng/sào đất nông nghiệp”, gọi là “Quỹ hỗ trợ hoạt động xã hội” để phục vụ cho các hoạt động của xã.

Chuyện ở Sóc Trăng: Ban hành quyết định trái pháp luật, nguyên Phó Chánh án bị truy tố, theo báo Dân Trí. Bài viết nhắc lại vụ kiện tranh chấp nhà đất giữa ông M và bà L ở TP Sóc Trăng. Thẩm phán Nguyễn Văn Thanh Bình, Phó Chánh án TAND TP Sóc Trăng được phân công thụ lý vụ kiện và đã ký quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời cấm ông M và bà N (người mua căn nhà tranh chấp từ ông M) chuyển nhượng, mua bán căn nhà.

Hậu quả: “Do quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời nên bà N. không làm được thủ tục sang tên nhà đất cho người khác và phải đền tiền cọc 2 tỉ đồng. Bà N. gửi đơn yêu cầu TAND TP Sóc Trăng bồi thường”. VKSND tối cao đã hoàn tất cáo trạng truy tố ông Bình.

Mời đọc thêm: Bình Giang – Hải Dương: Tuỳ tiện thu, chi nhiều tỷ đồng trái quy định (Thanh Tra). – Truy tố cựu Phó chánh án TAND TP Sóc Trăng (PLTP). – Truy tố nguyên Phó chánh án ra quyết định trái pháp luật (MTG). – Xét xử vụ án làm trái quy định quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng (Tin Tức).

Nguyễn Hữu Linh: Sao phải xử kín?

Sau khi LS Trần Bá Học đề nghị điều tra bổ sung, VKSND quận 4, TP HCM không đồng ý kiến nghị trả hồ sơ vụ Nguyễn Hữu Linh, VTC đưa tin. Theo đó, phía VKS vừa hoàn trả lại hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung hành vi dâm ô người dưới 16 tuổi của ông Nguyễn Hữu Linh, cựu Phó Viện trưởng VKSND TP Đà Nẵng. VKSND Quận 4 nhận định hành vi của ông Linh là rõ, đủ căn cứ để truy tố như cáo trạng.

Trước đó, không chỉ LS Học mà cả TAND Quận 4 cũng cho rằng, nếu chỉ dựa vào phần nội dung bao gồm những lời khai tại cơ quan công an, biên bản hỏi cung, biên bản cáo trạng, để kết luận điều tra về hành vi ấu dâm của ông Linh “là chưa rõ ràng”.

Zing có bài: Xử kín Nguyễn Hữu Linh và những bất an, nghi kỵ từ cộng đồng. LS Lê Nguyễn Duy Hậu phân tích, “rất nhiều người đang lo ngại rằng việc không đưa ông Linh ra xét xử công khai (hay thậm chí là xử lưu động) là một sự thất vọng và là một nguy cơ vụ án không được xét xử đúng người, đúng pháp luật. Thực tế thì đây là lo ngại có cơ sở và đó là lý do mà không phải khi nào thì xét xử kín cũng được ủng hộ”.

Mời đọc thêm: Xử kín Nguyễn Hữu Linh, quyền lợi của bị hại đặt lên trên hết (LĐ). – Bị hại trong vụ án Nguyễn Hữu Linh sẽ không dự phiên tòa ngày 25/6 (ANTT). – Lý, tình việc xử kín ông Nguyễn Hữu Linh (PLTP). – Đề nghị truy tố thầy giáo lợi dụng dạy thêm dâm ô đối với học sinh (SGGP). – Vụ người đàn ông dí sát điện thoại vào vùng kín bé gái: Người mẹ tuyên bố đưa ra công an, sai tới đâu xử lý tới đó (TQ).

Tin giáo dục

Báo Giáo Dục VN đặt câu hỏi: Giáo viên đàng hoàng, giỏi nghề, sao phải sợ hợp đồng? Bài viết nhận định tình hình quản lý giáo dục đầy khiếm khuyết ở VN: “Với thực trạng của chúng ta, những tiêu cực trong giáo dục được đăng tải trên báo chí, giáo viên vùng khác, trường khác nhận xét ‘Sao chuyện này giống trường mình’! Cán bộ quản lý thích làm sao thì làm, không căn cứ vào luật pháp”. Khái niệm “hợp đồng” đang trở thành nỗi ám ảnh với giáo viên vì họ có thể bị mất việc bất cứ lúc nào.

Viet Times dẫn lời Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Bình: Nhiều học sinh phải thi lại môn Ngữ văn là “lỗi” của cán bộ coi thi. Hơn 6.400 học sinh toàn tỉnh Quảng Bình phải thi lại môn Ngữ văn trong kỳ thi THPT Quốc gia 2019 vừa diễn ra, ông Đinh Quý Nhân – GĐ Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Bình thừa nhận, sự cố nói trên xảy ra là do lỗi của cán bộ coi thi đã ký nhầm vào ô dành cho cán bộ chấm thi.

Cách giải quyết “công bằng” của quan chức giáo dục tỉnh Quảng Bình: “Đối với sự cố trùng đề thi thì chỉ là ngẫu nhiên, nhưng nếu để vậy là không công bằng, nên Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Bình đã quyết định cho toàn bộ học sinh trên địa bàn tỉnh thi lại môn Ngữ văn”.

VTC có clip: Nhìn lại những lỗ hổng trong kỳ thi THPT Quốc gia 2018.

Mời đọc thêm:  Đào tạo “chui” ở trung tâm ngoại ngữ quốc tế (TN). – “Từ bục giảng tôi bị đá thẳng xuống…chuồng lợn”Nhà trường, giáo viên và phụ huynh cùng đua thành tíchĐừng chở mùa hè của con đến các trung tâm gia sư (GDVN). – Hà Nội phát hiện 2 trang web rao bán thiết bị gian lận thi cử (GDTĐ).

Đạo đức băng hoại

Báo Thời Đại đưa tin: Bé trai 6 tuổi bị mẹ bạo hành dã man ở Tây Ninh. Công an tỉnh này vừa xác nhận, đang điều tra vụ bé T.N.M.T. (6 tuổi) bị chính mẹ ruột bạo hành dã man. Bé trai này đã nhập viện “với tình trạng khắp người có rất nhiều vết thương bầm tím, nhiều vết còn đỏ. Đáng nói, vết thương đỏ ửng trên đầu, sưng húp, hai bên mang tai bầm tím, có dấu móng tay bấm, mắt một bên bầm tím”.

Bé T kể,  mẹ của bé và cô Th (người phụ nữ sống cùng nhà) đã nhiều lần đánh cháu bằng cây sắt và cán chổi loại lớn. Công an đã lấy lời khai ban đầu và hai người phụ nữ này đã thừa nhận có đánh cháu T tại căn nhà trọ, nơi cả hai thuê để sống như tình nhân.

Vụ truy sát 3 người ở Quảng Nam: Mất tình làng nghĩa xóm vì cái chuồng heo, theo báo Thanh Niên. Đó là vụ một nhóm người truy sát 3 cha con ở thôn Xuân Quý, xã Tam Thăng, TP Tam Kỳ, khiến 1 người chết, 2 người bị thương, nguyên nhân chỉ vì gia đình nạn nhân nuôi heo gây ô nhiễm, lời qua tiếng lại với thủ phạm.

Báo Người Lao Động dẫn lời Bí thư Quảng Nam nói về vụ truy sát vì cái chuồng heo: Trách nhiệm chính quyền ra sao? Sáng 17/6, ông Phan Việt Cường, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam nói về trách nhiệm của đoàn thể, ban công tác mặt trận, chính quyền địa phương: “Người dân có báo cáo với chính quyền về việc ô nhiễm môi trường hay không mà chúng ta không gần gũi với 2 gia đình để hòa giải  dẫn đến kết cục đau lòng như vậy”.

Mời đọc thêm: Vụ mẹ cùng bạn tình đồng tính bạo hành con: Tình sử bất ngờ của người mẹ trẻ (NĐT). – Vụ bé trai 6 tuổi bị bạo hành tại phòng trọ: Mẹ và người tình đồng tính nhiều lần đánh bằng cán chổi, gậy sắt (SS). – Ba cha con ở Quảng Nam bị truy sát ngay tại nhà: Mâu thuẫn chỉ vì cái chuồng heo bị “bốc mùi” (VH). – Ba cha con bị 20 người truy sát: Kẻ chém chết người không thù không oán với nạn nhân (VTC). – Vụ côn đồ truy sát chấn động vùng quê: Chính quyền địa phương ở đâu? (TN). – Làng quê bất an vì côn đồ (ĐĐK).

***

Thêm một số tin: Thông tin mới về vụ nổ khiến 11 người thương vong ở Cam Ranh (PT). – Hải Phòng: Xôn xao vụ chiến sĩ sinh năm 1963, nhập ngũ năm 1965 (DV). – Hai Bà Trưng, Hà Nội: Ai chịu trách nhiệm về những sai phạm tại PKĐK Quốc tế Cộng Đồng? (TH&PL). – Vụ Thượng úy CSGT thua kiện Chủ tịch xã: Chứng cứ mới (ĐV).

Bình Luận từ Facebook

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây