Một số bộ trưởng nên cho… xuống hạng!

Bá Tân

3-6-2019

Không thể có chuyện sau khi lọt vào ngoại hạng, kết thúc mùa giải bét bảng mà vẫn cứ trơ lỳ ở lại ngoại hạng. Đội bét bảng ngoại hạng, dù không muốn, vẫn phải chua chát ngậm ngùi xuống hạng.

Quan chức cũng vậy, năng lực điều hành quản lý kém, phẩm chất thiếu gương mẫu, nếu không cho xuống hạng sẽ gây ra tai họa cho xã hội.

Trong dàn bộ trưởng hiện thời, ít nhất có 3 vị đủ “tiêu chuẩn” đáng bị… xuống hạng. Trước hết là Bộ trưởng Bộ Giáo dục – Đào tạo. Bộ này, trong mấy nhiệm kỳ vừa qua, trở thành điểm nóng của dư luận xã hội. Từ khi Bộ trưởng Bộ GD-ĐT rơi vào tay ông Phùng Xuân Nhạ, ngành này càng trở nên bát nháo, rối ren.

Bạo lực học đường không những không giảm mà còn gia tăng. Học trò đánh học trò. Giáo viên bạo hành học sinh. Phụ huynh “thượng cẳng chân, hạ cẳng tay” với giáo viên. Gian lận thi cử tràn lan, học sinh kém được “hóa kiếp” thành thủ khoa. Lại còn tệ nạn giáo viên xâm hại tình dục học trò. Một số trường học bây giờ y như là cái chợ do bọn đầu gấu cai quản. Chợ quê ngày xưa yên lành hơn trường học thời nay.

Ngành giáo dục be bét như thế, người đứng đầu không bị xuống hạng thì chỉ được cho một người nhưng hại muôn người. Bộ trưởng Bộ GD-ĐT hiện thời đang là đối tượng phải được giáo dục cả về năng lực điều hành quản lý, cũng như phẩm chất đạo đức làm quan.

Kế đến là Trần Tuấn Anh, Bộ trưởng Bộ Công thương, rất xứng đáng bị … xuống hạng. Điện, xăng liên tục tăng giá, bất chấp thu nhập và mức sống của số đông dân chúng như thế nào. Điện, xăng trở thành “con bò sữa” của nhóm lợi ích, nhưng lại là “con đĩa đói” với người dân. Trần Tuấn Anh cai quản trận địa ấy, hái lộc tính bằng đơn vị núi, chẳng lẽ trách nhiệm là con số không? Nói theo ngô, ngữ bóng đá, “chơi” kiểu đó mà không xuống hạng, là dùng thủ thuật mua độ (bán độ, mua độ thường đi liền với nhau).

Với Trần Tuấn Anh, chỉ riêng phi vụ huy động xe công ra tận chân cầu thang máy bay đón vợ (vợ hai), thừa “tiêu chuẩn” phải rời ghế bộ trưởng. Ở các nước văn minh và phát triển, kiểu chơi ngông như Trần Tuấn Anh sẽ không thoát khỏi hậu quả tự nguyện từ chức, hoặc sẽ bị cách chức.

Sẽ là thiếu sót lớn nếu “điểm danh” số bộ trưởng đáng xuống hạng mà bỏ quên ông Nguyễn Văn Thể, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải.

Ba Bộ trưởng mà tác giả gọi tên. Hàng trên (trái) Phùng Xuân Nhạ, (phải) Trần Tuấn Anh, (dưới) Nguyễn Văn Thể. Photo Courtesy

Thu phí BOT tràn lan và vô tội vạ, tạo ra thảm cảnh “đồng khởi” phản đối khắp cả nước. Một số trạm thu phí BOT chẳng khác chi những kẻ trấn lột.

Thu phí đổi thành “thu giá”, hiện đang có dự định “cải tên” thành “thu tiền”. Người dân thường vừa có hiểu biết, vừa coi trọng đức hạnh, hành xử theo lẽ sống, biến cái phức tạp thành cái đơn giản, biến cái nhỏ thành cái không có. Một số quan chức thời nay, điển hình là Bộ trưởng Bộ GTVT, hành xử theo hướng đối nghịch: Biến cái đơn giản thành cái phức tạp, biến cái nhỏ thành cái to.

Chất lượng cầu, đường (nhất là đường) xuống cấp ngoài sức tưởng tượng. Tình trạng vá víu xảy ra khắp nơi. Tỷ lệ thất thoát, thực chất là A-B chia nhau bỏ túi, từ một con số trước đây, hiện thời “tăng trưởng” lên 2 con số.

Với những “công trạng” kinh hoàng như vậy, Bộ trưởng Bộ GTVT không bị xuống hạng, khác chi giao cho kẻ say rượu bét nhè cầm vô lăng chạy thục mạng trên tuyến đường đông người.

Ở đâu và thời nào cũng vậy, chọn người chỉ vì một người (hoặc một nhóm lợi ích) sẽ gây họa cho muôn người. Làm nhân sự cũng như thầy thuốc, cứu 1 người mà gây hại cho muôn người, hành vi ấy được gọi là tội ác.

Bình Luận từ Facebook

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây