Nỗi buồn chất vấn

Mai Quốc Ấn

3-6-2019

Là một cử tri, tôi quan tâm sát sao đến các phiên chất vấn của Quốc hội. Có đôi lúc bức xúc vì nhiều Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) hỏi mà như… “câu giờ”, hỏi mà chưa nắm kỹ vấn đề mình đã hỏi. Hay tệ hơn, biến nghị trường thành diễn đàn “bảo vệ ngành” của những đại biểu kiêm nhiệm.

Từ ngày mai, 4/6/2019, là phần chất vấn của Quốc hội dành cho Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và các bộ trưởng 4 bộ gồm: ông Tô Lâm (Bộ Công an), ông Nguyễn Văn Thể (Bộ Giao thông vận tải), ông Nguyễn Ngọc Thiện (Bộ Văn hóa thể thao và du lịch), ông Phạm Hồng Hà (Bộ Xây dựng).

Bộ trưởng Công an Tô Lâm. Nguồn: ANTĐ

Nếu là ĐBQH, tôi sẽ hỏi gì bây giờ? Tự hỏi mình rồi cử tri Mai Quốc Ấn thử viết ra vài câu hỏi ngắn xem sao.

– Tôi sẽ hỏi ông Vũ Đức Đam, ông Nguyễn Ngọc Thiện về chùa. Rằng có thời nào chùa cũ lâu năm bị đập để làm chung chư, làm trung tâm thương mại; còn chùa mới được phép xây hoành tráng mà nhiều nơi thậm chí xây ăn vào di sản, vào thiên nhiên? Và vì sao, những hoạt động giàu màu sắc mê tín dị đoan như dâng sao giải hạn, giải vong trái chủ lại tồn tại nhiều năm bất chấp pháp luật mà chính quyền không ai hay biết cho đến khi báo chí thông tin?

– Với các bộ còn lại, do nhận thức thời gian cá nhân tại nghị trường có hạn nên tôi chỉ xin phép hỏi Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm. Câu hỏi liên quan đến ngành công an và cả Bộ Giao thông vận tải lẫn Bộ Xây dựng, gồm:

+ Bộ trưởng Tô Lâm nghĩ sao khi người dân bức xúc phản ứng dân sự với các BOT đặt sai vị trí thì luôn có lực lượng cảnh sát giao thông, cảnh sát cơ động (và cả an ninh) để bảo vệ các BOT ấy? Sẽ là bao nhiêu cán bộ, chiến sĩ công an ăn lương dân “trực” BOT cho đủ khi BOT sẽ tiếp tục xây? Điều đó có gây phản cảm cho dân và có làm phân tán lực lượng vũ trang công an đối với các nhiệm vụ khác hay không?

+ Căn cứ vào Hiến pháp 2013, Luật Bảo vệ Môi trường 2014, Bộ luật hình sự 2015 và Nghị định 38/2015 về quản lý chất thải thì hành vi đổ các loại chất thải như tro xỉ nhiệt điện, tro xỉ nhà máy thép, tro xỉ nhà máy đốt rác với rất nhiều chất độc hại có thể bị khởi tố hay không? Ban hành các văn bản hướng dẫn dưới luật và sai luật để đem tro xỉ hoàn nguyên mỏ, làm đường giao thông và đặc biệt là san lấp nền chung cư có thể gây ảnh hưởng đến con người lẫn môi trường thì có thể coi là tội phạm môi trường hay không? Tro xỉ các loại nói trên rất độc hại và chỉ riêng nhiệt điện có thể phát sinh đến 340 triệu tấn từ năm 2030, thì việc phát tán tro xỉ trái Hiến pháp, trái pháp luật có khiến cho Bộ trưởng Bộ Công an suy nghĩ về việc phá hoại quốc gia này một cách có chủ đích hay không?

Thực sự, cử tri Mai Quốc Ấn mong sẽ có Đại biểu Quốc hội hỏi như vậy. (Riêng trong thực tế trải nghiệm cá nhân và các số liệu gây ảnh hưởng của tro xỉ, tôi có thể khẳng định là các hành vi đổ ngoài điểm quy định đều rất khó xóa dấu vết. Dĩ nhiên, lấy mẫu đối chiếu sẽ ra kết quả gì càng có thể đoán được. Chỉ là khó hiểu vô cùng khi chỗ phạt, chỗ không.)

Có một vấn đề khác cần được nhắc lại với cả Quốc hội và Chính phủ: Thông điệp của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vào ngày 18/11/2017 có nhấn mạnh sẽ “thay ngay những cán bộ “giao mãi không chịu làm””. Không rõ Quốc hội có giám sát và Chính phủ có thực hiện điều này không? Vì cử tri Mai Quốc Ấn quan sát lâu nay thấy có khá nhiều bộ, ngành hứa trước Quốc hội. Nhưng việc hứa mà không làm thì báo chí và nhân dân phản ánh rất rất nhiều. (Riêng vấn đề này, có ĐBQH nào muốn tôi chứng minh thì lại vô cùng dễ.)

Chỉ là vẩn vơ vài câu hỏi vì một cử tri nhỏ bé như tôi đang buồn quá. Nỗi buồn khi xem chất vấn và tự hỏi có bao giờ các ĐBQH và đại diện Chính phủ tại Quốc hội có bao giờ chất vấn nỗi buồn của chính họ không?

Nỗi buồn thì ai cũng có mà. Nhưng nỗi buồn đúng tinh thần “lo trước cái lo của dân” liệu có tồn tại trong những người ăn lương từ thuế dân hay không thì lại rất khó chứng minh…

Bình Luận từ Facebook

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây