Đã không lên án TQ xâm lược biển đảo, sao còn đề cao “thiện chí” của Trung Quốc như thế này?

Nguyễn Ngọc Chu

3-6-2019

Suốt cả bài diễn văn, ông Ngô Xuân Lịch không có một lời phê phán Trung Quốc xâm chiếm biển đảo của Việt Nam, bồi đắp đảo nhân tạo, quân sự hóa Biển Đông Nam Á, xua đuổi, đâm chìm thuyền cá ngư dân Việt Nam, cấm ngư dân Việt Nam đánh bắt cá trong vùng biển Việt Nam. Trái lại, chỉ thấy Trung Quốc và Việt Nam đang “thống nhất duy trì” hòa bình, ổn định trên Biển Đông Nam Á.

Đã không lên án TQ xâm lược biển đảo, sao còn đề cao “thiện chí” của Trung Quốc như thế này?

1. Ai cũng biết Trung Quốc nói một đường làm một nẻo. Và mục tiêu chiếm đoạt BIỂN ĐÔNG NAM Á của Trung Quốc là không thay đổi và không khoan nhượng. Chỉ có áp lực quốc tế mới làm cho Trung Quốc phải thay đổi cách xâm chiếm và trì hoãn sự toàn thắng về mục tiêu xâm chiếm của Trung Quốc.

2. Việc Việt Nam và các nước ASEAN yêu cầu Trung Quốc ngồi đàm phán về BIỂN ĐÔNG NAM Á, đòi hỏi Trung Quốc tuân thủ luật pháp quốc tế trong đó đặc biệt là Công ước Liên hợp quốc về luật biển (UNCLOS), và thiết lập Bộ quy tắc ứng xử trên biển (COC) là điều cần thiết.

Thế nhưng phải xác định trước rằng, đàm phán chỉ là kế sách kéo dài thời gian của Trung Quốc. Và ý thức trước rằng, có thể phí thời gian cho Trung Quốc câu giờ, nhưng vẫn phải làm, vì đó là cách vạch mặt Trung Quốc trước cộng đồng quốc tế.

Điều cần xác định trước một cách không nghi ngờ, là không bao giờ đạt được một thoả ước đúng nghĩa với Trung Quốc. Vì nếu Trung Quốc ký vào một thoả ước thì chỉ có hai điều kiện xảy ra: Một là thoả ước đó có lợi thế nhiều hơn cho Trung Quốc; Hai là, nếu không có lợi thế áp đảo, thì Trung Quốc sẽ tìm cách không thực hiện thoả ước.

Biết rõ điều đó để xác định đúng mục tiêu và âm mưu của Trung Quốc, rằng mọi đề nghị của Trung Quốc chỉ là một trò chơi ngoại giao và mỵ công luận.

3. Nhưng tướng Nguỵ Phương Hoà lại đã quá thâm mưu. Ngay trước diễn đàn Shangri-La (31/5/2019), Nguỵ Phương Hoà làm một cuộc viếng thăm Việt Nam (27-29/5/2019). Rồi đưa nhử Việt Nam một chiếc bánh vẽ – cùng Việt Nam duy trì hoà bình ổn định ở Biển Đông Nam Á – điều chưa bao giờ có và sẽ không bao giờ có trên thực tế.

Mũi tên của Nguỵ Phương Hoà nhằm vào 2 đích.

Đích thứ nhất: Việt nam là nước bị Trung Quốc chiếm nhiều biển đảo nhất trong khu vực Asean. Đưa cho Việt Nam những hứa hẹn hoà bình ổn định ở Biển Đông Nam Á để Việt Nam không phê phán Trung Quốc ở Hội nghị Shangri-La.

Đích thứ hai: Shangri-La là diễn đàn mà các nước, trong đó nhất là Mỹ, chỉ trích mưu đồ và hành động càn rỡ của Trung Quốc ở Biển đông Nam Á. Nay Trung Quốc vừa đưa ra sáng kiến duy trì hoà bình ổn định ở Biển Đông Nam Á lại được Việt nam nhất trí ủng hộ. Việt Nam là nước bị Trung Quốc lấn chiếm biển đảo nhiều nhất mà không kêu thì các nước lấy cớ gì mà lên án Trung Quốc?

4. Trên thực tế, một cách vô tình, phát biểu của ông Ngô Xuân Lịch lại đề cao “sáng kiến” của tướng Nguỵ Phương Hoà tại diễn đàn Shangri-La. Và do đó, trở thành lá chắn chặn trước ý định của quốc tế phê phán hành động xâm lược ngang ngược của Trung Quốc trên Biển Đông Nam Á. Hãy nghe ông Ngô Xuân Lịch phát biểu:

“Biển Đông là một trong những khu vực chứa đựng đầy đủ các lĩnh vực cạnh tranh cả về kinh tế, quân sự, ngoại giao, tiềm ẩn nguy cơ xung đột. Nếu chúng ta cùng tuân thủ luật pháp quốc tế, có trách nhiệm và thiện chí thì Biển Đông sẽ trở thành vùng biển hòa bình hợp tác và phát triển”.

“Cách đây vài ngày tại Hà Nội, tôi và Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa đã thống nhất rằng Việt Nam và Trung Quốc có sự khác biệt đối với vấn đề Biển Đông, nhưng duy trì hòa bình, hợp tác là lợi ích chung của hai nước và khu vực. Đó là nền tảng để biến Biển Đông thành vùng biển “Hòa bình – hợp tác – phát triển”. Trên cơ sở đó mà thu hẹp bất đồng, từng bước giải quyết mâu thuẫn, tranh chấp, không để xảy ra xung đột” (Lao động, 02/6/2019).

5. Như vậy, thay vì phải lên án Trung Quốc xâm chiếm biển đảo của Việt Nam thì ông Ngô Xuân Lịch lại đi quảng bá cho Trung Quốc đã có sáng kiến bảo vệ hoà bình ở Biển Đông Nam Á. Đã thế, ông Lịch lại còn ca ngợi và đặt lòng tin vào một tên đại bợm với sứ mệnh “Cộng đồng chung vận mênh”:

“Tôi tin Trung Quốc luôn ý thức về vai trò nước lớn của mình ở khu vực, họ đang khởi xướng ý tưởng xây dựng ‘Cộng đồng chung vận mệnh’, sẽ ủng hộ, cùng Việt Nam và các nước biến điều đó thành hiện thực”.

Tiếp theo, ông Lịch đặt Việt Nam vào cùng một bè chung chí hướng với Trung Quốc:

“Làm được như vậy, Trung Quốc và Việt Nam sẽ đóng góp một “mô hình tốt” cho việc “Giải quyết tranh chấp trong không khí hòa bình; Với tinh thần đối tác; Vì trách nhiệm cộng đồng.”

Như thế là đã loại thế giới ra khỏi lo lắng về Trung Quốc bành trướng xâm chiếm Biển Đông Nam Á. Vì Việt Nam và Trung Quốc “đóng góp một mô hình tốt cho việc giải quyết tranh chấp; Với tình thần đối tác; Với trách nhiệm cộng đồng”.

6. Suốt cả bài diễn văn, ông Ngô Xuân Lịch không có một lời phê phán Trung Quốc xâm chiếm biển đảo của Việt Nam, bồi đắp đảo nhân tạo, quân sự hóa Biển Đông Nam Á, xua đuổi, đâm chìm thuyền cá ngư dân Việt Nam, cấm ngư dân Việt Nam đánh bắt cá trong vùng biển Việt Nam. Trái lại, chỉ thấy Trung Quốc và Việt Nam đang “ thống nhất duy trì” hòa bình, ổn định trên Biển Đông Nam Á.

7. Một lần nữa phải khẳng định rằng, Việt Nam không có tranh chấp với Trung Quốc, chỉ có Trung Quốc xâm chiếm biển đảo của Việt Nam. Không hiểu tại sao nhiều quan chức Việt Nam luôn luôn nhầm lẫn.

P/S: Dưới đây là toàn văn phát biểu của ông Ngô Xuân Lịch.

Bộ trưởng Quốc phòng Ngô Xuân Lịch phát biểu tại Đối thoại Shangri-La 2019, ngày 2.6.2019. Ảnh: TTXVN

Thưa Ngài Chủ tịch, Tiến sĩ John Chipman!

Thưa toàn thể các quý vị!

Trước tiên, tôi xin chân thành cảm ơn Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế, Chính phủ và Bộ Quốc phòng Singapore đã mời tôi dự và chia sẻ với quý vị tại Đối thoại lần này. Qua 17 lần tổ chức, Đối thoại Shangri-La đã khẳng định được vị trí, vai trò cũng như sức hút của mình như một trong những diễn đàn hàng đầu về đối thoại an ninh khu vực và quốc tế, chia sẻ quan điểm để hướng tới hợp tác vì hòa bình, ổn định và phồn vinh ở khu vực.

Tôi đánh giá cao chủ đề mà Ban Tổ chức đặt ra ngày hôm nay là “Ngăn ngừa xung đột tại các lĩnh vực có cạnh tranh”. Đây là vấn đề vừa mang tính thời sự, cấp thiết, vừa mang tính cơ bản, lâu dài, nhằm tìm kiếm các giải pháp thu hẹp khác biệt, giảm thiểu nguy cơ xung đột, duy trì môi trường hòa bình, ổn định để Châu Á – Thái Bình Dương ngày càng phát triển, thịnh vượng như nguyện vọng của tất cả chúng ta.

Thưa toàn thể các quý vị!

Nhìn vào bức tranh toàn cảnh an ninh thế giới và khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, chúng ta thấy hòa bình, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế lớn, dòng chảy chính và lợi ích chung của các nước. Tuy nhiên, chúng ta vẫn phải đối mặt với những thách thức an ninh, những vấn đề phức tạp; trong đó có sự cạnh tranh chiến lược giữa các nước, nhất là các nước lớn.

Châu Á – Thái Bình Dương có vị trí địa – chiến lược ngày càng cao, sức hút ngày càng tăng thì sự cạnh tranh lợi ích chiến lược ngày càng quyết liệt hơn. Cạnh tranh diễn ra phức tạp với tầm mức cao hơn, cả toàn cầu và khu vực; mở rộng trên nhiều lĩnh vực, cả chính trị, ngoại giao, kinh tế, thương mại, tài nguyên, môi trường, chủ quyền lãnh thổ, biển, đảo, không gian mạng; liên quan đến cả an ninh truyền thống và phi truyền thống.

Nguyên nhân chủ yếu là sự phát triển và thay đổi nhanh chóng về tương quan lực lượng; sự khác biệt về lợi ích chiến lược; sự không nhất quán giữa lời nói và hành động; còn hành xử theo lối chính trị cường quyền, áp đặt, theo đuổi lợi ích vị kỷ, không thừa nhận và tôn trọng lợi ích chính đáng hợp pháp của các nước khác, cũng như lợi ích chung của khu vực và cộng đồng quốc tế…

Thưa toàn thể các quý vị!

Cạnh tranh là một tồn tại khách quan, là động lực cho phát triển xã hội, cạnh tranh đã, đang và sẽ tiếp tục hiện hữu. Tuy nhiên, cạnh tranh với mục đích khuất phục nhau, giành giật lợi ích của nhau, bao vây kiềm chế nhau sẽ dẫn đến căng thẳng, đối đầu, thậm chí là xung đột và chiến tranh. Điều này đang tiềm ẩn nguy cơ không thể coi thường.

Trong thế giới toàn cầu hóa, liên kết ngày càng chặt chẽ, sự phụ thuộc lẫn nhau ngày càng tăng, nếu xung đột xảy ra sẽ dẫn tới những hậu quả khôn lường, không chỉ ảnh hưởng đến các quốc gia trực tiếp liên quan mà còn tác động đến cả khu vực và thế giới.

Vấn đề quan trọng là cách thức xử lý cạnh tranh. Dù có khác biệt về lợi ích, nhưng nếu mọi quốc gia đều đặt hòa bình, ổn định lên trên hết thì chúng ta có thể hợp tác, tìm cách thu hẹp khác biệt, xử lý tranh chấp.
Ngược lại, nếu áp đặt, sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực để giải quyết, thì càng làm cho mâu thuẫn, tranh chấp gia tăng, kéo dài, dẫn đến xung đột. Chúng ta phải cùng nhau quản lí bất ổn, ngăn ngừa từ sớm các vấn đề cạnh tranh có thể dẫn đến xung đột, chiến tranh.
Muốn vậy, các bên phải tuân thủ luật pháp quốc tế; tôn trọng độc lập, chủ quyền, lợi ích chính đáng của mọi quốc gia; không sử dụng vũ lực và đe dọa sử dụng vũ lực, cũng như không có các hành động làm phức tạp thêm tình hình; tìm kiếm các lĩnh vực hợp tác cùng có lợi, xây dựng lòng tin, từng bước giải quyết mâu thuẫn, tranh chấp.

Đó là một quá trình lâu dài, phức tạp, đòi hỏi quyết tâm chính trị cao và sự chung tay hành động của mọi quốc gia, chứ không thể thụ động chờ đợi.

Trước các thách thức an ninh phức tạp thì việc ứng xử và hành động của các nước lớn có vai trò rất quan trọng. Sự không nhất quán và thiếu trách nhiệm của các nước lớn đều gây ra hoài nghi, thậm chí là bất an cho các nước vừa và nhỏ; thay vì làm dịu tình hình lại thổi bùng khác biệt, mâu thuẫn thành điểm nóng, dẫn đến xung đột.

Vì vậy, các nước lớn cần gánh vác trách nhiệm cao hơn trong các nỗ lực chung của khu vực, hành xử gương mẫu trong quan hệ quốc tế. Việc các bên liên quan ngồi lại với nhau, đối thoại để cùng tìm giải pháp hòa bình giải quyết tranh chấp, bất đồng là hành động tích cực, cần được ủng hộ, cổ vũ.

Thưa toàn thể các quý vị!

Việt Nam là quốc gia đã từng trải qua các cuộc chiến tranh, chịu nhiều đau thương, mất mát để giải phóng dân tộc, giành độc lập tự do, không chỉ cho dân tộc mình mà còn làm tròn nghĩa vụ quốc tế; hơn ai hết, chúng tôi thấu hiểu được giá trị của hòa bình. Việt Nam luôn khát vọng sống trong hòa bình, ổn định, hợp tác, cùng phát triển thịnh vượng.
Mục tiêu quốc phòng Việt Nam là bảo vệ độc lập, chủ quyền, lợi ích quốc gia – dân tộc, bảo vệ nền hòa bình của đất nước; giải quyết mọi tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế. Chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, tăng cường quan hệ hợp tác với các nước; tham gia bảo vệ hòa bình, ổn định, an ninh của khu vực và thế giới. Những nội dung đó là định hướng để giải quyết tranh chấp trong không khí hòa bình, với tinh thần đối tác, vì trách nhiệm cộng đồng.
Những năm qua, Việt Nam đã nỗ lực cùng các quốc gia trong khu vực và quốc tế xây dựng và thực hiện các cơ chế hợp tác, tham gia các diễn đàn đa phương; tổ chức thành công Hội nghị APEC, Hội nghị thượng đỉnh Mỹ – Triều lần thứ hai…

Chúng tôi sẽ tiếp tục chủ động, tích cực đóng góp cho các cơ chế hợp tác đa phương, thúc đẩy hòa bình, hòa giải, ngăn ngừa xung đột. Đó là mục đích và trách nhiệm của Việt Nam khi đảm nhiệm Chủ tịch ASEAN năm 2020 và ứng cử thành viên không thường trực Hội đồng Bảo an LHQ nhiệm kỳ 2020 – 2021.

Tinh thần đó thể hiện trong chính sách đối ngoại Việt Nam, mà một trong những văn kiện quan trọng là Sách Trắng quốc phòng. Việt Nam tiếp tục khẳng định rõ tính chất cơ bản của nền quốc phòng hòa bình, tự vệ; nêu rõ những thách thức quốc phòng, an ninh, những điều chỉnh chiến lược, cơ chế lãnh đạo, quản lí quốc phòng, tổ chức quân đội; xây dựng tiềm lực; đồng thời, minh bạch chính sách và khả năng quốc phòng Việt Nam.

Thưa toàn thể các quý vị!

Biển Đông là một trong những khu vực chứa đựng đầy đủ các lĩnh vực cạnh tranh cả về kinh tế, quân sự, ngoại giao…, tiềm ẩn nguy cơ xung đột. Với vị trí địa – chính trị quan trọng, tiềm năng to lớn về nhiều mặt, nhiều quốc gia có lợi ích chiến lược ở Biển Đông. Nếu chúng ta cùng tuân thủ luật pháp quốc tế, có trách nhiệm và thiện chí, thì Biển Đông sẽ trở thành vùng biển hòa bình hợp tác và phát triển.

Chúng tôi đánh giá cao những tiến triển trong đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử giữa các bên ở Biển Đông (COC); việc sớm xây dựng một COC thực chất, ràng buộc, hiệu quả sẽ góp phần quan trọng duy trì hòa bình, ổn định, tự do, an ninh, an toàn hàng hải, hàng không ở Biển Đông.

Việt Nam mong muốn các bên liên quan tăng cường đối thoại, tham vấn, cùng nhau quản lý rủi ro và ngăn ngừa xung đột. Việt Nam đã, đang và sẽ hợp tác với Trung Quốc và các nước có liên quan, kiên trì thúc đẩy giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế.

Tổng Bí thư – Chủ tịch Nước Việt Nam Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định “kiên quyết, kiên trì bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền và các lợi ích chính đáng của Việt Nam theo luật pháp quốc tế”.

Chủ trương nhất quán của Việt Nam là: Các vấn đề liên quan đến hai nước thì giải quyết song phương, các vấn đề liên quan đến nhiều nước thì giải quyết đa phương; bảo đảm hài hòa lợi ích của các bên và lợi ích chung của khu vực. Giải quyết tranh chấp, mâu thuẫn ở Biển Đông trong không khí hòa bình, với tinh thần đối tác, vì trách nhiệm cộng đồng.

Tinh thần đó được đề cập trong các cuộc gặp, trao đổi giữa lãnh đạo Bộ Quốc phòng Việt Nam và Trung Quốc. Cách đây vài ngày tại Hà Nội, tôi và Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa đã thống nhất rằng, Việt Nam và Trung Quốc có sự khác biệt đối với vấn đề Biển Đông, nhưng duy trì hòa bình, hợp tác là lợi ích chung của hai nước và khu vực. Đó là nền tảng để biến Biển Đông thành vùng biển “Hòa bình – hợp tác – phát triển”. Trên cơ sở đó mà thu hẹp bất đồng, từng bước giải quyết mâu thuẫn, tranh chấp, không để xảy ra xung đột.

Tôi tin Trung Quốc luôn ý thức về vai trò nước lớn của mình ở khu vực, đang khởi xướng ý tưởng xây dựng “Cộng đồng chung vận mệnh”, sẽ ủng hộ, cùng Việt Nam và các nước biến điều đó thành hiện thực. Làm được như vậy, Trung Quốc và Việt Nam sẽ đóng góp một “mô hình tốt” cho việc “Giải quyết tranh chấp trong không khí hòa bình; Với tinh thần đối tác; Vì trách nhiệm cộng đồng”.

Thưa toàn thể các quý vị!

Chúng ta đang có những cơ chế hợp tác khu vực hiệu quả do ASEAN dẫn dắt như: Diễn đàn An ninh khu vực ASEAN, Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á, Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN và Diễn đàn Biển ASEAN, Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN mở rộng… và các cơ chế khác như Đối thoại Shangri-La, Diễn đàn Hương Sơn Bắc Kinh, Hội nghị An ninh quốc tế Mátxcơva…, góp phần quan trọng kiểm soát bất ổn, cạnh tranh, ngăn ngừa xung đột.

Được thiết lập năm 2010 tại Hà Nội, ADMM+ là cơ chế hợp tác quốc phòng quan trọng hàng đầu giữa ASEAN và các nước đối tác; là diễn đàn để lãnh đạo quốc phòng các nước thành viên chia sẻ quan điểm, thảo luận về các vấn đề cùng quan tâm, tìm kiếm tiếng nói chung, xây dựng lòng tin, ngăn ngừa xung đột. Đồng thời, là cơ chế để lực lượng quân sự các nước thành viên triển khai hoạt động hợp tác thực chất, chia sẻ kinh nghiệm, phối hợp hành động và hỗ trợ nhau xây dựng năng lực thông qua các Nhóm chuyên gia.

Trong gần một thập kỷ qua, ADMM+ đã phát huy vai trò, hiệu quả trong cấu trúc an ninh khu vực đang định hình, gắn kết các thành viên, huy động sức mạnh cộng đồng để đối phó với những thách thức chung, góp phần duy trì hòa bình, ổn định ở khu vực và trên thế giới. Vì vậy, việc các nước lớn đề xuất mong muốn tham gia ADMM+ là điều dễ hiểu, phù hợp với xu thế chung, cần được ủng hộ.

Kỷ niệm 10 năm thành lập ADMM+ là dịp để các quốc gia thành viên cùng nhìn nhận các kết quả đạt được, rút ra những bài học bổ ích và định hướng cho sự phát triển trong tương lai.

Là Chủ tịch ASEAN năm 2020, Việt Nam mong muốn cùng các quốc gia thành viên ADMM+ xây dựng tầm nhìn tổng thể cho hoạt động hợp tác quốc phòng – an ninh của khu vực trong các thập kỷ tới, để ADMM+ phát huy vai trò ngày càng cao của một cơ chế mở và dung nạp, ngày càng đóng vai trò tích cực, trung tâm đối với những nỗ lực chung bảo đảm môi trường an ninh, hòa bình, ổn định tại Châu Á – Thái Bình Dương.

Thưa toàn thể các quý vị!

Châu Á – Thái Bình Dương đang ở giai đoạn chuyển mình trong một thế giới đầy biến động. Thách thức nhiều, nhưng vận hội và tiềm năng rất lớn. Trách nhiệm đặt lên vai mỗi chúng ta. Châu Á – Thái Bình Dương có tiếp tục là đầu tàu tăng trưởng kinh tế thế giới, là khu vực hòa bình, ổn định hợp tác, phát triển thịnh vượng hay không phụ thuộc rất nhiều vào hành động của chúng ta hôm nay; trong đó có vấn đề “ngăn ngừa xung đột tại các lĩnh vực cạnh tranh”.

Tôi lạc quan rằng với trách nhiệm trước cộng đồng, sự thiện chí và thực tâm của tất cả chúng ta nhằm tăng cường đối thoại, hợp tác, giải quyết bất đồng, khác biệt bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế thì những sóng gió, những khác biệt đang tồn tại không là và không thể ngăn cản bước tiến hướng tới mục tiêu cao cả là hòa bình, ổn định và thịnh vượng cho mỗi quốc gia và cả khu vực.

Xin trân trọng cám ơn!

(Lao Động 02/6/2019)

Bình Luận từ Facebook

1 BÌNH LUẬN

  1. Trước hội nghị Shangri-La, Ngụy Phượng Hòa đã đến Hà Nội, không phải chỉ để đưa ra cái bánh vẽ, mà chính là để đưa ra lời đe nẹt, buộc Hà Nội phải cho Ngô Xuân Lịch nói những điều không được một chút “phạm thượng” đối với Bác Kinh.
    Và Ngô Xuân Lịch đã làm rất tốt nhiệm vụ của một tên “tướng chư hầu”.

    Thật là nhục nhã!

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây