“Lời nói là cái bóng của hành động” (*)

Tương Lai

30-5-2019

Mênh mông thế sự để gió cuốn đi số 66

Chẳng trách chuyện ông Trọng phải ngồi để khai mạc hội nghị Trung ương. Đó là điều bất đắc dĩ, ai mà lường được chuyện rủi ro. Các cụ ta xưa chả đã dạy rằng “người tính không bằng trời tính” đó sao.

Trong trường hợp này, chỉ phải “toạ triều” chứ chưa đến nỗi phải “ngoạ triều” thì đã là phúc cho ông, cho vợ con ông rồi. Có lẽ bà vợ ông nên dẫn cậu con trai sửa một lễ tạ mà đưa lên chùa chăng? Và nên chăng các ông Vượng, bà Ngân, ông Phúc vì quá bận thì góp vào người cút rượu, người nải chuối, người bó hoa cho mâm lễ đậm đà, vượt ra khỏi phạm vi gia đình. Vì rằng, nếu ông Trọng mà “ngoạ triều” thì chắc các ông bà cũng phải “ngoạ” theo chứ không chỉ “toạ” như vừa rồi.

Không trách chuyện “toạ triều” mà chỉ trách những lời phát biểu trong buổi “toạ triều” khai mạc một Hội nghị của những quyết sách lớn, ông chỉ đặt ra những câu hỏi và những lời cảm thán chứ chưa thấy hé ra chút tia sáng nào cho đại sự đặt ra từ những câu hỏi ỡm ờ. Mà là “ỡm ờ” toàn là những vấn đề liên quan trực tiếp đến vận mệnh đất nướcsố phận của mỗi người dân. Không được phép có sự ỡm ờ mà phải thật tường minh khi nói đến những vấn đề trọng đại luôn là mối day dứt triền miên của những ai luôn ưu tư về vận nước suốt mấy thập kỷ qua.

Gọi là “ỡm ờ”, vì thoáng nhìn người ta biết được vẫn dáng dấp quen thuộc, giọng kẻ cả răn dạy của người muốn thể hiện quyền uy, từ cái vung tay đến cái nhếch mép cho dù đang “toạ triều”. Thế nhưng nội dung của những ngôn từ được buông ra có vẻ ngẫu hứng ấy vẫn không che được sự lúng túng, bấn loạn trong tư duy. Phải chăng có cái gì đó na ná như điều mà Lão Tử nói với Khổng Tử: “Trong đầu lúc nào cũng canh cánh suy nghĩ về công danh, tâm vì thế mà bất an, mưu lợi trong tâm, trí óc ắt phải phiền não“.

Mà thật ra, những bộn bề ông Trọng đặt ra đâu có gì mới, người ta đã nói từ lâu, rất lâu rồi. Mới chăng chỉ là thời điểm Trọng buộc phải đặt ra:

– Chiến lược là thế nào? Chúng ta định hướng mốc là đến năm 2026 là mốc, năm 2030 là mốc rất quan trọng (100 năm thành lập Đảng) và đến năm 2045 (100 năm thành lập nước).

– Vậy chúng ta định hướng, hình dung ra nước ta vào năm 2030 sẽ là thế nào?

– Đến năm 2045 nước ta sẽ hình dung như thế nào?

– Thời kỳ quá độ là thế nào?

– Đổi mới Chính trị và đổi mới kinh tế là thế nào? Rồi sẵn đà ngẫu hứng, ông dẫn dụ lan man “Lâu nay cứ nói ào ào. Đổi mới chính trị là đổi mới hệ thống chính trị, tổ chức bộ máy, nhân lực, phương thức, lề lối làm việc… hiểu cho đúng những cái đó. Cứ nói đổi mới kinh tế đồng thời đổi mới chính trị. Vừa rồi nói ta đổi mới kinh tế không chịu đổi mới chính trị. Bên ngoài người ta hiểu theo nghĩa là: chắc đổi mới thể chế chính trị đây, như vậy có được không?”.

Quan trọng nhất là ba “đại vấn đề” mà ông chỉ ỡm ờ hỏi chứ chưa thấy ông đưa ra câu trả lời trong toàn bộ phát biểu khai mạc Hội nghị TƯ 10: “Có nên xóa bỏ thành phần kinh tế nhà nước hay không? Đổi mới chính trị có phải là đổi mới chế độ chính trị không? Có cần phải sửa đổi điều lệ của Đảng CSVN hay không”!

Không trả lời vì đó là những vấn đề từng được nhiều người có trách nhiệm và một số những nhà nghiên cứu, những trí thức ưu tư về con đường phát triển của đất nước và vận mệnh của dân tộc đã đặt ra rất nghiêm túc và quyết liệt. Tôi vẫn giữ nguyên nỗi xúc động và lòng kính phục khi Phan Đình Diệu nói với tôi, một đảng viên: “đối với một đảng chính trị thì cái quyền lãnh đạo do mình độc chiếm một cách chuyên chế quí hơn, hay là do chiếm được bởi sự tín nhiệm thật sự của nhân dân là quí hơn? Tôi thì tôi tin là nếu đảng tự cải cách và đi theo con đường dân chủ hóa đó thì đảng có thể là được sự tín nhiệm cao của dân tộc trong mọi cuộc bầu cử dân chủ công khai và bình đẳng”. Và rồi anh thẳng thắn và dõng dạc nói lên điều ấy trên diễn đàn Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với tư cách là một uỷ viên Đoàn Chủ tịch UBTƯMT.

Rồi chính vì sự thẳng thắn và nghiêm túc đó, người ta gạt giáo sư Phan Đình Diệu ra khỏi danh sách đại biểu Quốc hội từ sau khoá VI! Phan Đình Diệu cười với tôi: “Thế là mình đã miễn cho ông khỏi phải thưa trình cái điều mình nói, rồi có khi cũng bị đuổi khỏi Mặt trận đấy”. Diệu đã biết trước điều ấy sẽ xảy ra “tôi sẽ làm gì cho đất nước thân yêu của tôi? Chao ôi, nghĩ đến sự bất lực của chính mình mà hổ thẹn. Tôi vẫn nghĩ rằng rồi một lúc nào đó tôi sẽ làm một con bọ thiêu thân. Nhưng con bọ thiêu thân chỉ có thể tự giết mình một lần. Vậy thì cái lần duy nhất ấy phải là lần nào đây? Sự thiêu thân có giúp được chút ích gì cho đồng loại hay không.

Người trí thức đích thực ấy đã viết trong nhật ký chuyến đi thăm Mỹ: “Thôi, giã từ ngươi! Ta sẽ đi về. Ta có một quê hương của ta, một quê hương cực khổ – cả sự cực khổ không thể tránh được và những cực khổ không đáng có – và ta yêu quý quê hương đó vô vàn. Cuộc đời ta, máu thịt ta gắn bó với quê hương đó. Ta chào ngươi, và ta mong rằng những ngày sống gần ngươi này sẽ có ích cho ta khi ta trở về đất nước của ta”! Một chế độ chính trị quyết loại bỏ những nhân cách và bản lĩnh trí thức như Phan Đình Diệu thì làm sao mà không tất yếu phải sụp đổ cơ chứ. Ấy thế mà Trọng vẫn ỡm ờ “đổi mới chính trị có phải là đổi mới chế độ chính trị không? Bên ngoài người ta hiểu theo nghĩa là: chắc đổi mới thể chế chính trị đây, như vậy có được không?”. Liệu có phải vì thế mà mới hôm kia thôi, ngày 27.5.2019, Hội trường Quốc hội đã nóng lên với 7 vấn đề mà bà Võ Thị Dung, đại biểu QH trong đoàn đại biểu QH tpHCM thẳng thắn đặt ra một cách dứt khoát và ngắn gọn.  Xin dẫn toàn văn ra đây:

Thứ nhất là nỗi lo về ngoại xâm. Trung Quốc đã ngang nhiên xâm chiếm biển đảo của nước ta, trước đây là quần đảo Hoàng Sa, nay là một số đảo thuộc quần đảo Trường Sa.

Đảng và Nhà nước đã có một số chủ trương đấu tranh kiên quyết, kiên trì bằng biện pháp hòa bình, nhưng họ thì ngày càng lấn tới. Đó là nỗi lo lớn về đại sự quốc gia.

Thứ hai là nỗi lo nội xâm, quốc nạn tham nhũng lớn, nhỏ, tham nhũng vặt ngày càng gia tăng, ăn sâu vào suy nghĩ của nhiều người. Việc gì cũng phải lót tay, phải lại quả, việc gì cũng phải có phong bì… gây nên một nếp sống nguy hại cho xã hội. Tình trạng lãng phí cũng là quốc nạn gắn với tham nhũng làm cản trở sự phát triển đi lên của đất nước.

Thứ ba là nỗi lo về suy thoái đạo đức xã hội. Đạo đức giả ngày càng lấn át đạo đức thật, chủ nghĩa thực dụng ngày càng phổ biến trong một bộ phận xã hội. Tính tham lam, ích kỷ, tệ dối trá, lừa đảo, cướp giật, giết người… mất an toàn trong vệ sinh an toàn thực phẩm và một số tệ nạn khác đang tạo ra sự bất an cho nhân dân.

Thứ tư là nỗi lo tụt hậu kinh tế. Năng suất lao động thấp, cộng với lãng phí cạn kiệt tài nguyên và các tiềm năng nguồn lực của đất nước; lo sự đổi mới chưa triệt để, chưa theo kịp sự phát triển của thế giới rất năng động và sáng tạo.

Thứ năm là nỗi lo về nợ công quá cao chưa có biện pháp giải quyết căn cơ, có ảnh hưởng lâu dài đến nền kinh tế và đời sống nhân dân. Lo bội chi ngân sách lớn và triền miên do còn tiêu xài quá đà, lãng phí chưa chịu dừng.

Thứ sáu là nỗi lo văn hóa dân tộc đang bị thiếu hụt xuống cấp. Con người thiếu hụt văn hóa thì làm sao có văn hóa.

Thứ bảy là nỗi lo thiếu kỷ luật, kỷ cương trong lãnh đạo, quản lý điều hành, dẫn đến tùy tiện, buông lỏng, qua loa, đại khái trong thực hiện, giảm hiệu lực chủ trương, chính sách pháp luật, làm trật tự xã hội suy yếu và mất dần động lực phát triển.

Giá mà các đại biểu QH khác cũng như vậy! Nghĩa là cũng đều có can đảm để trung thực và minh bạch nói lên thực trạng nhức nhối, ngột ngạt đang trĩu nặng tâm tư của người có lương tâm lo lắng cho  sự an nguy của đất nước và vận mạng dân tộc. Đang còn quá hiếm những người như vậy tại những cơ quan thâm nghiêm kín cổng cao tường gắn biển hiệu của dân do dân vì dân. Chắc là họ không muốn làm “con bọ thiêu thân tự giết mình một lần”. Xin thưa, phải có trí tuệ uyên bác, tình yêu nước cháy bỏng mới làm nên được một bản lĩnh Phan Đình Diệu. Quả là làm “con bọ vĩ đại” ấy không dễ. Nhưng học theo nhân cách và bản lĩnh ấy thì cũng không quá khó.

Thì đó, chị Võ Thị Dung chẳng đã rất bản lĩnh khi dõng dạc phát biểu công khai những điều mà ông Trọng vẫn lấp lửng đó sao. Đây là người phụ nữ hiền hậu mà tôi hân hạnh quen biết từ một chuyến ra Hà Nội họp Đại hội Mặt trận do chị hướng dẫn cách nay cũng khoảng 20 năm. Và một lần khác chị có mặt tại cuộc biểu tình chống Trung Quốc xâm lược để đứng cạnh tôi bên đường Lê Duẩn mà nhân danh Mặt trận TQ thành phố nhẹ nhàng năn nỉ tôi và Lê Hiếu Đằng rời khỏi chỗ đang đứng để tránh đụng độ nguy hiểm cho hai chúng tôi. Trước thái độ không mấy nhã nhặn của chúng tôi, chỉ vẫn đủ bản lĩnh để kiên trì nhỏ nhẹ thuyết phục để chỉ lặng lẽ bước đi khi Lê Hiếu Đằng lao ra trước mũi chiếc xe bắt người đang phóng chạy.

Thật vui khi hôm nay qua Facebook mà tôi đọc được những lời trung thực của một người đang nắm giữ trọng trách của thành phố mà sự trung thực đó e không khỏi gây khó khăn cho chị. Có thể có điều đó, nhưng ánh sáng le lói một que diêm đốt lên cũng góp phần làm sáng lên một tia hy vọng, xua bớt đi sự tối tăm ngột ngạt của bầu không khí “đạo đức giả ngày càng lấn át đạo đức thật…vì thế mà tràn lan “tệ dối trá, lừa đảo, cướp giật, giết người”.

Cái sự thật được nói lên đó đã phơi ra sự trơ trẽn bịp bợm của cái gọi là “nhìn tổng quát lại đất nước ta có bao giờ được thế này không? Triển vọng phát triển còn tốt lắm” mà tổng Trọng phát biểu tại Bắc Ninh ngày 13.1.2016 mà báo chí nhà nước từng giật những cái tít đậm. Người ta từng rần rần huy động những cây bút ăn lương nhà nước phối hợp với cái dùi cui cảnh sát dập tắt ngay chút ánh sáng le lói từ những que diêm ấy để ngăn chặn sự lan toả của nó. Chúng hiểu sức mạnh của “con bọ thiêu thân chỉ có thể tự giết mình một lần. Vậy thì cái lần duy nhất ấy phải là lần nào đây” nên đã bằng mọi cách sao cho “cái lần duy nhất ấy” không thể xảy ra và không bao giờ đến. Nhưng rồi sự ngu xuẩn và bất lực đó đang bị đẩy lùi vì, khi người ta nhìn về phía mặt trời thì bóng tối nằm ở phía sau lưng. Nhiều, ngày càng nhiều tiếng nói nhìn về phía mặt trời của sự thật, quyết đẩy lùi sự dối trá, xua tan bóng tối của sự lừa mị và đe nẹt doạ dẫm của bạo quyền.

Bằng chứng là tiếng nói chân thành và nghiêm túc của một số nhà khoa học có lương tri trong “cuộc chiến đấu chống lại những gì đã cũ kỹ hư hỏng để tạo ra những cái mới mẻ tốt tươi” vẫn bền bỉ và nhẫn nại tìm tòi nghiên cứu để đưa những kiến nghị có trách nhiệm mà trường hợp những công trình nghiên cứu nghiêm túc do Viện Nghiên cứu-Think Tank SENA, Trung tâm Đổi mới Văn hoá CIC có trụ sở ở 35 Điện Biên Phủ là một ví dụ. Xin trích ra đây vài dòng trong cuốn sách dày hơn năm trăm trang khổ lớn in màu gửi đến tất cả các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội và các đại biểu QH đúng vào ngày 19.5.2019:

Có tình trạng bất cập… là vì Lãnh đạo, Chính thể và Xã hội vừa muốn có các thành tựu mới, đưa Việt Nam từ một nước nghèo thành một Quốc gia Phát triển trong thế kỷ 21, nhưng … đã không thay đổi được “Lối Nghĩ cũ?”; “Cách làm cũ” trong thế kỷ 20… Thực tiễn cho thấy, sẽ không thể đến Mục tiêu mới bằng Con đường cũ và việc làm theo cách thức này đã nhiều năm đang dẫn xã hội đến bờ vực của suy thoái và khủng hoảng, do Chính trị và Thể chế “Xin – Cho” đã bành trướng tới mức bắt người Dân phải chấp nhận đi “Xin” cả những thứ vốn dĩ của mình, cũng như phải quen với việc Lãnh đạo các cấp tùy tiện đi “Cho” cả những của cải vô giá của đất nước, từ Vật chất đến Quyền lực… Việc không có một Hệ thống triết lý mới phù hợp với Khát vọng của Dân tộc và Xu thế phát triển tất yếu của Thế giới làm xã hội thì thiếu vắng Niềm tin, còn công tác Lý luận chính thống thì buộc phải hợp thức hóa các Triết lý bất cập …nhằm biện minh cho việc sao chép và lệ thuộc lối Nghĩ, lối Làm theo phương thức “Mệnh lệnh” và “Xin/Cho” trước đây.

Phải chăng đây là những gợi ý nghiêm túc với những luận cứ khoa học để đưa ra những trả lời công khai, minh bạch cho những câu hỏi mập mờ của ông Trọng? Liệu rồi những cố gắng bền bỉ, nhẫn nại, không kém dũng lược và đầy trách nhiệm kia có được tiếp nhận hay bị bác bỏ! Đây là một câu hỏi còn bỏ ngỏ. Nhưng ngay tắp lự thì đã thấy có sự đáp trả từ một số cơ quan của Hà Nội bằng cách gây áp lực đòi chiếm dụng ngôi nhà 35 Điện Biên Phủ là một ví dụ đáng buồn.

Đáng buồn, đúng hơn là đáng phẫn nộ về những thủ đoạn lắt léo của những ai đó nhân danh chính quyền nhà nước ở Thủ đô đã quyết dập bỏ một tiếng nói phản biện nghiêm cẩn và có trách nhiệm bằng sự thô bạo của quyền lực được phô diễn quá vụng về và rất xảo quyệt. Chính từ ngôi nhà ấy, nhiều tiếng nói phản biện nghiêm túc với những kiến giải có trách nhiệm về những vấn đề mà rồi hôm nay ông Trọng ỡm ờ đưa ra trong những câu hỏi tại Hội nghị TƯ 10. Càng đáng buồn hơn, đây lại chỉ là một trong rất nhiều những chuyện tồi tệ đã xảy ra. Để nói có sách, mách có chứng, bất đắc dĩ phải dẫn ra một ví dụ nhỏ mà bản thân người viết bài này là nhân chứng.

Cách nay đúng mười năm, theo lời mời của Tô Huy Rứa, Chủ tịch Hội đồng Lý luận TƯ, người kế nhiệm Nguyễn Phú Trọng, tôi viết bản tham luận “Về phương pháp luận nghiên cứu “Chủ thuyết phát triển” và “Tư tưởng Hồ Chí Minh” gửi trước đến Hội thảo do ông ta chủ trì khai mạc ngày 8.4.2009. .Và rồi, chiều 7.4.2009, một cán bộ khoa học vốn quen biết tôi, được Hoàng Chí Bảo, hình như là Thư ký và là người tổ chức hôi thảo khoa học này nhờ chuyển đến tôi lời đề nghị “Gs Tương Lai không nên đến dự Hội thảo”. Tôi cười “cũng tốt thôi, nhưng đề nghị đưa tham luận của tôi vào hồ sơ hội thảo để các đại biểu tham khảo và phê phán, sau đó chuyển những ý kiến đó cho tôi để tôi trả lời, và nếu có thể thì đưa vào Kỷ yếu của Hội thảo khoa học”. Nói là nói cho vui thế thôi, tôi thừa biết là chúng nó phải dấu vội bản tham luận ấy đi.

Mãi hai tuần sau, cũng người cán bộ khoa học tội nghiệp kia đến gặp tôi với nụ cười méo xệch, gượng gạo đưa ra môt phong bì: “đây là nhuận bút của bản tham luận, mong anh nhận cho”. Tôi cũng cười đưa trả cái phong bì và nhắn anh ta về nói với Hoàng Chí Bảo và quan thầy của hắn: “Tô Huy Rứa còn nợ tôi một câu trả lời nghiêm cẩn đấy. Tớ vẫn còn nhớ chuyện Rứa rất chu đáo khi mời tôi vào giảng xã hội học tại học viện, thường cùng với Trưởng khoa Xã hội học của Học viện Báo chí mấy lần ngồi cùng tiếp tôi trong bữa cơm trưa tại học viện mà Rứa là Giám đốc. Ông ta biết quá rõ quan điểm của tớ nhưng vẫn cứ mời tham luận mặc dầu tớ đã mấy lần từ chối. Tớ viết và gửi tham luận đến là do lời khuyên của anh Việt Phương: Họ mời mà mình không đến thì cũng chẳng hay, cứ đến để công khai và minh bạch nói rõ quan điểm của mình thì hay hơn”.

Tôi gửi trước bản tham luận để họ tiện ứng xử. Và rồi điều phải đến đã đến, Rứa đã thẳng thừng gạt bỏ bản tham luận và người viết đã bị gán cho cái tội “chệch hướng cực kỳ nguy hiểm”! Thì làm sao mà chúng tôi lại có thể chấp nhận một hướng đi đang và sẽ dẫn đất nước đến sự bế tắc như hiện nay để ông Trọng vừa ỡm ờ đặt ra? Chỉ xin trích một đoạn trong bản tham luận ấy viết cách nay 10 năm:  “Dựng lên một “chủ nghĩa”, gán cho nó cái tên là “Chủ nghĩa Mác-Lênin theo ý đồ của Staline, xác định đó là “nền tảng tư tưởng, là “kim chỉ nam”, để rồi buộc phải trung thành với nó, là một bi kịch. Tệ hại hơn, ai có ý định đặt lại vấn đề đó thì bị xem là phản bội, là chống Đảng. Đó chính là một ngộ nhận lịch sử hết sức lớn mà hệ luỵ của nó thì không sao lường hết được. Cho nên, một trong những vấn đề phương pháp luận nghiên cứu là phải vượt qua sự áp đặt đó, có vậy mới có sự mạnh dạn trong suy nghĩ và tìm tòi để tiến gần hơn tới chân lý”…

Bản tham luận đã phân tích về “Sự bưng bít thông tin, tệ “độc quyền tư tưởng, áp đặt tư duy và tuỳ tiện quy kết” của một số người được giao trọng trách về công tác lý luận, văn hoá, tư tưởng và tổ chức đã khiến cho tầm mắt của giới lý luận bị hạn chế. Họ bị ru ngủ và nuôi dưỡng trong những giáo điều cũ kỹ ẩm mốc mà đinh ninh rằng mình “trung thành” với sự nghiệp của Đảng. Nói “một số”, vì ngoài số đó, những người còn lại chẳng hề động não suy nghĩ gì về điều họ đang rao giảng, mà chỉ cần ăn theo nói leo sao cho khéo những huấn thị, những chỉ dạy của các nhà lý luận nửa mùa mà vì một lý do nào đó đã leo rất nhanh lên cái ghế quyền lực nắm giữ những trọng trách, để may ra cũng thành đạt được như họ. Đây chính là lý do trực tiếp của thực trạng lạc hậu về lý luận, mơ hồ về nhận thức hiện nay. Tình trạng lạc hậu về lý luận ấy ảnh hưởng nặng nề đến tư duy của Đảng, khiến cho tầm mắt của không ít những nhà lãnh đạo đã quá bất cập. Đây chính là nguyên nhân của mọi nguyên nhân đưa đến những sai lầm trong đường lối chính sách kìm hãm sự phát triển của đất nước…”.

Có lẽ cái tội lớn nhất của bản tham luận là dẫn ra nhận định của Võ Văn Kiệt “chính là xu hướng giáo điều “tả khuynh” vẫn tồn tại, muốn co kéo, kiềm chế những tiềm lực phát triển nhưng lại mang danh nghĩa bảo vệ Đảng… chống chệch hướng”![Tương Lai.Cảm nhận và Suy tư.trang 32]

Cần nhớ rằng đây là thời kỳ Chủ tịch Hội đồng Lý luận TƯ, do “ông trùm giáo điều” Nguyễn Phú Trọng đảm trách vừa mới chuyển cho Tô Huy Rứa. Với lá bùa hộ mệnh là Chủ nghĩa Mác Lê mà ông Trọng trung thành tụng niệm để làm bàn đạp mà leo lên ghế Bí thư Hà Nội, rồi Chủ tịch Quốc Hội, rồi Tổng Bí thư, thì chạm vào cái bùa hộ mệnh thiêng liêng ấy của ông ta là điều tối kỵ, nếu không gọi là phạm huý nguy hiểm bậc nhất! Thế rồi hôm nay quả là ngạc nhiên khi nghe ông ta ngẫu hứng mà chạm đến những điều tối kỵ ấy trong những câu hỏi được lặp đi lặp lại. Chuyện này thoạt nghe thì có vẻ rất bất thường!

Có lẽ vì sự “bất thường” ấy nên bản tin của BBC ngày19.5.2019 giật một cái tít rõ đậm “Tương lai Việt Nam vẫn hoàn toàn là câu hỏi theo phát biểu của TBT Trọng”! Trước đó, cũng trên BBC một nhà nghiên cứu đã đặt ra câu hỏi: “Đảng CSVN sẽ níu giữ hay thay đổi mô hình Xô Viết?”. Chỉ có điều, đặt câu hỏi là để tác giả trả lời về “căn bệnh thể chế” khá minh bạch, chứ không là lối ỡm ờ nửa nạc nửa mỡ không dấu được sự mập mờ luẩn quẩn trong tư duy và bối rối trong kế sách bằng những câu cảm thán “Khó lắm các đồng chí ạ, cả lý luận và thực tiễn…”!

Thì có ai nói là dễ đâu. Một bà bán rau xuề xoà ngoài chợ chứ chưa cần đến dáng vẻ đạo mạo của một ông giáo làng cũng hiểu được rằng, vận hành guồng máy xã hội, định hướng đường đi nước bước của một quốc gia là chuyện khó, cực khó! Không thật tường minh trong nhận thức để có được bản lĩnh của người đứng mũi chịu sào mà đưa ra những quyết sách thì sự lấn bấn mập mờ, lúng túng như gà mắt tóc là chuyện dễ hiểu!

Thì chẳng phải từ thời cổ đại cụ Khổng đã từng phàn nàn với học trò: “Cuồng nhi bất trực, đồng nhi bất nguyện, không không nhi bất tín, ngô bất tri chi hỉ” [kẻ cuồng vọng mà không ngay thẳng, ngây thơ mà không trung hậu, bất tài mà không thủ tín, ta không thể biết hạng người đó rồi ra sao nữa] đó sao? Vì thế mà nhà tư tưởng của Trung Hoa thời cổ đại đã khuyến cáo “danh bất chính tắc ngôn bất thuận, ngôn bất thuận tắc sự bất thành” cho nên “danh chi tất khả ngôn dã, ngôn chi tất khả hành giả. Quân tử ư kỳ ngôn, vô sở cẩu nhi dĩ hỉ!” [danh không chính thì lời không thuận, lời nói không thuận thì sự việc không thành…cho nên đã dùng cái danh gì tất phải nói ra được, đã nói ra được thì phải làm được, đối với lời nói, người quân tử không thể cẩu thả bạ đâu nói đấy”! Và Khổng Tử đã hạ một câu rất nặng “Sắc lệ nhi nội nhẫm, thì chư tiểu nhân, kỳ do xuyên du chi đạo dã dư!”[Sắc mặt uy nghiêm mà trong lòng nhu nhược (kẻ giả dối) thì ví như kẻ tiểu nhân mà lại còn (tệ hơn nữa) như kẻ khoét vách trèo tường.] [Luận Ngữ. các chương Thái Bá, Tử Lộ, Dương Hoá]. Ỡm ờ đặt ra cả mớ câu hỏi về quốc kế dân sinh gắn liền với sự tồn vong của đất nước, vận mệnh của dân tộc rồi lại rất chi là  nhã nhặn mà rằng “Khi tôi nói hăng lên, có gì sai thì các đồng chí điều chỉnh cho” gợi cho người nghe có ít nhất hai nghi vấn:

Một là, tư tưởng của ông đang bấn loạn, nên tư duy rối bời. Dưới sức ép của cuộc sống, và nghĩ về số phận của ông trong thời gian tới, ông không thể không nói một cái gì khác với cái mà ông vẫn tụng niệm và rao giảng, song như ai đó đã giải thích do “thiếu cái gọi là “cảm quan chính trị”, ông không hiểu được bản chất của vấn đề” mà ông đang lờ mờ nghĩ, và ỡm ờ nói.

Hai là, có thể người ta thúc ông phải có một đổi mới hoặc một chuyển hướng sao đó mới mong giữ được quyền lực. Tự bản thân, ông không đủ bản lĩnh, trí tuệ và chiều dày của sự trải nghiệm để có thể xoay chuyển được tình thế. Phải là người có đởm lược “kinh bang tế thế”, theo ngôn từ của các cụ ta xưa, mới làm nổi. Mà nếu thế thì e rằng, ông giáo sư tiến sĩ chuyên ngành xây dựng Đảng làm sao có được sự dày gió dạn sương để rèn nên đởm lược ấy khi rời ghế nhà trường là ông thẳng một lèo trên quan lộ thênh thang, từ căn phòng có điều hoà nhiệt độ này sang căn phòng máy lạnh khác sang hơn, hiện đại hơn với máy lọc không khí và các tiện nghi cho “lãnh tụ” mà ông thật “giản dị” và “khiêm tốn” thụ hưởng.

Để tiện hình dung, xin gợi lại vài trang Đại Việt Sử Ký toàn thư dẫn lời Lê Thái Tông viết về vua cha Lê Thái Tổ “tung hoành bốn phương, dấu chân đi khắp thiên hạ, quạt gió uống mưa nằm trên trống, gối trên giáo, thật gian nan thay, thu góp non sông để giao phó cho ta, thật lớn lao thay”. Ngài đã “dựng nghiệp khó khăn hơn hai chục năm mới nên nghiệp lớn. Tình dân đau khổ đều được tỏ tường, đường đời gian nan cũng từng đã trải. Thế mà đến lúc trị dân, tình ngay dối còn có điều khó rõ, việc nghi nan còn có chỗ chưa phân, đạo làm vua há chẳng khó sao”. Vì thế mà canh cánh trong lòng”gánh vác trách nhiệm nặng nề, sớm khuya kính cẩn lo sợ, như đứng bờ vực thẳm, chỉ vì chưa tìm kiếm được người hiền tài giúp đỡ trị nước”. Thế còn “ông vua” thời hiện đại của thế kỷ XXI, ngài Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước hiện nay thì sao?

Ông đã “tung hoành bốn phương, dấu chân đi khắp thiên hạ” ra sao? Ông đã “quạt gió, uống mưa nằm trên trống, gối trên giáo”, hay nói theo ngôn từ hiện đại là ông đã ngửi tí chút mùi thuốc súng ở chiến trường ra sao khi mà tiến trình hình thành nhân cách của thế hệ đồng trang lứa với ông gắn liền với ba cuộc chiến tranh chống ngoại xâm? Trước khi ông lần lượt trèo lên những cái ghế cao ngất ngưỡng, ông đã có một thời trai trẻ, chưa nói là tự nguyện dấn thân như bao bạn bè ông thì chắc cũng nằm trong danh sách nghĩa vụ quân sự. Ông đã ứng xử thế nào thì chắc là “trời biết, đất biết, bạn bè đồng khoa biết” cả đấy thôi. Và rồi trong những chặng đường hoạn lộ “tuần tự nhi tiến” rất thênh thang và suôn sẻ của ông dường như hiếm ai có được, ông đã để lại dấu ấn gì về tài năng và bản lĩnh, để nay có thể tạo ra một đột phá mà xoay chuyển thời thế?

Cho nên nghĩ kỹ thì cũng chẳng có gì phải ngạc nhiên khi một mớ những những vấn đề cực kỳ quan trọng lại được diễn đạt rất ngẫu hứng khiến người ta hiểu rằng “tương lai Việt Nam vẫn hoàn toàn là câu hỏi”! Nếu “lời nói là cái bóng của hành động” Đềmôcrit [Democritos] từng đúc kết, thì quả thật qua những câu hỏi lan man của ông Trọng khi xuất hiện trở lại chính trường sau gần một tháng biệt dạng đã cho thấy ông đang lấn bấn và lúng túng cỡ nào! Thôi thì “mưa lúc nào mát mặt lúc ấy” đã. Nhưng trò đời lại thường “múa vụng chê đất lệch” tuy cũng không thiếu kẻ “mua pháo mượn người đốt”! Cũng chẳng lạ khi người ta lấy làm ngờ về những lời tô son vẽ phấn, đánh bóng mạ kền mà ai đó đang khua chuông đánh trống để định hướng dư luận cho những câu hỏi ỡm ờ và không kém phần mập mờ kia.

Người ta cũng có thể nói, đặt được câu hỏi tức là đã có được câu trả lời trong đầu mà chưa nói ra đấy thôi. Nếu thế thì quả là đại phúc cho dân tộc. Thế nhưng, như ai đó tốt bụng nhưng dại mồm mà cho rằng “Con chim sắp chết cất tiếng bi thương; con người sắp chết nói lời chân thành” và đưa ra những dự đoán có chút thần bí thì e là rất ít thuyết phục: “Có lẽ sau cú tai biến nhẹ, đầu óc bác Trọng đã được sắp xếp lại theo đúng trật tự hơn và do đó không còn lú lẫn nhiều như trước, giống như người tái sinh. Hoặc biết đâu chính bác lại là người tái sinh?Tôi thường nhận xét người đã một lần đi qua cửa tử rồi sống lại thì cũng tương tự như người tái sinh. Người tái sinh là người đã được sống vượt qua thời kỳ hiện nay chúng ta đang sống một hai chục năm, tức là đã được sống một hai chục năm trong tương lai, nên đã biết tương lai đất nước như thế nào. Chắc bác Trọng đã được thượng đế đưa đi sống vượt thời gian, nên thời gian bác bị tai biến bất tỉnh nằm đó, chính là khoảng thời gian bác đang sống trong tương lai. Giờ bác tỉnh lại về với chúng ta. Bác đã biết thế nào là luật nhân quả, thế nào làm làm điều ác thì phải trả giá, biết rõ tương lai đất nước sẽ không còn độc đảng, không còn khu vực kinh tế nhà nước, không còn chế độ độc tài công an trị…”.

Lược bỏ bớt màu sắc thần bí và hài hước trong biện giải trên, nói toẹt ra lý do vì sao Nguyễn Phú Trọng lại có những thay đổi về quan điểm chính trị lớn lao như vậy và tại sao nó lại xảy ra tại thời điểm này là vì: “ông Trọng đã lường hết được về vấn đề sức khỏe của cá nhân mình và hiểu hơn rằng với sức khỏe hiện tại sau khi trải qua một cơn đột quỵ thì khả năng ở lại đảm nhiệm chức trách thêm ở Khóa 13 chắc chắn là điều không thể. Dù ông Trọng có muốn cũng không được. vì cái Quyết định 90/QĐ -TƯ về vấn đề sức khỏe của lãnh đạo chủ chốt do chính bản thân ông vẽ ra đã không cho phép. Chứ chưa nói đến nhưng kẻ đang ngấp nghé chiếc ghế Tổng Bí thư hay Chủ tịch Nước đời nào họ chịu. Trong thời gian một tháng chữa bệnh vừa qua, chắc có lẽ đủ để cho ông Trọng hiểu rằng, ông có thể làm một điều gì cuối đời để được ghi dấu ấn trong lịch sử nước nhà. Hy vọng là như thế. Xem ra lập luận giàu mầu sắc tung hứng này cũng đang muốn tiếp tục nhen nhóm lên một cái gì thì những đầu óc từng trải chắc đã đoán ra.

Chao ôi, nếu: Trọng đã được thượng đế đưa đi sống vượt thời gian… đầu óc đã được sắp xếp lại theo đúng trật tự hơn và do đó không còn lú lẫn nhiều như trước, giống như người tái sinh” để thấy ra được đường lối mới mà“thế thiên hành đạo” thì đúng là “trời có mắt”!  Quả là đại phúc cho đât nước qua cơn bĩ cực đang vui vẻ đợi ngày thai lai chăng? Nhưng bỗng tôi sực nhớ đến một ngao ngán của George Orwell, tác giả của “Trại súc vật” từng nói đến trong một “Mênh mông thế sự” trước đây mấy tuần “Ngôn ngữ chính trị được tạo ra để khiến những lời dối trá nghe đúng thật, những kẻ sát nhân tỏ ra đáng kính trọng, và khiến gió có vẻ như rắn chắc”. Ở trong tác phẩm ấy có nói đến những con chuột nhắt khôn ngoan như con chuột nhắt trong truyện ngụ ngôn La Fontaine. Nhờ nhanh nhẹn khôn ranh mà chuột nhắt cứu được sư tử. Nhưng chuột nhắt thì vẫn là chuột nhắt, ngay trong trường hợp nó đội cái lốt sư tử để hù doạ người.

Cho nên, cho dù có trở lại với ý tưởng giàu chất viễn tưởng kia để mà tặc lưỡi: thôi thì hãy “hy vọng là như thế” đi, thì vẫn không sao tìm được lời giải cho những mập mờ trong cả mớ câu hỏi của ông Trọng khi trở lại với chính trường, sau khi cũng mập mờ về tình trạng sức khoẻ. Cũng chính sự mập mờ ấy tạo ra và lan truyền cơ man là những đồn đoán. Khi thì cho là đột quỵ vì làm việc quá sức, khi thì vì môi truòng thay đổi đột ngột, rồi lại mới có đồn đoán chắc ông ta bị đầu độc như ai đó đã từng. Cứ loạn cả lên. Mà thật ra, sự mập mờ trong những câu hỏi là ánh phản chiếu tâm trạng bất ổn của ông Trọng trong tình thế tiến thoái lưỡng nan của người vừa thoát hiểm đối diện với những bất ổn đang xảy ra trong sự bấn loạn của kinh tế và chính trị. Một bài viết trên BBC ngày 19.5.2019 diễn giải những bất ổn ấy “với quy mô và hình thức khác, nhưng về cơ bản là tương tự như Trung Quốc, có nguồn gốc từ mô hình phát triển”.

Mô hình ấy từng bị phê phán từ hơn hai thập kỷ nhưng “triều đại” trước Trọng rồi đến Trọng vẫn ngoan cố bỏ ngoài tai để hôm nay “Việt Nam ở vào tình thế bây giờ hoặc không bao giờ” phải dứt khoát vứt bỏ cái mô hình đã đẩy đất nước vào ngõ cụt. Để rồi cuối cùng chính Trọng phải đặt ra câu hỏi “vậy chúng ta định hướng, hình dung ra nước ta vào năm 2030 sẽ là thế nào? Đến năm 2045, nước ta sẽ như thế nào?…”.

Như thế nào ư? Ông Trọng chưa đưa ra được câu trả lời, vì ông đang không hình dung nổi các lực cản đáng sợ và tồi tệ của lối “tư duy nhiệm kỳ”, của sự thao túng bởi “lợi ích nhóm”, của những câu kết giữa các thế lực cùng tranh quyền đoạt vị  đang là một mê hồn trận nằm ngay trong chính cái thể chế mà ông ta quyết duy trì. Cái vòng luẩn quẩn của cải cách kinh tế  và cải tổ chính trị, cái nào đi trước, cái nào đi sau, hay phải tiến hành cùng một lúc thật ra đã rõ như ban ngày. Kinh tế và chính trị gắn với nhau không thể tách rời. Cải cách kinh tế tạo ra khả năng để cải tổ chính trị, và đến lượt nó, cải tổ chính trị giúp thúc đẩy phát triển kinh tế. Trọng cố tình không thấy được điều sơ đẳng đó hay không muốn thấy chỉ vì ông ta tự bịt mắt mình. Ông không đưa ra được câu trả lời vì ông sợ “mất chủ nghĩa xã hội”, thực chất là mất quyền lực và lợi ích của chính ông và bộ sậu phe nhóm của ông. Bi đát hơn nữa còn là những nỗi sợ này lại gắn với nỗi sợ mất sự bảo kê của “người đồng chí cùng chung ý thức hệ XHCN”, mất sự hà hơi tiếp sức cho cái thể chế toàn trị phản dân chủ tuy rệu rã nhưng chưa sụp đổ ngay. Nguồn cơn của sự mập mờ, lấn bấn trong những câu hỏi của ông Trọng đưa ra đúng vào thời điểm này phải tìm về trong những nỗi sợ đó. Quả nhiên lời nói là cái bóng của hành động!

Để chứng minh cho điều đó, hãy đặt những mập mờ ấy bên cạnh sự minh bạch, thẳng thắn đi thẳng vào trái tim quần chúng trong diễn văn nhậm chức của Zelenskiy, tân tổng thống trẻ trung của Ucraina cũng đúng vào ngày ông Trọng khai mạc Hội nghị TƯ 10.

Là một diễn viên hài bước lên vũ đài chính tri, giành được sự ủng hộ của cử tri, đắc cử tổng thống, ông thẳng thắn nói ngay về bản thân mình để kết thúc diễn văn nhậm chức “Suốt cả cuộc đời đã qua, tôi luôn cố gắng làm tất cả mọi việc để mọi người được mỉm cười. Đó là sứ mệnh của tôi. Còn bây giờ tôi sẽ lại cố gắng làm tất cả để ít nhất người dân Ukraine không phải khóc”. Làm thê nào để biến điều mong ước đó thành hiện thực. Có lẽ còn đợi thời gian trả lời. Người ta đã quá quen với những lời hứa hẹn của các chính khách. Liệu quyền lực có làm tha hoá con người đứng ở đỉnh cao quyền lực hay không thì cũng phải chờ sự phán xét của thời gian. Nhưng bằng vào những lời giản dị không bị pha loãng bởi thói khoa trương của vị tân tổng thống khi ông nói với những cử tri đã bầu ông làm tổng thống: “Tôi mong muốn rằng, các bạn không treo chân dung tôi trong văn phòng làm việc của các bạn. Bởi tổng thống không phải là thần tượng, cũng không phải là thánh nhân. Tổng thống không phải là bức chân dung. Hãy treo ảnh các con bạn vào chỗ đó và trước khi quyết định một việc gì thì hãy nhìn vào mắt chúng” thì ít nhất cũng tìm thấy ở đó một mong muốn vứt bỏ những cái đã cũ mèm mà những khuôn mặt lì lợm đến phát ngấy đã diễn theo đúng kịch bản soạn sẵn.

Thật là dứt khoát và sòng phẳng khi Zelenskiy thẳng thắn nói với các quan chức chính phủ: “tôi không hiểu nổi chính phủ của chúng ta, những người chỉ biết buông xuôi và nói chúng tôi không thể làm gì được. Không đúng. Các bạn có thể làm được. Ít nhất các bạn có thể rời bỏ cái ghế các bạn đang ngồi để nhường chỗ cho những người nghĩ về những thế hệ tương lai chứ không chỉ nghĩ về kỳ bầu cử sau như các bạn. Các bạn hãy từ chức đi, và nhân dân sẽ đánh giá cao các bạn”. Và rồi ông đề nghị họ “Hãy đeo tất cả các huân chương lên và bắt đầu chuẩn bị tìm kiếm sự ủng hộ của nhân dân cho kỳ bầu cử quốc hội sắp tới. Tôi tuyên bố giải tán Quốc hội khóa 8. Vinh quang thay Ukraine”. Zelenskiy nói một cách giản dị, dứt khoát và minh bạch bởi vì tư duy của ông ta cởi mở và nhạy bén với cái mới để biết tận dụng và khai thác sức mạnh dân chủ và công khai trong cuộc tranh cử để giành được sự ủng hộ của cử tri khi mà các đảng đối lập cũng đang mở hết tốc độ trong cuộc đua. Lời của ông cuốn hút bởi sự trẻ trung tươi mới trong cách nghĩ để thể hiện trong hành động cũng dứt khoát và công khai. Có lẽ không phải chỉ tuổi trẻ Việt Nam, mà những người ngoài tuổi 80 và những U90 đang day dứt về vận nước đang tìm thấy ở ông tổng thống trẻ trung này một sức hút mạnh mẽ để đi tới. Mà đã đi thì rồi sẽ tới, vì trên mặt đất vốn không có đường, người ta đi, đi mãi thì thành đường thôi.

Trong những mập mờ và ỡm ờ của lời nói phản cảm mà chúng ta buộc phải nghe và đặt ra những nghi vấn thì đúng là Volodymyr Zelenskiy, vị tân tổng thống 41 tuổi của Ucraina đã làm sống động câu châm ngôn của nhà triết học Hy Lạp cổ đại “lời nói là cái bóng của hành động”.

Ngày 30.5.2019

(*) Democritos, nhà triết học Hy Lạp cổ đại

____

Mời đọc lại: Số 9: Chào mừng những huy chương vàng danh giá — Số 10: Thật đáng xấu hổ!  —  Số 11: Tuyên bố dứt bỏ mọi liên hệ với đảng Nguyễn Phú Trọng  —  Số 12: Thế Sự Du Du  —  Số 13: Chân lý là cụ thể  —  Số 14: Những bục vỡ khó tránh khỏi  —  Số 15: Đôi điều ngẫu hứng về “ngày Người Cao Tuổi”  —  Số 16: Những lời tâm huyết gửi cho ai  —  Số 17: Lan man về chuyện trích dẫn văn chương  —  Số 18: Thiên tài liền với thiên tai một vần  —  Số 19: Cây muốn lặng mà gió chẳng dừng  — Số 20: Giải khát bằng thuốc độc

Số 21: Chịu thua dân ư, chịu sao thấu!  —  Số 22: Hãy nghe và hãy nhìn vào người dân trên đường phố  —  Số 23: Giá lúc này có được tầm nhìn và bản lĩnh Sáu Dân  —  Số 24: Lịch sử sẽ phán xét bản án mà chúng đang quàng vào cổ dân ta, dìm chết tuổi trẻ chúng ta —  Số 25: Chuyện cũ viết lạiSố 26: Chuyện cũ viết tiếpSố 27: “Suối đã đục dòng, chỉ lệ còn trong”Số 28: Thế sự cong queoSố 29: “Họa phúc hữu môi phi nhất nhật”Số 30: “Tiễn người đi mờ bóng cuối chân trời…”

Số 31: “Đừng xáo nước đục đau lòng cò con”Số 32: Hết khôn dồn đến dạiSố 33: Liên khúc năm GàSố 35: Trên đồi cao giữa mây trời lộng gióSố 36: Nhân một tọa đàm khoa học vừa bị giải tánSố 37: Những tấm lòng bè bạnSố 38: Chuyện đất, chuyện ngườiSố 39: Ai là “Tinh hoa của Tinh hoa” đây?Số 40: Khác nào đem thịt nuôi hổ đói – Giữ sao cho khỏi tai vạ về sau”*

Số 41: Mười năm người ấy ra điSố 42: Đục nước, nhưng không béo cò — Số 43: Chớ cao giọng dạy dân lòng yêu nước  —  Số 43b: “Toàn là bất hảo cả”, vậy thì rồi làm sao đây?Số 44: Tưởng nhớ Hạ Đình NguyênSố 45: Kẻ “bất hảo” – “Nhếch mép cười một phát và quên chúng nó đi”!Số 46: Tổng thống và cơn mưaSố 47: Bỗng nhớ người bạn ở PrahaSố 48: “Chu du thiên hạ để học rùng mình”Số 49: “Giọt nước mắt thương dân – Dân mình phận long đong”Số 50: Ấm trà mẹ pha vào một đêm trăng

Số 51: Nghĩ về một phẩm cách cao thượngSố 52: Đôi điều về Hồ Ngọc Đại, bạn tôi — Số 53: Vở diễn nhạt nhòaSố 54: Giữa dòng hoài niệm  — Số 55: Thời gian nghiệt ngã và những bước đi oái oăm của lịch sử  —  Số 56: Nhớ cái rét đầu đôngSố 57: Đọc kịch bản “Huế 1968” của Michael MannSố 58: Vẫn rất cần “ngọn lửa của trái tim ĐankôSố 59: Giai điệu Trịnh và tà áo dài DiệuSố 60: Tản mạn đôi điều nhân ngày 26 tháng 3Số 61: Thế nước chông chênhSố 62: “Ông Tổng không tiền, ông Tổng Tễnh”Số 63: Liệu có nhất thiết phải “cái quan” rồi mới “định luận” không nhỉ? —  Số 64: Không khí cần cho lá phổi, thông tin cần cho bộ nãoSố 66: May quá, chỉ “tọa triều”, chứ chưa phải “ngọa triều”

Bình Luận từ Facebook