Chính tri của chính trị (Phần 1)

GS Lê Hữu Khóa

20-5-2019

Chính luận

Chính luận ở đây là lý luận chính trị, tạo cơ sở tư duy cho những ai có nguyện vọng hay có tham vọng làm chính trị, muốn lãnh đạo trong một đất nước như Việt Nam, chưa đón được dân chủ, nên chưa nhận được nhân quyền. Lý luận chính trị vừa qua lịch sử, vừa qua thực tế; không quên kiến thức chính trị là nền chính kiến, nhất là không quên tri thức lãnh đạo làm gốc cho ý thức lãnh đạo.

Chính luận đi tìm cội là chính lý, dựa trên nhân lý, khi quá trình tri thức lãnh đạo chính trị là quá trình lý luận trên thực tế của nhân sinh, là lập luận trên chính sách để phục vụ nhân dân, với năng lực diễn luận các quyết định chính trị trước nhân tri, với hiệu quả giải luận các hành động lãnh đạo trước nhân trí. Nếu muốn làm chính trị mà không có gốc, rễ, cội, nguồn từ nhân; lại vắng luôn năng lực và hiệu lực của luận, thì đừng làm chính trị, đừng làm lãnh đạo, vì sẽ làm trong vô tri, sẽ lãnh đạo trong vô minh, sẽ chỉ hại dân, diệt nước.

Chính luận đi tìm gốc là chính tri, nơi mà kiến thức vừa là năng lượng chính trị, vừa là xương cốt của lãnh đạo, vì kiến thức là chất sống nuôi tri thức, tạo tầm vóc cho hiểu biết chính trị, dựng nên bản lĩnh của lãnh đạo từ rường cột là ý thức chính trị, là nhận thức lãnh đạo. Không quản lý nổi phương trình thức (kiến thức-tri thức-ý thứcnhận thức) này thì chỉ đưa dân tộc tới ngu dân, đưa giống nòi tới chướng nghiệp. Và thức luôn được đưa đường, dẫn lối bởi chính, ngược lại với tà, trái lại với ma, chống lại với gian. Chính tri làm thăng hoa chính nghĩa!

Chính luận đi tìm rễ là chính tâm, tạo ra thành tâm để có thành ý, nơi mà sự thành thật làm vững, làm chắc sức hoàn chỉnh của ý thức. Chính ý thức ngay thật tạo nên tâm thức ngay thẳng với mọi người để có chỗ đứng chính thống trong lãnh đạo: nói thì giữ lấy lời, hứa thì phải làm, nơi mà chính tâm làm ra chính quả, vì lừa dân, dối nước thì sẽ không sao có hậu trong chính giới.

Chính luận mang chính khí; tới tự chính ngôn, nơi mà ý thức chính trị làm cột xương sống cho luân lý lãnh đạo, có trách nhiệm với chính ngữ vì có bổn phận với chính nghĩa. Qua đó, chính nghĩa tạo hùng lực cho chính khí trong lãnh đạo chính trị. Như vậy, phải lấy phương trình chính (chính lý, chính tri, chính tâm) để quản lý xã hội, để quản trị cơ chế, để được đi trên chính đạo với chính trị đúng, song hành cùng lãnh đạo đúng. Chính luận đưa chính trị vào của luận để luận giúp lý cho lãnh đạo chính trị!

Nhân và loại

Có nhiều nhân loại sống cùng chung một nhân loại rộng lớn, mà nhiều nhân loại vì nhiều nhân tính khác nhau, có ít nhất hai nhân tính rất đậm nét trong nhân loại chung này:

– Nhân tính thứ nhất có ý thức luân lý, như có kim chỉ nam trong nhân tình, thấy tốt thì làm, thấy xấu lánh xa, thấy gian thì loại, thấy tà thì xua, thấy ác thì khử. Ý thức luân lý có chỗ dựa là đạo lý (hay, đẹp, tốt, lành) để chế tác ra luân lý (nhận trách nhiệm để đảm nhận bổn phận). Nếu muốn làm lãnh đạo chính trị thì ý thức luân lý phải sắc, kim chỉ nam này phải nhọn.

– Nhân tính thứ nhì có ý thức duy lý, như có Bắc đẩu đưa đường, dẫn lối giữa đêm, lấy kiến thức của kinh nghiệm (từ lịch sử qua cuộc sống), thấy hợp lý trong thuận cảnh, lấy cụ thể làm thực tế, biến thực tế thành thực dụng. Nếu muốn làm lãnh đạo chính trị thì ý thức duy lý phải rõ, thấy thật rành rỏi Bắc đẩu trước mắt.

Nhận ra hai nhân tính ý thức luân lý ý thức duy lý còn phải đi tìm thêm các nhân tính khác, còn nếu không hiểu gì về hai nhân tính tối thiểu này thì tốt nhất đừng làm chính trị, đừng nhận trách nhiệm lãnh đạo.

Nhân và tính

Chữ nhân không phải là đơn thuần là một thuật ngữ, mà là một hệ thống tư tưởng có lý luận, mà kẻ lãnh đạo không biết hoặc không thấy thì sẽ lầm đường lạc lối trong quyết đoán làm gốc cho mọi quyết định, trong quyết sách làm nền cho mọi tổ chức và mọi quản lý. Không biết, không thấy, không nghe, tức là không có nhận thức về chữ nhân thì chỉ mang họa tới cho dân tộc, gây nạn cho giống nòi.

Nhân loại sống trong một bối cảnh lịch sử nhất định: nhân thế, trong những hoàn cảnh xã hội được quyết định từ kinh tế tới giáo dục, từ vật chất tới y tế… từ quan hệ xã hội tới đời sống xã hội: nhân sinh. Chính bối cảnh hoàn cảnh tạo ra tâm cảnh trong quần chúng đó là: nhân tình.

Nhân tính chỉ có khi một dân tộc xác định được các định hướng cộng đồng về đạo lý một nhân sinh quan hay, đẹp, tốt, lành: nhân đạo, từ đó nhận thức ra các bổn phận, các trách nhiệm để xây dựng một giống nòi ăn ở với nhau để sống cho có hậu: nhân nghĩa.

Nhân tính có hải đăng là nhân đạo, có dự phóng cho mai sau là nhân nghĩa, cả ba tạo ra thế chân kiềng bền vững cho nhân lý của một dân tộc, làm chủ đất nước của mình bằng nhân văn được thể hiện qua bốn hệ nhân trên.

Cả năm hệ nhân: nhân tính, nhân đạo, nhân nghĩa, nhân lý, nhân văn được trao truyền và lưu truyền qua nhân giáo, trong đó một nền giáo dục đúng đắn tùy thuộc vào môt chính quyền liêm chính, một chính phủ liêm sỉ để bảo đảm nhân trí, song hành cùng nhân trí qua giáo khoa, giáo trình, giáo án.

Chính nhân trí cùng nhân trí quyết định trình độ thăng tiến của một đất nước, thăng hoa của một dân tộc, mà ta thấy láng giềng cùng nôi tam giáo đồng nguyên như Việt Nam đã làm được: Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc. Chính ta không làm được lại tha hóa vào con đường phản nhân trí, chống  nhân trí, tạo ra thảm họa học giả-thi giả-bằng giả, tới từ tham nhũng-tham ô-tham quan, tức là lãnh đạo chính trị của ĐCSVN đang lầm đường lạc lối, đang rơi vào ma lộ của ngu dân!

Nhân và văn

Đừng hiểu tùy tiện thuật ngữ văn trong cách làm hiện nay, trong miệng lưỡi của vài lãnh đạo, vì hàm nghĩa của văn mang ít nhất là ba biến số: văn hóa, văn minh, văn hiến.

Văn hóa, như sức sống vững bền qua nội lực một dân tộc biết biến nội công của tổ tiên mình trong quá khứ thành nội chất cho các sinh hoạt tập thể, cho đời sống cộng đồng trong hiện tại, lại có luôn nội tâm của một giống nòi biết giáo dưỡng con cháu, các thế hệ đời sau biết yêu, quý, thương văn hóa đó.

Văn minh, đòi hỏi nhân tri, luôn mở cửa mời nhân trí, học kiến thức để tư hữu hóa kiến thức, biến kiến thức thành tri thức được bảo vệ có hệ thống, có lý luận, có lập luận, có giải luận, có diễn luận của trí thức. Vì có văn hóa chưa chắc có văn minh, vì văn minh tạo chỗ đứng nhân quyền và dân chủ, từ đó văn minh làm thăng hoa: công bằng qua tự do, để cùng nhau xây bác ái.

Văn minh thấy rất rõ trong một xã hội biết tôn trọng người lớn tuổi, biết quý trọng phụ nữ, biết bảo vệ thiếu nhi, biết bảo quản thanh thiếu niên trong một hệ thống giáo dục lấy đạo lý hay, đẹp, tốt, lành, làm nhân văn.

Văn hóa luân chuyển để thích ứng với đời sống hiện đại, văn minh mang sung lực hiện đại hóa văn hóa qua cải cách, qua canh tân, được hỗ trợ bởi khoa học hay, bởi kỹ thuật lành, bởi công nghiệp sạch. Như vây, có văn hóa, chưa chắc có văn minh, làm lãnh đạo chính trị phải đưa văn hóa về hướng văn minh để thăng hoa văn hóa, làm cho văn hóa hay, đẹp, tốt, lành hơn.

Văn minh là chiều cao của văn hóa, đẩy văn hóa đi lên, thì văn hiến là bề dầy, là chiều sâu, là chính sử của văn hóa. Chính văn hiến tạo rễ sâu, gốc chắc cho văn minh nâng, đưa, đẩy văn hóa về hướng tiến hóa.

Chuyện đáng buồn và đáng lo là, các lãnh đạo tối cao của ĐCSVN hiện nay không xem, không hiểu, không thấu vì không đủ tầm, không đủ vóc để biến ba biến số: văn hóa, văn minh, văn hiến thành ba hằng số trong các chính sách của họ.

Nhân rộng… lý mở

Làm chính trị với chữ nhân rộng qua cái lý mở là một “nghề” rất khó, làm lãnh đạo chính trị với chữ nhân rộng nhất qua cái lý mở nhất, chắc chắn là một “nghề” khó nhất trên đời! Vì phải nhận những trách nhiệm nặng, đón những bổn phận rộng, nâng cao đạo đức dân tộc, hiểu xa đạo lý nhân loại. Vậy, nên suy nghĩ kỹ, thật kỹ trước khi chọn “nghề” khó nhất này. Nhân rộnglý mở vừa là luận thuyết sinh động của chính trị, vừa là thực hành thông minh của lãnh đạo.

Nhân rộng vì nhân vừa gần-vừa xa, và nó có ngay trước mặt lãnh đạo chính trị. Đó là nhân dân, dân chúng, quần chúng: nghèo hay giầu, vui hay buồn, đau khổ hay hạnh phúc, nếu không trực diện để thấy, để hiểu, để thấu thì đừng đòi làm lãnh đạo chính trị. Còn giành làm để tham ô, trục lợi thì không phải làm chính trị mà là trộm, cắp, cướp, giựt bằng chính trị.

Nhân xa vì nó bắt kẻ lãnh đạo phải “nhìn xa, trông rộng”, đưa nhân tính vào nhân tình, đưa nhân thế vào nhân tâm, đưa nhân nghĩa vào nhân loại, qua con đường của nhân tri, bằng phương tiện của nhân trí. Nhân là phạm trù của tri thức, bó buộc kẻ lãnh đạo muốn trị (trị dân-trị nước) phải có tri, lấy tri để lập trí.

Lý mở vì mở ra bên ngoài mới tồn tại, mới sống còn, mới có khí trời để thở, mới có thực phẩm để ăn, nhất là có nhân tri của nhân loại bên ngoài để học, có nhân lý của nhân thế bên ngoài để khôn ngoan lên, có nhân trí bên ngoài để thông minh lên. Lý mở là lý biết đón, biết tiếp, biết nhận, biết mời: các kinh nghiệm hay, các kiến thức tốt, các bài học đẹp, các nhân thế lành để tạo ra tiềm năng, tiềm lực cho chính ta. Tất cả những lý đóng (đóng cửa, đóng biên giới, đóng lãnh thổ…)độc (độc tài, độc quyền, độc tôn, độc trị, độc đảng) đều đáng nghi ngờ, và nhân dân có quyền ngờ vực mọi lãnh đạo chính trị có ý đồ đóng vì độc.

Nhân rộnglý mở là nơi hội tụ thông minh chính trị và minh triết lãnh đạo, vì nó được kết tinh bởi hai hùng lực chính trị mà kẻ làm lãnh đạo phải thông hiểu:

Lý tưởng chính trị càng rộng thì nhân dân càng khôn (từ khôn có sở hữu là nhân trí, tức là khôn ngoan chớ không phải khôn lanh). Ở đây, sau khi thành công về chuyện “cơm no, áo ấm” cho dân, thì phải đi tới hướng “dân giàu nước mạnh”, lại còn phải đi thêm bước nữa “nhân loại thái hòa”.

– Vô hạn chính trị không bị đóng khung trong một quốc gia, mà ngược lại muốn cho quốc gia đó tồn tại, có chỗ đứng xứng đáng trong quan hệ quốc tế, thì phải tìm liên minh, tìm đồng minh, tất cả trong quy luật vô hạn chính trị luôn “thêm bạn, bớt thù”, luôn vô hạn học trong vô biên hiểu để luôn“học người để khôn ta”.

Phương trình Nhân rộnglý mở chính là thông minh chính trị-minh triết lãnh đạo.

___

Lê Hữu Khóa: Giáo sư Đại học Lille* Giám đốc Anthropol-Asie*Chủ tịch nhóm Nghiên cứu Nhập cư Đông Nam Á* Cố vấn Chương trình chống Kỳ thị của UNESCO – Liên Hiệp Quốc * Cố vấn Trung tâm quốc tế giáo khoa Paris.*Thành viên hội đồng khoa học Viện nghiên cứu Đông Nam Á* Hội viên danh dự nhóm Thuyết khác biệt, Học viện nghiên cứu thế giới.

Các bài của giáo sư LÊ HỮU KHOÁ trên Tiếng Dân đã được ANTHRPOL-ASIE xuất bản và các bạn đọc có thể chuyển tải trực tiếp các tác phẩm Trực Luận (l’argumentation directe), Xã Luận (l’argumentation sociétale), Dân Luận (l’argumentation démocratique), Tự Luận (l’argumentation libre), Chính luận (l’argumentation politique), qua Facebook Vùng Khả Luận (trang thầy Khóa).

Mời đọc lại các bài cùng tác giả tại đây.

Bình Luận từ Facebook