GS Lê Hữu Khóa
10-5-2019
Sự thật dưới quyền lực
Có ba tư tưởng gia, mỗi người lại đưa ra một lý luận rất khác nhau để đi tìm sự thật. Chuyện lạ cả ba đều gởi lòng tin vào thượng để để đi tìm sự thật trong nhân thế.
Tư tưởng gia thứ nhất có niềm tin tuyệt đối vào thượng đế, cha đẻ của muôn loài, nhưng không phải vì vậy mà ông không biết làm giàu một cách khách quan trên minh lộ đi tìm sự thật, đó là Augustin đề nghị định nghĩa: sự thật được tìm ra bởi thiện ý như là một ý chí muốn nhập nội vào sự thật để hiểu tới nơi tới chốn sự thật.
Tại đây, khi ý chí dựa vào thiện ý đã trở thành ý lực thì ý lực này chính là thể lực của niềm tin, và cái tin này cũng là bước đầu của trí tuệ, giúp ta khởi hành trên lộ trình đi tìm ra cái lý để hiểu cái thật. Cả hai cái tin, cái lý sẽ tìm ra cái thật, nơi mà cái tin chọn cái lý để tạo nền tảng để đón cái thật đang tới.
Đến tư tưởng gia thứ hai là Descarte một triết gia lấy thượng nguồn là duy lý để đi tìm cái đang ẩn sâu trong cái lý, khi ông xem sự thật khi được tung ra như một loại ánh sáng có sức sáng vô song tới để khai phá ý chí của con người muốn biết tận gốc rễ của cái thật.
Chính độ sáng mãnh liệt này làm ngời cái thật được hiện hữu tròn đầy rồi hiện hình trọn vẹn giữa nhân sinh. Mà cũng chính nó có lực tập hợp rất lớn, nó đưa cá nhân tới tập thể, đưa các cộng đồng riêng rẽ tới cùng, tới chung một số phận của một dân tộc sống để bảo vệ sự thật sáng rực này.
Và khi ánh sáng sự thật càng lớn thì nó tạo ra được sự thỏa thuận, làm nên sự đồng lòng của mọi người thì sức vận hành rất mạnh của nó đã thành hình trong xã hội con người. Sự thật xuất hiện để xóa đi sự ngờ vực, và sự thật đứng vững với chân lý của nó, vừa bằng lý thuyết luận, vừa bằng phương pháp luận của nó, làm nên khoa học luận về sự thật, sẽ mang một giá trị tuyệt đối.
Tư tưởng gia thứ ba là Pascal, một nhà toán học lỗi lạc, nhưng cũng biết gởi niềm tin mình vào thượng đế, lại chọn một con đường khác khi ông đề nghị ta phân tích sự thật như một nghệ thuật sống mà con người biết tự thuyết phục mình trước cái hiển nhiên vì nó rõ ràng trong tuyệt đối, đó chính là sự thật. Mà muốn tới sự thật này thì phải biết yêu cái thật để thấu cái thật. Ông chắc chắn một điều là cái yêu đi tìm cái thật làm nên cái biết, cái hiểu về cái thật.
Nhưng Foucault khi nối các định đề của triết học với các thực trạng của xã hội mà con người đang sống, thì đứa con tin yêu của triết học cận đại và xã hội học đương đại này đã đặt sự thật vào giữa tri thức và quyền lực. Như vậy, sự thật luôn bị chi phối bởi hai cực này, ông tin là sự thật không vô tư và không vô điều kiện, vì cả hai tri thức và quyền lực đều không vô điều kiện.
Rồi ông chống lại quá trình của niềm tin khi nó đi tìm sự thật, và ông giải thích là khi sự thật nằm giữa kiến thức và lòng tin, thì kẻ có lòng cả tin luôn có ảo tưởng đã là người nắm trọn được sự thật, nhưng thật ra là người đó đang nhốt sự thật vào lồng của niềm tin. Mà trên nguyên tắc khách quan của khoa học thì niềm tin phải theo sự thật, chớ không phải ngược lại là sự thật phải theo niềm tin.
Ông đề nghị cụ thể khi ta đi tìm sự thật trên một sự kiện, ta phải nhận ra ít nhất ba yếu tố cấu tạo ra nó: cơ cấu lý lẽ của sự kiện tại sao nó có và xuất hiện trong cuộc sống; sau đó là tính biến đổi của nó qua thời gian, đây chính là sử tính của nó; và cuối cùng là sự sống còn của nó qua các không gian khác nhau của xã hội con người.
Ngay trong sinh hoạt xã hội, quyền lực luôn tìm cách chi phối các tổ chức của xã hội, trong điều kiện đi tìm sự thật Việt để hiểu số phận Việt, thì ai cũng biết là gần hàng ngàn cơ quan truyền thông, dưới sự độc quyền của tuyên giáo, qua độc tài trong độc trị của ĐCSVN, thì có chục ngàn bút nô, ký nô, văn nô được trả lương tháng để phục vụ cho một hệ thống truyền thông được tồn tại chỉ để viết những chuyện phản sự thật.
Gian nghiệp trong điếm lộ! Bọn này sinh hoạt như chó săn theo lịnh chủ: áp đảo để trấn dẹp, vu khống để vu cáo những công dân nào muốn hiểu, muốn thấy, muốn nói, muốn viết ra sự thật. Sự thật độc hại do độc đảng gây ra, từ nghèo nàn trong lạc hậu của xã hội Việt, tới các cuộc đấu tranh vì nhân quyền trong nhân phẩm qua dân chủ, thì đều bị chúng hùa sủa với công an, đều bị chúng hãm hại, với sự hỗ trợ vô điều kiện của bộ máy đồ sộ công an trị hiện hành.
Trên sự thật về nhân phẩm con người trong một xã hội, Foucault đề nghị ta nên bắt đầu phân tích một cá nhân bằng môi trường giáo dục mà cá nhân đó đươc tạo ra; sau đó là quan hệ xã hội làm nên đời sống xã hội của cá nhân đó, và tiếp theo là quan niệm xã hội và thực hành xã hội của cá nhân này trước quyền lợi của nó trong tổ chức xã hội, mà cá nhân đó đang sống.
Từ đây, ta thấy được những mâu thuẫn, rồi những xung đột hoặc hợp tác của cá nhân đó trong sự vận hành của các cơ cấu xã hội mà quyền lực hiện hành vừa lãnh đạo cả xã hội, vừa chủ mưu tạo ra đặc quyền, đặc lợi làm nên đặc khu riêng cho quyền lực đó.
Chính tự lợi là rào cản ngăn chặn không cho cá nhân và tập thể thấy hết được sự thật; và chính đấu tranh ngay trong xã hội sẽ làm sáng ra sự thật, để mọi người thấy rõ bạo quyền dính tới tham nhũng, tà quyền tham quan dính tới ma quyền trọc phú, tất cả bọn này đều buôn gian bán lận trong những không gian âm binh của chúng, và chúng biết lách luật để né luật, thậm chí tráo luật để xé luật, như để thủ tiêu sự thật ngay trên thượng nguồn của nó.
Sự thật của một cá nhân có rễ là môi trường gia đình, có cội là vốn liếng của gia đình đó trong quan hệ xã hội của gia đình đó, có nguồn là vốn kinh tế làm nên vốn quen biết, rồi lấy vốn quan hệ xã hội để lợi dụng ngay trên vốn chung của xã hội, lợi dụng rồi lạm dụng là động cơ chính để bảo vệ tư lợi; cụ thể là tìm quyền để có quyền, và khi có quyền thì lạm quyền. Nên nguồn cội là quyền lợi qua tiền tệ-hậu duệ-quan hệ của một nhóm có thể làm giàu cá nhân đó, đó là chuyện hằng ngày ta thấy rất rõ là con ông cháu cha dễ thành đại gia; và ngược lại thì chuyện dân chúng lại nghèo đi, chật vật trong nheo nhóc, dễ thành dân đen, và chỉ một sớm một chiều bị cướp đất, cướp nhà là thành dân oan.
Như vậy, sự thật của xã hội Việt Nam hiện nay có thể nhìn qua các nạn nhân của quyền lực bạo động trực tiếp bằng đàn áp do công an trị; lại được trợ lực bằng bạo động truyền thông qua các hệ thống tuyên truyền, truyền thông, báo chí phục vụ ý đồ của tuyên giáo. Ta không quên bạo động tới từ tư pháp hiện nay là công cụ của ĐCSVN, dùng pháp luật để buộc tội dân lành đang bị cướp đất, cướp nhà, cướp của…
Ta lại càng không quên: bạo động biểu tượng với giọng điệu của chính quyền bắt buộc dân tộc phải nghe sự dối trá như là chân lý; để từ đó chôn vùi thực chất của sự thật, tạo nên tảng để chính quyền này dễ vu khống để vu cáo, dễ điêu ngoa để chụp mũ sự xuất hiện của mọi lẽ phải. Sự dối trá bằng phản xạ điêu ngoa luôn vùng vẫy trong bùn nhơ phản sự thật.
Sự xuất hiện của sự thật, bắt một chủ thể có lương tri vì có lương tâm trong hành động, làm nên tính lương thiện trong lý luận đưa chủ thể đó về hướng: phải nói thật để phải thật khi nói, mặc dù có thể bị xử tử bởi bạo quyền lãnh đạo, bị ám hại bởi tà quyền tham quan, bị trừng phạt bởi ma quyền tham tiền.
Khi nói thật để bảo vệ sự thật như chân lý để đi tìm lẽ phải, thì sự thật chính là tiền đề của đạo lý biết sống bằng hay, đẹp, tốt, lành trong mọi sinh hoạt xã hội, của luân lý làm nên điều hay lẽ phải trong trách nhiệm và bổn phận của một công dân đối với xã hội mà mình đang sống.
Sự thật bị khống chế
Sự thật của xã hội không thoát được sự xếp hạng theo thứ tự ưu tiên mà xã hội đó tôn vinh, và chính sự xếp hạng này cho phép hoặc không cho phép một sự thật xuất hiện, tại đây có khen thưởng hoặc có trừng phạt khi có một sự thật xuất hiện. Đó là bi kịch của Gallilé khi chứng minh trái đất tròn mà không phẳng, như giáo hội thời đó tin tưởng rồi áp đặt lên toàn xã hội.
Sau đó nhiều thế kỷ, chính Nietzsche đã xây dựng được luận thuyết nơi mà sự thật chỉ được thuyết phục bởi cái lý, nhưng chính ông cũng khuyên ta hãy cẩn trọng khi sự thật bị chính cái lý thông thường, phổ quát mà thực chất là phản sự thật, đang có sẵn trong tín ngưỡng đến vây bủa cái thật, rồi vây hãm để bóp chết sự thật ngay trong trứng nước trong bằng cái lý độc tôn đang có độc quyền trong tín ngưỡng để chống lại sự thật đó.
Niềm tin luôn tác động vào kiến thức; nơi mà lòng tin có kiến thức riêng của nó, có cái lý riêng để định vị sự thật, cụ thể là con người không muốn tin những sự thật mới tới để làm phiền rồi lật đổ các niềm tin đã có trong con người. Nên sự thật có thể nằm im lìm trong quên lãng, trong những gì mà người ta không muốn hiểu, và sự thật cũng có thể không nằm trong những gì mà người ta muốn biết.
Vì sự thật đụng chạm tới tư lợi, đây chuyện thường tình của nhân gian, nên trong khoa học cũng có chuyện tranh giành quyền lực như trong chính trị, trong tôn giáo cũng có chuyện tranh giành quyền lợi như trong kinh tế… Nếu ta muốn bảo vệ sự thật khách quan, để tới với chân lý của sự việc, chúng ta không bảo vệ sự thật một cách chung chung, mà bảo vệ trước hết là bảo vệ lý trí của sự thật làm nên chân lý cho lẽ phải.
Kant có niềm tin sâu sắc về thượng đế đã chế tác ra muôn loài, nhưng cũng chính triết gia này lại đề nghị là không có niềm tin nào vô điều kiện cả, ông khuyên ta hãy đến với sự thật với sự thành thật học để hiểu. Khi ta có thiện chí để học, có công cụ của tri thức đúng để tìm ra kiến thức mới và đúng về sự thật, thì sẽ hiểu mọi điều kiện cần thiết để nhìn, để thấy, để nhận và để hiểu ra sự thật.
Cụ thể là ta phải biết tách chủ thể đi tìm sự thật và đối tượng đang ẩn chứa sự thật, từ đó chủ thể có thể tái tạo từ đầu tới cuối sự hình thành của đối tượng để thấy được sự thật, và sự thật sẽ luôn được mở ra cho ta nhận ra sự thật, Kant tin rằng sự thật trao tặng cuộc sống sức mạnh của nó qua sự xuất hiện hiển nhiên của sự thật.
Flaubert thì nghĩ khác: sự thật của con người là biết vụ lợi để bảo vệ tư lợi của mình, nên sự thật trong xã hội xuất hiện với sự xung đột về quyền lợi, nơi mà mỗi tư lợi bám vào chỗ đứng của nó, cùng lúc muốn lớn ra và đe dọa các tư lợi khác.
Đã giàu rồi thì muốn giàu hơn, đứng núi này trông núi nọ cao hơn, và nói theo cách của Flaubert: quyền lực này không thể yêu quyền lực kia, chúng sinh hoạt trong xã hội để vô hiệu hóa nhau, và nếu có điều kiện là chúng hủy diệt nhau, mọi thỏa thuận về quyền lợi đều tạm thời, mọi liên minh về quyền lực đều chóng chày, thay đổi liên hồi như nắng sớm mưa chiều.
Chính sự xuất hiện của sự thật sẽ nói rõ sự xung đột đã có và sẽ tiếp diễn ngay trong sinh hoạt xã hội, nó đe dọa và nó thúc đẩy các lực lượng tốt trong xã hội liên kết để cùng nhau liên minh chống lại các lực lượng xấu chỉ biết bám vào tư lợi của mình mà “thí mạng” các lực lượng khác.
Các lý luận của triết học đã được một chuyên ngành sắc nhọn mài dũa trong hơn hai thế kỷ qua, để sự thật được ngời sáng lên, được thấy rõ qua đời sống xã hội, sinh hoạt xã hội, nhất là quan hệ xã hội, đó chính là xã hội học. Chuyên ngành này yêu cầu chúng ta khi đi tìm sự thật trong một xã hội: đừng quên là trong xã hội đó luôn có hai loại người kẻ thống trị và kẻ bị trị. Kẻ thống trị nắm không những quyền lực, lại còn thao túng luôn cả tri thức, bằng thủ đoạn của mình, qua chính quyền thuộc về mình, mà mục đích là kéo dài chế độ thống trị, nơi mà sân chơi, trò chơi, luật chơi được tổ chức rồi giật dây để khống chế rồi áp bức kẻ bị trị.
Bourdieu là nhà xã hội học đã đi sâu và đi xa trên chủ thuyết khống chế để thống trị này, thầy khuyên các môn sinh phải luôn mài dũa xã hội học thật sắc nhọn, mang thể chất của một sinh lực luôn đủ hùng lực để chiến đấu vì sự thật, nằm ngay trong sự bất bình đẳng, tạo ra bất công trong mọi quan hệ xã hội. Tại đây, có kẻ ăn trên ngồi trốc làm giàu qua sự bóc lột những người cày sâu cuốc bẩm; kẻ thống trị thì ngồi mát ăn bát vàng sống trên lưng những người lưng đội trời, mặt áp đất; kẻ thống trị này đi trên vai những người một nắng hai sương bằng thói ăn cỗ đi trước, lội nước theo sau; kẻ thống trị này lại tự cho phép mình nằm chờ sung rụng lại còn dẫm lên đầu những người thức khuya dậy sớm qua siêu cao thuế nặng. Đây chính là họa nạn của Việt tộc hiện nay. Sự thật của xã hội Việt hiện nay là kẻ thống trị vừa lạm dụng mọi sinh khí xã hội, vừa bóc lột tới tận xương tủy kẻ bị trị.
Kẻ thống trị quây quần với nhau để lập ra những tập đoàn quyền lực, tạo ra bất công tuyệt đối kẻ ăn ốc, người đổ vỏ như ta thấy qua thảm kịch của dân đen hiện nay lợi tức tàn mạt, ngày ngày sống với lạm pháp phi mã.
Lực lượng thống trị chung quanh ĐCSVN sống bằng bạo quyền độc tài trung ương, bằng tà quyền tham quan địa phương, và ma quyền chung quanh các nhóm lợi ích, có sân sau, có ô dù, được chống lưng, hít vào bằng biển thủ, thở ra bằng gian lận… tồn tại như các ký sinh trùng bòn rút tài nguyên của đất nước, tiền tài của dân tộc. Các ký sinh trùng này được “tẩm bổ” để trở thành một tập đoàn tội phạm trong hệ độc: độc đảng để độc tài, độc trị để độc quyền, độc tôn để độc quyết, bất chấp mọi độc hại tới với đồng bào, đất nước.
Bọn thống trị khống chế quần chúng bằng công an trị, không chừa một thủ đoạn nào của bạo quyền để đè đầu cỡi cổ nhân dân, không chừa một xảo thuật của tà quyền tham quan liên minh với ma quyền tham đất, ngày ngày trộm, cắp, cướp, giật đất đai, biến dân chúng thành hàng triệu dân oan. Chúng sống với các phản xạ thừa nước đục thả câu, để được đục nước béo cò, chúng say mê thừa gió bẻ măng để được mê mệt với quy luật của khống chế, để áp chế của bọn cướp ngày là quan! Sự thật của đời sống Việt hiện nay là kẻ thống trị vừa bòn rút, vừa trấn lột kẻ bị trị.
Độc hại như ung thư biến hóa hàng ngày trong quy trình tự tăng, tự phát của nó: mua bằng bán cấp để mua chức bán quyền qua hiện trạng học giả-thi giả-bằng giả, tất cả trong bối cảnh chung của bọn phản dân hại nước, đã đi trên tử lộ của chúng là buôn dân bán nước trước Tàu tặc đã chiếm đất, chiếm đảo, chiếm biển của chúng ta. Trước Tàu họa đang ô nhiễm môi trường, hủy diệt môi sinh của Việt tộc; trước Tàu hoạn ngày ngày đầu độc dân ta với thực phẩm độc hại; trước Tàu nạn theo túng, giật dây chính trị, kinh tế, thương mại, văn hóa… trong hiện cảnh của một ĐCSVN hèn với giặc ác với dân, bằng hiện thân đớn hèn cúi đầu-khoanh tay-quỳ gối của kẻ thống trị dân bằng công an trị, nhưng lại bị một kẻ thống trị lớn hơn áp chế, mà tổ tiên đã dặn dò con cháu, chính Tàu tặc là tử thù của Việt tộc từ ngày ông bà ta lập quốc. Sự thật của sinh hoạt Việt hiện nay là kẻ thống trị vừa xiết cổ dân Việt, vừa bán đứng kẻ bị trị.
Xã hội học từ chối nghiên cứu về đời sống xã hội mà không nghiên cứu về bất bình đẳng; từ chối điều tra về sinh hoạt xã hội mà không điều tra về bất công; từ chối khảo sát về quan hệ xã hội mà không khảo sát về sự bất nhân, vô luân của kẻ thống trị bấp chấp đạo lý hay, đẹp, tốt, lành của tổ tiên, đã làm nên luân lý của cộng đồng Việt biết sống có trách nhiệm với đất nước, làm nên đạo đức của dân tộc Việt biết sống có bổn phận với đồng bào.
Khi xã hội học phân tích về một hệ thống xã hội, nó luôn phân tích về quyền lực (trong bóng tối) đã tổ chức chính quyền của xã hội đó bằng khống chế và áp chế. Khi xã hội học giải thích về một cấu trúc xã hội, nó luôn giải thích quyền hạn (dưới ánh sáng) của dân quyền qua công bằng và bác ái của dân chủ.
Xã hội học có kiến thức thực nghiệm làm công cụ cho tri thức, hơn thế nữa: chính kiến thức là vũ khí để chống độc tài luôn tìm cách che lấp sự thật! Hãy xem xã hội học như là chuyên ngành cũng có kiến thức hàn lâm như các chuyên ngành khác của khoa học xã hội và nhân văn; nhưng cùng lúc tri thức của xã hội học cũng là vũ khí chống mỵ dân của độc tài, chống đạo đức giả của độc đảng.
Tri thức của xã hội học biết trao truyền kiến thức của nó không những qua lý thuyết, mà còn qua phương pháp tự phân tích để mỗi cá nhân, mỗi tập thể, mỗi cộng đồng, mỗi dân tộc thấy rõ về số phận của mình, để lật mặt nạ của bạo quyền trong bất bình đẳng, của tà quyền trong bất công. Xã hội học đề nghị những công thức giải thích dựa trên các công cụ phân tích về số kiếp của kẻ bị trị, để kẻ này thấy rõ số phận mình qua các bẫy của kẻ thống trị, khi kẻ thống trị xem kẻ bị trị như công cụ để lợi dụng rồi bóc lột.
Đưa sự thật cho quần chúng trong xã hội là để mọi người được quyền sống đúng, không là nạn nhân của bất công, trong một xã hội mà bóc lột là vô nhân, mà tham nhũng là vô luân, trên nguyên tắc của nhân quyền, con người được quyền sống trong một xã hội đáng sống, không ai là dân đen, dân oan của ai cả; và khi con người nhận ra sự thật này tức là con người đã biến nhận thức thành tỉnh thức.
Xã hội học luôn dặn dò ta phải cẩn trọng ngay trong tin tức, dữ kiện, chứng từ, vì sự thật luôn bị đánh tráo, đổi trắng thay đen, bị biến dạng khi ta đi tìm sự thật. Thí dụ khi ta đi tìm sự thật về giáo dục, chúng ta thường rơi vào các văn bản của Bộ Giáo dục, luôn mỵ dân trên các văn bản này, chúng không phải thực tế hiện nay của giáo dục với các bi nạn: bạo động, dâm loạn, hối lộ, tham nhũng… với học giả-thi giả-bằng giả qua buôn bằng bán cấp trong trường lớp để mua chức bán quyền trong các cơ chế; đây là sự thật của một bộ máy giáo dục bị lũng đoạn toàn bộ, nó hoàn toàn ngược lại với các văn bản đạo đức giả của Bộ Giáo dục.
Bạo quyền không thể chụp mũ, vu cáo một kiến thức toán trong một định đề toán và tà quyền không thể chính trị hóa toán học được; nhưng bạo quyền lãnh đạo, tà quyền tham nhũng có thể vu khống một sự thật của khoa học xã hội nhân văn, bằng cách chính trị hóa để lũng đoạn hóa các tri thức của khoa học xã hội nhân văn.
Và khi khoa học xã hội nhân văn không bị bạo quyền lãnh đạo, tà quyền tham nhũng khai thác, thì nó lại bị các ma quyền truyền thông giật dây, vu cáo, chụp mũ… Nên từ đây, xã hội học hiện đại đã là môt kiến thức biết tự phòng vệ để chống lại bạo ngôn của bạo quyền lãnh đạo, xảo ngôn của tà quyền tuyên giáo, lộn ngôn của ma quyền truyền thông. Tất cả bọn âm binh này luôn muốn che mắt, xiết cổ các công dân yêu dân chủ, luôn bị bôi nhọ bởi tuyên truyền, luôn bị ruồng bố bởi công an. Nên một sự thật muốn vững trong không gian để bền với thời gian là một sự thật biết tự phòng vệ!
___
Lê Hữu Khóa: Giáo sư Đại học Lille* Giám đốc Anthropol-Asie*Chủ tịch nhóm Nghiên cứu Nhập cư Đông Nam Á* Cố vấn Chương trình chống Kỳ thị của UNESCO – Liên Hiệp Quốc * Cố vấn Trung tâm quốc tế giáo khoa Paris.*Thành viên hội đồng khoa học Viện nghiên cứu Đông Nam Á* Hội viên danh dự nhóm Thuyết khác biệt, Học viện nghiên cứu thế giới.
Các bài của giáo sư LÊ HỮU KHOÁ trên Tiếng Dân đã được ANTHRPOL-ASIE xuất bản và các bạn đọc có thể chuyển tải trực tiếp các tác phẩm Trực Luận (l’argumentation directe), Xã Luận (l’argumentation sociétale), Dân Luận (l’argumentation démocratique), Tự Luận (l’argumentation libre), qua Facebook Vùng Khả Luận (trang thầy Khóa).
Mời đọc lại các bài cùng tác giả tại đây.