Mai V. Phạm
21-4-2019
Bản báo cáo dài 448 trang, của Công tố viên Đặc biệt Robert Mueller, với những phần bị bôi đen (redacted) vì liên quan đến các cuộc điều tra đang diễn ra, gồm hai phần. Phần 1: Mô tả các hoạt động phá hoại của Nga trong cuộc bầu cử Tổng thống năm 2016 và xem xét sự thông đồng giữa chiến dịch tranh cử Trump và Nga. Phần 2: Mô tả cuộc điều tra cản trở tư pháp công chánh. Phần 2 dài khoảng 200 trang, trình bày và phân tích rất tỉ mỉ, từng tweet hăm doạ, chửi rủa, và một loạt những hành động lạm quyền và biến chất khác của Trump.
Cuộc điều tra của Mueller
Khá nhiều người Việt không nắm rõ sự thật về cuộc điều tra của Mueller, cho rằng, nó bắt nguồn từ yêu cầu của Hillary Clinton và cựu tình báo MI6 người Anh, Christopher Steel. Thực tế, cuộc điều tra của Mueller không bắt nguồn từ yêu cầu của Hillary Clinton hay từ điều tra của Christopher Steel, mà từ chính thẩm quyền của Thứ trưởng Tư pháp Rod Rosenstein – là người Trump bổ nhiệm.
Nguyên nhân gốc rễ mà Rod Rosenstein quyết định mở cuộc điều tra, bổ nhiệm Robert Mueller làm Công tố viên Đặc biệt vào tháng 5/2017 là vì chiến dịch tranh cử của Trump có những biểu hiện thông đồng với Nga. Sau đó, vào ngày 14/6/2017, cuộc điều tra mở rộng sang một phạm vi khác là cản trở công lý (obstruction of justicce) bởi Trump có dấu hiệu sai phạm và lạm quyền, kết quả của việc sa thải cựu Giám đốc FBI James Comey.
Trong một chương trình quen thuộc trên Fox News, người dẫn chương trình Chris Wallace phân tích và nhấn mạnh, cuộc điều tra Mueller không bắt nguồn từ các báo cáo của cựu tình báo Christopher Steel. Ông Chris Wallace nói: “Điều tôi nói sẽ khiến vài khán giả điên tiết. Cuộc điều tra về Trump không bắt nguồn từ trát tòa của FISA (cho phép theo dõi Carter Page), Carter Page, và hồ sơ điều tra của cựu mật vụ Christopher Steel. Cuộc điều tra về Trump bắt đầu vào tháng 6 và tháng 7 năm 2016, khi George Papadopoulos đã liên hệ với một đặc vụ Nga và nói với một nhà ngoại giao Úc rằng ông đã nghe người Nga nói có thông tin ‘bẩn’ về Hillary Clinton”.
Tính tới thời điểm hiện nay, cuộc điều tra của Mueller đã truy tố 34 cá nhân (phần lớn là những người từng làm việc trong chiến dịch tranh cử 2016 của Trump), 25 người Nga, và 3 công ty Nga.
Báo cáo Mueller cũng giải thích rất rõ, vì sao văn phòng điều tra của ông không truy tố Donald J. Trump. Đó là vì một quy định lâu năm của Văn phòng Tư pháp đề nghị không truy tố Tổng thống đương nhiệm. Quan trọng hơn, Mueller tin rằng, trách nhiệm truy tố và luận tội một Tổng thống thuộc về Quốc hội. Ông Mueller viết: “Quốc hội có thể áp dụng luật cản trở công lý đối với sự lạm quyền của Tổng thống dựa trên nền tảng tam quyền phân lập của Hiến pháp và nguyên tắc Không một ai đứng trên pháp luật”.
Trách nhiệm và nghĩa vụ của Quốc hội
Trong 3 nhánh Hành pháp, Lập pháp và tư Pháp, thì Lập pháp – Quốc hội (Hạ viện và Thượng viện) được Hiến pháp trao cho quyền lực nhiều nhất. Một trong những nghĩa vụ quan trọng của Hạ viện là “luận tội các quan chức” theo Điều 1, Khoản 2. Hạ viện đã từng luận tội 16 quan chức liên bang, trong đó có hai Tổng thống là Andrew Johnson năm 1868 và William Jefferson Clinton năm 1998. Sau khi Hạ viện luận tội thì trách nghiệm của Thượng viện là xét xử các vụ luận tội này theo Điều 1, Khoản 3.
Hiến pháp yêu cầu Tổng thống “bảo đảm luật pháp phải được thi hành một cách đúng đắn” và hứa “giữ chức vụ Tổng thống với lòng trung thành và tận dụng hết khả năng để duy trì, giữ gìn và bảo vệ Hiến pháp Hoa Kỳ”. Nghĩa là, một Tổng thống không chỉ bảo đảm công dân tuân thủ pháp luật, mà chính bản thân phải có tinh thần “thượng tôn pháp luật”. Tuy nhiên, Mueller đã tìm thấy “nhiều hành vi thực hiện bởi tổng thống Trump” – sử dùng quyền lực để “tạo ảnh hưởng không đáng có đối với các cuộc điều tra”.
Mueller nêu rõ, Trump đã liên tiếp tìm cách hạn chế phạm vi của cuộc điều tra. Mueller chỉ ra Trump còn “gặp gỡ trực tiếp và gián tiếp với các nhân chứng nhằm gây ảnh hưởng đến lời khai của họ”. Mueller nhấn mạnh, các hành vi của Trump là “để đe dọa các nhân chứng hoặc để thay đổi lời khai của họ” và khiến “sự liêm chính của tư pháp bị đe dọa”. Nếu thực sự vô tội, tại sao Trump lại liên tục tìm cách chấm dứt và tạo ảnh hưởng nhằm thay đổi kết quả cuộc điều tra?
Ngắn gọn, Trump đã sử dụng quyền Tổng thống để áp lực chân tay vi phạm pháp luật, nhằm bảo vệ Trump khỏi bị truy tố. Nhiệm vụ cao nhất của Bộ Tư pháp, thuộc Hành Pháp mà Trump là người đứng đầu, là phục vụ Hiến pháp và bảo vệ nền pháp trị (the rule of law), không phải phục vụ lợi ích của Tổng thống. Tuy nhiên, báo cáo Mueller đã chứng minh rằng, Trump xem bộ Tư pháp là công cụ phục vụ lợi ích bản thân. Cách hành xử của Trump không khác gì bọn lãnh đạo độc tài cộng sản: vô pháp.
Với một núi bằng chứng về sự cản trở công lý của Trump, Hạ viện cần tiến hành quá trình luận tội (impeachment process) đối với Trump. Quá trình luận tội sẽ bao gồm các phiên điều trần công khai. Mục đích của các phiên điều trần công khai là để tìm hiểu tất cả các sự việc liên quan đến các sai phạm của Trump, cũng như để công chúng thấy rõ các bằng chứng sai phạm đó.
Nếu Hạ viện không tiến hành quá trình luận tội Trump, điều đó sẽ gửi một thông điệp xấu đến công chúng: Trump có thể đứng trên pháp luật. Quan trọng hơn, Trump sẽ nghĩ rằng một núi bằng chứng cản trở công lý mà Mueller đưa ra chẳng là thá gì và Trump sẽ tiếp tục dùng quyền hành Tổng thống để đứng trên pháp luật.
Nhiều người cho rằng, Hạ viện không nên luận tội Trump vì Thượng viện (do đảng Cộng hòa kiểm soát) sẽ không kết tội Trump. Lập luận này không đúng vì xem việc luận tội chỉ đơn giản là việc bãi bỏ Tổng thống đã phạm tội, mà bỏ qua tầm quan trọng của quá trình luận tội với các phiên điều trần công khai và cuộc điều tra rộng mở.
Năm 1999, Lindsey Graham (đảng Cộng hòa), hiện là Chủ tịch Ủy ban Tư pháp Thượng viện, trả lời về vấn đề luận tội Bill Clinton: “Ông ta khuyến khích mọi người nói dối vì ông ấy. Ông ấy đã nói dối. Tôi nghĩ rằng ông ấy đã cản trở công lý. Tôi nghĩ rằng có đầy đủ bằng chứng thuyết phục rằng ông ta đã vi phạm và vì thế tốt hơn nếu ông ta từ chức.”..
Clinton đã bị Hạ viện luận tội (impeached) vì những sai phạm mà Lindsay Graham đã đưa ra. Nixon phải từ chức vì cáo buộc FBI phải từ bỏ cuộc điều tra về mình. Trump liên tục yêu cầu chân tay chấm dứt cuộc điều tra Mueller và sa thải những ai không làm theo. So sánh mức độ cản trở công lý, thì sai phạm và lạm quyền của Trump là nghiêm trọng hơn Clinton và Nixon nhiều lần.
Lời Kết
Một tổng thống mà chỉ mong đợi không bị bộ Tư pháp của mình truy tố, thì tiêu chuẩn và phẩm chất của tổng thống đó quá thấp. Tổng thống đó chính là Donald J. Trump. Không những phẩm chất kém và vô đạo đức, Trump còn được chứng minh trong phần 2 của báo cáo Mueller là cản trở công lý. Bởi thế, Mueller đã nhắc nhở nghĩa vụ Quốc hội: “truy tố hành vi sai trái của tổng thống”.
Hạ viện cần tiến hành quá trình luận tội Trump với các phiên điều trần công khai để gửi thông điệp quan trọng đến Trump và cử tri: “Không ai đứng trên pháp luật”. Một nền dân chủ khỏe mạnh không thể có một tổng thống xem pháp luật như một công cụ phục vụ lợi ích bản thân. Một nền dân chủ khỏe mạnh phải có khả năng luận tội các quan chức đã được chứng minh cản trở công lý.
Như Luật sư George Conway, chồng của Cố vấn cao cấp của Trump – Kelleyane Conway – đã viết: “Cố vấn Nhà Trắng, John Dean, nói với Nixon rằng, có một mầm mống ung thư trong nhiệm kỳ tổng thống và nó đang phát triển. Điều mà báo cáo Mueller cho thấy cùng với sự giải thích rất rõ ràng là hiện tại đang có một mầm ung thư: Tổng thống Donald J. Trump. Quốc hội hiện tại có nghĩa vụ quan trọng mà Hiến pháp đã trao là loại bỏ mầm bệnh ung thư đó và không thể trì hoãn”.
Nếu luận tội Trump thi cũng giống như luận tội Clinton nhưng thực tế
là KHÔNG ĐÀN HẶC để truất phế Clinton vì hạ viện lúc đó có đa số dân
biểu đảng DC.đã lý luận theo câu truyện người đàn bà ngoại tình trong
Kinh Thánh.Nàng được Chúa giải thoát bằng câu hỏi cho một đám đông
có mặt lúc ấy “Nếu ai trong các người vô tội thì hãy ném đá trước tiên”
khiến mọi người bỏ đi và nàng thoát chết !
Đúng là đảng DC.đã lợi dụng Kinh Thánh một cách thượng thừa !
Việc luận tội D. Trump trước mắt là hãy dùng lá phiếu không bầu cho ông ta trong cuộc bầu cử TT 2020 sắp tới. Cuộc bầu cử này sẽ là một trắc nghiệm sự hiểu biết của người công dân Mỹ về việc xây dựng, bảo vệ một thể chế dân chủ trong đó không thể chấp nhận sự áp đặt và lạm dụng pháp luật.