Mười năm trước, mười năm sau biến cố Ba Mươi tháng Tư

Chu Chi NamVũ Văn Lâm

20-4-2019

Biến cố 30/04/1975 là một biến cố vô cùng quan trọng đối dân tộc, đất nước và lịch sử Việt. Nó đã cướp đi mảnh đất cuối cùng của tự do, dân chủ, truyền thống văn hóa, giáo dục tốt đẹp của ông cha ta để lại, để che phủ lên màu tang tóc của chủ nghĩa Mác-Lê, đưa đến việc con đấu bố, vợ chửi chồng, bạn bè tìm cách sát hại lẫn nhau, qua những cuộc đánh tư bản mại sản, đổi tiền, “đi học tập cải tạo”, khiến cho dân miền Nam phải than lên, qua câu vè: “Năm đồng đổi lấy một xu. Người khôn đi học, Thằng ngu làm thầy!

Xã hội hoàn toàn đảo lộn, kỷ cương bị giày xéo, những kẻ gian manh, quỷ quyệt, ác ôn côn đồ lên làm thượng tầng.

Mười năm trước, mười năm sau biến cố 30/04/1975, tổng cộng là 20 năm. Hai mươi năm thì chẳng là bao, so với dòng dài lịch sử, so với một đời người là ¼, nếu chúng ta tính tuổi thọ trung bình là 80.

Tuy nhiên, nhiều khi 20 năm của một dân tộc, nhất là dân tộc Việt Nam, thì 20 năm từ năm 1965 tới năm 1985, đã có quá nhiều biến cố đau thương. Nó lại quá dài.

Chúng ta hãy cùng nhau ôn lại những biến cố đó trên trường quốc nội cũng như quốc ngoại: Mười mươi năm trước có thể coi như nguyên nhân gần, mười năm sau có thể coi như hậu quả gần.

Tuy nhiên nếu nói đến nguyên nhân xa, thì có thể nói đến việc Hồ Chí Minh đi theo Đệ Tam quốc tế Cộng sản, nhập cảng lý thuyết Mác Lê, được tổ chức này đưa về cướp chính quyền ngày 19/8/1945, đặt đất nước chúng ta dưới gông cùm Cộng sản, biến nước ta thành nơi tranh hùng giữa Tư bản và Cộng sản.

Hậu quả xa còn rơi rớt cho tới ngày hôm nay: Chính quyền Cộng sản Việt Nam quỵ lụy trước Trung Cộng, nay dâng đất, mai nhượng biển. Tuy nhiên trong khuôn khổ bài này chúng ta chỉ nói đến nguyên nhân và hậu quả gần.

Mười năm trước 1975, là năm 1965, năm mà Hoa kỳ đổ bộ quân ồ ạt vào Việt Nam. Johnson chấm dứt chính sách chiến lược của Kennedy, chỉ tham gia cuộc chiến một cách gián tiếp, bằng cách gửi những cố vấn. Đó là về phía Hoa kỳ. Về phía Liên Xô, thì Brejnev lên ngôi vừa đúng 1 năm, sau khi làm cú đảo chánh hạ bệ Khrouschev (1964). Sự việc này là một cơ hội ngàn vàng của Lê Duẩn, phe chủ chiến bằng bất cứ giá nào cũng phải đánh vào miền Nam.

Đây cũng là bước đầu trong việc Cộng sản Việt Nam hoàn toàn ngả về phía Liên Xô, đưa đến cuộc tranh chấp Nga – Hoa càng ngày càng trở nên căng thẳng.

Cuộc chiến Việt Nam trở nên khốc liệt hơn, không còn là việc đánh đấm bằng du kích, mà bước sang những cuộc tấn công ở mức độ sư đoàn.

Phía Liên Xô, sau khi hạ bệ Khrouschev, bị cho rằng là đã sai lầm vì chủ trương hòa hoãn với tư bản, đã trở lên quá yếu hèn với tư bản, Brejnev chủ trương chiến lược tấn công tư bản, gồm 2 kế sách, thượng sách: tấn công Tư bản ở mọi phía, để chiến thắng, để ngọn cờ Cộng sản có thể cắm ở mọi nơi trên thế giới; trung sách, nếu không thì cùng lắm là chia đôi thế giới.

Brejnev đã sửa soạn và thực hiện thượng sách của mình từ khi lên ngôi, với sự phụ giúp của 3 nước đàn em: Ở Á châu là Cộng sản Việt Nam; ở Âu châu là Đông Đức; Ở Nam Mỹ và Phi châu là Cuba.

Trong khi đó Hoa kỳ với Johnson là cố thực hiện Chính sách Be bờ (Containment Policy), nhằm ngăn chặn cộng sản, mà tuyến đầu là Việt Nam và Đông Nam Á.

Ở Liên Xô, Brejnev thực hiện Thượng sách của mình từ lúc lên ngôi vào năm 1964 kéo dài cho tới năm 1975 với Hội nghi Helsink.

Brejnev đã tung hết lực ra tấn công tư bản ở mọi nơi trên thế giới, ngay ở cả Hoa kỳ , tiêu biểu là những cuộc biểu tình phản chiến, với sự giúp đỡ gián tiếp của bàn tay Liên Xô, qua những phong trào đòi hòa bình, ngưng chiến ở Việt Nam.

Ở Âu châu cũng vậy, những phong trào phản chiến, đòi hòa bình, đứng đằng sau là những đảng cộng sản địa phương và những tổ chức thiên tả, thực hiện những cuộc ám sát, như ám sát 2 người chủ tịch nghiệp đoàn chủ nhân ông ở Ý và ở Đức.

Ở Pháp tiêu biểu là cuộc biểu tình đình công bắt đầu vào tháng 5/1968, kéo dài cả năm trời. Ngành đổ rác và làm vệ sinh đường phố cũng tham gia, làm cho Paris tràn ngập rác rưởi cả năm trời. Quả thực tư bản bị lung lay; nhưng không sụp đổ như dự tính của Brejnev.

Trong khi đó thì Brejnev vẫn tiếp tục tấn công, tiếp tục chạy đua vũ trang. Đây là một cuộc chạy đua vũ trang không tiền khoáng hậu. Chỉ xin nêu ra một vài con số về phía Liên số.

Trong thời Brejnev, số xe tăng sản xuất hàng năm, mỗi năm là 5000 chiếc, bằng tổng số xe tăng sản xuất bởi Hoa kỳ và toàn thế giới cộng lại.

Về sản xuất đầu đạn nguyên tử Liên Xô đã vượt Hoa kỳ, ngay ngày hôm nay, tính về đầu đạn nguyên tử, Nga hiện có 8000 đầu đạn, Hoa kỳ 7000.

Về phía Hoa kỳ, có lúc số quân tham chiến ở Việt Nam lên tới nửa triệu quân. Đây là lúc cao điểm nhất của chiến tranh Lạnh. Và đây cũng là lầm lẫn lớn nhất của chính sách Hoa kỳ đối với Việt Nam.

Chính sách này mà người chủ trương và thi hành chính là ông bộ trưởng Robert Macnamara, chỉ nhìn chiến tranh dưới khía cạnh kỹ thuật, tiền bạc, quên đi khía cạnh chính trị, nghĩ rằng với võ khí dồi dào, số quân đông là có thể thắng. Nhưng ông đã sai lầm.

Johnson đã phải trả giá sự sai lầm đó là không ra ứng cử vào năm 1968, cũng như phải công nhận Mặt trận Giải phóng miền Nam, một công cụ hoàn toàn được dựng lên bởi cộng sản Bắc Việt, và phải mở ra Hội nghị Paris. Về sau, Cộng sản Bắc Việt trâng tráo ngang nhiên công nhận rằng, Mặt Trận Giải phóng miền Nam là do mình lập ra.

Trong một cuộc phỏng vấn của đài truyền hình Pháp, tên đại tá cộng sản Nguyễn Bâm, nói rõ rằng, từ năm 1959, “được lệnh của Bác và của Bộ Chính trị, đi vào miền Nam để thành lập Đường mòn Hồ chí Minh”, “Chúng tôi đã lấy khẩu hiệu “Lấy trời làm màn, lấy đất làm chiếu”.

Một trong những cao điểm của Chiến tranh Việt Nam và cũng có thể nói của chiến tranh Lạnh là cuộc tấn công Tết Mậu Thân 1968.

Nixon ra tranh cử, hứa sẽ “Đưa binh sỹ Hoa kỳ trở về nhà“, và đồng thời thay đổi chiến lược toàn thế giới bằng cách bắt tay với Trung Cộng. Vừa mới thắng cử, Nixon đã cử Kissinger đi đêm với Trung Cộng. Đây là một biến cố lớn đối với chiến tranh Việt Nam và ngay cả đối với thế giới.

Nixon thay đổi hẳn chiến lược, bắt tay với Trung Cộng để nhắm vào Liên Xô. Theo nhật ký của Kissinger, đầu năm 1968, khi Nixon mới nhậm chức, thì Kissinger được đại sứ Liên Xô mời đi ăn. Trong bữa ăn, tên đại sứ đã ngỏ lời thăm dò là nếu Liên Xô dùng vũ khí nguyên tử tấn công Trung Cộng, thì mong Hoa kỳ đứng trung lập. Kissinger trả lời rằng đây là một quyết định lớn, ông không thể lấy và phải về hỏi ý kiến của tổng thống.

Điều ông đã làm là Nixon họp ngay Hội đồng an ninh nới rộng. Trong cuộc họp, Nixon đã nói rõ kẻ thù chính của chúng ta lúc này là Liên Xô, chứ không phải Trung Cộng.

Ở điểm này, có người cho rằng Brejnev, sau khi tấn công Tết Mậu thân ở Việt Nam, cho những tay em là những đảng viên cộng sản và những tổ chức hòa bình thân cộng ở trên khắp thế giới tấn công tư bản nhưng tư bản không sụp đổ. Brejnev đành phải bước sang Trung sách, chia đôi thế giới; nhưng bị mắc cái xương ở cổ họng là Trung Cộng, nên muốn diệt trừ Trung Cộng.

Có người cho rằng Brejnev bước sang Trung sách thực sự vào tháng 7/1975 với Hội nghị Helsinki, chỉ cách Biến cố 30/04/1975 không đầy 3 tháng.

Điều này chứng tỏ Liên Xô, bề ngoài thì phổng phao, nhưng bên trong thì đổ nát.

Có điều đáng buồn cho Cộng sản Việt Nam lúc này vẫn còn dưới sự cai trị của Lê Duẩn, vẫn phổng phao, vẫn cho rằng cộng sản sẽ toàn thắng trên thế giới. Kiểu nói như một anh du kích, răng đen mả tấu, dốt đặc cán mai: “Vì Hoa kỳ ở xa, nếu không, chúng tôi sẽ giải phong Hoa Thịnh Đốn như giải phóng Sài Gòn!”

Giới lãnh đạo Cộng sản Việt Nam, từ Hồ chí Minh cho tới ngày hôm nay, chỉ biết bịt mắt, cúi đầu theo Nga, Tàu, không hiểu gì tình hình bên ngoài và thế giới. Họ Hồ thì thản nhiên tuyên bố: “Tôi không có tư tưởng gì cả. Tư tưởng của tôi đã có Stalin và Mao Trạch Đông nghĩ hộ. Hai người này không bao giờ sai lầm”.

Lê Duẩn thì: “Chúng tôi đánh đây là đánh cho Liên Xô và Trung Cộng”.

Ngày nay Nguyễn Phú Trọng thì bắt chước Tập Cận Bình. Ông này tuyên bố: “Những người được tuyển bào Bộ Chính trị thì phải là những nhà chính trị Mác – Lê”.

Nguyễn phú Trọng nhái theo: “Người làm tổng bí thư phải là người có lý luận Mác – Lê và phải là người Bắc kỳ. “Thêm cái đuôi Bắc kỳ, mà không biết rằng đảng Cộng sản Việt Nam, từ ngày thành lập cho tới ngày hôm nay, đều rêu rao thống nhất Nam – Bắc. Chúng hy sinh cả triệu người, xương chất thành núi, máu chảy thành sông, cũng không màng đến số phận của dân, là cũng vì cái trò bịp bợm thống nhất đất nước của chúng.

Ngày hôm nay bề ngoài thì thống nhất nhưng lòng dân có thống nhất hay không?

Cả trăm du khách Việt Nam, trong một chuyến du lịch sang Đài Loan, rồi bỏ trốn ở lại. Chỉ cần một sự kiện này cũng chứng tỏ dân yêu chính quyền đến cỡ nào! Có người nói đây là tỵ nạn kinh tế. Ngay dù như vậy chăng nữa, chúng ta phải nhớ: đất lành chim đậu, con chim kia nó còn biết tìm nơi có thức ăn, khí hậu ấm áp để sinh sống huống chi là con người.

Giới lãnh đạo Cộng sản Việt Nam và giới trí thức nịnh bợ chính quyền luôn luôn rêu rao rằng Việt Nam hiện nay phát triển. Nhưng họ không biết rằng đó chỉ là bề ngoài: Sản lượng tính theo đầu người hiện nay của Việt Nam (Theo Le Monde – Bilan du Monde 2019) là 2553 USD, trong khi đó của Đài Loan là 53.334 USD, gấp đúng 20 lần; của Nam Hàn là 32.046 USD, gấp 12. Nên nhớ vào năm 1972, sản lượng tính theo đầu người của miền Nam VN là 90 USD, của Bắc Việt là 45 USD, của Nam Hàn là 80 USD, của Đài Loan là 70 USD.

Tiến ầm ầm ào ào mà thua tất cả những nước chung quanh. Tiến nhanh tiến mạnh lên xã hội chủ nghĩa mà thụt lùi với những nước láng giềng.

Trở về với Biến cố 30/04/1975, đây là một biến cố vô cùng tai hại cho dân, đất nước và lịch sử Việt! Ăn mừng chiến thắng của cộng sản, chính là ăn mừng chiến bại của dân Việt!

Về phía Hoa kỳ, Nixon lên làm tổng thống vào năm 1968, nhằm giải quyết 2 vấn đề chính về đối ngoại: 1) Bằng bất cứ giá nào cũng rút quân khỏi Việt Nam như đã hứa với dân Mỹ trong kỳ tranh cử; 2) Tìm cách bắt tay với Trung Cộng, cô lập Liên Xô và chỉa mùi dùi chính vào nước này. Bởi vậy mà có cuộc gặp gỡ Nixon – Mao vào năm 1972 ở Thượng Hải.

Chính vì vậy mà chúng ta thấy có những hậu quả tai hại về sau này, không những cho dân Việt mà cho cả thế giới, làm cho con rồng Tàu cộng thức dậy và đang quậy phá khắp nơi.

Về Việt Nam, Nixon bằng bất cứ giá nào cũng ký Hiệp định Paris 1973, để rút quân khỏi Việt Nam, trong khi đó không đòi hỏi quân cộng sản Bắc Việt rút khỏi miền Nam, chẳng khác nào trói chân trói tay miền Nam, để trên cái mâm, dâng cho cộng sản Bắc Việt.

Đó là chưa kể đến việc giảm viện trợ, từ cả tỷ xuống 700 triệu USD. Ngay cả 700 cũng chỉ có tháo khoán 300 triệu. Trong khi đó, Cộng sản Bắc Việt được toàn khối cộng sản giúp đỡ.

Việc miền Nam mất vào tay cộng sản chỉ là vấn đề thời gian, sớm hay muộn. Và biến cố 30/04/1975 đã đổ lên đầu dân miền Nam, Việt Nam.

Rồi thời gian trôi qua, biết bao biến cố xảy ra ở thế giới, thế giới cộng sản cũng như tư bản.

Mặc dầu phổng phao với chiến thắng 30/04 nhưng Liên Xô của Brejnev bắt đầu suy nghĩ lại chiến lược tấn công tư bản của mình, khối cộng sản bắt đầu bằng Nga – Hoa chia rẽ trầm trọng, tranh chấp biên giới trở nên cao điểm.

Để chống lại Liên Xô và tay em là Cộng sản Việt Nam, Trung Cộng đã xúi giục tay em của mình là Pol Pot quấy phá những vùng sát biên giới Việt – Cam bốt ngay sau ngày 30/04/75.

Chỉ 3 tháng sau, có cuộc họp về An ninh Âu châu, với sự tham dự của tất cả các nước Âu châu, thêm Hoa kỳ và Canada. Đây là một biến cố vô cùng quan trọng, nhưng ít báo chí và những nhà bình luận thế giới nói tới. Đó là Hội nghị Helsinki. Nó nói lên 2 điều:

1) Liên Xô của Brejnev từ bỏ chiến lược tấn công thế giới, trở về thế thủ.

2) Thế giới tư bản bắt đầu chuyển sang thế tấn công cộng sản, nhưng bắt đầu bằng thương mại và ý thức hệ.

Để thực hiện chiến lược Trung sách, chia đôi thế giới, Liên Xô của Brejnev đã đưa ra học thuyết Brejnev, trong đó có chủ thuyết “Quyền độc lập có giới hạn và quyền can thiệp“, theo đó, những nước Đông Âu nằm trong ảnh hưởng của Liên Xô chỉ có độc lập giới hạn và Liên Xô có quyền can thiệp ngay cả việc gửi quân sang để làm ổn định tình hình, nếu thấy cần thiết.

Ngoài ra Liên Xô còn đòi Âu châu công nhận đường lãnh thổ lấy sông Oder, giữa Ba Lan và Đức làm giới tuyến. Nên nhớ là vào lúc kết thúc Đệ Nhị Thế chiến, Liên Xô đã chiếm một phần đất của Ba lan, và để bù lại, Liên Xô lấy 1 phần đất của Đức trao cho Ba Lan, tới mãi sông Oder, giáp giới Đức – Ba Lan.

Tất cả những yêu sách này, Brejnev đã đưa ra trong Hội Nghi Helsinski họp vào giữ tháng 7 và kết thúc vào đầu tháng 8/1975.

Về phía tư bản, nhất là Âu châu, đã chấp nhận tất cả, ngoài trừ một vài điều kiện được gói ghém trong chương cuối cùng của Hiệp định, được người sau gọi là Giỏ cuối cùng (Dernière Corbeille).

Theo đó, Liên Xô không thể phá sóng những đài Âu châu chuyển tin tức vào những nước Đông Âu và Liên Xô, và phải để cho những nhà bất đồng chính kiến rời Liên Xô, như trường hợp nhà văn hào Soljennytsine, bị trục xuất 1 năm trước đó.

Người dân Liên Xô, chính giới Liên Xô nghĩ gì về Hiệp ước Helsinski 1975? Có 2 khuynh hướng:

1) Khuynh hướng ủng hộ, tất nhiên có Brejnev, cho rằng hiệp ước này giúp Liên Xô tháo gở những khó khăn chồng chất từ quốc nội đến hải ngoại, giúp có thể mua hàng thế giới vì Liên Xô đang thiếu thực phẩm về mọi mặt.

2) Khuynh hướng chống lại, đó là khuynh hướng của Cơ quan tình báo quân sự Liên Xô. Theo một vị tướng của cơ quan này, thì Hiệp ước Helsinski chẳng khác nào tự mình chọc thủng phòng tuyến của mình cho địch thâm nhập.

Cho tới hôm nay, chúng ta thấy cái nhìn của vị tướng này không phải là không có lý.

Trở về với Việt Nam. Giới lãnh đạo Cộng sản Việt Nam vẫn không nhìn thấy rõ tình hình chính trị thế giới, nhất là sự rạn nứt Nga – Hoa không thể hàn gắn. Chính vì vậy mà vẫn nhắm mắt theo Liên Xô.

Đầu năm 1978, Cộng sản Việt Nam ký hiệp ước quân sự với Liên Xô; cuối năm 1978, gửi quân sang xâm chiếm Cam bốt, lật đổ Pol Pot, tay em của Trung Cộng. Tình hình thế giới lúc này biến chuyển rất mạnh: Năm 1976, Mao chết, Đặng tiểu Bình trở lại chính quyền, đi theo đường lối thân Mỹ mạnh và rõ rệt hơn.

Ít lâu sau, Liên Xô gửi quân sang xâm chiếm A Phú Hãn, thực hiện giấc mơ thứ 2, chia đôi thế giới, lấy trục Sài Gòn, Pnom Penh, Bangkok, Kabul, Moscow làm giới tuyến, bên phía đông thuộc về cộng sản; phía tây thuộc về tư bản. Nhưng cả hai, Liên Xô và Việt Nam đều bị sa lầy ở A Phú Hãn và ở Cam bốt.

Cuối năm 1978, Đặng viếng thăm Hoa Kỳ, lúc đó là vào thời của Carter. Có người cho rằng họ Đặng sang xin phép Hoa kỳ để đánh Việt Nam. Nói như thế thì hơi quá nhưng trên thực tế là như vậy.

Và chiến tranh biên giới Việt – Hoa đã xảy ra một cách khốc liệt. Đầu năm 1979, hai bên dồn mỗi bên nửa triệu quân để đánh nhau, mang đến cả chục ngàn người chết ở mỗi bên. Trung Cộng không ngần ngại tàn sát tất cả, phá hủy tất cả những gì ở 6 tỉnh của Việt Nam sát biên giới.

Tình hữu nghị xã hội chủ nghĩa không còn nữa. Câu “Môi hở răng lạnh“ vứt xuống sông xuống biển. Thực ra thì cộng sản, và đúng với bất cứ người cộng sản nào, ngay cả bố mẹ, anh em, vợ con, họ còn không coi ra gì, huống chi là đồng chí.

Rồi thời gian trôi qua, chiến tranh biên giới Việt – Hoa vẫn tiếp tục, tình hình kinh tế, xã hội Liên Xô càng ngày càng xấu thêm: dân chán ngán, hút sách, nghiện nập đầy đường, các cửa hàng không có thực phẩm, ngay cả những cửa hàng dành cho các ông lớn.

Brejnev cũng không thể thực hiện chiến lược Trung sách. Rồi chết vào năm 1983. Trước khi chết, ông phải than lên: “Xã hội chủ nghĩa gì mà 1/3 xe chạy ngoài đường là ăn cắp xăng của công, 1/3 bằng cấp là bằng cấp giả, công chức đến sở làm việc là đến để có mặt, sau đó đi coi hát hay làm chuyện riêng!

Người Việt Nam chúng ta có câu “Họa vô đơn chí, phúc bất trùng lai“, họa thì đến nhiều lần nhưng phúc chỉ đến có một lần. Những cái họa liên tiếp đến với Liên Xô. Brejnev chết; Andropov lên thay. Nhưng không đầy 1 năm ông này cũng chết. Tchernenko lên thay, nhưng cũng chỉ 1 năm, ông này chết luôn. Gorbatchev lên thay vào năm 1985.

Ở Việt Nam thì Lê Duẩn chết vào năm 1986, khép lại một thời kỳ cai trị độc tài, sắt máu, dựa trên dối trá, lừa đảo, lừa đảo cả một dân tộc dưới chiêu bài xã hội chủ nghĩa, chủ nghĩa dân tộc. Cách cai trị này hiện nay vẫn còn, nhưng dân Việt đã thức tỉnh.

Vào những năm 80, hiện tượng Thuyền nhân, cả triệu người bỏ nước ra đi, làm chấn động thế giới.

Sở dĩ tôi nói tới 10 năm trước 10 năm sau 1975 là tôi muốn nói thời kỳ cao điểm nhất của Chiến tranh Lạnh vừa qua, mà Việt Nam là nạn nhân đau thương nhất.

Nói đến quá khứ không khỏi làm ta nghĩ tới hiện tại để rồi tiên đoán tương lai.

Hiện tại nhiều người cho rằng thế giới đang ở thời kỳ Chiến tranh Lạnh lần thứ Hai, khi ông Donald Trump bắt đầu chiến tranh thương mại với Trung Cộng.

Hơn thế nữa, Trump đã cho Ronald Reagan là thần tượng của mình. Trong những tổng thống Hoa kỳ thời Chiến tranh Lạnh, Reagan là người công khai tuyên bố chống Liên Xô và chiến lược của ông chỉ nhằm mục đích đó.

Reagan lên cầm quyền vào năm 1980, hết hai nhiệm kỳ và phải chờ đến năm 1990 cộng sản Liên Xô mới sụp đổ. Liệu Donald Trump có thể làm được những gì Reagan đã làm hay không?

Trở về với Việt Nam, liệu giới lãnh đạo hiện nay có đủ kinh nghiệm và sáng suốt để tránh cho Việt Nam khỏi là nạn nhân đau thương nhất của Chiến tranh Lạnh lần thứ 2 này không?

Chúng ta bắt buộc phải quan sát và chờ đợi, như câu “Wait and see”, của Anh.

Bình Luận từ Facebook