Trong trần ai, ai dễ hơn ai?

Thạch Đạt Lang

19-4-2019

Vụ án Trịnh Vĩnh Bình khởi kiện chính quyền CSVN đã có phán quyết sau gần 20 tháng, coi như tạm thời kết thúc. Dùng chữ “tạm thời” vì có thể phía CSVN, dù không còn cơ hội kháng án ở tòa nào nữa nhưng chưa chắc họ đã thi hành án lệnh theo đúng thời hạn. Trong tình trạng ngân quỹ thiếu hụt trầm trọng hiện nay, có nhiều khả năng CSVN sẽ tìm đủ mọi cách lươn lẹo để trì hoãn, lần lửa việc trả tiền bồi thường cho ông Trịnh Vĩnh Bình.

Hơn nữa, vấn đề không phải là CSVN tiếc số tiền phải chi trả, bồi thường thiệt hại cho Bình – bởi đó là tiền thuế, là mồ hôi, nước mắt và cả máu của người dân Việt Nam – mà do thói quen kiêu ngạo cộng sản. Chế độ CSVN sẽ xoay sở, câu giờ việc thi hành vì không muốn khuôn mặt vốn lem luốc, dơ bẩn, trơ trẽn của họ bị bôi nhọ thêm.

Một câu hỏi được đặt ra trong chuyện của Trịnh Vĩnh Bình, đó là cùng kinh doanh địa ốc, bất động sản, mua bán dất đai, nhà cửa… giống như Bình, Phạm Nhật Vượng – một việt kiều từ Nga trở về – không bị cộng sản bắt giữ, kết án, tịch thu tài sản như Bình. Chẳng những không bị bắt giam, kết án, tịch thu tài sản mà chỉ trong vòng chưa đến 10 năm, từ số tiền vốn khoảng 150 triệu USD mang về từ Ukraine – một nước thuộc Liên Bang Xô Viết cũ – Vượng trở thành tỉ phú đô la đầu tiên trên thị trường chứng khoán VN.

Phạm Nhật Vượng (trái) và Trịnh Vĩnh Bình.

So với số tiền 30 triệu đô la Bình có vào năm 1996 thì Vượng với khối tài sản cả tỉ đô hiện nay đúng là một con mòng béo, mập mạp gấp mấy chục lần Bình, lẽ ra phải được các tay CS chóp bu Việt Nam chọn làm thịt từ lâu. Tại sao họ vẫn để cho Vượng yên thân?

Đó chẳng qua là Vượng đã nắm vững được học thuyết “kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa”. Một học thuyết không có sách vở, trường lớp nào chỉ dạy, cho dù là những đại học nổi tiếng nhất thế giới như Princeton, Harvard, Cornell, Columbia…

Trịnh Vĩnh Bình gốc miền Nam, vượt biên từ năm 1976 rồi định cư tại Hòa Lan, không gian manh, quỷ quyệt, không nhiều kinh nghiệm sống trong chế độ CS như Vượng. Có học, có kiến thức, thích mạo hiểm, kinh doanh, Bình nhanh chóng thấy những cơ hội có thể phát triển được ở xứ người. Sau hơn 10 năm, bắt đầu từ những cuốn chả giò dòn rụm, thích hợp khẩu vị người dân bản xứ, Bình có được ít vốn với 2 cơ sở sản xuất và danh xưng “vua chả giò” ở Hòa Lan.

Khi Phan Văn Khải qua Âu châu kêu gọi “việt kiều” đem tài sức, trí tuệ, của cải… về xây dựng đất nước, Bình chưa sống lâu với cộng sản, chưa hiểu biết, chưa nếm mùi tàn độc, lưu manh, gian xảo của chế độ chuyên nghề ăn cướp, nôm na là “chưa thấy quan tài chưa đổ lệ”, nên nhẹ dạ nghe lời dụ dỗ của những con chó sói đội lốt cừu.

Năm 1987 Bình bán hai cơ sở sản xuất chả giò ở Hòa Lan, gom góp tài sản tích tụ được, mang về nước làm ăn. Nhạy bén với thương trường khi đất nước vừa được cộng sản cởi trói về kinh tế, Bình nhảy vào lãnh vực kinh doanh bất động sản, nhà cửa, đất đai là lãnh vực béo bở, làm giàu nhanh nhất, tốn ít công sức, tư duy nhất, thay vì đầu tư sản xuất.

Chỉ trong vòng chưa tới 10 năm, từ năm 1987 đến 1996, số vốn của Bình đem về khoảng 2,3 triệu đô đã tăng lên gấp 8 lần, bao gồm 284 mẫu đất, 11 căn nhà, 2 cơ sở sản xuất ở Bà Rịa-Vũng Tàu, Đồng Nai và Sài Gòn.

Ngứa mắt trước những thành công, cũng như thèm muốn khối tài sản của Bình, lãnh đạo, quan chức cộng sản ở Bà Rịa-Vũng Tàu, những kẻ bất tài, ít học nhưng gian manh, tham lam có thừa, đã tìm cách bắt giam rồi khởi tố Bình về tội “vi phạm các quy định về quản lý và bảo vệ đất đai” và tội “hối lộ”.

Lẽ ra, nếu Bình biết điều, nói chuyện phải quấy theo nguyên tắc “đầu tiên” với đám cán bộ, quan chức, công an Bà Rịa – Vũng Tàu, thì chắc không có chuyện tù tội, bị tịch thu tài sản và mất đến 16 năm để đi đòi công lý.

Năm 1998 tòa án sơ thẩm tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu kết án Bình 13 năm tù giam. Bình kháng án tại tòa án tối cao thành phố HCM. Phiên xử phúc thẩm năm 1999 giảm án tù của Bình xuống còn 11 năm nhưng đồng thời tuyên bố tịch thu tài sản hiện có của Bình giao cho Cục Thi Hành Án Dân Sự tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu bán đấu giá.

May mắn có quốc tịch Hòa Lan nên chính phủ Hòa Lan can thiệp cho Bình, làm áp lực với CSVN khiến Phan Văn Khải, lúc đó là thủ tướng, phải vờ vịt trực tiếp lên tiếng về vụ án, sau đó ra lệnh cho thuộc hạ thả Bình ra rồi dàn cảnh để Bình vượt thoát khỏi Việt Nam một cách bí mật, không có lệnh tha. Báo chí cũng được lệnh không loan tin về chuyện này.

Trở về Hòa Lan, năm 2003 Bình nhờ tổ hợp luật sư Covington Burling nổi tiếng ở Mỹ, kiện chính phủ Việt Nam vi phạm hiệp định đầu tư song phương Hòa Lan – Việt Nam. Vụ kiện diễn tiến kéo dài cho đến đầu tháng tư năm 2019 mới kết thúc.

Phạm Nhật Vượng khác hẳn Bình, sinh ra và lớn lên ở miền Bắc, du học ở Nga, được học hành, đào tạo trong một xã hội mà gian manh, giả dối, bịp bợm, mánh mung, lừa lọc… là những yếu tố, phương châm cần thiết để tồn tại, tiến thân, nên khi khối Liên Xô tan rã, Vượng nhanh chóng chớp thời cơ, buôn bán rồi sản xuất mì gói làm giàu nhanh chóng.

Việc buôn bán, kinh doanh, sản xuất ở các nước hậu cộng sản như Nga, Ukraine hầu hết đều chịu sự chi phối, bảo kê của đám mafia, hậu thân của đám quân đội, an ninh, tình báo GRU, KGB. Là một người Việt ở Nga, phát triển được cơ sở kinh doanh lên tới hàng trăm triệu đô, để tránh bị phá hoại cũng như cạnh tranh, chắc chắn Vượng đã phải mua chuộc sự chống lưng chẳng những của giới cán bộ lãnh đạo, công an, mà còn của cả mafia Nga.

Khi thấy đã đủ vốn và lực, Vượng tìm cách chuyển thị trường về nước. Với kinh nghiệm làm ăn ở Nga, Ukraine, cấu kết với bọn mafia để hăm dọa, thanh toán các đối thủ cạnh tranh, cũng như mua chuộc giới lãnh đạo, công an, tình báo, đồng thời dùng tiền của, quyền lực lũng đoạn các phương tiện truyền thông, báo chí… Vượng múa tay trong bị, thao túng toàn bộ thị trường bất động sản ở Hà Nội, Nha Trang và nhiều thành phố khác, không còn đối thủ.

Về VN, từ mở công ty VinPearl Land (VPL) rồi Công ty cổ phần VinCom (VIC) rồi sau đó là VinGroup… Vượng đầu tiên thò tay vào những lãnh vực địa ốc như xây dựng khu nghỉ mát Hòn Tre ở Nha Trang, xây cao ốc, trường học (VinSchool)… rồi từ đó nhảy sang các lãnh vực hoàn toàn không liên hệ với nhau như chế tạo xe ô tô VinFast sang thành lập công ty trí tuệ nhân tạo AI (Artificial Intelligence) Innotech.

Những tỉ phú Mỹ như Jeff Bezos, Bill Gates, Howard Schultz, Elon Musk, Warren Buffett… thua xa Vượng, bởi họ chỉ hoạt động kinh doanh hay sản xuất trong một lãnh vực mà họ hiểu biết sâu rộng, nhiều kinh nghiệm, kiến thức chuyên môn.

Tuy nhiên nếu chịu khó tìm hiểu cách làm giàu của Vượng, sẽ thấy những mảng tối đen, những góc khuất mà Vượng che giấu rất khéo. Năm 2002, nhiều đơn thưa được gửi tới Hội người Việt nam tại Ukraine thu thập chữ ký của gần 4000 tiểu thương tại khu chợ Barabacova, thành phố Kharkov (Ukraine) tố cáo Phạm Nhật Vượng cùng Lê Viết Lam (chủ tịch tập đoàn SunGroup) mang danh nghĩa Chủ tịch Hội đồng hương Ukraine – Việt Nam và quản lý khu chợ Barabacova ăn chặn, bóc lột và cướp đoạt tài sản của hàng ngàn tiểu thương tại đây. Tuy nhiên những đơn thư tố cáo này không hề được giới hữu trách ở Ukraine giải quyết, cho thấy họ đã bị Vượng mua đứt.

Một chuyện khác chứng tỏ phương thức kinh doanh mang bản chất mafia của Vượng, nhờ lực lượng công an khủng bố khách hàng khi xung đột quyền lợi với Vượng là trường hợp phụ huynh học sinh phản đối việc tăng học phí 50% của Vinschool. Nhiều người bị công an mời lên làm việc, trả lời về việc phản đối chuyện tăng học phí này.

Sau khi công an điều tra, mời một số phụ huynh lên làm việc về chuyện phản đối tăng học phí của Vinschool, Vượng dùng tiền bịt miệng báo chí cũng như sử dụng những cây bút có nhiều fans trên mạng xã hội như facebook để đánh bóng tên tuổi mình như nhờ lều thơ “năm chữ xuống dòng”, kiêm “nhà giáo” Thái Bá Tân làm thơ ca tụng Vượng như một bố già yêu nước, thương dân, đồng thời chửi rủa, nhục mạ người nghèo ở Việt Nam chỉ luôn ganh ghét, dòm ngó tài sản của Vượng, hoặc mới đây Lưu Trọng Văn với một status trên facebook ca ngợi Vượng như một nhà tư sản dân tộc.

Tuy nhiên, cho dù có nhiều kinh nghiệm, khôn ngoan, hiểu biết cách thức kinh doanh làm giàu dưới chế độ cộng sản tới đâu chăng nữa, cũng không có gì bảo đảm an toàn, bền vững mãi mãi cho Vượng. Cách đây ít ngày, Phạm Nhật Vũ em ruột Phạm Nhật Vượng từng làm mưa gió với Vượng ở Nga, Ukraine, đã bị “nhập kho” trong chiến dịch đốt lò của “hào kiệt” Tổng – Chủ Nguyễn Phú Trọng trong vụ Mobifone mua AVG.

Phạm Nhât Vượng phất lên nhanh chóng với tốc độ phi mã dù không hề sản xuất bất cứ mặt hàng nào, trở thành tỉ phú trong thời gian kỷ lục vài năm là nhờ cấu kết với Ba Ếch trong kinh doanh bất động sản. Nay Ba Ếch và con gái là Nguyễn Thanh Phượng đang là mục tiêu trong chiến dịch truy lùng mối chúa của Tổng-Chủ Trọng, Vũ đã bị bắt, bao giờ đến lượt Vượng? Liệu Vượng Vin có thoát khỏi công cuộc đốt lò của Nguyễn Phú Trọng không?

Câu trả lời tùy thuộc vào cường độ đấu đá, kết quả cuộc tranh giành quyền lực, thanh toán nhau trong ĐCSVN giữa phe Tổng-Chủ Trọng và Ba Ếch.

Chuyện đầu tư của Trịnh Vĩnh Bình ở Việt Nam coi như kết thúc, đảng CSVN đã thua nhục nhã trên đấu trường công pháp quốc tế, giống như trong vụ kiện của Liberait và Vietnam Airlines. Chuyện của Phạm Nhật Vượng, Phạm Nhật Vũ thì chưa.

Ai công hầu, ai khanh tướng, trong trần ai, ai dễ hơn ai.

Bình Luận từ Facebook

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây