Gắn kết!

Hàn Vĩnh Diệp

17-4-2019

Hơn mười năm tôi mới gặp lại Tiện, anh bạn ba cùng: Cùng lớp trường cấp III liên huyện, cùng tòng quân lúc mới đầu lớp 10 (hệ phổ thông 10 năm) thuộc diện Đảng – Nhà nước vay tuổi (17 tuổi, chưa đủ quy định – 18) và được đền lại tấm bằng tốt nghiệp cấp III); cùng đơn vị trong trại huấn luyện đi B.

Lẽ ra, anh anh ta không phải đi lính vì chính sách quy định con một được miễn giảm. Kỳ thực, anh ta còn có chị và em gái. Bố anh ta làm Phó hay Trưởng ban tổ chức Tỉnh ủy, khi lập báo cáo, ông quên mất hai đứa con gái. Nhưng, vì danh dự của người thanh niên thời đại Hồ Chí Minh, anh cương quyết xung phong.

Ông nội anh nghe đâu là diện lão thành cách mạng, tham gia trước năm 1945, hình như mấy lần chạy thư cho cán bộ Việt Minh; trong cải cách ruộng đất lại là cốt cán trung kiên giác ngộ sớm, nhưng đầu óc lại cổ lỗ, dòng họ này mấy đời độc đinh nên trước việc làm cao cả của cháu nội, ông phản ứng dữ dằn. Bố anh ta đấu dịu: “Cháu nó có ý thức chính trị tốt như thế, ông nên cổ vũ khuyến khích để cháu vui vẻ, an tâm lên đường, còn chuyện về sau thế nào, ông cứ để con lo”.

Không biết bên trong có chuyện gì chứ khi biên chế vào đơn vị, anh ta được chọn làm trợ lý cho Chính ủy trung đoàn X. Thực tình cũng nói cho phải lẽ là anh ta cũng lắm tài mọn như điển trai, ăn nói ngọt ngào, biết làm thơ, đàn hát, vẽ vời … Lúc ở trại huấn luyện anh ta cũng rất được lòng các thủ trưởng. Nhờ vậy, suốt thời gian trong quân ngũ, anh ta phải kèm sát thủ trưởng, quẩn quanh trong hậu cứ, nhưng sao cứ đều đặn thăng! …

Hôm ấy, bán hết hai bu gà vịt ở chợ Huyện bạn, vừa ra khỏi chợ, tôi thấy anh, gọi lớn: “Tiện ơi! Tiện!” Người đàn ông đi theo anh ta, giữ tôi lại, nạt: “Tiện nào, ông Tấn, bí thư đấy!” Cùng lúc đó, ông quay lại, tôi reo lên: “Đúng là cậu rồi!” Anh ta cũng mừng rỡ: “Ơ kìa! Vinh đấy à? Đi đâu mà lại tới đây? …”

Chẳng biết anh ta làm cái chức gì, nhưng thấy anh ta hồ hởi khi gặp lại bạn cũ, tôi kéo anh vào quán cóc bên đường: “Vào đây anh em mình làm xị cuốc lủi để kỷ niệm ngày tái ngộ! Chuyện gì thong thả nói sau!” Anh quay lại hỏi người đàn ông đi theo: “Cuộc họp chiều nay mấy giờ?” “Báo cáo anh cuộc họp hoãn sang chiều mai!” “Tốt! Cậu về báo tôi bận đi cơ sở!” đoạn kéo tôi vào nhà hàng sang trọng của Thị xã.

Anh đi thẳng lên gác II, đẩy cửa vào một phòng nhỏ, trang trí đẹp, tự nhiên như vào nhà mình. Tôi ngơ ngác đi theo. Ông chủ nhà hàng vội vàng đến, cúi gập thước thợ: “Thưa anh cần gì ạ!” “Cho một đĩa thịt rừng và chai rượu kha khá một chút – Anh bảo chủ hiệu rồi quay sang tôi – Cậu đi đâu mà mất tăm mất tích vậy. Mình cứ tưởng …”

Tôi: “Có lẽ trời cho mình giữ được cái mạng, nhưng làm ăn thì khá vất vả. Đơn vị mình vào khu 9, may mà ở đây đối phương yếu, đánh đấm chả ra sao, nên cản binh ta đều yên ổn. Sau hiệp định 73 họ lấn ra giành đất cắm cờ, ta đánh họ lui ngay. Ấy vậy mà nghe nói trên khen là chủ động giữ đất, cấp trên được thăng vượt cấp; lính tráng bọn mình thì bảo toàn được tính mạng. Lúc nằm ở trại thương binh, mình nghe chuyện đánh tới để giữ – giành đất nhiều khu làm chứ không riêng gì khu mình ‘chủ động sáng tạo’. Giải phóng, sư đoàn chuyển làm kinh tế, tưởng được yên, nhưng lại một phen hú vía! Bọn cộng sản Pôn pốt tràn sang, bộ đội chỉ có dao cuốc trong tay, mạnh ai nấy chạy. Sau thu quân, chỉnh đốn đội ngũ, phản công. Sư mình càn quét vùng Tây Nam … Nhưng rồi, rủi lại còn may, một lần truy kích, mình bị dính mìn mất một bàn chân, cái anh Tàu thâm độc thật, loại mìn này của nó chỉ cắt cụt chân để người bị dính không chết mà phải sống tàn sống tật…”

Anh ta ngắt lời: “Chà! Cậu vất vả quá! Nhưng anh em mình cũng còn phước, nghe đâu cái nhóm mười ba đứa tòng quân dạo đó, chỉ còn hai ta…”

Anh im lặng giây lát, anh hỏi, “cậu ra quân lúc nào, chuyện làm ăn, gia đình sao?” 

Tôi: “Mình chuyển ngành năm 84, về huyện, mang lon Thiếu tá nên được xếp chức Phó ban tuyên giáo. Mình xây dựng với cô bạn thân hồi cấp II, cô ấy đi TNXP hỏa tuyến – Hình như dính chất độc nên hai đứa con – một gái một trai – hơi ngây ngây, học trước quên sau. Công việc của mình thì chán lắm. Suốt ngày suốt tháng cứ lặp đi lặp lại ba cái Nghị quyết, lương bổng cả hai vợ chồng không đủ nuôi mẹ, nuôi con. Ngày nghỉ, theo ông anh họ đi buôn gà vịt. Nhưng lại bị phê bình ‘chân trong chân ngoài, chạy theo con đường tư bản chủ nghĩa …’. Nhà mình làm giáo viên cấp I lại càng thảm. Hai đứa bàn nhau, bỏ việc, bỏ cả đảng, chồng buôn gà vịt – vợ chạy chợ. Vất vả nhưng thu nhập gấp mấy lần làm ông Phó ‘ve sầu’ – bà giáo ‘Kỹ sư tâm hồn’ …”

Nghe mình tóm tắt sơ yếu, anh ta có vẻ thông cảm: “Kể ra cậu vất vả thật đấy! Trước khổ sau sướng, bây giờ đổi mới rồi, cậu bỏ ngang xương vậy là thất cách đấy. Cậu thấy đời sống cán bộ lãnh đạo đâu đến nỗi nào! Hay cậu về đây với mình, mình sẽ bàn với tổ chức xếp cho cậu một vị trí tương đối. Thiếu tá những năm 80 là bằng tướng bây giờ đấy …”

Tôi: “Thôi! Cám ơn cậu. Mình ngán lắm rồi … nhưng mà, nãy giờ nói mãi chuyện mình, còn cậu thì sao??”

Anh ta nói: “Mình thì đơn giản thôi! Trong chiến trường, tuy không đối đầu với cái chết, nhưng làm cái chân trợ lý, công việc cũng bù đầu. Tôi nghĩ bụng, ba cái anh chính trị thì có công việc gì mà bù đầu – Hai năm sau chiến thắng, mình ra quân về đây với hàm Đại úy được giữ chân Phó ban tổ chức. Gần 2 năm, ông Trưởng ban đi chuyên gia chính trị CPC, lúc đầu ông ta lấy cớ là đã có tuổi lại bệnh tật nên xin kiếu! Suốt cuộc chiến cứ tránh trớ, luồn lọt; giờ lại có ý đùn mình đi. Trên hỏi: Mình có đi thay được không? Mình báo cáo thẳng thừng: ‘Bao nhiêu năm lăn lộn trong bom đạn, tôi chẳng ngại, nhưng làm chuyên gia tổ chức là phải có kiến thức, kinh nghiệm; tôi đang tập sự, sợ ảnh hưởng đến uy tín tổ chức Đảng!’ Ông ta đi mình thay chân. Bây giờ mình phụ trách ở đây. Mệt lắm cậu, công việc cứ chồng chất, nhất là lúc mỗi kỳ đại hội …”

Tôi phụ họa với anh ta: “Mình cũng bị một lần tham gia chuẩn bị đại hội nên thấy vất vả thật. Báo cáo chính trị dự thảo cứ bị đổ mấy bận, nhức óc lắm”

Anh tiếp, “cậu nói đúng, nhưng trong mỗi kỳ đại hội cái quan trọng nhất không phải là báo cáo chính trị mà là vấn đề tổ chức nhân sự. Cậu đã tham gia viết báo cáo chính trị thì rõ. Báo cáo viết ‘tràng giang đại hải’, nhưng chung chung, nào phấn đấu, kiên trì, đổi mới, sáng tạo, kiến tạo v.v… đại biểu đại hội đọc qua loa, có người chỉ lướt các đề mục. Sau đại hội cán bộ đảng viên – ngay cả lãnh đạo Cấp ủy, Ủy ban, các Ban ngành cũng chẳng nhớ Nghị quyết nói cái gì. Còn dân thì không có nghị quyết, không có lời dạy, họ vẫn cứ làm ăn, sản xuất, buôn bán … Nghị quyết thì trừu tượng, đại khái; nhưng công tác tổ chức nhân sự phải cụ thể, chặt chẽ. Muốn lãnh đạo bền vững, tổ chức đoàn kết nhất trí … thì phải xây dựng một đội ngũ gắn kết, tuyệt đối trung thành …”

Tôi: “Cậu nói có khác gì Nghị quyết đã nói, sao khi hồi cậu lại bài bác Nghị quyết, báo cáo chính trị đại hội?”

Anh ta cười, giơ ly rượu lên: “Nào, cạn tiếp đi”, và nói: “Hình như cậu hiểu nhầm ý mình. Chắc cậu nghĩ đoàn kết trên cơ sở lý tưởng, chủ nghĩa giáo mác, trung thành với định hướng … gì gì trong cái mớ lý luận giáo điều, không tưởng … như cậu đã học phải không? Vớ vẩn cả. Thực tế, đoàn kết trên cơ sở ràng buộc về quyền lợi, có vậy mọi thành viên trong tổ chức mới gắn kết, đùm bọc lẫn nhau; còn trung thành là phải tuyệt đối phục tùng Thủ trưởng, ngoan ngoãn, tận tình với Thủ trưởng; làm lãnh đạo phải có con mắt lựa chọn ‘thủ túc’, đào tạo bồi dưỡng họ để trở thành người của mình, đó là cốt lõi của cái mà cậu thường nghe ‘quy hoạch cán bộ lãnh đạo’.”

Trong khi tôi đang ngơ ngác bởi cái lý luận giàu sức kiến tạo mới được tiếp cận, anh ta nốc cạn ly rượu, cười khà khà rồi tiếp: “Cái cậu khi sáng, chánh văn phòng của mình đấy, cậu ta người cùng thôn, học dở dang lớp 7 (cuối cấp II) bỏ, xung phong đi bộ đội. Lúc mình về chỉ huy sở, thấy hắn đang làm cần vụ cho Thủ trưởng. Đầu óc hắn hơi chậm nhưng bù lại rất cần cù, tận tụy, dễ bảo. Hắn phục vụ Thủ trưởng hết mình; đối với tớ, hắn xem như Phó thủ trưởng, phục vụ đến nơi đến chốn không từ nan gì cả. Ra quân hàm Thiếu úy, sau mình một năm, về địa phương, ông Trưởng ban bố trí làm cán bộ văn phòng. Nhưng hắn cứ lớ nga lớ ngớ chẳng làm được cái gì cả. Ông ta đẩy xuống làm bảo vệ. Họp lãnh đạo, tớ nói: ‘Anh ta là thành phần cơ bản của cách mạng; phải bồi dưỡng, nâng đỡ, không nên rẻ rúng, mất lập trường giai cấp …’

Thế rồi cứ theo kế hoạch, hắn được cơ quan cho đi học bổ túc văn hóa cấp III, trung cấp lý luận chính trị, về công tác, tớ bố trí hắn làm Trưởng phòng hành chính, rồi Phó văn phòng, Chánh văn phòng. Vừa làm việc vừa học tại chức, hắn cũng đoạt được tấm bằng lý luận chính trị cao cấp và cử nhân luật. Khóa này, tớ sẽ cho hắn làm phó trực. Mọi việc bố trí, lựa chọn, sắp xếp đều theo đúng quy trình của quy hoạch, được bàn bạc dân chủ cả đấy nhé, không phải một tay mình độc đoán quyết định đâu. Dân chủ – tập trung mà! Khóa tới mình nghỉ, hắn sẽ thay mình. Thế là lại phải lâm vào cảnh vòng đời đang diễn ra hiện nay ‘vua không ngai’, nghỉ rồi, quyền lực không còn, nhưng mọi chuyện điều hành thế sự vẫn phải qua tay mình …”

Ngồi nghe chuyện nội tình của mấy ông “đầy tớ nhân dân” mà mình não cả óc!

Bình Luận từ Facebook