13-4-2019
Lá thư và sự thật đáng suy gẫm vừa nhận được từ người trong bức ảnh ‘Anh che đạn cho em’ – anh Trần Văn Đức – hơn nửa thế kỷ qua bị cho là đã bị lính Mỹ bắn chết – kể lại hành trình đấu tranh gian truân không chỉ tìm lại tên mình trong bức ảnh nổi tiếng của vụ thảm sát đau thương Mỹ Lai.
“ Germany 13.4.2019
Trân trọng kính gửi anh Nguyễn Văn Phước, giám đốc Công ty Văn Hóa Sáng Tạo Trí Việt – First News.
Từ: Trần Văn Đức Garschagerstr 3 B 42899 Remscheid Germany.
Hôm nay tôi xin trân trọng gửi đến anh vài dòng tâm sự, thay lời cám ơn Công ty Văn Hoá Sáng Tạo Trí Việt và NXB Tổng Hợp TP. HCM đã tận tình can đảm chia sẻ và giúp đỡ tôi làm sáng tỏ câu chuyện đau thương gia đình qua vụ thảm sát Sơn Mỹ.
Văn bản của Hội đồng Khoa Học Chứng Tích chiến tranh TP. Hồ Chí Minh là niềm an ủi vô cùng lớn cho cá nhân tôi, cho gia đình tôi và cho cả nạn nhân ở Sơn Mỹ hiện đang còn sống hay đã khuất.
Khi nhận văn bản của bảo tàng ghi tên tôi và em gái Trần Thị Hà vào bức ảnh, ông Ronald Haeberle, tác giả bức ảnh và cũng là tác giả của tất cả những bức ảnh vụ thảm sát Sơn Mỹ 16.3.1968 tỏ lòng rất vui mừng:
Tôi có đầy đủ chứng cứ và tất cả các văn bản của nhiều cơ quan trung ương gửi về Sở VH TT DL Tỉnh Quảng Ngãi, yêu cầu Quảng Ngãi vào cuộc, nhưng họ không vào cuộc, ngược lại còn gian dối lừa gạt tôi. Nếu đợi chờ Quảng Ngãi vào cuộc thì câu chuyên sáng tỏ hôm nay không xảy ra.
– Giám đốc bảo tàng chứng tích chiến tranh Trần Xuân Thảo và tập thể cán bộ bảo tàng.
– Giám đốc NXB Tổng hợp Đinh Thanh Thủy
– Giám đốc Công Ty Văn Hoá Sáng Tạo Trí Việt – First News Nguyễn Văn Phước. Các anh chị đã tôn trọng lịch sử và giúp tôi bảo vệ được sự thật của sự kiện tan thương trên quê hương tôi Sơn Mỹ.
Chi tiết quan hệ cá nhân giữa tôi và nguyên giám đốc khu chứng tích Sơn Mỹ ông Phạm Thành Công thường bị mờ trong giải quyết và nhìn nhận câu chuyện lịch sử, nhưng nó là mấu chốt phức tạp để giải quyết vấn đề.
Là người con của quê hương Sơn Mỹ, là người đã từng chứng kiến giây phút đau thương nhất của mẹ mình của bà con mình, tôi không chấp nhận những sai trái gian dối về họ.
Tôi gửi thư đến ông Phạm Thành Công đề nghị đính chính một số thông tin sai lệch, những thông tin rất dễ nhận ra dù các em học sinh cuối cấp 1.
Tôi vô cùng thất vọng về lề lối làm việc của BQL khu chứng tích Sơn Mỹ và ông Công, ông không chịu nghe để giải quyết mà còn dùng ngôn từ tục tĩu (dm) để nói với tôi. Tôi quyết định khiếu nại lên cấp cao hơn từ ấy.
Ngày 10.8.2010 tại Sở VH TT DL Tỉnh Quảng Ngãi, tôi có mời đến để dự họp buổi đối chứng về sự thật câu chuyện gia đình tôi trong vụ thảm sát Sơn Mỹ. Trong buổi họp báo có tất cả tập thể cán bộ Sở VH TT DL Tỉnh và nhiều Sở Ban Ngành khác của Tỉnh, các giám đốc qua nhiều thời kỳ của nhà chứng tích Sơn Mỹ và nhiều nhân chứng sự kiện.
Tôi bị ông Phạm Thành Công đề nghị giám đốc Sở VH TT DL không cho tham dự vì yếu tố ở nước ngoài (ý kiến đề nghị của ông Công bị bác). Sau khi kể câu chuyện gia đình trong vụ thảm sát và đối chất nhiều phản biện của các quan chức, họ không còn điều gì để hỏi và chất vấn tôi. Tôi thắng và ông Phạm Thành Công không còn điều gì để nói.
Tối hôm đó tôi có dùng cơm cùng một số anh em nhà báo và quan chức Quảng Ngãi, nghe tôi kể, họ không tin và điện thoại cho ông Bùi Tuấn Anh chánh thanh tra sở, sau đó mới nâng ly chúc mừng tôi. Bùi Tuấn Anh người đã cùng B25 công an Tỉnh Quảng Ngãi ròng rã hơn 2 tháng điều tra câu chuyện của tôi, khi có công văn Bộ VH TT DL, tổ xác minh Sở VH TT DL không tìm thấy một chi tiết nào hư cấu qua câu chuyên khiếu nại của tôi.
Ông Phạm Thành Công ngăn chặn câu chuyện của tôi đưa ra ánh sáng là sợ lộ hai nguyên nhân khủng khiếp khác.
1- Ông Phạm Thành Công không hề có mặt trong vụ thảm sát Sơn Mỹ, ông làm việc trong bảo tàng từ 1992 lỡ nói dối với cả thế giới rằng: Ông là nạn nhân sống sót.
Khi sự việc vỡ lỡ, thì Quảng Ngãi trả lời sao với lãnh đạo cấp cao của nhà nước và thế giới?
2- Văn bản thuyết minh, trưng bày của bảo tàng trên 60% sai sự thật, họ khó bề giải thích khi câu chuyện Trần Văn Đức đưa ra ánh sáng.
Do vậy từ những nguyên nhân chính này, ông Công luôn tìm cách ngăn chặn câu chuyện của Trần Văn Đức.
Theo tôi nghĩ sự việc gian dối thường có cái kết không hay.
Ông càng che lấp sự thật, sự thật sẽ bùng lớn nhanh hơn.
Ông vu khống Trần Văn Đức là Việt Kiều Phản Quốc, Việt Kiều Phản động, làm việc cho cựu chiến binh Mỹ, quậy phá quê hương… Ông làm sao tìm cho ra chứng cứ để chứng minh khẳng định này? cho dù chỉ một chứng cứ thôi, thưa ông.
Để bác thông tin của Ronald Haeberle về bao bức hình ông chụp trong vụ thảm sát, ông Phạm Thành Công cố tình đẩy Ronald Haeberle ra khỏi câu chuyện Sơn Mỹ.
Ông Công cho thuyết minh bảo tàng, thuyết minh nhục mạ Ronald Haeberle:
Cực sốc: Thay vì hàm ơn và trân trọng tấm lòng của viên cựu binh Mỹ, phóng viên chiến trường Ronald Haeberle, tác giả những bức ảnh nổi tiếng về vụ thảm sát Mỹ Lai, thông dịch viên bảo tàng Sơn Mỹ lại công khai xuyên tạc, bôi nhọ và dùng những giọng điệu đầy xách mé, miệt thị khi nói về ân nhân đặc biệt này.
“Ông ấy được quân đội giao cho 2 máy ảnh lắp phim đen trắng. Ông ấy chụp được 40 hình và nộp lại cho quân đội Mỹ. Một máy của cá nhân mang theo lắp phim màu chụp được 18 tấm ảnh sau đó dùng tuyệt đối bí mật như một tài sản để kiếm tiền. 1 năm 2 tháng sau, câu chuyện về vụ thảm sát dân thường ở đây vẫn chưa bị phanh phui ra công luận, thì tay phóng viên chụp ảnh này đã tung hình mình có bán cho một phóng viên người Nhật sống ở Mỹ, ông ấy kiếm được 45.000 USD. Để kiếm thêm tiền, phóng viên này đã rửa phim gốc ra và số hình được rửa, ông ấy bán cho tạp chí Life ở Mỹ và thu về 35.000 USD nữa…”
Trích đoạn đầu trong một clip ghi cảnh một thuyết minh viên bảo tàng Sơn Mỹ đang giới thiệu với du khách về sự kiện Mỹ Lai.
Chưa nói về nhiều nhầm lẫn tai hại khác, chỉ nói đoạn giới thiệu Ronald Haeberle, đã không thể chấp nhận được. Cách cô thuyết minh viên nói về Ronald Haeberle rất xách mé và cực kỳ vô văn hóa.
Cựu binh Mỹ, phóng viên chiến trường Ronald Haeberle được xem như một ân nhân đặc biệt của Mỹ Lai. Nhờ những bức ảnh nổi tiếng của ông, vụ thảm sát Mỹ Lai được phanh phui và kết án. Thế nhưng tại chính Mỹ Lai, người ta đã xuyên tạc, bôi nhọ và miệt thị ân nhân của mình với một lối rất vô văn hóa.
Nghe tin này, Ronald Haeberle rất buồn và… bực! Ông nói: “Đây là lời nói dối từ phía bảo tàng. Tôi không bán các bức ảnh cho bất kỳ một phóng viên Nhật Bản tại Nhật hoặc tại Hoa Kỳ để lấy 45.000 USD”.
Nguyên văn thư của Ronald Haeberle:
“I just checked my financial records and no sale of photographs were made to any Japanese reporter in Japan or the USA for $45,000. This is a LIE by the museum.
If you findout the name of the reporter, let me know!!!”
Những chuyến về của Ronald Haeberle cùng Trần Văn Đức, ông Phạm Thành Công tuyên truyền rằng:
Trần Văn Đức dùng tiền để mua chuộc ông Ronald Haeberle về Sơn Mỹ nói theo ý của Đức.
Phạm Thành Công và tập thể cán bộ BQL khu chứng tích Sơn Mỹ nên đưa ra những bằng chứng vu họa nhục mạ ông Ronald Haeberle.
Trong ngày 03.08.2010, ông Phạm Thành Công đã xúi giục Hồ Cường, Trương Khanh, Nguyễn Hồng Tựu và đám thanh niên thôn Tư Cung, hành hung Trần Văn Đức và nhà báo Trần Lê Đức, khi chúng tôi về thăm Sơn Mỹ. Bên cạnh ông luôn xúi giục chính quyền Xã Tịnh Khê mời những người thân quen của tôi đến Ủy Ban Xã sách nhiễu và hăm dọa họ, mong ông cho công luận lời giải thích.
Để hạn chế hành vi khủng bố tiếp tục của ông Phạm Thành Công trong giải quyết câu chuyện Trần Văn Đức, Trần Văn Đức xin có thư này mong anh Nguyễn Văn Phước bỏ chút thời gian quý báu xem và chia sẻ hộ.
Trân trọng và cám ơn anh.
Trần Văn Đức
13.4.2019 Germany.”
____
Mời đọc lại: Tranh cãi về bức ảnh ‘Hai em bé Mỹ Lai’ và hành trình tìm sự thật (VOA). – Ronald Haeberle và câu chuyện bức ảnh ở Mỹ Lai (TN).