Lại “đổi mới” chứ không “đổi màu”?

Tương Lai

14-4-2019

Mênh mông thế sự để gió cuốn đi số 61

Màu gì, màu của Trọng ư? Cái màu đang làm lấm lem đất nước, bung bét xã hội, tanh bành nhân phẩm mà ngài tổng chủ phải rất xót ruột khi đạo đức xuống cấp, thì sao lại không đổi nhỉ?

Kèm theo chuyện “đổi” này còn chuyện nhậptan: hội nhập nhưng không được hòa tan. Nhập vào Tàu để tan trong cái biển người của chủ nghĩa bành trướng Đại Hán ư? Chuyện này thì chắc ông Trọng hiểu ngọn ngành quá rồi ông chả cần hỏi làm gì thêm rách việc. Nhưng chắc là ông sợ cái đảng của ông sẽ tan trong xu thế dân chủ của thế giới văn minh.

Nếu thế thì xin dẫn ra đây ý kiến của Triệu Tử Dương một người cộng sản Trung Quốc mà Nguyễn Quang A, người dịch cuốn hồi ký của ông Triệu, gọi là một người Trung quốc vĩ đại. Anh Quang A vừa gửi qua email bản dịch, tôi ngấu nghiến đọc và dẫn ra câu này: “Địa vị cầm quyền của Đảng không được duy trì bằng việc sử dụng hiến pháp để độc quyền địa vị này. Đúng hơn, Đảng phải bị buộc phải cạnh tranh vì địa vị đó. Tôi tin rằng đấy là một xu hướng toàn cầu mà chúng ta không thể coi thường. Nếu chúng ta hành động với sáng kiến, sẽ là có lợi cho Đảng, cho xã hội, và cho nhân dân. Bất kể cách tiếp cận nào khác sẽ gây tai hại. Xu hướng là không thể bác bỏ được, đó là kẻ thích hợp nhất sẽ sống sót. Như Tôn Dật Tiên đã nói, ‘Các xu hướng toàn cầu là to lớn và hùng mạnh; những ai theo chúng sẽ thịnh vượng, và những ai kháng cự chúng sẽ diệt vong’.” Chắc ông Trọng chẳng có thì giờ đọc Triệu Tử Dương, mà nếu có thì cũng chẳng thích đọc, mệt óc!

Vậy đó, thế sự thì mênh mông, nhưng vẫn cứ triền miên trống đánh xuôi kèn thổi ngược, lời nói và việc làm đá nhau loạn xạ không biết đâu mà lần. Càng rối vì cái thực trạng u u minh minh biểu hiện sự lúng túng, bế tắc trong việc xử lý những mâu thuẫn nội bộ. Từ trên chóp bu giội vào guồng máy điều hành cứ rối như canh hẹ.

Báo chí chính thống “lề phải” thì tuy đã phải đồng phục, cài kín cúc, kéo chặt “fẹc mơ tuya”, nhưng rồi vẫn ấp a ấp úng. Cứ lúng túng như gà mắc tóc, nửa muốn theo sát cái gậy chỉ huy cho an toàn nồi cơm vừa chín tới, nửa cũng muốn có cái gì đó nhằm tỏ được tí chút “cá tính” để đỡ tủi cho nghề cầm bút, và e cũng còn để lôi kéo độc giả.

Còn trên mạng “lề trái” thì bên cạnh những bài giàu tính phê phán, phản biện có trách nhiệm được người đọc đứng đắn tìm đến để mong nhận được những thông tin đáng xem, thì bên cạnh đó lại cũng tràn lan sự tùy tiện, hời hợt khi đưa tin, chép tin và cho lan truyền một cách vô trách nhiệm của những cây bút ngẫu hứng.

Những người trung thực đang ưu tư về chuyện của nước, chuyện của dân, muốn nghiêm cẩn tìm hiểu tình hình thì lại như lạc vào một mê hồn trận. Trong cái mê hồn trận “lề phải, lề trái” đó mà nói đến tính công khai và minh bạch của thông tin, chỉ báo về trình độ văn minh của một xã hội, thì quả là một chuyện quá xa xỉ.

Càng xa xỉ hơn khi nói phải trái với những ngài chỉ quen ban phát chiếu chỉ cho đám thần dân, cho dù “mỗi lời là một vận vào khó nghe” thì vẫn đều đặn ngày ngày choang choang lời phán truyền trên màn hình tivi hay phải giật tít đậm trên các trang báo chính thống, đặc biệt là mấy “siêu báo”. Nói thì cứ phải nói, nghe hay không nghe, tin hay không thì cũng chẳng đi đâu mà thiệt! Càng bất an trong suy tư về số phận giữa cơn bão táp cuồng nộ của lòng dân, nhất là những ngấm ngầm toan tính đầy mưu sâu kế hiểm của đối thủ trong cuộc mưu bá đồ vương, rồi cả cái mối lo về chiêu võ cổ truyền thay ngựa giữa dòng… thì lại càng phải nói.

VnExpress ngày 10.4.2018 giật cái tít đậm: Tổng bí thư thấy rất xót ruột khi đạo đức xuống cấp. Đây là phát biểu của “tổng chủ” trong buổi làm việc với đại diện của Đoàn Chủ tịch MTTQVN. Tiếp đó những lời tâm huyết của ngài “Đạo đức là nền tảng tinh thần. Càng kinh tế thị trường thì càng phải quan tâm giữ gìn văn hóa, đó là bản chất của chủ nghĩa xã hội“.

Vì sao, hãy nghe những rao giảng với những lời vàng ý ngọc: “Việt Nam trước sau kiên định theo chủ nghĩa xã hội, đổi mới nhưng không đổi màu, nhiều thành phần kinh tế nhưng phải đi lên chủ nghĩa xã hội… Cách đây hai hôm Tiểu ban văn kiện họp để chuẩn bị cho Đại hội Đảng lần thứ 13, “đã yêu cầu phải kiên định cương lĩnh, không ai được nói trái, làm trái cương lĩnh… Kinh tế nhà nước là chủ đạo, kinh tế tư nhân là động lực quan trọng, các thành phần kinh tế phải bình đẳng, độc lập, tự chủ nhưng hội nhập quốc tế, hội nhập nhưng không được hòa tan“.

Phải đổi mới nhưng không đổi màu cho nên để giữ cho được cái màu của Trọng phải thêm cái đuôi XHCN vào nhà nước pháp quyền rất “đặc sắc” cái chất “tổng chủ” theo gương CNXH đặc sắc Trung Quốc của Tập Cận Bình. Vì cái màu đó mà Trọng quyết liệt vứt bỏ nguyên tắc “tam quyền phân lập”, một thành tựu vĩ đại của văn minh mà loài người đạt được trong thế kỷ ánh sáng.

Vì rằng tư tưởng chủ đạo của nhà nước pháp quyền là pháp quyền ở trên nhà nước. Theo nguyên lý của tư tưởng pháp quyền đó, nhà nước phải được tổ chức theo nguyên tắc “tam quyền phân lập”. Mục đích của nguyên tắc đó là tạo ra một cơ cấu quyền lực có sự kiểm tra, kiểm soát lẫn nhau nhằm tránh sự độc quyền, lạm quyền. Để giữ được cái thể chế độc quyền toàn trị phản dân chủ, Trọng phải cho ra đời bằng được chỉ thị 102chỉ thị 105. Với “Quy định Xử lý đảng viên vi phạm” số 102 ngày15 tháng 11 năm 2017 sẽ khai trừ những đảng viên: “đòi thực hiện thể chế “tam quyền phân lập”, “xã hội dân sự”, “đa nguyên, đa đảng”.

Trong một bài Mênh mông thế sự đầu năm 2018, tôi đã viết, nếu với cái logic phán quyết ấy mà “chiếu theo quy định 102 thì đảng viên Hồ Chí Minh là người mà Tổng Trọng phải khai trừ trước tiên”. Vì tư tưởng về nhà nước pháp quyền được chính thức nói đến trong “Việt Nam yêu cầu ca” của Nguyễn Ái Quốc là: “Bảy xin hiến pháp ban hành. Trăm điều phải có thần linh pháp quyền. Câu này được xem là chuyển đạt dưới hình thức diễn ca cho dễ hiểu Bản yêu sách của nhân dân An Nam [Revendications du peuple annamite] gửi Hội nghị Versailles ngày 18 tháng 6.1919 để gửi về trong nước. Tiếp đó trong Tuyên ngôn Độc lập 2.9.1945, Hồ Chí Minh cũng đã trích dẫn Tuyên ngôn Độc lập của nước Mỹ năm 1776.

Mới gần đây nhất, trong tác phẩm “Việt Nam thế kỷ 21. Niềm tin – Chính thể – Con người” một cuốn sách khổ lớn dày đến 508 trang in màu, bìa cứng rất đẹp “Gửi tặng các các Đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước”nhân dip Xuân Ất Hợi, trang 16 có viết: “Đã đến lúc phải có chính thể pháp quyền của Dân, do Dân và vì Dân gắn kết với “Thần linh pháp quyền”.

Cũng trong trang đóng khung này, cuốn sách viết rõ “Nước Anh và nhiều nước khác từ bỏ đúng lúc chính thế pháp quyền XHCN trên cơ sở duy vật vì họ coi “Thần linh Pháp quyền là nền tảng mọi pháp quyền. Điều này càng có ý nghĩa nhất là với Chính thể Pháp quyền một đảng…Mỹ có nền khoa học và pháp lý tiên tiến nhất thế giới, song hầu như các Tổng thống Mỹ nhậm chức đều đặttay lên Kinh thánh được Washington dùng ở Lễ nhậm chức đầu tiên, như tuyên thệ trung thành với Tạo hóa về thực hiện quyền con người, tức “thần linh Pháp quyền”. Lãnh tụ Hồ Chí Minh cũng dạy: “Trăm điều phải có thần linh Pháp quyền”, tức mọi việc đều phải bắt nguồn từ luật Trời Đất, vì thế luật pháp, kể cà Hiến pháp cũng phải thay đổi vì quyền lợi Con người, Dân tộc và Tổ quốc”. Tôi may mắn là bạn của tác giả, được chiếu cố tặng cho cuốn sách quý đó, bèn mạo muội bàn thêm đôi điều.

Minh chứng sống động cho sức mạnh của học thuyết về “Nhà nước pháp quyền” của Montesquieu là “Lời mở đầu của Hiến pháp Hoa Kỳ”. “Lời mở đầu” này khi nêu ra lý do lập hiến đã liệt kê 5 mục đích của Hiến pháp: thể hiện một cách trung thành Tuyên ngôn Độc lập của nước Mỹ năm 1776, thể hiện tinh thần khoa học, tiến bộ và nhân bản trong việc xây dựng một nhà nước cộng hòa đầu tiên trên thế giới trong lịch sử cận đại. Dù có ngu dốt và lú lẫn đến cỡ nào thì cũng phải thấy được rằng, đòi xóa bỏ nguyên lý tam quyền phân lập là sự dẫm đạp một cách thô bạo lên thành tựu của văn minh.

Trọng muốn “đổi mới” nhưng không “đổi màu” thì cái màu đó là màu gì nếu không phải là cái màu toàn trị phản dân chủ để tiếp tục chính sách ngu dân, biến nhân dân trở thành đàn cừu, chỉ biết cúi đầu đi theo cây gậy chỉ huy của kẻ độc tài đã gom toàn bộ quyền lực vào một tay mình. Mà gom được là nhờ vào cái uy lực của “thiên triều” đang hà hơi tiếp sức cho.

Điều này cũng là một gợi ý để phải chú ý đến lời cảnh báo của George Owell: “Ta biết rằng chẳng có ai nắm lấy quyền lực với mục đích sẽ buông bỏ nó”. Ai đã từng đọc tác phẩm của cây bút người Anh, một trong 100 tiểu thuyết hay nhất bằng tiếng Anh theo tạp chí Times, bằng tài năng thiên phú của mình đã vạch trần sự khủng khiếp của nhà nước độc tài, sẽ có thể cảm nhận được tính cập nhật nóng bỏng của nó trong “Trại súc vật”.

Cứ như thể những nhân vật hư cấu dưới lốt những con lợn có tên là Napoleon, Squealer, Snowball, và lũ cừu, lũ chó, lũ gà vịt… đang lượn lờ trong cái môi trường ô nhiễm quanh ta. Giữa bọn chúng, Napoleon là tên bạo chúa bắt đầu dần xây dựng quyền lực, sử dụng những con chó con bị bắt đi khỏi bố mẹ, những con chó Jessie và Bluebell, và nuôi dạy chúng trở thành những con chó hung ác làm tay sai đắc lực cho hắn.

Sau khi đuổi Snowball khỏi trang trại, là con lợn đực giống Berkshire duy nhất, Napoleon tự trao cho mình quyền lực tuyệt đối, bắt những động vật khác gọi nó là lãnh tụ. Để buộc tất cả phải phục tùng, hắn dùng các mánh khóe bịp bợm của Squealer, con lợn trắng béo, bộ trưởng tuyên truyền của hắn, kết hợp với những dọa dẫm, đe nẹt của lũ chó để giữ các con vật khác tuân theo luật lệ. Squaeler là một diễn giả thượng thặng, khi cần chứng minh một vấn đề khó khăn thì nó nhảy cỡn và vẫy đuôi, trông rất hấp dẫn. Nó có biệt tài biến đen thành trắng dễ như bỡn.

Trong khi làm những việc vị phạm luật lệ, lợn đực Napoleon dần thay đổi các điều răn qua sự kiến tạo của Squealer để tạo quyền uy tuyệt đối cho chính hắn, lợn đực giống Berkshire “lãnh tụ Napoleon” và dưới trướng hắn là những kẻ phải phục tùng tuyệt đối. Để làm điều đó, “bảy điều răn” được viết thành khẩu hiệu in trên tường chuồng bò và nhà kho làm nguyên lý hoạt động trong ‘vương quốc trại súc vật’ của hắn. Trong đó Điều thứ 7 là quan trọng nhất: “Mọi con vật đều bình đăng”. Nhưng rồi bọn ngu như lũ cừu, gà và vịt không thể thuộc được Bảy Điều Răn. Để lũ này có thể hiểu được, phải tóm gọn bảy điều răn ấy thành một câu ngắn gọn mà cực kỳ súc tích: “Bốn chân tốt, hai chân xấu“.

Squaeler truyền phán rằng đấy là nguyên lí cơ bản. Squealer sử dụng những chiến thuật để thuyết phục các con vật rằng cuộc sống đang ngày càng tốt lên. Với thủ đoạn gian xảo bịp bợm, theo lệnh lợn đực Napoleon, lợn béo Squaeler tung ra những tin đồn để biến Snowball, kẻ bị nghi là có thể tiếm ngôi, trở thành ma quỷ, tên tham nhũng và là mật thám của Jones, người chủ trang trại đã bị lũ lợn lật đổ và đuổi đi. Với những thủ đoạn thâm hiểm, tất cả các hành động tham nhũng do bọn lợn gây ra đều bị Napoleon đổ hết lên đầu Snowball nhằm đuổi đối thủ đáng gờm buộc phải rời bỏ vương quốc trại chăn nuôi.

Từ đó cái “nguyên lý” kia ngày ngày được rao giảng. Tất cả các con vật đều phải làm việc, nhưng chú ngựa thồ Boxer làm việc nhiều hơn những con khác và tự nguyện nhận cho mình câu châm ngôn ‘Tôi sẽ làm việc nhiều hơn nữa’. Và vì to xác lại dễ bảo, chú ngựa Boxer được dạy thêm một câu châm ngôn cực kỳ quan trọng: “ngài lợn đực Napoleon luôn luôn đúng“. Ấy thế mà khi không còn đủ sức để “làm việc nhiều hơn nữa” thì Boxer bị bán cho lò mổ. Chính con lừa Benjamin đã phát hiện ra điều tàn nhẫn này và báo cho cả bọn: “Lò mổ Alfred Simmond, Willingdon. Mua bán thịt, xương, da ngựa. Cung cấp cũi chó. Đã hiểu chưa? Chúng mang Boxer của chúng ta đi làm thịt đấy”! Ba ngày sau có tin buồn rằng Boxer đã mất tại bệnh viện ở Willingdon, mặc dù đã được chăm sóc rất tận tình. Chính Squaerer đích thân thông báo. Hắn trịnh trọng nói rằng đã ở cạnh Boxer trong phút lâm chung.

Và rồi đâu lại vào đấy. Cái nguyên lý “bốn chân tốt hai chân xấu” vẫn được tụng niệm và thực hành cho đến một ngày đẹp trời, khi cả bọn đang quay về sau một ngày lao động cật lực thì bỗng nghe tiếng ngựa kêu thất thanh. Khiếp đảm và hỏang hốt, cả bọn đứng như trời trồng sững sờ nhìn thấy một con lợn đang bước đi bằng hai chân sau. Mà đó lại chính là Squaerer . Một lúc sau thì từ cửa chính ngôi nhà, cả đàn lợn bước ra, tất cả, không trừ con nào đều đi bằng hai chân sau. Một số con bước đi một cách tự tin, một số con còn lảo đảo, giá có cái ba toong thì vững hơn, nhưng tất cả đều đi một vòng quanh sân mà không con nào bị ngã. Cuối cùng là tiếng chó sủa dữ dội, tiếng gà gáy vang rền và Napoleon bước ra, lưng thẳng tắp, dáng oai vệ, nó nhìn khắp lượt, xung quanh tíu tít bày cừu. Chân trước nó cầm một cái roi to. 

Xung quanh lặng ngắt như tờ. Ngạc nhiên pha lẫn hoảng sợ, lũ súc vật tụ vào một góc để nhìn đàn lợn nối nhau đi quanh sân.Thế giới đảo điên hết rồi sao? Phút bấn loạn rồi cũng qua đi, tuy vẫn sợ bầy chó, đã quen với sự phục tùng, chẳng hề phản kháng dù chỉ tí chút, nhưng thế này thì sao có thể câm lặng. Thế nhưng có tín hiệu phát ra, lũ cừu the thé gào lên: “Bốn chân tốt, hai chân tốt hơn! Bốn chân tốt, hai chân tốt hơn! Bốn chân tốt, hai chân tốt hơn”! Cả lũ ngơ ngác nhìn lên bức tường. Bác lừa Benjamin hắng giọng đọc cho cả lũ nghe: trên bức tường đã viết duy nhất một điều răn: “Mọi con vật đều bình đẳng, nhưng có một số con bình đẳng hơn những con khác”. Đây là sự đổi mới quan trọng nhất và cũng là duy nhất: Cái đuôi “nhưng một số thì bình đẳng hơn những con khác” vừa nối thêm vào là lệnh của lãnh tụ Napoleon ban ra. Vậy là từ nay mọi thần dân trong vương quốc của hắn đều phải hiểu được rằng “Tất cả các loài động vật đều bình đẳng như nhau, nhưng một số thì bình đẳng hơn những con khác”, đó là điều luật tối cao đứng trên mọi luật lệ đã có.

Quả thật, tôi đã mất ngủ mấy đêm liền để nghiền ngẫm và thao thức về những hình tượng sống động dưới cái nhìn sắc lẹm với ý tưởng sâu thẳm ẩn trong sắc thái trào phúng của ngòi bút bậc thầy. Đọc đi đọc lại không dứt ra được. Mà đây chỉ là tập bản thảo đánh máy của chị bạn tôi, chị Hồ Thể Tần, vừa dịch xong, đưa cho tôi đọc cách nay cũng đã mười mấy năm. Bản dịch không thể xuất bản. Điều này thì hồi ấy tôi vừa đùa vừa thật, nói giỡn với nữ dịch giả “chưa bị tóm là may rồi bà ạ, đừng vội nghĩ đến chuyện in. Còn lâu”! Gần đây nghe nói sách của một dịch giả khác đã được xuất bản nhưng sau đó lại có lệnh thu hồi. Làm sao lại không thu hồi cơ chứ!

Để khỏi dài dòng, xin hãy nghĩ về một kiến giải thật chí lý: “Người tầm thường mà nắm quyền lực phi thường mới là mối nguy hiểm chính cho con người chứ không phải là kẻ ác ôn hay tàn bạo” mà nhà xã hội học và phân tâm học Đức Erich Fromm từng đưa ra!

Thì chẳng phải đó sao: khi đã thanh toán được đối thủ, kẻ có tiềm năng tiếm quyền là Snowball, một con lợn đực trẻ hơn, lợn đực lãnh tụ Napoleon đã đàng hoàng đi bằng hai chân với một cái roi cầm tay để tạo dáng, mồm ngậm tẩu thuốc thong dong dạo trong vườn. Rồi những cuộc tiếp tân hoành tráng với rượu Whisky, những cuộc đánh bài triền miên với những gười bạn láng giềng không còn phân biệt hai chân, bốn chân gì nữa.

Có lần, “lũ súc vật tò mò đứng bên ngoài nhìn vào thì thấy như đang xảy ra một chuyện kì lạ. Tại sao mặt những con lợn lại thành như thế kia nhỉ? Con thì cằm có đến năm ngấn, con lại có bốn, con thì có ba. Chịu chết không thể phân biệt được ai với ai. Lũ súc vật nhìn lợn rồi lại nhìn người, nhìn người rồi lại nhìn lợn, một lúc sau thì chúng chịu, không thể phân biệt được đâu là người, đâu là lợn nữa”. Đây là dòng kết thúc của tác phẩm “Trại súc vật” của George Orwell.

Vậy thì qua những con lợn trong “Trại súc vật” và với những hình tượng sống động được dựng lên thật tài tình, tác giả muốn chuyển tải thông điệp gì. Có quá nhiều những điều cần nói, nhưng trong phạm vi một bài viết ngắn chỉ xin trích ra đây một đoạn tự bạch của G. Orwell:

Theo tôi, tin rằng nước Nga là nước xã hội chủ nghĩa và mọi hành vi của những người cầm quyền ở đó đều nên được tha thứ nếu không nói là phải theo, chính là sự phản bội đối với lí tưởng xã hội chủ nghĩa. Từ năm 1930, tôi nhìn thấy rất ít bằng chứng là Liên Xô đang tiến đến cái có thể thực sự gọi là Chủ nghĩa xã hội. Ngược lại, có những chỉ dấu rõ ràng rằng xã hội ấy đang chuyển hoá thành xã hội có tôn ti trật tự và những người cầm quyền, cũng như mọi giai cấp cầm quyền khác, chẳng thấy có lí do gì để rời bỏ quyền lực đã làm tôi choáng váng…tôi đã đi đến kết luận rằng phá tan huyền thoại Xô viết là việc làm vô cùng cần thiết, nếu ta muốn tái sinh phong trào xã hội chủ nghĩa.

Ngay sau khi trở về từ Tây Ban Nha tôi đã nghĩ đến việc vạch trần huyền thoại Xô viết dưới dạng một câu chuyện dễ hiểu và dễ dịch sang các thứ tiếng khác. Nhưng chi tiết của câu chuyện vẫn chưa có, cho đến một hôm (khi đó tôi sống ở nông thôn) tôi trông thấy một cậu bé, khoảng mười tuổi, đang đánh một chiếc xe ngựa to trên một con đường hẹp, cứ mỗi lần con ngựa định quay ngang là cậu bé lại ra roi. Trong đầu tôi bỗng loé lên ý nghĩ rằng, nếu loài vật nhận thức được sức mạnh của chúng, thì con người không thể nào còn điều khiển được chúng nữa, và con người bóc lột loài vật cũng hệt như các tầng lớp hữu sản bóc lột giai cấp vô sản vậy”.

Đừng quên rằng George Orwell đã gia nhập Đảng Lao động độc lập Anh, một đảng có tư tưởng xã hội chủ nghĩa, và ông từng là chiến hữu của những người cộng sản chống phát xít trong cuộc “nội chiến Tây Ban Nha”

Tên nguyên gốc của truyện là Animal Farm: A Fairy Story (Trại súc vật: Một truyện cổ tích), nhưng A Fairy Story đã bị các nhà xuất bản Hoa Kỳ bỏ đi trong lần xuất bản năm 1946. Orwell đề nghị dịch tên cho bản tiếng Pháp là Union des républiques socialistes animales, một lối chơi chữ, vì từ này viết tắt là URSA, có nghĩa “gấu“. Sau hơn 50 năm từ lần xuất bản đầu tiên, tác phẩm đã được dịch ra 68 thứ tiếng trên thế giới kể cả tiếng Telugu, tiếng Ba Tư, tiếng Iceland, tiếng Ukraina và thường xuyên được tái bản. Tạp chi Time đã chọn cuốn sách này là một trong 100 tiểu thuyết hay nhất bằng tiếng Anh (1923 tới 2005); “Trại súc vật”cũng đứng ở vị trí 31 trong Danh sách tiểu thuyết hay nhất thế kỷ 20.

Nhưng tất cả những điều ấy là vô nghĩa, thậm chí phải đựợc xem là “bất hảo” đối với một não trạng như não trạng của con lợn đực Napoleon thuần giống Berkshire đã trở thành lãnh tụ đang hãnh diện đi bằng hai chân sau và chân trước cầm một cái roi để tạo dáng. Hắn dõng dạc tuyên bố: “Rất mừng là đã thanh toán hết mọi hiểu lầm. Trước đây từng có những tin đồn, chắc chắn là do những thế lực thù địch tuyên truyền… Vu khống, bịa đặt từ đầu tới cuối”. Điều này càng chứng minh lời của chú ngựa Boxer từng thấm nhuần lời thuyết giảng của lợn béo Squaere “ngài lợn đực Napoleon luôn luôn đúng”. Với những não trạng chỉ đủ chứa một số giáo điều đã học thuộc lòng là thiên kinh địa nghĩa để cúi đầu khấn vái tụng niệm, thì làm sao mà hiểu được thông điệp của G. Orwell, một người từng sát cánh với các đảng viên Cộng sản chiến đấu chống phát xít đã hiểu rõ đòi hỏi của những người từng dấn thân vì lý tưởng cao cả, phải vạch trần và lên án sự phản bội đối với lí tưởng xã hội chủ nghĩa.

Bằng ngòi bút chiến đấu của một chiến sĩ dấn thân, tác giả của “Trại súc vật” đã hành động như khuyến cáo của Jean Paul Sartre “viết tức là một cách nào đó muốn có tự do, và nếu anh đã bắt đầu viết, thì dầu muốn dầu không, anh phải dấn thân một nhà văn chỉ thực sự dấn thân khi anh ta ý thức được một cách sáng suốt nhất và toàn diện nhất về sự nhập cuộc, tức là anh ta có thể chuyển anh ta cũng như chuyển người khác từ trạng thái dấn thân bộc phát sang dấn thân suy nghĩ. Nhà văn là kẻ trung gian tuyệt vời và sự dấn thân của anh ta là hoá giải”. Có lẽ cần phải có thêm đôi dòng về J.P Sartre để hiểu rõ hơn khuyến cáo “dấn thân” của ông, một trong những nhà triết học hàng đầu của Pháp thế kỷ 20.

Ông tham gia kháng chiến chống phát xít Đức, bị bắt làm tù binh, sau đó bị nhốt vào trại tập trung. Sau khi được thả ra, ông đã định cư tại Paris (khi ấy đang bị Đức chiếm đóng), nơi ông giảng dạy, sáng tác và liên kết với quân Kháng chiến Pháp. Chính trong thời kỳ chiến tranh này, chủ nghĩa Marx đã phát triển thành tình yêu trí tuệ thứ hai của Sartre. Mặc dù không bao giờ tham gia Đảng Cộng sản Pháp, ông là một trong những người có tư tưởng cộng sản nổi tiếng nhất của Pháp, thường xuyên lên tiếng ủng hộ Liên Xô và các chính sách của nước này. Thế nhưng ngày 4.11.1956, Sartre đã lên án sự can thiệp của Liên Xô và việc Đảng Cộng sản Pháp luôn tuân theo mệnh lệnh từ Moskva.

Ngày 9.11.1956, trên tạp chí Pháp L’Express, ông tuyên bố: “Tôi cực lực lên án cuộc xâm lược của Liên Xô mà không hề có chút do dự nào. Dù không đặt bất cứ trách nhiệm nào lên người dân Nga, tôi vẫn nhấn mạnh rằng chính phủ hiện tại của họ đã phạm tội …Và tội ác, đối với tôi, không chỉ là việc xe tăng của quân đội xâm lăng Budapest, mà là sự thật rằng điều này đã trở nên khả dĩ bởi mười hai năm khủng bố và hành động ngu xuẩn … Hiện tại hay tương lai tôi đều không thể thiết lập lại bất cứ hình thức liên lạc nào với những người hiện đang đứng đầu [Đảng Cộng sản Pháp]. Mỗi câu họ nói, mỗi hành động mà họ thực hiện đều là đỉnh điểm của 30 năm gian dối và bảo thủ”.

Mặc dù hy vọng của Sartre đối với chủ nghĩa cộng sản đã bị nghiền nát, ông vẫn tiếp tục ủng hộ chủ nghĩa Marx và tìm cách phát triển một loại chủ nghĩa xã hội mới trong cuốn Questions de méthode (Search for a Method/Tìm kiếm một Phương pháp, 1960). Sartre chính thức đoạn tuyệt với Liên Xô vào năm 1968 khi nước này đàn áp phong trào Mùa Xuân Praha của Tiệp Khắc. Sau đó, sự trung thành của Sartre đã được dành cho các nhà cách mạng trẻ tuổi ở Pháp, và đôi khi ông còn trở thành biên tập viên chuyên đề cho các tờ báo nhỏ cấp tiến. Ông cũng đã cùng với Bertrand Russell thành lập Ủy ban chống tội ác chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam.

Một não trạng bé mọn và hủ lậu làm sao mà tiếp nhận nổi thông điệp của những người đã dấn thân cho một lý tưởng cao cả như George Orwell, như Jean Paul Sartre. Chuyện này chẳng có gì phải bàn. Đấy là chuyện “ Con cóc nằm mép bờ ao, Lăm le lại muốn đớp sao trên trời” mà ca dao xưa từng mai mỉa. Hủ lậu và ngu tối vẫn là chuyện của muôn đời.Vấn nạn này đâu có mới.

Từ đầu thế kỷ trước, “Cáo hủ lậu văn” đã cảnh cáo thói hủ lậu của các nhà nho thủ cựu trong sự mê muội dốt nát, cứ khăng khăng văn minh châu Âu chỉ là “bá đạo“, giỏi lắm chỉ thịnh một thời, chỉ có đạo Khổng mà những đầu óc hủ lậu coi là “vương đạo” sẽ ngự trị mãi mãi: “Mắt dòm chính học chưa ra, lại chê người “bá” mà nhà ta “vương”. Vạch ra sự lú lẫn đó để rồi đau xót thốt lên “Ta sao nô lệ cúi đầu làm tôi…Ta sao hồn tối như người đi đêm”!

Nếu các cụ trong “Đông Kinh Nghĩa Thục” từ trăm năm trước đã cay đắng về thực trạng hủ lậu ấy mà đối chiếu với thực trạng đang diễn ra e phải đội mồ mà đứng dậy để đưa ra một “Cáo hủ lậu văn” mới! Bài cáo hôm nay rồi sẽ phải tha thiết và dữ dội cỡ nào cho xứng với cái tư thế “nô lệ cúi đầu làm tôi” đang ngày càng tệ hại bởi cái não trạng bé mọn lại đang thâu tóm và thao túng quyền lực nhân danh ý thức hệ XHVN? Thì chẳng phải như đã dẫn lời ông Trọng tại cuộc họp Đoàn Chủ tịch MTTQVN ngày 10.4.2019 tiếp tục khẳng định ‘chưa bao giờ đất nước có cơ đồ, tiềm lực, vị thế như ngày hôm nay’ để quyết liệt kiên định ý thức hệ xã hội chủ nghĩa, đổi mới nhưng không đổi màu đó sao.

Làm sao mà không quyết liệt được khi nhờ kiên định điều ấy, để rồi nhờ thói đời đưa đẩy mà lần bước trên chính trường để bước những bước lạ kỳ hết sức ngoạn mục trên các nấc thang quyền lực, rồi ngồi được được vào cái ghế cao nhất. Phải bảo vệ bằng được cái ý thức hệ “kỳ diệu” đó. Không chỉ người đang ngất nghểu trên ghế quyền lực cao nhất, mà tất thẩy những kẻ ăn theo cái quyền lực đó cũng phải “kiên định” như vậy cho dù chỉ “nói leo” ở đầu lưỡi. Nhân đây, cũng xin nhắc lại một chuyện về “kiên định ý thức hệ XHCN” tại Đoàn Chủ tịch của UBTUMTVN, nơi ông Trọng vừa rao giảng, nhưng là chuyện xảy ra tại khóa 6 cách nay đã 15 năm. Tại đấy, người ta đã tùy tiện thay đổi Điều lệ Mặt trận sau khi đã được Đại hội Mặt trận vừa thông qua. Khi thông báo trong buổi kết thúc Đại hội, họ đã bỏ ba từ mà tôi gọi là hồn cốt của Mặt trận: “không phân biệt ý thức hệ” trong Điều lệ. Xin được nhắc lại một đoạn trong nguyên văn bài phát biểu của tôi ngày 13.1.2005 tại Hội nghị UBTUMTTQVN:

Tôi xin thẳng thắn nói rằng: tôi không đồng ý với cách giải thích của Thường trực Đoàn chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đối với chất vấn của GS. Phạm Khiêm Ích về sự vi phạm nguyên tắc dân chủ trong việc tuỳ tiện sửa lại nội dung Điều lệ của Mặt Trận đã được Đại hội VI của Mặt trận chính thức thông qua. Không thể có một sự biện minh nào cho việc làm tuỳ tiện, vi phạm nguyên tắc nghiêm trọng này. Chỉ có một thái độ duy nhất đúng là nghiêm khắc nhận lỗi và nghiêm túc sửa chữa. Việc vi phạm này là nghiêm trọng vì nó tước bỏ nội dung cực kỳ quan trọng của đường lối, chủ trương của Đảng về công tác Mặt trận thể hiện trong nội dung của Điều lệ, ở ngay phần quan trọng nhất nói về tính chất và vai trò của Mặt trận, trang đầu đoàn kết mọi người Việt Nam ở trong và ngoài nước, không phân biệt thành phần xã hội và dân tộc, quá khứ và ý thức hệ, tôn giáo và tín ngưỡng, miễn là tán thành công cuộc đổi mới.

Bản Điều lệ được phát cho đại biểu dự Hội nghị lần này đã tuỳ tiện sửa lại cách trình bày đoạn này, đảo lên, đảo xuống một số chữ để bỏ đi ba chữ quan trọng nhất: ý thức hệ! Ông ĐDTh.. giải thích rằng việc sửa lại nội dung Điều lệ nói trên là theo đúng tinh thần chỉ đạo của Đảng, và cũng không trái gì với nội dung của Điều lệ sửa đổi đã được Đại hội lần thứ VI của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thông qua. Nói như thế cũng có nghĩa là những người làm cái việc tuỳ tiện nói trên chưa thật quán triệt sâu sắc yêu cầu của công tác Mặt Trận. Đảng có thể đưa ra nghị quyết, nhưng, khi Đại hội của Mặt trận đã biểu quyết về nội dung Điều lệ thì không thể nhân danh Nghị quyết của Đảng mà tuỳ tiện sửa đổi. Làm như vậy là vi phạm nguyên tắc dân chủ, cũng là vi phạm nguyên tắc lãnh đạo Mặt trận của Đảng. Hơn nữa, bỏ đi ba từ “ý thức hệ” trong nội dung của tính chất và vai trò của Mặt trận cũng có nghĩa là những người làm cái việc tuỳ tiện đó không hiểu kỹ thực chất của công tác Mặt trận! Chính vì tôn trọng sự khác nhau về ý thức hệ song tán thành sự nghiệp Đổi Mới…, tán thành mục tiêu xây dựng một nước Việt Nam hoà bình, thống nhất, độc lập dân chủ và giàu mạnh theo Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh thì đều có thể cùng đứng trong Mặt trận. Có như vậy thì mới có sự tụ hội đông đảo như chúng ta đang ngồi tại đây hôm nay. Nếu không chấp nhận sự khác nhau về ý thức hệ, thì các vị linh mục, các vị hoà thượng, các vị kiều bào không cùng ý thức hệ cộng sản với ông Phạm Thế Duyệt, Chủ tịch Mặt trận, chắc là phải nắm tay cùng đi ra khỏi Mặt trận! Nếu bỏ đi ba chữ đó, thì rõ ràng là chấp nhận giả thiết tôi nêu ra? … Điều này thì tôi đã phát biểu tại Đại hội vừa rồi về “không nên độc quyền yêu nước”, xin miễn phải nhắc lại. [Sách “Cảm nhận và Suy tư”, trang 227].

Giờ đây ngẫm lại, hình như những đòi hỏi tôi đưa ra dạo ấy không nên độc quyền yêu nước vẫn nặng về mộng tưởng và có hơi hướng “Đôngkysốt”. Diễn biến của thực trạng 15 năm qua tính từ buổi ấy càng cho thấy “chẳng có ai nắm lấy quyền lực với mục đích sẽ buông bỏ nó” như G Orwell tiên đoán. Bỗng nhớ lại hình ảnh con lợn đực Napoleon mà ngòi bút tài hoa đã khắc họa nên “Tên nó luôn đi kèm với những từ như Lãnh tụ của chúng ta, ngài Napoleon, lũ lợn còn cố gắng phát minh ra các tên mới như: Cha của các loài vật, Nỗi khiếp sợ của giống người, Người bảo vệ của loài cừu, Bạn của loài vịt v.v… Mỗi khi nói về trí tuệ, lòng nhân từ, tình yêu thương sâu như trời biển của Napoleon dành cho súc vật, đặc biệt là những con còn phải sống trong kềm kẹp, tối tăm của các nơi khác là Squaere lại chảy nước mắt đầm đìa. Mọi thành tích đều được qui về cho Napoleon. Có thể nghe thấy hai con gà mái tâm sự: “Dưới sự dẫn dắt của ngài Napoleon, lãnh tụ của chúng ta, tôi đã đẻ được năm quả trứng trong sáu ngày vừa rồi, còn hai con bò vừa uống nước vừa nói: “Nhờ sự lãnh đạo sáng suốt của ngài Napoleon mà nước được uống thật ngọt”!

Tôi vẫn nhớ lại một kỷ niệm, hôm ấy khi tôi đọc xong bài phát biểu, đến giờ giải lao, Phan Đình Diệu tìm đến bắt tay tôi “mình cám ơn và xin lỗi ông. Ngán ngẫm và mệt mỏi, bữa ấy mình rủ Cao Xuân Phổ đi ưống bia để khỏi buồn ngủ về những lời vô bổ nhàm chán nên cũng không biết đến những điều anh Phạm Khiêm Ích phát hiện và ông vừa đưa ra trước hội nghị hôm nay”.

Tôi cười ngao ngán động viên Diệu: “Ông ơi, một đôi người chúng ta chỉ là những “con quạ trắng” giữa chốn này thôi, băn khoăn chi cho mệt, rồi lời nói gió bay thôi”. Hôm nay đây, khi viết những dòng này, tôi những chỉ muốn nhắc lại với người bạn quá cố, một bản lĩnh trí thức đích thực mà tôi yêu mến và kính trọng mầy dòng tâm sự của nhà văn Nguyễn Khải về chuyện nói và nghe, ai nói và ai nghe:

Nói dối lem lém, nói dối lì lợm, nói không biết xấu hổ, không biết run sợ vì người nghe không có thói quen hỏi lại, không có thói quen lưu giữ các lời giải thích và lời hứa để kiểm tra. Hoặc giả hỏi lại và kiểm tra là không được phép, là tối kỵ, dễ gặp tai hoạ nên không hỏi gì cũng là một phép giữ mình.

 Người nói nói trong cái trống không, người nghe tuy có mặt đấy nhưng cũng chỉ nghe có những tiếng vang của cái trống không. Nói để giao tiếp đã trở thành nói để không giao tiếp gì hết, nói để mà nói, chả lẽ làm người lại không nói. Thật ra nói thế mà vẫn hiểu nhau cả.

Người cầm quyền thì biết là nhân dân đang rất bất bình về nhiều chuyện, nhân dân thì biết người cầm quyền đang nói dối, nhìn vào thực tiễn là biết ngay họ đang nói dối. Nhưng hãy mặc họ với những lời lẽ dối trá của họ, còn mình là dân chả nên hỏi lại nói thế là thật hay không thật. Mình cứ làm theo ý mình và mình cũng sẽ nói dối, nói che đậy nếu như có dịp được người cầm quyền hỏi. Những ý này hình như cũng đã có trong “Nghĩ Muộn”.

Hồi ấy tôi cùng sinh hoạt chi bộ với anh và một nhóm trí thưc văn nghệ sĩ về hưu. Một hôm tan họp, anh giữ tôi lại bên bàn uống trà, trao tập bản thảo anh viết cũng đã lâu cho tôi: “Anh về nhà đọc, nếu thấy được thì anh cố tìm cách xuất bản, có thể trên một “Phụ bản” của một Tạp chí đứng đắn mà anh tín nhiệm cũng tốt”. Tôi về đọc rất kỹ.

Quá xúc động vì đã lâu tôi mới được đọc được những trang viết chân thực và mãnh liệt đến như thế. Mỗi trang đã dồn nén biết bao suy tư, giằng xé trong đầu, buốt nhói trong tim. Từng dòng, từng dòng như máu trào ra đầu ngọn bút. Tôi tìm đến anh Sáu Dân, đọc cho anh ấy nghe. Sáu Dân ngồi lặng thinh, tách trà để nguội không buồn nhắp. Nghe xong, anh Sáu chỉ nhẹ nhàng nói: “Dữ dội thật. Tôi hiểu ra được nhiều điều. Anh định thế nào? Anh đưa Việt Phương đọc chưa”. Tôi thưa với ông “Có lẽ tuần tới ra Hà Nội theo lịch của anh, gặp Việt Phương, tôi sẽ đưa anh ấy đọc và bàn thêm chuyện xuất bản”.

Anh Việt Phương nói với tôi nên bàn với Văn Thành ở Tia Sáng xem sao. Nhưng rồi sau đó, chuyện đưa xuất bản phải đình lại theo yêu cầu của chính anh Khải. Khoảng vài tháng sau ngày anh Nguyễn Khải mất, tôi đọc được trên mạng tác phẩm “Đi tìm cái tôi đã mất”. Tôi mang máng cảm nhận như đó là một phiên bản khác của “Nghĩ muộn”. Không có dịp đối chiếu vì tôi đã trao lại bản thảo tác phẩm ấy như một di sản quý cho gia đình nhà văn.

Thật ra dù có ‘muộn’ thì vẫn cứ phải ‘nghĩ’. Thì chính tác giả của ‘Nghĩ muộn’ đã nghĩ rất lung, nghĩ rất sâu với bao suy tư, nghiền ngẫm để viết ra những dòng tâm huyết thấm đẫm tính nhân văn và rất đậm sức chiến đấu. Vả chăng, nghĩ không bao giờ muộn, độ chín của một tư tưởng sẽ càng làm cho sức lan tỏa của nó mạnh mẽ hơn. Bởi lẽ, thời gian rồi sẽ tích tụ vô vàn mảnh vụn của niềm tin, của ý tưởng để trên đó nảy sinh tư tưởng của một thời đại.

Chiếc rễ của một tư tưởng phải cắm sâu vào một quá khứ dài lâu. Khi một tư tưởng đơm hoa, thời gian đã chuẩn bị cho mùa hái quả. Phải chăng miên man trong các thông điệp từ những tư tưởng của những trí tuệ lớn, cảm xúc chân thành, và hình thức chuyển tải sống động cũng làm quang quẻ bớt đi những u tối và ngột ngạt, đặng cố gắng tự giải tỏa những nặng nề trong suy tư về thời cuộc cũng là một cách tự giải tỏa cần thiết?

____

Mời đọc lại: Số 9: Chào mừng những huy chương vàng danh giá — Số 10: Thật đáng xấu hổ!  —  Số 11: Tuyên bố dứt bỏ mọi liên hệ với đảng Nguyễn Phú Trọng  —  Số 12: Thế Sự Du Du  —  Số 13: Chân lý là cụ thể  —  Số 14: Những bục vỡ khó tránh khỏi  —  Số 15: Đôi điều ngẫu hứng về “ngày Người Cao Tuổi”  —  Số 16: Những lời tâm huyết gửi cho ai  —  Số 17: Lan man về chuyện trích dẫn văn chương  —  Số 18: Thiên tài liền với thiên tai một vần  —  Số 19: Cây muốn lặng mà gió chẳng dừng  — Số 20: Giải khát bằng thuốc độc

Số 21: Chịu thua dân ư, chịu sao thấu!  —  Số 22: Hãy nghe và hãy nhìn vào người dân trên đường phố  —  Số 23: Giá lúc này có được tầm nhìn và bản lĩnh Sáu Dân  —  Số 24: Lịch sử sẽ phán xét bản án mà chúng đang quàng vào cổ dân ta, dìm chết tuổi trẻ chúng ta —  Số 25: Chuyện cũ viết lạiSố 26: Chuyện cũ viết tiếpSố 27: “Suối đã đục dòng, chỉ lệ còn trong”Số 28: Thế sự cong queoSố 29: “Họa phúc hữu môi phi nhất nhật”Số 30: “Tiễn người đi mờ bóng cuối chân trời…”

Số 31: “Đừng xáo nước đục đau lòng cò con”Số 32: Hết khôn dồn đến dạiSố 33: Liên khúc năm GàSố 35: Trên đồi cao giữa mây trời lộng gióSố 36: Nhân một tọa đàm khoa học vừa bị giải tánSố 37: Những tấm lòng bè bạnSố 38: Chuyện đất, chuyện ngườiSố 39: Ai là “Tinh hoa của Tinh hoa” đây?Số 40: Khác nào đem thịt nuôi hổ đói – Giữ sao cho khỏi tai vạ về sau”*

Số 41: Mười năm người ấy ra điSố 42: Đục nước, nhưng không béo cò — Số 43: Chớ cao giọng dạy dân lòng yêu nước  —  Số 43b: “Toàn là bất hảo cả”, vậy thì rồi làm sao đây?Số 44: Tưởng nhớ Hạ Đình NguyênSố 45: Kẻ “bất hảo” – “Nhếch mép cười một phát và quên chúng nó đi”!Số 46: Tổng thống và cơn mưaSố 47: Bỗng nhớ người bạn ở PrahaSố 48: “Chu du thiên hạ để học rùng mình”Số 49: “Giọt nước mắt thương dân – Dân mình phận long đong”Số 50: Ấm trà mẹ pha vào một đêm trăng

Số 51: Nghĩ về một phẩm cách cao thượngSố 52: Đôi điều về Hồ Ngọc Đại, bạn tôi — Số 53: Vở diễn nhạt nhòaSố 54: Giữa dòng hoài niệm  — Số 55: Thời gian nghiệt ngã và những bước đi oái oăm của lịch sử  —  Số 56: Nhớ cái rét đầu đôngSố 57: Đọc kịch bản “Huế 1968” của Michael MannSố 58: Vẫn rất cần “ngọn lửa của trái tim ĐankôSố 59: Giai điệu Trịnh và tà áo dài DiệuSố 60: Tản mạn đôi điều nhân ngày 26 tháng 3

Bình Luận từ Facebook

2 BÌNH LUẬN

  1. Thưa vị gờ sờ loạn trí Tờ Lai, mong ngài tĩnh tâm, bớt vọng động cho bà con nhờ và ngay chính bản thán ngài cũng yên.

  2. Tớ biết (rất) nhiều người trong nước tin những gì ông học trò của Trần Ích Tắc & Lê Long Đĩnh 300 cái bougies thời nay, aka vị gs Tương Lai đáng kính của chúng ta, viết là thật, so, i gotta clear this xít up.

    Ở Tây, xét về chủ nghĩa xã hội, có hơn 1 trường phái . Muốn biết rõ ? Đọc Marx, nhất là những bài Marx viết thóa mạ những tác giả “chủ nghĩa xã hội” khác . Và nếu đọc thêm -aka ngoài Marx, trí thức nhà ta thuộc loại “chỉ biết Mác thui, cóc (cần) biết gì- thì thấy các nhánh của chủ nghĩa xã hội vẫn cãi nhau -Marx nhà các bác đã vượt qua ngưỡng “tranh luận” từ lâu- ỏm tỏi . Và vì vậy, cũng có những nhánh chủ nghĩa xã hội “thoái hóa” hơn những nhánh “kiên định” như của Marx. Proudhomme & Sebastian là 2 người cnxh phi Marx tớ đọc nhiều thời đó . Consequently, mỗi nhánh sẽ có những viễn kiến cnxh “của mềnh” sẽ dư thế lào, và những thành viên của nhánh này không nhất thiết sẽ tin ông thánh của nhánh khác, aka một người có thể vỗ ngực xưng mình theo cnxh nhưng vẫn hoàn toàn phủ định Marx & tất cả mọi thứ liên quan đến ông .

    Như đã nói, có những nhánh cnxh “thoái hóa” có thể so sánh với bác Chu Hảo, có nghĩa tuy không cổ động cho tư bẩn, họ chấp nhận “sống chung với lũ”, và ủng hộ những biến chuyển mang tính dân chủ trong các xã hội tư bẩn . Chính vì những biểu hiện “thoái hóa” này mà Marx viết câu nổi tiếng về định nghĩa người Cộng Sản chân chính trong bản Tuyên Ngôn Cộng Sản của mình . Needless to say, trong các xã hội tư bẩn, các thể chế dân chủ đã được thiết lập sẵn, có nghĩa chỉ cần những vận động dân sự để đánh thức tiềm thức dân chủ của thể chế . Việt Nam aint one of them. Những vận động dân sự, nếu có, chỉ đánh thức tiềm thức cộng sản của thể chế nhà mềnh .

    Orwell là 1 người như vậy, có nghĩa khuynh hướng chính trị của Orwell phức tạp & hơi lẩm cẩm . Nhưng bảo Orwell là người theo chủ nghĩa Mác … chỉ có trí thức nhà mềnh, điển hình là vị gs Tương Lai đáng kính của chúng ta, mới có thể . Với gs TL, mọi thứ tệ hại nhất về tư di ổng đều có thể nghĩ ra, so yeah, im expecting worse, lot worse from him in the future. Vì vậy, khi Orwell nhận định LX không phải là chủ nghĩa xã hội, ta phải xét xem quan điểm của Orwell về cnxh là cái gì .

    Chủ nghĩa Mác với Orwell? Tớ biết chủ nghĩa Mác là 1 trong những thứ Orwell nghiên kíu trước khi viết 1984.

Comments are closed.