Báo chí là sản phẩm phục vụ nhu cầu xã hội, chứ không phải công cụ của đảng cầm quyền

LTS: Chúng tôi có nhận được bài viết của tác giả Bá Tân, là một nhà báo đã từng làm việc cho báo Đại Đoàn Kết. Chúng tôi đồng ý với nhiều điều tác giả viết trong bài, chẳng hạn như báo chí ở các nước tự do không có bộ máy chỉ đạo hay quản lý, không có họp giao ban và nhất là không có chuyện nhà nước lấy tiền thuế của dân để nuôi báo chí.

Tuy nhiên, chúng tôi không đồng ý với ý kiến của tác giả, cho rằng, báo chí như “các quầy hàng xén” và rằng báo chí “chỉ bán những thứ người tiêu dùng cần mua”. Thật ra, mục đích chính của báo chí là cung cấp thông tin trung thực, diễn giải các sự kiện và giải trí (to inform, interpret and entertain).

Báo chí đúng nghĩa không chạy theo nhu cầu của một số độc giả, nghĩa là không “bán những thứ người tiêu dùng cần mua”, như một số người muốn đọc những tin tức về cướp, giết, hiếp hay tiền, tình, tù, tội… ngoại trừ những tờ báo lá cải.

Kính mời quý vị đọc bài viết của nhà báo Bá Tân dưới đây và chúng tôi mong rằng sẽ nhận được những ý kiến có ích của độc giả cho nền báo chí nước nhà.

___

Bá Tân

7-4-2019

Ở các nước phát triển và thế giới văn minh nói chung, báo chí là sản phẩm đáp ứng nhu cầu đời sống tinh thần của mọi đối tượng trong xã hội. Có vô số đảng phái chính trị, nhưng báo chí tuyệt nhiên không lệ thuộc, càng không phải là công cụ của đảng phái, kể cả đảng cầm quyền.

Các hãng truyền thông đứng đầu thế giới, chi phối dư luận quốc tế, hoàn toàn độc lập (nhiều khi còn là đối lập) với đảng cầm quyền của nước sở tại. Các đảng phái không thể biến báo chí thành cái loa, càng không thể “sắp xếp” báo chí theo ý muốn chủ quan. Báo chí có thể chi phối sự hưng thịnh hoặc tàn lụi của đảng phái, kể cả đảng cầm quyền. Các đảng phái không thể làm được như vậy với báo chí.

Hùng mạnh như đảng Cộng hòa và đảng Dân chủ, thay nhau cầm quyền nước Mỹ, nhưng không thể ban bố quyết định xóa bỏ tờ báo này hoặc “đẻ” thêm tờ báo nọ. Đó là việc của xã hội, của thị trường.

Các đảng phái, kể cả đảng cầm quyền, không có bộ máy chỉ đạo, quản lý báo chí. Làm gì có chuyện, mỗi tuần có một buổi giao ban các cơ quan báo chí. Làm gì có chuyện, nhà nước lấy tiền thuế của dân nuôi một số cơ quan báo chí.

Đừng thần thánh hóa báo chí. Đừng ngây ngô cho rằng, báo chí sẽ bị lạc đường nếu không có đội quân… định hướng. Thật ra, khi sự thật trở thành tiêu chí hàng đầu và quyết định, báo chí bình dị như các quầy hàng xén cổ truyền có từ đời xửa đời xưa. Những người bán hàng xén, hiện thời vẫn la liệt dọc đường, tự họ định đoạt đúng nhu cầu thị trường, họ chỉ bán những thứ người tiêu dùng cần mua.

Không thể ban hành văn bản xóa sổ loại hình hàng xén ra khỏi nền kinh tế thị trường, đời sống thường ngày vẫn còn đất sống cho loại hình hàng xén. Sẽ là thảm họa nếu dùng mệnh lệnh hành chính, biến một nền báo chí trở thành loại hàng xén vật vờ ngắc ngoải trái quy luật thị trường.

Các đảng phái, kể cả đảng cầm quyền, tồn tại trong thời hạn nhất định. Còn báo chí, không lệ thuộc đảng phái, trường tồn, không bị đóng khung thời hạn theo đảng phái. Thoát ra khỏi đảng phái cho nên, báo chí có sân chơi rộng lớn và lâu dài, với sức mạnh vô địch là sự thật và phải là sự thật.

Mỗi thể chế chính trị có nền báo chí khác nhau. Khi thể chế chính trị khác biệt, thậm chí đối lập, không thể có nền báo chí giống nhau. Về danh xưng, dù thể chế chính trị đối lập, vẫn có tên chung là báo chí. Tên gọi giống nhau không có nghĩa thực chất như nhau. Cũng là cá nhưng cá tung hoành ngoài đại dương với cá trong chậu cảnh không thể như nhau. Cũng là cây nhưng cây trên đại ngàn với cây bị gông xiềng làm đẹp trong vườn cảnh, ai bảo giống nhau.

Hãy để cho báo chí được như cá tung hoành ngoài đại dương. Đừng “quy hoạch” và gông xiềng cây tại khuôn viên chật hẹp, hãy để báo chí được cho cây thỏa sức sải cánh vươn tới trời cao nơi đại ngàn, giữa rừng nguyên sinh.

____

Theo thông tin này, ngoài 3 chức năng kể trên, báo chí còn có chức năng “cung cấp dịch vụ” như quảng cáo. Nguồn: Nieonline
Bình Luận từ Facebook

5 BÌNH LUẬN

  1. Bác Hoàng Tự Minh chỉ cần đọc cái tên bài của Bá Tân
    cũng đủ hiểu Bá Tân là người thế nào

    Nó đây:
    Báo chí là sản phẩm phục vụ nhu cầu xã hội, chứ không phải công cụ của đảng cầm quyền

  2. Tôi có cảm giác có người chưa đọc đầy đủ bài của bác Bá Tân mà đã phê phán.
    Rành rành, Bá Tân phê phán thẳng thừng báo Nhà Nước.
    Còn sự phê phán có trúng hay không… chúng ta có thể bàn.
    Nhưng nói rằng Bá Tân ví báo lề trái như hàng xén là chưa đọc Bá Tân.
    Mời đọc kỹ đi.

  3. Xin nói thực lòng nhé, anh Bá Tân chỉ nên viết cho độc giả báo chí nước nhà (tức là nhà nước), báo “ngoài QD” chắc không phù hợp. Tôi nghĩ anh có tâm như một người Việt chân chất, ví dụ như một công dân lương thiện thờ bác Hồ, yêu Đảng yêu nhà nước một cách vô điều kiện chỉ vì nghĩ đơn giản đó là nhà cầm quyền.
    Trong khi đọc một bài văn, cách hành văn có tính quyết định ưu tiên, đọc lần hai thì thấy dụng ý của tác giả, đọc lần ba thì mới ra chân tướng.
    Tôi sẽ lập tức ưa cộng sản nếu như thấy những gì cộng sản làm là hợp đạo lý, một nền báo chí mà có vài vạn cặp mắt cú vọ ngày đêm xăm soi xé chỗ nọ vá chỗ kia quyết giữ cho bằng được một tư tưởng của một thể chế độc trị, quyết phá cho bằng được những gì đi ngược lại mà không cần biết đúng sai.
    Có thể cho báo lề ngoài là hàng xén, nếu không có những bà bán hàng xén, có thể đã không có ông bụng bự vô học nhưng xách cái cặp táp rất to.

  4. Báo chí có 3 mục đích là nói chung.
    Cuộc sống có muôn vàn tin tức. Không một tờ báo nào phản ánh hết được. Kể cả những tờ báo lớn cỡ quốc tế. Do vậy, có nhiều loại báo.
    Dù chức năng cao quý đến đâu, báo chí chân chính phải tự sống chứ không phải sống bằng cách dùng ngân quỹ do tiền thuế của dân.
    Và sống trong cơ chế thị trường (lành mạnh) là bán hàng của mình. Và phải là hàng thật (tin đúng, tin thật)
    Ngay tờ Nhân Dân hay Tạp Chí CS nếu dùng tiền của đảng CS (do đáng viên đóng) và tiền bán báo… vẫn là trong sạch và sòng phẳng về nguốn sống của báo.

    Nhu cầu tiêu dùng cũng muôn vàn, nhưng không cá nhân nào tiêu dùng hết mọi thứ hàng hóa đang bán. Mối ngày nếm 10 thứ kẹo, vẫn e rằng cả đời (36.000 ngày) không nếm hết mọi thứ kẹo.
    Báo chí cần tạo ra lượng bạn đọc chí cốt của mình, nuôi mình, bằng bán những hàng mà họ ham sử dụng. Tin “cướp, giết, hiệp” vẫn là tin, có quyền đưa lên báo cho những người có nhu cấu. Nếu đây là nhu cầu quá lớn, hay quá bạo lực (đòi hỏi mô tả quá chi tiết, quá giật gân) thì đó là vẫn đề của cả xã hội, phải giải quyết bằng cách khác, chớ không phải bằng cách cấm đăng các tin này.
    Dưới cái nhìn này, ví báo chí (nói chung, chứ không phải nói từng tờ báo) như hàng xén là không sai.

  5. Xin được “bênh” Bá Tân, rằng “bán những thứ người tiêu dùng cần mua” là tiêu chí phổ quát của kinh té thị trường. Mà thị trường luôn là tập hợp “người năm bảy hạng”. Mong rằng đã, đang và sẽ ngày càng nhiều những bậc thức giả đoan chính. Song cũng không thể tuyệt đối loại bỏ “một số người muốn đọc những tin tức về cướp, giết, hiếp hay tiền, tình, tù, tội… “. Vấn đề là mỗi tờ báo, mỗi người viết báo hãy “tam tri / tri kỷ, tri bỉ, tri chỉ” để làm ra sản phẩm báo chí thuộc đẳng cấp nào. V.v… // ĐỖ THỊNH, 77 tuổi, HN, 037.8462.640

Leave a Reply to Do Van Hủy trả lời

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây