Bản tin ngày 8-4-2019

Tin Biển Đông

Trung Quốc sắp đưa giàn sản xuất dầu khí vào Biển Đông, VOA đưa tin. Ngày 7/4/2019, Tân Hoa xã cơ quan ngôn luận của ĐCS Trung Quốc tiết lộ, một giàn sản xuất dầu khí với quy mô lớn thứ hai của nước này sẽ được kéo vào Lưu vực Yinggehai ở Biển Đông vào ngày 10/4. Giàn sản xuất này có tên Dongfang 13-2 CEPB, vừa được đóng xong đầu tháng này tại tỉnh Quảng Đông, có trọng lượng 17.247 tấn, tương đương với 10 nghìn chiếc xe ô tô thông thường và rộng bằng một sân bóng đá.

Bài báo cho biết thêm: Lưu vực Yinggehai nằm ở phía tây bắc Biển Đông, giữa Đảo Hải Nam và bờ biển phía Bắc của Việt Nam, nghĩa là nằm chắn ngay bên ngoài cửa vịnh Bắc Bộ, một trong những vùng nhạy cảm nhất về chủ quyền của Việt Nam.

RFI có bài: Mỹ quan ngại vì tàu Trung Quốc dày đặc trên Biển Đông. Hãng tin AP dẫn tuyên bố của trợ lý bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ Joseph Felter, nhận định về tình hình Biển Đông: “Hoa Kỳ quan ngại về các hành động hiếu chiến của bất kỳ nước nào trên Biển Đông, và trong trường hợp này là Trung Quốc. Các hành động của Bắc Kinh tỏ ra hung hăng, khiêu khích, chúng tôi thấy rằng đó là vô ích và không chính đáng”.

Kết thúc 2 ngày hội nghị ở miền Bắc nước Pháp, nhóm Ngoại trưởng G7 ra tuyên bố chung về nhiều vấn đề nóng của thế giới, theo Thông Tấn Xã VN. Chuyện Trung Quốc quân sự hóa tiền đồn ở các khu vực tranh chấp Biển Đông, G7 phản đối mọi hành động đơn phương làm xói mòn sự ổn định khu vực và trật tự dựa trên quy tắc quốc tế.

Mời đọc thêm: Tàu đổ bộ tấn công Mỹ chở 10 chiếc F-35B đi qua biển Đông (PLTP). – Mỹ bất ngờ tung hai vũ khí cực mạnh vào Biển Đông, Trung Quốc choáng váng? (VnMedia). – Mỹ muốn hợp tác chiến lược chặt chẽ hơn với Việt Nam (BBC). – G7 ra tuyên bố chung đề cập nhiều vấn đề nóng (VTV).

Tương ớt Masan bị cấm ở Nhật

VTC đưa tin: Hơn 18.000 chai Chinsu bị thu hồi ở Nhật Bản vì chứa chất cấm. Thông tin này được xác nhận trên website của chính quyền TP Osaka, Nhật Bản. Theo trang này, ngày 8/3/2019 vừa qua, trong đợt kiểm tra lô tương ớt Chinsu được nhập từ Việt Nam từ ngày 7/12/2018, Cục Y tế và Phúc lợi TP Tokyo đã phát hiện hàm lượng axit benzoic và axit sorbic vượt quá quy định cho phép.

Đến ngày 2/4, Cơ quan Xúc tiến sức khỏe và Vệ sinh đời sống Nhật Bản thông báo, sản phẩm tương ớt Chinsu nhập khẩu từ Việt Nam bị thu hồi do vi phạm luật an toàn vệ sinh thực phẩm của Nhật Bản.

Ngay sau đó, Masan lên tiếng về lô tương ớt bị dừng lưu thông tại Nhật, theo VietNamNet. Thông cáo báo chí của Masan khẳng định, công ty này “chưa từng xuất khẩu trực tiếp hoặc gián tiếp” tương ớt Chinsu cho Công ty Javis Co., Ltd hoặc Công ty ISC Industrial Co., Ltd (2 công ty phân phối tương ớt Chinsu bên Nhật): “Chúng tôi lấy làm tiếc về sự cố này và cho rằng nếu Công ty Javis Co., Ltd đã liên hệ với chúng tôi để nhập khẩu chính thức thì sự cố ghi nhãn này đã không xảy ra”.

Báo Tiền Phong đặt câu hỏi: Bộ Y tế nói gì về vụ tương ớt Chinsu bị thu hồi tại Nhật? Đại diện Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế cho biết:“Hiện chúng tôi chưa có thông tin từ cơ quan chức năng Nhật Bản về việc thu hồi sản phẩm tương ớt Chinsu nhập khẩu từ Việt Nam, nhưng chúng tôi cũng đang nhanh chóng làm rõ vụ việc hơn 18.000 chai tương ớt Chinsu bị thu hồi tại Nhật Bản”.

Một chuyên gia Cục An toàn thực phẩm thừa nhận: “Hàm lượng cao hơn ngưỡng cho phép, acid benzoic có thể gây kích ứng dạ dày, viêm dạ dày… cho người sử dụng. Trường hợp sử dụng chất này với hàm lượng lớn có thể gây ngộ độc, nhưng rất hiếm gặp”.

Báo Dân Việt dẫn lời TS. Nguyễn Duy Thịnh: Acid benzoic được sử dụng trong tương ớt ở VN. Ông tiến sĩ “lề đảng” này khẳng định tương ớt Chinsu của Masan vẫn an toàn và bình luận: “Ở đây, phải xác định rằng, Nhật Bản cấm là việc của họ, còn ở Việt Nam chất đó vẫn được phép sử dụng”. Ông Thịnh cũng không quên phê phán chuyện ngày càng nhiều người Việt công kích cách quản lý của nhà nước mỗi khi có sai phạm bị vạch trần.

Vụ 18.000 chai tương ớt Chin-Su bị thu hồi ở Nhật: Người tiêu dùng Việt lo lắng, theo báo Người Đưa Tin. Một sinh viên ở Hà Nội chia sẻ: “Em là sinh viên, nên việc chi tiêu luôn phải cân đo đong đếm. Nhưng hiện nay, thực phẩm bẩn quá nhiều, bây giờ đến tương ớt có tiếng như Chin-su mà cũng có chất cấm thì không biết lựa chọn thực phẩm thế nào cho an toàn cả”. Tương ớt Chinsu rất phổ biến, được bày bán khắp nơi ở VN.

Nhà văn Nguyễn Đình Bổn viết: Ngẫm nghĩ Chủ Nhật: Masan, xứng đáng bị tẩy chay. Ông Bổn bình luận: “Ông chủ của Masan là một tỷ phú đô la nên tập đoàn này đã và đang dùng tiền mua chuộc tất cả, với niềm tin thời gian sẽ làm khủng hoảng truyền thông trôi qua để họ sẽ tiếp tục kinh doanh dựa trên những chiêu thức bẩn, mà bẩn nhứt, tôi muốn nhắc lại: dựa trên sự nghèo khổ và thiếu hiểu biết của chính dân tộc mình!”

Mời đọc thêm: Tương ớt Chinsu bị thu hồi ở Nhật (TN). – Khẩn trương xác minh thông tin tương ớt Chinsu bị thu hồi tại Nhật Bản (HNM). – Nhật Bản thu hồi hơn 18.000 chai tương ớt Chin-su vì chứa chất cấm: Masan nói gì? (ANTĐ). – Masan lên tiếng về vụ 18.168 chai tương ớt Chinsu bị thu hồi (TQ). – Tương ớt Chinsu bị thu hồi tại Nhật: Bộ Y tế lên tiếng (NĐT). – Bộ Y tế nói gì về 18 nghìn chai tương ớt Chin-su bị Nhật thu hồi? (LĐ).

Cố ý làm trái

Trang Đầu Tư Tài Chính VN bàn về sai phạm tuyển dụng tại Cảng vụ hàng hải Thanh Hoá: Cục hàng hải không thể ‘làm ngơ’. Sai phạm nghiêm trọng liên quan đến chuyện bổ nhiệm nhân sự tại Cảng vụ hàng hải Thanh Hóa kéo dài trong nhiều năm, nhưng chưa được xử lý rốt ráo. Tháng 10/2018, Cục phó Cục hàng hải Việt Nam Bùi Thiên Thu có văn bản yêu cầu các đơn vị thuộc cơ quan này rà soát công tác tuyển dụng viên chức từ năm 1999 đến nay, nhưng sai phạm vẫn tiếp diễn.

Trường hợp đáng lưu ý: Ông Nguyễn Duy Dũng, với hơn 24 năm làm GĐ Cảng vụ Hàng hải Thanh Hóa, từ tháng 2/1990 đến tháng 10/2014. Tuy nhiên, chỉ vài tháng sau khi ông Dũng thôi chức GĐ, “ai đó” đã can thiệp để ông này tiếp tục quay trở lại làm Phó GĐ Cảng vụ hàng hải Thanh Hoá đến nay.

Chuyện thật như đùa: Nguyên Bí thư xin cấp lại 7 lô đất bị thu hồi sau quyết định kỷ luật, theo báo Lao Động. Ông Nguyễn Thanh Sơn, cựu Bí thư Đảng ủy tỉnh Đắk Nông, vừa có đơn xin cấp lại 7 lô đất sai phạm đã bị huyện thu hồi trước đó. Trong đơn xin lại đất, ông Sơn trình bày, ông và vợ “cùng đứng tên, nhưng việc canh tác đều do gia đình bên vợ trực tiếp làm để cải thiện cuộc sống, vượt qua nghèo khó”.

Báo Dân Việt đưa tin: Chỉ đạo chôn lợn chết ở sân bóng đá, Chủ tịch xã bị kỷ luật. Ngày 7/4/2019, ông Trần Việt Dũng, Chủ tịch UBND huyện Đầm Hà, Quảng Ninh, xác nhận huyện vừa kỷ luật cảnh cáo các ông Đào Văn Hiền, Chủ tịch UBND xã Đầm Hà và ông Trần Văn Hải, Phó GĐ Trung tâm Dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp huyện, do trực tiếp chỉ đạo chôn lấp đàn lợn chết không đúng nơi quy định.

VietNamNet đưa tin: Vừa thăng chức, trưởng phòng lộ sai phạm thời làm quan xã. Phải 2 tháng sau khi được điều chuyển lên giữ chức Trưởng phòng NN&PTNT huyện Triệu Phong, Quảng Trị, ông Võ Ngọc Khoa, cựu Chủ tịch UBND xã Triệu Đại mới bị vạch trần sai phạm trong quản lý, sử dụng đất và sử dụng nguồn tài chính ở xã Triệu Đại. Ông này đã đặt ra nhiều khoản thu bất hợp lý để trục lợi gần 4 tỉ đồng.

Mời đọc thêm: Hơn 20 cán bộ Cảng vụ hàng hải Thanh Hóa phải tuyển dụng lại (VNE). – Hàng chục viên chức Cảng vụ Hàng hải ‘sốt vó’ vì phải tuyển dụng lại (TP). – Đắk Nông: Nguyên ủy viên thường vụ Tỉnh ủy xin cấp chục ha đất 135 vì… nghèo khó (VNN). – Nguyên bí thư “tha thiết” xin cấp lại đất rừng sau khi bị thu hồi (NLĐ). – Quảng Ninh: Mang lợn chết ra sân bóng của xã tiêu hủy (PL&XH). – Chủ tịch xã chỉ đạo chôn hàng chục con heo chết ở sân bóng (NLĐ).

Tin nhân quyền

Báo Dân Trí dẫn lời cô Nguyễn Kim Chung, huyện Trảng Bàng, Tây Ninh, kể về vụ án oan suốt 40 năm: “Mẹ của con không phải là kẻ cướp!” Cô Chung đã phải theo mẹ mình vào tù khi cô mới 2 tháng tuổi. Năm 1979, có vụ cướp ở một nhà máy xay lúa ở ấp Bùng Binh, xã Đôn Thuận, mẹ cô là bà Nguyễn Thị Thương bị bắt oan 4 năm, lúc trở về bị nhiều người nghi ngờ nên phải bỏ xứ, phiêu bạt về Bình Dương.

Bà Thương kể: “Ngày đó, cực khổ lắm con ơi, ăn không đủ no. Đi đâu cũng cúi mặt sợ người ta biết mình từng bị tù đày nhưng sau đó mọi người cũng biết chuyện. Một số người hiểu chuyện thì họ thương cho hoàn cảnh gia đình bà, còn phần lớn thì bị kỳ thị”.

Clip của báo Dân Trí về gia đình 8 người bị oan suốt 40 năm:

Mời đọc thêm:  Vụ án oan suốt 40 năm: Con gái 2 tháng tuổi phải vào tù cùng mẹ (DT). – 8 công dân Tây Ninh gánh nỗi oan 40 năm (PLTP). – 58 người lao động kêu cứu: Vì sao Tòa bác đơn? (LĐ). – Quảng Ngãi: Chính quyền cấu kết với doanh nghiệp cướp đất của dân?!  Có nên tin vào cam kết nhân quyền của nhà cầm quyền Việt Nam? (VNTB).

Xuất khẩu lao động: Đi dễ khó về

Zing đặt câu hỏi: Vì sao 25.000 lao động Việt bỏ trốn ở Đài Loan? Bài viết trích dẫn trường hợp lao động nữ tên Mai. Cô Mai cho biết, năm 2011, cô đã vay gần 150 triệu đồng, gấp 10 lần tổng thu nhập mỗi năm của cô tại một nhà máy sản xuất phụ kiện cho điện thoại Samsung ở VN, để tìm việc mới tại một nhà máy điện tử ở Đài Loan.

Không ai nói trước với cô Mai về những khoản phí, thuế và phí sinh hoạt rất đắt đỏ ở Đài Loan. Cô nói: “Giờ tôi đã hơn 30 tuổi, thật khó có thể quay về. Tôi phải bỏ trốn, ít nhất thì cũng có thể có cơ hội để kiếm chút tiền”. Bài viết ước tính có khoảng 25.000 công nhân Việt Nam đã mất tích ở Đài Loan, nhiều người giống như trường hợp của cô Mai.

Những người lao động nước ngoài ở Đài Loan trong cuộc biểu tình tháng 12 năm 2018. Ảnh: SCMP.

Mời đọc thêm: Tại sao hàng ngàn công nhân Việt làm việc “chui” tại Đài Loan? (PLTP). – Vì đâu lao động Việt bỏ trốn bên Đài Loan? (TT). – Sập bẫy môi giới, hàng chục nghìn lao động Việt Nam “mất tích” ở Đài Loan (DT). – “Bạc Liêu”: Xuất khẩu lao động: Thu nhập khá nhưng… không dễ đi  — Bài 2: “Nút thắt” nào trong xuất khẩu lao động ở Bạc Liêu (DT).

Giáo dục VN: “Loạn”!

Một nữ sinh trung học phổ thông tại Quảng Ninh bị đánh hội đồng dã man, báo Giáo Dục VN đưa tin. Nạn nhân là nữ sinh THPT tên Nguyễn Thị Hồng L ở TP Hạ Long, Quảng Ninh, bị một nhóm học sinh đánh hội đồng, dẫn đến chấn thương đầu phải đưa bệnh viện cấp cứu. Hiện “tinh thần nữ sinh L. đang hoảng loạn, được các bác sĩ bệnh viện điều trị tích cực”.

Nữ sinh Nguyễn Thị Hồng L. đang được điều trị tại bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh. Ảnh: CTV/ GDVN

Một người dân huyện Đại Từ, Thái Nguyên, tố cô giáo nhét chất bẩn vào vùng kín bé gái, theo báo Đất Việt. Cô Nguyễn Bích N, người tố cáo, đã phát hiện vụ việc từ chiều 6/3, khi tắm cho con thì phát hiện đũng quần be bét các chất nhầy màu trắng, vàng, vùng kín của cháu xuất hiện nhiều chất dịch bẩn: “Khi rửa cháu kêu đau, không cho động vào. Tôi gặng hỏi cháu thì cháu nói do cô giáo bôi vào”. Nạn nhân nói bị cô Hoàng Thị M, là cô ruột của cháu, đồng thời là giáo viên của trường cháu đang học, nhét chất bẩn vào vùng kín.

Báo Giao Thông đặt câu hỏi vụ 35kg gà thối vào trường học: Các công ty chối quanh, thịt thối ở đâu ra? Theo bài viết, đến giờ vẫn chưa có bên nào nhận trách nhiệm nguồn gốc của số thịt gà thối được đưa vào Trường tiểu học Chu Văn An, Hà Nội. Một phụ huynh cho biết: “Năm ngoái, cũng đã có một học sinh bị đau bụng, khám, xét nghiệm kết quả bị ngộ độc. Cách đây không lâu, ban phụ huynh nhà trường lấy mẫu nước uống đi xét nghiệm thì bị nhiễm vi khuẩn mủ xanh. Nhà trường đổ lỗi cho nhà cung cấp”.

Mời đọc thêm: Công an Quảng Ninh vào cuộc vụ nữ sinh THPT bị đánh hội đồng phải nhập viện  —  Quảng Ninh: Xác minh vụ nữ sinh bị đánh hội đồng đến tụ máu đầu (DT). – Mạnh mẽ hơn trong giải quyết bạo lực học đường (SGGP). – Điều nguy hiểm nhất nếu công bố người mua điểm ở Hòa Bình, Sơn La là gì? (GDVN). – Nhân đạo… nửa mùa (GDVN).  – Vụ thiếu niên giết người vì bị nhắc nhở: Báo động về xu hướng bạo lực của “tuổi teen” (CAĐN).

Thịt gà “thối” Halo Food vào bếp TH Chu Văn An: Cần xử lý nhà trường, nhà cung cấp An Việt (KT). – ATVSTP bữa ăn bán trú: Phụ huynh cần tham gia giám sát thực phẩm (KTNT). – Thông tin mới nhất vụ hiệu phó trường mầm non bị tố “lừa đảo” (LĐ). – Thái Bình: Vụ Phó hiệu trưởng Trường mầm non “chiếm đoạt” tiền tỷ, Hiệu trưởng cũng là nạn nhân (DS). – Không thể biến học sinh thành… chuột bạch với STEAM (TT). – Tiến sĩ Việt kiều: Giáo dục đại học Việt Nam có vấn đề (VNN). – Trí thức Việt kiều góp ý: “Tiến bộ cho giáo dục đại học ở Việt Nam chính là tự chủ” (DT).

Môi trường ngày càng ô nhiễm

Báo Thanh Tra có bài: Báo động chất lượng không khí ở TP HCM ô nhiễm ngột ngạt. Theo bài viết, mức độ ô nhiễm bụi, chỉ số bụi mịn trong không khí ở TP HCM vẫn rất cao, bức “màn sương” mờ ảo thường bao phủ thành phố, thật ra là bụi. Một người dân chia sẻ: “Đeo khẩu trang vẫn thấy không nhằm nhò gì. 12h00 trưa ra đường mình vẫn thấy lớp bụi mờ mờ trắng trắng. Có mấy chiếc xe chạy qua 1 cái là quá trời bụi, bụi đen kịt thấy ghê lắm”.

Chuyện ở Huyện Phú Xuyên (TP. Hà Nội): Hàng loạt bãi tập kết vật liệu xây dựng không phép gây ô nhiễm môi trường, theo báo Tài Nguyên và Môi Trường. Tình trạng ô nhiễm cát bụi nghiêm trọng gây ra bởi những bãi tập kết vật liệu xây dựng khổng lồ trái phép, dọc theo sông Hồng trên địa bàn xã Văn Nhân, huyện Phú Xuyên, kéo dài nhiều năm, nhưng các cơ quan chức năng vẫn loay hoay không tìm được giải pháp khắc phục.

Mời đọc thêm: Hà Nội ô nhiễm không khí: Bác sĩ mách loạt bí kíp “ta tự cứu thân ta” (LĐ). – Năm 2020, Việt Nam sẽ “sạch” cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng? (DT). – Hà Lan coi rác là tài nguyên (TT). – Bình Định: Tuyến đường giao thông xuống cấp gây ô nhiễm môi trường (TNMT). – Bà Rịa – Vũng Tàu: Mỏ đá khai thác, cả khu dân cư “lĩnh đủ” khói bụi, tiếng mìn!  —  Bà Rịa – Vũng Tàu – Bài 2: Khu dân cư khốn khổ vì ô nhiễm, tiếng mìn: Đơn vị khai thác “quên” bảo vệ môi trường? (DT).

***

Thêm một số tin: Lý Tống, ‘James Bond Việt Nam,’ qua đời ở tuổi 73 (VOA). – “TPHCM lạc hậu trên 20 năm so với Bangkok về chống ngập” (RFA). – Tại sao thương hội của người Hoa thành công mà nghiệp đoàn của người Việt thất bại? (VNTB). – “Hoan hô ông Nguyễn Thành Phong – Về việc bổ nhiệm ông Cang thế nào?” (DT). – Nghệ An: Đất bị giới hạn diện tích xây dựng, hàng chục hộ dân khốn đốn! (DT).

Bình Luận từ Facebook

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây