GS Lê Hữu Khóa
3-4-2019
Tự do nâng tự trọng, dâng tự chủ, đón tự tin
Tiếp theo phần 1 — phần 2 — phần 3 — phần 4 và phần 5
Tự do khung tự chủ bằng tất yếu
Tự do khung tự chủ vì tự do vô cùng thận trọng để song hành dài lâu với sự sống, với nhân phẩm, với môi sinh; chính tự do của lý trí là khung đã thành khuôn cho mọi quyền hạn và giới hạn, để tự chủ được chấp đôi, chấp lứa với tự do, không những vì nhân sinh, mà còn vì nhân tính nữa, nên ta phải làm rõ các hệ luận sau đây:
Tự do không tất yếu, như giết người không phải là tự do, khi nó hủy tự do được sống của người khác; nên tự do có khung là công lý, mang nội lực của pháp lý, giúp pháp luật được quyền ngăn chặn những sự tự do không tất yếu đe dọa sự sống.
Tự do không bó buộc, như dùng bạo quyền để áp dụng bạo lực với đồng loại, bạo hành với đồng bào, để đàn áp cá nhân, tập thể, cộng đồng, xã hội, khi họ sử dụng quyền phát biểu, quyền tuyên bố, quyền biểu tình, quyền phản kháng, quyền bất tuân… để chống lại tà quyền đang đe dọa sự sống và đang chà đạp tự do.
Tự do không ràng buộc, như độc đảng dùng độc quyền qua độc trị trong độc tài để đàn áp, để bắt bớ, để bỏ tù, để tuyên án, để tra tấn, để hủy diệt các nhà hoạt động vì dân chủ, vì nhân quyền, để tiêu diệt quyền sử dụng tự do của họ.
Tự do không bắt buộc, như chính quyền đã áp đặt chế độ công an trị trên toàn xã hội dân sự, để mặc công an tra tấn, giết người ngay trong đồn công an. Mà chính lực lượng công an này có kẻ, có nhóm, có đàng, có bầy, có đám, có đảng… đã liên kết với các tầng lớp tội phạm của xã hội đen để đàn áp dân oan, thao túng dân đen, trấn áp dân chúng. Chúng cùng lúc thông đồng với các lực lượng côn đồ, du đảng, cướp bóc để buôn lậu, trực tiếp hay gián tiếp tha hóa, đồi trụy toàn bộ xã hội. Có cả các tướng công an tổ chức đánh bạc gian lận qua mạng truyền thông, với các ván bạc lên hàng tỷ, mà bộ phận kỹ thuật đầu não nằm ngay trong Bộ Công an.
Chính tự do khi muốn bảo vệ tự chủ thì phải đứng lên, để nhìn rõ, để nổi dậy chống các loại tự do bừa bãi đầy độc tố của bọn âm binh ẩn nấp trong quyền lực, đang ung thư hóa xã hội, đang đưa vi trùng độc để gây trọng bịnh trong ngay đạo đức của Việt tộc, đang tìm cách xiết cổ các hành vi chân chính, các hành động liêm chính của tự do.
Tự do thuộc tự chủ trong chính lý
Tự do thuộc tự chủ của hệ đạo, nơi mà đạo lý và đạo đức làm nền cho luân lý qua trách nhiệm và bổn phận với đồng loại, với tha nhân; luôn để cá nhân được quyền chọn lựa. Từ đây, nền luân lý và quyền chọn lựa được hội tụ, không hề rời nhau, vì nếu không có quyền chọn lựa thì sẽ không có luân lý.
Tự do thuộc tự chủ của hệ lý, có lý luận để chỉnh lý, có lập luận để hợp lý, có giải luận để diễn luận từ gốc tới nhọn, từ nguyên nhân tới hậu quả. Có lý của tự do, thì phải xác nhận luôn cứu cánh của tự do là giải quyết để giải phóng kiếp nạn nhân, phải xác minh luôn phương tiện của tự do qua các công cụ có chính nghĩa vì có nhân đạo. Cách nói “cứu cánh biện minh cho phương tiện” chỉ là cách nói của kẻ nếu không muốn tự sát thì chóng chầy cũng trở thành sát nhân.
Tự do thuộc tự chủ có lý luận phải dựa trên luân lý, có hành động cụ thể qua ý chí, đây chính là cơ sở lý luận của triết phân tích (philosophie analytique) khi mà đạo lý được chỉnh lý trong lý trí thì định nghĩa về tự do sẽ làm trí tuệ cho hành động của tự do. Chính phương trình lý luận–luân lý–ý chí là gốc, rễ, cội, nguồn cho mọi hành động của tự do, được thể hiện không những trong thực tế, mà còn là lý tưởng của tự do trong đấu tranh.
Tự do đúng lúc, tự chủ kịp thời
Tự do đúng lúc, tự chủ kịp thời biết dựa trên ngẫu nhiên tạo ra đột nhiên có sự hiện diện một ẩn số lạ, một hàm số ngầm, sinh ra một hằng số mới. Chính sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật quá nhanh, quá chớp nhoáng, làm đảo lộn quá trình bình thường và chậm chạm từ nguyên nhân tới hậu quả của mọi thói quen và phản xạ. Để vào hẳn hiện đại hóa, đó là trường hợp của Nam Hàn, đã lấy kinh nghiệm của Nhật Bản, để thành công trong các công nghiệp hiện đại sắc xảo nhất.
Một chính quyền sáng suốt có tự do, được quyền ngừng khai thác công nghiệp thép diệt môi trường, mà càng ngày giá lại càng thấp, không chịu đựng được chuyện cạnh tranh quốc tế về chất lượng thép, thì chính quyền này phải biết nhập cuộc vào quy trình mới, cùng lúc bỏ hẳn quá trình đi từng bước (quá) chậm, có ảo tưởng là từng bước vững chắc nhưng thật ra là đã quá lỗi thời.
Đây là sai lầm kiểu thui chột của tổng bí thư Lê Duẩn, từ đại hội 4, năm 1976, mà hệ lụy còn kéo dài tới nay với các lãnh đạo không biết khai thác tích cực ngẫu nhiên, không biết khai sáng đột nhiên để đột phá, để thay đời đổi kiếp số phận dân tộc bằng tri thức của hiện đại hóa mà các lãnh đạo Trung Quốc đã hiểu rất rõ từ Đặng Tiểu Bình tới nay.
Khai thị phương trình đột nhiên để đột phá là sự thông minh của tự do! Vì tự do như mọi chuyện khác trên đời này, đều là chuyện: mức độ và trình độ, mà khi hiểu tự do một cách thấp và cạn thì chỉ có tự do đi làm công, làm lao nô cho láng giềng. Khi hiểu tự do một cách xấu và tục thì chỉ biết tham quyền để tham nhũng, đưa đẩy đất nước xuống vực, xô đẩy dân tộc vào cõi diệt vong. Ngược lại, khi hiểu tự do một cách cao và đẹp là sử dụng văn minh của nhân loại để củng cố quyền tự do giải phóng số kiếp tồi vì dở của mình, thì sẽ chiến thắng trong tự do!
Chuyện thích ứng hóa với các tiến hóa của nhân loại để sở hữu hóa các tiến bộ của khoa học và kỹ thuật -đúng thời, đúng lúc- là một thông minh rất nhạy bén của tự do: tự do học hỏi để có tự do hiểu biết, dùng tự do kiến thức để dựng tự do ý thức, từ đó đi tới tự do đầu tư, tự do sản suất, tự do thương mại, tự do kinh doanh…
Nội công của tự do luôn là giải phóng để đổi đời, luôn lấy tiến bộ để phát triển, lấy văn minh để phục vụ nhân văn, lấy nhân trí để phụng sự cho nhân lý!
Tự do xa ân huệ, tự chủ tránh ân xá
Tự do xa ân huệ, tự chủ tránh ân xá, vì tự do tránh nhận sự ban bố bởi một đấng tối thượng, bởi một chính quyền, trong đó cá nhân, tập thể, cộng đồng, dân tộc chỉ biết chịu đựng để rồi chờ được tha thứ, đó không phải là hành động của tự do!
Khi đấu tranh vì tự do, kẻ yêu tự do không cần được tha thứ hay tha tội, vì kẻ đó có làm tội gì đâu mà tha! Chính độc tài, bạo quyền, tham nhũng… mới cần được dân chủ, nhân quyền, pháp lý tha thứ. Chuyện ân huệ hay ân xá hoàn toàn xa lạ với ý muốn tự do, với ý định tự trọng, với ý lực tự chủ, với ý chí tự tin, vì thế nên tự do luôn đi trên lưng loại pháp luật đã bị thao túng bởi độc tài; hơn thế nữa, tự do còn đi trên vai của bạo quyền đã dùng tòa án để lao lý hóa tự do một cách bất chính; thậm chí tự do còn đi trên đầu các bầy lãnh đạo âm binh dùng tuyên truyền để ngu dân hóa để chụp mũ, để vu khống các lý tưởng vì tự do.
Đừng đánh lận con đen bằng ân huệ hay ân xá! Vì kẻ đấu tranh vì tự do biết cái giá phải trả qua can đảm của dấn thân, chấp nhận cả chuyện thiệt thân, thậm chí còn biết xả thân trước tà quyền buôn thần bán thánh, trước bạo quyền buôn dân bán nước, trước độc quyền sâu dân mọt nước.
Ân huệ hay ân xá! Khoan hồng giảm tội! Đây là các loại ngữ vựng, ngữ văn, ngữ pháp rất “buồn cười” trước các lý tưởng của tự do, và rất “nực cười” trước các trách nhiệm vì tự do. Không hề có hệ quả hay hệ lụy gì giữa chuyện đấu tranh vì tự do và chuyện tha thứ vì đã phạm lỗi hay phạm tội khi kẻ đấu tranh cho tự do sử dụng quyền tự do của chính mình để giải phóng mình! Các lời lẽ ân huệ hay ân xá, khoan hồng giảm tội…là tà ngữ của một pháp luật trá hình, giả mạo để gian trá ngay trong thuật ngữ: ân và tội, tại sao? Vì chỉ có chính nghĩa của tự do mới được quyền giảm tội hay tha tội cho bạo quyền!
Tự do xa ân huệ, tự chủ tránh ân xá chỉ vì trong thực tế xã hội chỉ có: du đảng, côn đồ, trộm cướp… và nhất là đám tham quan đã tham nhũng, đã biển thủ của công, đang làm hao mòn sinh lực dân tộc, chúng mới cần xin xỏ được ân huệ hay ân xá, bởi vì tất cả đám người này thuộc diện hình sự. Chúng chỉ muốn hưởng lạc tức khắc, và sẵn sàng đe dọa người để lấy tiền của, để được sa đọa trong trụy lạc, thậm chí chúng có thể làm chuyện giết người, diệt cuộc sống.
Khi bạo quyền bắt bớ, bỏ tù, giam hãm các nhà hoạt động dân chủ, các nhà đấu tranh vì nhân quyền, cùng với nhóm người thuộc diện hình sự, thì chính bạo quyền này đang gây ra một tội ác! Và, tội ác này công pháp quốc tế sẽ không bỏ qua, vì quyền đấu tranh cho tự do là một giá trị thiêng liêng, nó thiêng liêng ngang với tất cả các giá trị (tinh thần hoặc tâm linh) được coi là thiêng liêng nhất!
Phản diện của tự do: vô cảm
Tự do sinh tự chủ để giữ nhân bản, chính nhân bản quyết định chất lượng cuộc sống mỗi cá nhân khi nhận sống chung với gia đình, với thân tộc, với tập thể, với cộng đồng, với dân tộc, với đồng loại là sống để xây, để dựng, chớ không phải để phá, để hủy. Đây là chuyện hằng ngày của Việt tộc, có kẻ dùng tự do của mình một cách vô tri để vào con đường nghiện ngập, dắt tới trộm cướp, có khi đưa tới chuyện giết người.
Trong một xã hội dầy bất công, có đầy bạo lực, mà đa số cá nhân đã chọn vô cảm, mà chưa chọn hành động tự do để tự giải cứu mình ra khỏi các tệ nạn, cùng lúc giải phóng mình ra khỏi bạo quyền. Vô cảm tới từ vô tri, trở thành vô trí trong vô minh trước con đường tiến hóa của nhân loại vì nhân bản, của nhân tri vì nhân đạo, của nhân trí vì nhân phẩm. Chính nó là phản diện của tự do, vì nó cúi đầu để làm ngơ trước thảm họa của đồng loại, vì nó khoanh tay để câm nín trước các bất công, vì nó đã quỳ gối trong nghẹn họng trước bạo quyền.
Tự do trong tự chủ vì chánh tuệ
Tự do sinh tự chủ để giữ nhân lý trước sự thật, chính tự do tư duy trong tự chủ để suy nghĩ, giúp chúng ta nhận thức được sự suy thoái đạo lý trong phật lý của phật giáo hiện nay trên toàn lãnh thổ Việt Nam. Không còn dũng khí đấu tranh vì tự do của Phật pháp, mà chỉ xây chùa để buôn thần bán thánh, lại còn cổ súy luôn cho các phong trào mê tín dị đoan để làm tiền, xây chùa để rửa tiền cho tham quan, cho trọc phú.
Từ thượng tọa tới hòa thượng mà không nói nổi được điều cứu nhân độ thế, bằng tâm từ bi, để xóa đi nổi khổ niềm đau của chúng sinh, mà chúng sinh trước mắt họ là: dân oan, dân đen. Họ sừng sửng đó, gào than trong khổ ải khi bị cướp đất, phá nhà, mà các sư “giả vờ” như không thấy, không có. Nhìn mà không thấy, thì làm sao có chính kiến để có chính ngữ, thì làm sao có chánh định để có chánh tuệ, thì làm sao có chính tâm để có chánh niệm.
Chúng ta không đòi hỏi các sư phải “tự thiêu” vì sự thật, vì chân lý, vì lẽ phải, vì Phật pháp như ta đã thấy qua các phong trào Phật giáo, từ Thích Quảng Đức tới Nhất Chi Mai. Nhưng chúng ta có tự do để yêu cầu họ phải giữ phật cách để bảo vệ chính nhân cách của chính họ: đừng tìm tiền bất chính để làm giầu qua cửa Phật, để truy hoan lén lút qua dục vọng, từ nghiện ngập, rượu bia dẫn tới tham ô trong dục loạn.
Sư hổ mang hay sư công an, sư quốc doanh hay sư công an nếu họ muốn có chánh tuệ thì bất cứ lúc nào họ cũng có năng lượng của tự do để liêm chính hóa hành vi tồi tục của họ, nếu họ muốn có chánh kiến thì bất cứ lúc nào cũng có tự do liêm sỉ hóa hành động tư lợi của họ, để tiếp nhận phật cách trong nhân cách làm sư, trong giá trị tinh thần trước giá trị tâm linh chính thống của Phật đạo. Nếu mất chánh tuệ họ chỉ là: âm binh ẩn nấp bóng chùa! Và trong xã hội Việt hiện nay, họ thua xa (vì quá thấp kém) trước cách hành đạo của các phong trào Công giáo (Thiên Chúa giáo), từ cha tới con chiên, dùng tự do để chống lại ô nhiễm môi trường do Formosa và nhiều ngành công nghiệp khác của Tàu tặc đang hủy diệt môi sinh của Việt tộc.
Chính phong trào Công giáo hiện nay mới đứng về phía Phật pháp, mang tuệ giác của phương trình Phật tính-Phật tâm-Phật pháp, để làm vơi đi nỗi khổ niềm đau của các đồng bào sau thảm họa Formosa. Xa hơn nữa, phong trào Công giáo biết đấu tranh cho nhân quyền vì dân chủ, làm sáng lên các định luận của tự do! Các lãnh đạo của Phật giáo hiện nay đang giả đò làm ngơ trong vô cảm trước địa ngục hiện tiền của dân đen, của dân oan, của Việt tộc.
___
Lê Hữu Khóa: Giáo sư Đại học Lille* Giám đốc Anthropol-Asie*Chủ tịch nhóm Nghiên cứu Nhập cư Đông Nam Á* Cố vấn Chương trình chống Kỳ thị của UNESCO – Liên Hiệp Quốc * Cố vấn Trung tâm quốc tế giáo khoa Paris.*Thành viên hội đồng khoa học Viện nghiên cứu Đông Nam Á* Hội viên danh dự nhóm Thuyết khác biệt, Học viện nghiên cứu thế giới.
Các bài của giáo sư LÊ HỮU KHOÁ trên Tiếng Dân đã được ANTHRPOL-ASIE xuất bản và các bạn đọc có thể chuyển tải trực tiếp các tác phẩm Trực Luận (l’argumentation directe), Xã Luận (l’argumentation sociétale), Dân Luận (l’argumentation démocratique), Tự Luận (l’argumentation libre), qua Facebook Vùng Khả Luận (trang thầy Khóa).
Mời đọc lại các bài cùng tác giả tại đây.