Đà Lạt của ai? Khi thể chế theo lời nhà thám hiểm

FB Tâm Chánh

22-3-2019

Để có được vị thế là một thành phố cao nguyên trứ danh ở miền Viễn Đông, Đà Lạt luôn gắn sự phát triển của mình với tầm nhìn và năng lực của thể chế.

Chính yếu là của bộ máy lãnh đạo quốc gia và xuyên suốt là của hệ thống viên chức quản lý Đà Lạt.

Nguồn: Bill Robie

Sẽ không có Đà Lạt nếu không có sự gặp gỡ trong tầm nhìn và tri thức của Toàn quyền Paul Doumer và nhà khoa học, bác sĩ Yersin.

Từ ban đầu trao đổi ý tưởng, đến đích thân hai con người tinh hoa này khảo sát địa bàn sẽ tượng hình Đà Lạt hiện nay.

Những nền móng đầu tiên được triển khai ngay là xây dựng hệ thống đường bộ kết nối Đà Lạt với Ninh Thuận, Phan Thiết, thành lập tỉnh Đồng Nai Thượng, xây dựng toà đốc lý và bổ nhiệm thị trưởng Đà Lạt. Đặc biệt, chính Toàn quyền Doumer đã quyết định ngay lập tức xây dựng tuyến đường sắt nối Tháp Chàm với Đà Lạt.

Sau một thời gian gián đoạn do Toàn quyền Doumer về nước, Đà Lạt lại được thúc đẩy với việc hội đồng quốc phòng Pháp quyết định chọn Đà Lạt làm nơi nghỉ dưỡng, đặt ở Đà Lạt một cơ sở đồn trú cho 3500 – 4000 quân. Đà Lạt bước vào thời kỳ kiến thiết chóng mặt với sự xuất hiện của các công trình kiến trúc, đường sá và cơ sở hạ tầng kĩ thuật đô thị.

Đây cũng là giai đoạn Đà Lạt được thể chế hóa bởi những quyết định hành chính của Triều đình Huế và Toàn quyền Đông Dương.

Trong vòng 30 năm, với những ý tưởng quy hoạch của các kiến trúc sư Ernest Hébrard và Jacques Lagisquet, Đà Lạt tượng hình một thành phố cao nguyên độc đáo, với một kết cấu hạ tầng kĩ thuật và xã hội hoàn chỉnh, hiện đại.

Một đô thị rừng.
Một đô thị thung lũng.
Một đô thị nghỉ dưỡng, du lịch.
Một đô thị hành chính, giáo dục.

Đó là một sinh thái đô thị chưa từng có trong lịch sử phát triển đô thị của người Việt Nam.

Cả một hệ thống đường sá và hạ tầng kĩ thuật uốn lượn kết nối các dốc đồi, các công trình kiến trúc tạo thành những tầng không gian trùng điệp, ẩn hiện.

Đà Lạt đã là một hệ thống di sản kiến trúc công trình dinh thự, nhà ở, công trình tôn giáo, công trình công cộng… tạo ra một phong cách kiến trúc Đông Dương rất đặc biệt.

Đà Lạt cũng là đô thị có tổng thể qui hoạch nền nã, hài hoà để các kiến trúc và cảnh quan trở thành những điểm nhấn duyên dáng, sống động hay bay bổng.

Nhưng phát hiện của bác sĩ Yersin đã không thể trở thành một chính sách phát triển nếu nhà nước thuộc địa không đủ trình tiếp nhận và chuyển hoá nó thành sáng kiến chính trị.

Ở phương diện này, cuộc xâm lược trước hết là giành chiếm đất đai của người Pháp sẽ chỉ là một cuộc chiếm đoạt kiểu ngày nay các đại gia tranh chiếm đất vàng.

Người Pháp đã đầu tư vào vùng rừng núi hoang vu ấy vốn liếng của một xã hội văn minh, của một hệ thống tài sản là những giá trị phát triển hiện đại, hấp dẫn mà họ thực hiện bằng sứ mạng khai hoá.

Rất may mắn, cái sứ mạng đã ở trong tay cỡ những Paul Doumer, Albert Sarraut… của người Pháp, chứ không phải trình Tô Định, Trương Phụ…của người Tàu.

(Không chỉ có người Pháp, Triều đình Huế và Chính phủ Việt Nam Cộng hoà đã tìm kiếm những ý tưởng táo bạo, kể cả về thể chế, để phát huy những giá trị mà người Pháp đã phát hiện và kiến tạo Đà Lạt. Đà Lạt luôn ấp ủ những phát kiến để hoàn thành vị thế một thành phố cao nguyên có đẳng cấp quốc tế, một đô thị trứ danh chứ không phải lè tè giấc mộng trở thành một đô thị trực thuộc TƯ, một mục tiêu không có chút hồn vía nào cho Đà Lạt. Sẽ biên tiếp…)

Bình Luận từ Facebook

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây