Ngồi xếp Lego, thấy “nhân tai” nguy hiểm còn hơn thiên tai

FB Vũ Kim Hạnh

15-3-2019

Lần đầu tiên mình viết một bài dài thế này, thực ra chỉ là “thu gom” và sắp xếp lại thông tin. Chỉ giống như là… xếp hình LEGO, tức xếp các thông tin lại theo từng chủ đề để cung cấp bức tranh khách quan liên quan … nước mắm (NM).

Bốn mảnh lắp ghép chính là chuyện từ 13 năm trước đến nay (vì vậy có hơi dài, xin lỗi dù đã lược tóm nhiều mà còn dài, bạn có thể chia ra đọc nhiều lần, hihi): Vụ 3 MCPD – Vụ nước mắm nhiễm thạch tín Arsen – Vụ chuẩn bị ban hành Quy phạm thực hành và quy chuẩn NM – Vụ thành lập (không được) Hiệp Hội NM Truyền thống. Và “Nghi án” sắp tới: hàm lượng Histamine.

KHỞI ĐẦU LÀ CHUYỆN TỪ 2005 – VỤ HỦY DIỆT CÁC CT NƯỚC TƯƠNG BẰNG 3-MCPD

Trước năm 1975 ở miền Nam, nước tương được chế biến từ quá trình lên men và chuyển hoá đậu nành bởi vi sinh nên hoàn toàn không có chất độc 3-MCPD. Sau tháng 4-1975, nguyên liệu bị ngăn sông cấm chợ, các nhà chế biến nước tương chuyển sang dùng đậu nành đã tách dầu, rồi thuỷ phân bằng acid chlohydric (HCl), quá trình này đã thúc đẩy quá trình tạo ra chất 3-MCPD.

– Tháng 7/2005, nước tương Chin-su của Masan được xuất sang châu Âu bị phát hiện có chứa 3-MCPD. Masan phải bỏ quy trình này, thay bằng pha chế hóa chất nhằm kiểm soát nồng độ 3-MCPD. Sau đó, Masan treo thưởng hàng loat giải một tỷ đồng cho ai phát hiện ra 3-MCPD của Masan.

– Bài học hay này được dùng cho SX nước mắm? Mô hình KD của Masan là thay quy trình ủ chượp truyền thống, bằng sử dụng hương liệu, phụ gia và một tỷ lệ rất nhỏ gọi là ‘tinh chất nước mắm’. Giá thành cực rẻ, dùng nhiều tiền quảng cáo bom tấn, cùng lúc mở mạng lưới sâu, rộng, Masan chiếm lĩnh thị phần lớn rất nhanh.

Nhưng chưa độc chiếm thị trường là không đủ? Về thị trường, ta biết, mức tăng trưởng thị trường của thị trường nước mắm ở VN trung bình là 5% (vì NTD không thể “húp” nước mắm ào ạt!) mà Masan đặt mức tăng trưởng là 20% thì phải làm sao? Chỉ tiêu tăng trưởng nghiệt ngã này đã dẫn tới hàng loạt chuyện táo bạo diễn ra trong bóng tối mà mấy hôm gần đây mới dần dần bộc lộ, và gây rùng mình, ớn lạnh.

Bạn tự hỏi, Masan là ai? Xin có vài dòng về TĐ này.

Đọc trang web của Masan, ta biết đây là DN lớn nhất, thành công nhất trong lãnh vực kinh doanh gia vị, thực phẩm, đồ uống. Họ khởi đầu lĩnh vực thực phẩm vào năm 1996 với CT cổ phần Công nghệ – Kỹ nghệ – Thương mại Việt Tiến, chuyên về gia vị.

Năm 2000, thành lập công ty cổ phần Công nghiệp và Xuất nhập khẩu Minh Việt, chuyên hoạt động trong lĩnh vực thương mại và xuất nhập khẩu. Năm 2002, sản phẩm đầu tiên của Masan được tung ra thị trường: Nước tương Chin-su. Năm 2007, công ty giới thiệu một loạt sản phẩm: nước tương Tam Thái Tử, nước mắm Nam Ngư và mì ăn liền Omachi.

Sau đó có nhiều cuộc đổi tên và mua lại cổ phần chi phối các CT khác: Vinacafe, Vĩnh Hảo… Theo báo cáo kết quả kinh doanh năm 2018 của Masan, doanh thu thuần của công ty đạt 38.187,6 tỷ đồng, tăng 1,5% so với năm trước. Lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ đạt 4.916 tỷ đồng, tăng trưởng 58%.

2016- ARSEN VÀ NỖI SỢ HÃI NƯỚC MẮM NHIỄM THẠCH TÍN GÂY UNG THƯ

Năm 2016, một đòn bẩn Arsen (thạch tín) gây sợ hãi hủy diệt NMTT để độc chiếm thị trường.

– Theo báo Người lao động ngày 21/11/2018 tường thuật: Ngày 12-10, báo Thanh Niên mở màn chiến dịch, bằng bài đầu tiên: “Làm gì để nước mắm Việt vươn ra thế giới? Cẩn trọng với hàm lượng thạch tín”, đưa ra nhận định nước mắm có nồng độ đạm càng cao thì khả năng tỉ lệ nhiễm thạch tín càng cao và công bố kết quả: “80/106 mẫu vượt ngưỡng thạch tín”.

– Ngày 17/10 Hôi tiêu chuẩn và bảo vệ NTD VN công bố kết quả cuộc khảo sát chất lượng 150 mẫu nước mắm thành phẩm đóng chai của 88 nhãn hiệu các cơ sở tại 19 tỉnh, thành phố toàn quốc. Kết luận như báo TN. Bộ Y tế im lặng, thay vì phải giải thích, qui trình sản xuất. Nước mắn truyền thống chắc chắn sinh ra Asrsen nhưng là Arsen hữu cơ, vô hại với sức khỏe con người. Sau 6 bài liên tiếp, báo Thanh Niên đăng trang quảng cáo của Masan với thông điệp: phải sử dụng NM an toàn và SP của Masan cam kết… không chứa thạch tín! (Thông điệp này mặc nhiên xác nhận ai hưởng lợi từ chiến dịch).

– Sau khi vụ này ra trước công luận, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo 4 bộ ngành vào cuộc. Nhưng tình hình là hoàn toàn im lặng. Nửa năm sau, Bộ Công thương phải yêu cầu báo cáo xử lý lãnh đạo Vinastas (https://dantri.com.vn/kinh-doanh/bao-cao-xu-ly-lanh-dao-vinastas-vu-nuoc-mam-asen-truoc-20-4-2017040707260225.htm).

– Ngày 21/11/2018, Bộ TTTT công bố xử phạt nặng báo Thanh Niên 200 triệu và phạt 50 báo đài đã đưa tin sai trái về arsen (44.000 tin bài đã được đăng).

– Ngày 29/11, tại cuộc họp báo chính phủ Việt Nam, người phát ngôn Chính phủ – Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết khảo sát của Vinastas được thực hiện dưới sự tài trợ của Công ty TNHH Liên doanh T&A Ogilvy.

– Ngày 4/12, hãng tin BBC cho biết: họ nhận được thư trả lời PV của bà Nguyễn Diệu Cầm, Giám đốc điều hành T&A Ogilvy, là công ty con tại Việt Nam của tập đoàn Ogilvy & Mather. Theo bà Diệu Cầm, T&A Ogilvy “có dự án Thu thập phản ứng của người tiêu dùng đối với thông tin về thị trường hàng tiêu dùng tại Việt Nam năm 2016”. Và T&A Ogilvy có “hợp tác” với Vinastas và có tài trợ Hội này về cuộc điều tra thị trường về nước mắm. Bà Cầm cho biết, sau thấy dư luận phản ứng mạnh, họ không xài thông tin của Vinastas và ông Nguyễn Thanh Sơn, người sáng lập và nguyên TGĐ T&A Ogilvy không tham gia dự án (?)

Tuy vậy, chính phủ Việt Nam đến lúc này vẫn không tiết lộ Việt Nam có điều tra T&A Ogilvy không, hoặc doanh nghiệp nào đứng sau T&A Ogilvy, trong cuộc khảo sát nước mắm này hay không.

Mặt khác, tuy Masan cho biết không liên quan scandal, thực tế là chỉ trong vài ngày, công ty Masan “bốc hơi” gần 2.800 tỷ đồng trên thị trường chứng khoán.

VỀ BẢN QUY PHẠM THỰC HÀNH VÀ QUY CHUẨN ĐƯỢC SOAN BÍ MẬT

– Vào chiều ngày 31/1/2019, ngày làm việc cuối cùng trước kỳ nghỉ Tết dài, Hội DN.HVNCLC nhận được văn bản Quy Phạm thực hành SX nước mắm do Vụ tiêu chuẩn Tổng Cục TCĐLCL thuộc Bộ KHCN gửi để hỏi về tình hình góp ý doanh nghiệp với bản dự thảo (nhằm thực hiện thỏa thuận ký tháng 9/2018 v/v hỗ trợ DN và nông dân xây dựng tiêu chuẩn giữa Hội và Bộ KHCN). Từ sự tiếp nhận thông tin TÌNH CỜ này mới xảy ra hàng loạt sự việc về bản dự thảo quy phạm bí mật. Hội DN.HVNCLC ngay trong mấy ngày Tết đã gửi dự thảo văn bản cho các Hội NM các tỉnh đề nghị họ cho biết ý kiến.

– Ngày 27/2 Vasep tổ chức cuộc họp có mặt đủ các Hội nước mắm truyền thống, đại diện Cục An toàn thực phẩm Bộ Y Tế, Sở KHCN tỉnh Kiên Giang và các Hội liên quan cùng các chuyên gia. Hội nghị đã đưa ra 50 điểm sai, không phù hợp của dự thảo quy phạm SX nước mắm, kiến nghị tách loại NM công nghiệp ra khỏi NM TT, soạn văn bản quy phạm khác.

– Ngày 8/3/2019, Bộ NN&PTNT tổ chức họp báo về Quy Phạm. Đầu tiên ông Trần Đáng phát biểu: “TC đã phù hợp với thực tiễn sản xuất nước mắm – không cần gì phải bàn cãi nữa cứ Ban hành nhanh chóng để bảo vệ người tiêu dùng. Không thể dựa vào đâu để gọi là nước mắm truyền thống và nước mắm công nghiệp, … chia ra hai loại Truyền thống và Công Nghiệp là chia rẽ gây mất đoàn kết???”

Đại diện Ủy ban Codex VN kể việc nâng hạn mức Histamin từ 200 ppm lên 400 ppm

Bà Hồng, TGĐ NM Liên Thành nói ”…cần có công nghệ pha chế để tạo ra nước mắm đóng chai phù hợp thị hiếu người tiêu dùng ở nước ngoài”
Chuyên gia nước mắm, TS Trần thị Dung bị mời ra ngoài và …họp báo ngoài sân.

Và lần này, khác hẵn vụ Arsen, báo chí đã phản ánh hai chiều khá khách quan, kể cả VTV.

Mọi việc xảy ra trong bóng tối mới dần dần hé lộ. Xin quay lại lý do xây dựng quy chuẩn về NM. Sau sự cố thạch tín (arsen), theo đề nghị của Câu lạc Bộ Nước mắm Truyền thống (do VASEP thành lập), Thủ tướng đã chuyển việc soạn Quy chuẩn nước mắm từ Bộ Y tế sang Bộ NN&PTNT.

– Ngày 12/3/2019, 4 ngày sau cuộc họp báo, báo Bình Thuận đăng bài phỏng vấn ông Lê Trần Phú Đức đại diện của Hội nước mắm Phan Thiết cho biết: ông có được dự cuộc họp đầu tiên về tiêu chuẩn nước mắm với Bộ NN-PTNT cho biết, nhưng sau đó, đến tháng 2/2018 nội dung cuộc họp hoàn toàn bị xóa bỏ và tổ chức họp lại với điều kiện có sự tham dự của Tập đoàn Masan.

Báo chí vào cuộc tìm hiểu tin mà có báo gọi là “động trời” này thì ra tiếp các thông tin sau:

– Ngày 23/2/2017, Cục Quản lý chất lượng Nông lâm thủy sản (Bộ NN-PTNT) đã ra Quyết định số 200/QĐ-QLCL thành lập Ban biên soạn Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia cho sản phẩm nước mắm với 10 thành viên, trong đó gồm đại diện cơ quan quản lý nhà nước, chuyên gia độc lập và 3 hội nước mắm gồm: Phú Quốc, Phan Thiết, Nha Trang… Văn bản đã đi được 2/3 chặng đường soạn thảo. Bỗng nhiên…

– Ngày 6/2/2018, Cục Quản lý chất lượng Nông lâm thủy sản ban hành Quyết định số 46/QĐ-QLCL về việc kiện toàn ban biên soạn thay thế Quyết định số 200 với 14 thành viên, trong đó đáng chú ý có sự tham dự của ông Trần Phương Bắc, luật sư trưởng, Giám đốc tuân thủ của Công ty CP Hàng tiêu dùng Masan. QĐ-QLCL bổ sung đại diện của Masan vào.

Ngay sau đó, đại diện của Masan đã kiên quyết đòi thay thế cụm từ “nước mắm truyền thống” bằng “nước mắm nguyên chất” và giữ cụm từ “nước mắm” để chỉ nước mắm pha chế công nghiệp.

Những việc này hoàn toàn diễn ra trong bóng tối. Người biết rõ diễn tiến là chị Hồ Kim Liên, chủ tịch Hội NM Phú Quốc và anh Lê Trần Phú Đức thấy họ nói… sai quá mới lên tiếng. Có thể đã có 2 văn bản được soạn cùng lúc: Quy Phạm thực hành và trong khi đó, quy chuẩn cũng được soạn thảo. Ban hành quy phạm thực hành trước rồi tung ra quy chuẩn (bắt buộc) sau?

CHUYỆN THÀNH LẬP HIỆP HỘI NƯỚC MẮM TRUYỀN THỐNG KHÔNG ĐƯỢC-NGHỆ THUẬT LỢI DỤNG LUẬT ĐỂ LŨNG ĐOẠN CHÍNH SÁCH

Theo phát biểu của bà Nguyễn Hồng Minh, nguyên Thứ trưởng Bộ thủy sản, nay thuộc Bộ Nông Nghiệp & PTNT đăng trên báo Khoa học và đời sống.

– Ngày 09/5/2017, Bộ NN&PTNT đã thành lập Ban vận động thành lập Hiệp hội nước mắm truyền thống Việt Nam, với 17 thành viên. Việc này do sau sự cố truyền thông về thạch tín (asen), các hội nước mắm truyền thống tại các địa phương đã thống nhất có đơn xin thành lập Ban vận động thành lập hiệp hội nước mắm truyền thống Việt Nam (Ban vận động NMTT).

– Ngày 31/7/2017, Ban đã gửi hồ sơ xin phép thành lập Hiệp hội Nước mắm Truyền thống Việt Nam (Hiệp hội NMTT) đến Bộ Nội vụ. Không thấy trả lời, tìm hiểu thì…

– Ngày 15/8/2017, Bộ Y tế đã thành lập Ban Vận động thành lập Hiệp hội nước mắm Việt Nam (BVĐHH NMVN), trong thành phần có 6 doanh nghiệp thuộc tập đoàn Masan và một số cựu công chức của Cục An toàn Thực phẩm Bộ Y Tế: PGS.TS Trần Đáng, nguyên Cục trưởng Cục An Toàn TP Bộ Y Tế; PGSTS Phan Thị Kim, Chủ tịch Hội KHKT. An toàn TP, cũng nguyên Cục trưởng Cục ATTP và không có thành viên nào là các nhà sản xuất nước mắm truyền thống. Bộ Nội Vụ tiếp tục im lặng.

– Ngày 2/2/2018, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn chủ trì cuộc họp 2 Ban vận động. Thứ trưởng Tuấn đề nghị hai Ban vận động ngồi lại để thống nhất thành lập một Hội.

– Ngày 23/4/2018, Bộ Nội vụ ký công văn số 1714/ BNV- TCPCP trả lại hồ sơ xin lập HH NM TT với lý do cùng lúc nhận được hai hồ sơ xin thành lập hội. (Vậy là cũng đơn giản? Để Bộ Nội Vụ từ chối việc cho thành lập HH NM TT, chỉ cần nộp đơn xin lập một HH tương tự. Vấn đề là đơn nộp sau, sai luật (vì lại do Bộ Y Tế công nhận ban vận động, mà Bộ Y Tế không có thẩm quyền trong việc thành lập một Hội mà ngành chức năng thuộc Bộ Nông Nghiệp & PTNT) mà được Bộ Nội Vụ viện dẫn và… dẹp đơn hợp lệ nộp trước.

– Ngày 10/5/2018, trong một cố gắng đến cùng, Ban vận động NMTT đã mời BVĐNMVN (của Bộ Y tế) họp trao đổi việc thành lập một Hiệp hội Nước mắm, với tên hội là HHNM TTVN. Đại diện của Ban vận động HH NMVN không đồng ý tên Hội chung là HH NM TTVN.

– Tới ngày 28/5/2018, Ban vận động NMTT tiếp tục gửi công văn đề nghị Bộ Nội vụ cho thành lập HH NM TTVN. Bộ Nội vụ dẫn lại công văn 1714 tiếp tục viện dẫn CV trả hồ sơ thành lập HH NM TTVN.

Xong. HH nước mắm truyền thống vì vậy mà đến nay chưa thành lập. Lực lượng những nhà sản xuất yếu thế vẫn không thể có một mái nhà chung, dù Thủ tướng chỉ đạo, dù họ tiến hành thành lập Hội đúng luật.

VỀ RÀO CẢN SẼ THÀNH ÁC HIỂM NHẤT SẮP TỚI: HISTAMINE

Anh Lê Trần Phú Đức có kết luận bài phỏng vấn trên báo về quy phạm: theo tôi, những qui định sai và không phù hợp chỉ là “nghi binh” Cốt lõi họ muốn đưa vào chỉ tiêu Histamine, sẽ giết hết NMTT vì qui định này.

– Ngày 6/3/2019, trang điện tử Soha đăng bài PV chuyên gia Vũ Thế Thành, ông nói:

Dự thảo quy phạm này sẽ là bước đệm để soạn thảo Quy chuẩn quốc gia về nước mắm, có tính pháp lý. Trong đó đáng lưu ý nhất là qui định sẽ bắt buộc về hàm lượng Histamine. Mức qui định là căn cứ tiêu chuẩn Codex, do UB Codex Việt Nam và Thái Lan đồng chủ trì biên soạn tôi thấy là thấy không ổn rồi. Codex quốc tế không biết gì về sản xuất nước mắm, nên giao cho Việt Nam và Thái Lan cùng biên soạn để Codex thông qua. Chỉ tiêu Histamine phải dưới 400 ppm thì chỉ có nước mắm công nghiệp là đáp ứng được, vì là nước mắm pha loãng nên không thể có nhiều histamine được. Thái Lan là “vương quốc” của nước mắm công nghiệp thấp đạm từ 10 đến 20 độ. Trên thế giới, Việt Nam là nước duy nhất sản xuất nước mắm cao đạm, từ 30 độ đạm trở lên.

Do đó, tiêu chuẩn Codex hiện nay đang gây rất nhiều khó khăn cho xuất khẩu nước mắm truyền thống. Đầu năm 2018, Cục An Toàn Thực phẩm đã tổ chức hội thảo về histamine trong nước mắm. Lãnh đạo Cục ATTP, từ Cục trưởng, cục phó, đến các trưởng phòng có tham dự… Cục thừa nhận chỉ tiêu histamine như thế là không hợp lý, và hứa sẽ phối hợp, cùng nghiên cứu, vận động Codex quốc tế nới rộng chỉ tiêu histamine để VN có điều kiện thuận lợi xuất khẩu nước mắm truyền thống.

Hội thảo này đến nay chưa được tổ chức. Vừa rồi, nếu không bị phát hiện, mức qui định này về Histamine mặc nhiên được thông qua, rồi… sẽ vào quy chuẩn. Biết số phận của NMTT rồi, muôn thuở đừng xuất khẩu, thì dành đường cho NM công nghiệp.

Ảnh: Hổm rày bạn xem hình NMTT mãi rồi, tôi xin giới thiệu hình ông bạn tôi, Didier Corlou, ông “Tây nước mắm” mê NM như thương vợ và phát biểu rất hiểu về nước mắm VN. Bìa sổ tay hướng dẫn quản lý và sử dụng CDĐL Phú Quốc do EU phát hành.

Bình Luận từ Facebook

1 BÌNH LUẬN

  1. “Trước năm 1975 ở miền Nam, nước tương được chế biến từ quá trình lên men và chuyển hoá đậu nành bởi vi sinh nên hoàn toàn không có chất độc 3-MCPD”

    Có làm gì cũng đừng dựng lại cờ vàng nhá . Có nghĩa chỉ còn 2 cách, hoặc Masan hoặc có độc .

    Chợt théc méc thứ “gọi là” nước mắm truyền thống . Nếu làm theo kiểu cờ vàng, aka “Trước năm 1975 ở miền Nam”, thì tại sao có độc ?

    Chỉ có 1 lời giải; cả Masan lẫn cái-gọi-là “nước mắm truyền thống” chả có gì đáng gọi là “truyền thống” cả . Tớ đề nghị tên mới .

    “Sau tháng 4-1975, nguyên liệu bị ngăn sông cấm chợ, các nhà chế biến nước tương chuyển sang dùng đậu nành đã tách dầu, rồi thuỷ phân bằng acid chlohydric (HCl), quá trình này đã thúc đẩy quá trình tạo ra chất 3-MCPD”

    Đây là nước mắm xã hội chủ nghĩa, sản phẩm đặc trưng của nền kinh tế xã hội chủ nghĩa . Có nghĩa từ 75 tới khi có Chinsu, thiên hạ ăn toàn độc dược .

    Nước mắm Chinsu “sử dụng hương liệu, phụ gia và một tỷ lệ rất nhỏ gọi là ‘tinh chất nước mắm’” là nước mắm kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa hoặc nước mắm “đổi mới”. 1 tý tẹo tinh chất xã hội chủ nghĩa + hương liệu, phụ gia và, theo lời tác giả, “quảng cáo bom tấn, cùng lúc mở mạng lưới sâu, rộng”

    Nhớ, đừng nên dựng lại cờ vàng .

    “Truyền thống” cái … Tự Do í .

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây