Từ cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng đến cột đồng Mã Viện và tình hình ngày nay

Mưu độc ngàn năm của người Tàu: Từ cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng đến cột đồng Mã Viện và tình hình ngày nay. Hậu Thế Đã Có Những Nhận Xét Gì Về Những Biến Cố Này?

Phạm Cao Dương (*)

6-3-2019

“Khi bài này được viết thì mối đe dọa của người Tàu và hiểm họa mất nước, kể cả diệt chủng đã lại tái xuất hiện.  Lần này cực kỳ nguy hiểm, tinh vi và độc địa hơn nhiều.  Nó xảy ra giữa hai nước Cộng Sản anh em “môi hở răng lạnh”, “bốn tốt, mười sáu chữ vàng”.  Có điều là hiểm họa không phải chỉ  xảy ra ở Biển Đông mà ngay trên đất liền…”

Đồng trụ chiết, Giao Chỉ diệt” – Mã Viện

Cột đồng chìm chín suối/ Bia đá rọi ngàn thu” Đặng Văn Bá (1877 – 1942)

Cột đồng Đông Hán tìm đâu thấy/ Chỉ thấy Tây Hồ bóng nước gương”Thái Xuyên Hoàng Cao Khải (1850 – 1933)

Lời tác giả: Cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng là cuộc khởi nghĩa đầu tiên của người Việt nhằm đánh đuổi người Tàu, giành lại nền độc lập cho dân tộc sau mộttrămnămmươinăm (150) nước ta bị Nhà Hán đô hộ. Cuộc khởi nghĩa này rất quan trọng vì nó không phải chỉ xảy ra ở một địa phương nhỏ bé, xa xôi, tương xứng với hai huyện Mê Linh và Châu Diên thuộc quận Giao Chỉ mà thôi mà được toàn thể các quận huyện khác từ Cửu Chân ở phía nam tới Hợp Phố trên lãnh thổ Trung Hoa hiện tại ở phía bắc hưởng ứng. Nó đã làm rung động triều đình Nhà Hán, khiến cho Nhà Hán phải cử viên lão tướng danh tiếng nhất đương thời là Mã Viện sang đánh và phải mất hai năm dài sửa soạn mới phản công được. Chưa hết, cuộc phản công này cũng đã vô cùng gian nan, vất vả chứ không dễ dàng như người ta tưởng. Cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng do đó đã được dành cho những chỗ đứng vô cùng quan trọng trong lịch sử và văn học nước nhà.

Bài này nhằm giới thiệu đến các độc giả một số những nhận định của các sử gia và các nhà trí thức sau này về Hai Bà. Tuy nhiên, để các bạn trẻ có thể dễ dàng có những nhận định riêng và chính xác của mình, tác giả cũng xin được tóm tắt những sự kiện chính cần biết về cuộc khởi nghĩa này và đặc biệt về cuộc kinh lý của Mã viện sau đó cũng như việc Mã Viện dựng cột đồng cắm mốc kèm theo lời nguyền vô cùng độc ác: “Đồng trụ chiết, Giao Chỉ diệt” của viên tướng nổi tiếng qua tước hiệu Phục Ba Tướng Quân trong lịch sử Trung Hoa này. Chuyện người Tàu chủ trương tiêu diệt người Việt như vậy đã xảy ra từ cách đây cả hai ngàn năm trước chứ không phải đợi đến tận ngày nay, dưới thời hai nước Cộng Sản anh em.

Nguyên nhân

Theo các sử cũ của ta, nguyên nhân của cuộc khởi nghĩa này là sự tham tàn của Thái Thú Tô Định và việc Tô Định giết chồng Bà Trưng Trắc là Thi Sách. Nhưng gần đây các nhà nghiên cứu hiện đại [1] đã đưa ra nhiều nguyên nhân sâu xa hơn và đã giải thích cặn kẽ hơn, theo đó ta có thể kể:

Nguyên nhân sâu xa: Những sự thay đổi trong chính sách cai trị của người Tàu và những sự va chạm về quyền lợi giữa người Tàu và người Việt trong những năm đầu của Thế kỷ Thứ Nhất Sau Tây Lịch. Những biến cố này đã xảy ra khi Vương Mãng cướp ngôi nhà Hán (9-23 sau T. L.). Một số đông các quan lại và Nho Sĩ người Tàu, vì trung thành với Nhà Hán, không chịu phục vụ triều đình mới đã dời bỏ miền Bắc di cư xuống ẩn náu ở các quận miền Nam thuộc Giao Chỉ Bộ. Tại đây, nhờ Thứ Sử Đặng Nhượng và các thái thú các quận như Tích Quang, Đỗ Mục đóng cửa các miền biên cảnh để phòng giữ nên tình hình rất yên tĩnh.  Sự di cư xuống miền Nam của những thành phần này đã làm tăng thêm con số người Tàu tới lập nghiệp ở các quận huyện miền Nam. Chúng đã giúp cho kỹ thuật, ngôn ngữ và văn hóa của người Tàu được phổ biến kèm theo với sự phát triển của nền kinh tế bản xứ, nhưng mặt khác đã gây ra những va chạm về địa vị, quyền lợi và phong tục giữa họ và người dân bản xứ, đặc biệt là các nhà quý tộc. Trong hoàn cảnh này chắc chắn họ đã góp những phần không nhỏ vào sự hoạch định và thi hành các chính sách đồng hóa của các quan lại địa phương như Tích Quang và Nhâm Diên, nhờ thủ đoạn khôn khéo của hai viên thái thú này đã trấn áp được nhân tâm người Lạc Việt, từ đó không có gì nghiêm trọng xảy ra. [2] Tình hình đã thay đổi khi Tô Định xuất hiện.

Nguyên nhân trực tiếp: Sự tham lam, tàn bạo của Thái Thú Tô Định và việc viên thái thú này giết Thi Sách, chồng Bà Trưng Trắc. Đây là nguyên nhân chính mà sử cũ của ta và sử của Nhà Hán thường nói đến: Năm Giáp Ngọ, niên hiệu Kiến Võ thứ 16, Nhà Đông Hán cử Tô Định sang làm thái thú quận Giao Chỉ. Là người tham lam, tàn bạo[3], Tô Định đã triệt để dùng luật pháp để ràng buộc người dân bản xứ, đặc biệt là giới quý tộc, sau đó lại giết Thi Sách, người huyện Châu Diên[4] là chồng Bà Trưng Trắc, con gái vị Lạc Tướng của huyện Mê Linh. Sự giết Thi Sách nà có lẽ nhằm mục đích diệt các mầm mống khởi nghĩa của người Lạc Việt ngay từ trong trứng nước, đặc biệt là của hai nhóm quý tộc lớn ở Châu Diên và Mê Linh. Nó đã trực tiếp châm ngòi cho cuộc tổng nổi dậy.

Cuộc khởi nghĩa

Cuộc khởi nghĩa đã xảy ra và đã thành công một cách mau chóng. Trưng Trắc đã cùng với em là Trưng Nhị tấn công thành Liên Lâu, nơi Tô Định đóng trị sở và đã chiếm được thành này, khiến Tô Định phải bỏ chạy về Nam Hải. Đại thắng này đã đưa tới sự hưởng ứng của tất cả dân chúng các quận Cửu Chân, Nhật Nam và Hợp Phố. Hai Bà đã thu được cả thảy 65 thành trì trong vùng Lĩnh Nam và tự lập làm vua, đóng đô ở Mê Linh. Các thứ sử và thái thú chỉ chạy được thoát thân mà thôi.

Phản ứng của Nhà Đông Hán – Cuộc tái xâm lăng của Mã Viện

Cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng như vậy không phải chỉ là một cuộc nổi dậy ở một địa phương thuộc quận Giao Chỉ mà thôi mà là cuộc tổng nổi dậy của toàn thể nhân dân các thuộc địa miền Nam của Nhà Hán chạy suốt từ Cửu Chân, Nhật Nam trên lãnh thổ Việt Nam hiện tại cho đến Hợp Phố trên lãnh thổ Trung Hoa. Nó đã làm rung động triều đình Trung Hoa. Mọi cố gắng của địa phương để phục hồi uy quyền của các quan lại Nhà Hán đều không thể thực hiện được. Ngay cả triều đình trung ương của họ cũng phải bó tay ít ra là trong suốt hai năm đầu. Trong hai năm này họ đã cho sửa soạn một cuộc tái xâm lược các thuộc địa đã mất một cách hết sức quy mô và kỹ càng.  Các quận huyện từ Trường Sa trở xuống đã được lịnh dự bị xe cộ, thuyền bè, đào nương, bắc cầu để vượt qua các khe núi và trữ sẵn lương thực. Đến tháng 12 năm Kiến Võ thứ 17 (tháng Giêng năm 42 sau T. L.), Mã Viện, viên lão tướng danh tiếng nhất của triều đình Nhà Hán đương thời, người vừa mới thành công trong việc dẹp loạn Lý Quảng ở Hoãn Thành, An Huy, được phong làm Phục Ba Tướng Quân để đem quân tái chiếm lại Giao Chỉ. Phụ tá cho Mã Viện có Phù Lạc Hầu Lưu Long làm phó và Đoàn Chính làm Lâu Thuyền Tướng Quân.

Đại quân của Mã Viện gồm hơn mười ngàn người lấy ở các quận Trường Sa, Quế Dương, Linh Lăng, Thương Ngô, mười hai ngàn người lấy ở các quận thuộc Giao Chỉ Bộ và thuyền xe lớn nhỏ hai ngàn chiếc. Bộ binh theo đường từ Hồ Nam xuống địa phận của các tỉnh Quảng Đông, Quảng Tây hiện tại để hợp với thủy quân của Đoàn Chí ở Hợp Phố. Nhưng đến đây thì Đoàn Chí bị bịnh chết. Hán Đế hạ chiếu cho Mã Viện men theo bờ biển để tiến quân. Theo các sử gia hiện đại thì viên tướng này có thể đã theo đường Quảng Yên để vào miền lưu vực Sông Thái Bình, trong khi lâu thuyền có lẽ đã theo đường Sông Bạch Đằng kéo vào. Cuộc tiến quân không mấy gặp trở ngại. Sự kháng cự chỉ thực sự bắt đầu khi quân Hán tới địa phận Tây Lý (Vu) là căn cứ của An Dương Vương xưa kia, sau đó đã mỗi ngày một trở nên ác liệt khiến Mã Viện phải rút quân về miền giữ Tây Lý và Lãng Bạc. Tình cảnh quân Nhà Hán vào lúc này, theo như chính lời Mã Viện kể lại , vô cùng gian nan vất vả: “Quân địch chưa dẹp yên. Trên thì mưa, dưới thì lụt. Mây mù, khí độc bốc lên ngùn ngụt. Trông lên thất con diều đương bay bỗng rớt xuống nước chết” [5].  Tất cả chỉ chấm đứt khi quân Hai Bà từ Mê Linh kéo ra đại tấn công quân Mã Viện ở Lãng Bạc và bị thất bại. Hai Bà sau đó phải rút quân về Cấm Khê. Tại đây theo Lưu Long Truyện chép trong Hậu Hán Thư, Trưng Nhị đã bị viên phó tướng này bắt sống. Còn theo Mã Viện Truyện, cũng chép trong Hậu Hán Thư, thì Mã Viện đã đánh bại nghĩa quân thêm ít trận nữa. Cuối cùng tháng Giêng năm sau chém được cả Hai Bà, gửi đầu về Lạc Dương.

Theo dã sử của ta, Hai Bà đã trầm mình xuống Sông Hát Giang tự tận. Cuộc hành quân của Mã Viện đến đây chưa chấm dứt, vì sau đó viên tướng này còn phải tiến sâu xuống Cửu Chân để dẹp tàn quân của Hai Bà do Tướng Đô Dương cầm đầu. Sự chống cự vô cùng mãnh liệt. Mã Viện đã phải thống suất lâu thuyền lớn nhỏ hơn hai ngàn chiếc, sĩ tốt hơn hai vạn người tấn công quân Đô Dương suốt từ huyện Vô Công đến huyện Cư Phong, chém và bắt được hơn hai ngàn người.

Những cải tổ thâm độc của họ Mã

Song song với cuộc đàn áp các thành phần còn lại của cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng, tàn sát hàng ngàn người Việt ở hai huyện Vô Công và Cư Phong thuộc quận Cửu Chân, Mã Viện đã tức thời thực hiện những công tác củng cố lại quyền kiểm soát và cải tổ lại toàn bộ chính sách cai trị của Nhà Đông Hán. Ông đã cho dựng hay dựng lại những thành quách, đặt quân đội trú đóng để phòng ngừa những cuộc nổi dậy khác, đặt tỉnh ấp, đặc biệt là dựng thành Kiển Giang ở Phong Khê [6]. Các đơn vị hành chánh cũng được phân chia lại, điển hình là huyện Tây Vu. Huyện này có tới ba vạn ba ngàn (33.000) nhà nên đã được Mã Viện xin với vua Nhà Hán chia làm hai huyện nhỏ là Phong Khê và Vọng Hải. Vua Hán đã chấp thuận. Quan trọng hơn nữa, ông đã tổ chức lại guồng máy hành chánh bằng cách áp dụng lối tổ chức như bên chính quốc, nhằm loại trừ giới quý tộc bản xứ, điển hình là các lạc hầu, lạc tướng. Giới này một phần bị tàn sát, một phần phải bỏ chạy lên các vùng rừng núi. Hàng trăm gia đình khác đã bị đầy sang Hoa Nam Phần còn lại bị tước đoạt hết những ưu quyền và vai trò của thời cũ. Riêng chỉ những thành phần lãnh đạo cấp dưới, tương đương với các làng xã là còn tồn tại nhưng bị lệ thuộc chặt chẽ vào chính quyền trung ương. Những người này đã phải hòa đồng với các thành phần cai trị khác từ chính quốc sang hay các di dân người Tàu, từ đó một thứ quý tộc bản xứ mới đã nảy sinh và sẽ đóng những vai trò quan trọng trong những biến cố về sau này. Về mặt luật pháp, Mã Viện đã tiếp tục những gì các quan lại Nhà Hán đã làm trước đó là đem luật của người Tàu áp dụng vào xã hội của người Việt, buộc người Việt phải theo pháp luật Tàu. Ông đã tâu lên Vua Hán về mười điều khác biệt giữa luật của người Tàu và luật của người Việt, đã đem luật Tàu dạy cho người Việt. Về phương diện kinh tế, trong thời gian hành quân, Mã Viện đã cho xẻ núi, đào sông, đắp đường, từ đó đã giúp cho sự giao thông giữa các địa phương được trở nên dễ dàng hơn.

Toàn bộ các ông trình kể trên của Mã Viện đã được hoàn thành vào cuối năm 43 và năm sau thì ông về nước mang theo rất nhiều trống đồng Lạc Việt, sau khi đã dựng những cột đồng làm ranh giới.

Đồng trụ chiết, Giao Chỉ diệt

Về vị trí của những cột đồng này, người ta không được rõ một cách chính xác. Theo Đại Việt Sử Ký Toàn Thư thì Mã Viện đã dựng những cột đồng này sau khi đã thanh toán được những tàn quân của Hai Bà do Tướng Đô Dương chỉ huy ở Cửu Chân “làm giới hạn cuối cùng của Nhà Hán”. Như vậy những cột đồng này phải nằm ở phía nam của huyện Cư Phong thuộc quận Cửu Chân. Nhưng ngay sau đó, cũng trong sách này người ta lại đọc được là “cột đồng tương truyền là ở trên động Cổ Lâu thuộc Khâm Châu”.

Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục cũng chép việc dựng cột đồng đằng sau câu nói về việc Mã Viện hàng phục được Tướng Đô Dương và tàn quân của Hai Bà ở Cư Phong. Sau đó các tác giả của bộ sử này lại dẫn theo tác phẩm Thủy Kinh Chú của Lịch Đào nguyên cho biết Mã Viện đã dựng kim tiêu tức cây nêu bằng kim loại làm ranh giới cực nam của nước Tàu, cùng nhiều sách khác tương tự bên cạnh bộ Nhất Thống Chí của Nhà Thanh nói về cột đồng ở động Cổ Sâm ở Khâm Châu. Như vậy ta có thể nghi Mã Viện dựng nhiều cột đồng ở hai địa điểm khác nhau, một ở cực nam của Giao Chỉ bộ thuộc huyện Cư Phong và một ở Khâm Châu phía bắc để đánh dấu miền đất mà ông đã tái chinh phục được. Riêng ở địa điểm thứ hai này, ông đã ghi câu thề “Đồng trụ chiết, Giao Chỉ diệt” (Cột đồng gãy thì Giao Chỉ diệt) khiến cho người dân Việt mỗi khi đi qua lại lấy đá chất vào thành gò đống vì sợ cột gẫy.

Một nhận xét khác cần được nêu lên ở đây là Mã Viện đã lấy đồng ở đâu ra để đúc các cột đồng này? Phải chăng đó là từ các đồ đồng của dân Lạc Việt trong đó có các trống đồng mà viên tướng này đã đem một số về Tàu? Điều này chứng tỏ là ở thời này văn minh đồ đồng của người Lạc Việt đã phát triển rất mạnh và Mã Viện trong khi hành quân đã tịch thu được rất nhiều đồ đồng của các nhà quý tộc bản xứ. Những đồ đồng này có thể do không dủng làm gì được vì người Tàu hồi đó đã dùng toàn đồ sắt, hoặc có thể là vì những trống đồng là biểu trưng cho quyền uy của các nhà quý tộc nên phải bị tiêu hủy, do đó đã được đem nấu chảy để làm cột đồng dựng ở hai điểm trọng yếu làm mốc cho những miền đất của người Lạc Việt cũ mà Mã Viện đã tái thu phục được, coi như những biểu tượng của chiến thắng vĩ đại của mình và của người Tàu, bên cạnh sự tan biến và bị tiêu diệt hoàn toàn của uy quyền và thế lực của giới quý tộc bản xứ. Vấn đề, tuy nhiên, còn cần được khảo cứu tường tận hơn vì rất có thể tất cả chỉ là truyền thuyết, vả lại vị trí của các cột đồng này đã không cố định mà đã di chuyển theo ranh giới phương nam của đế quốc Trung Hoa.

Tầm quan trọng lớn lao và hậu quả của cuộc khởi nghĩa

Cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng là cuộc khởi nghĩa đầu tiên của người Việt chống lại chế độ đô hộ của người Tàu, giành độc lập cho dân tộc. Cuộc khởi nghĩa này thường được coi như biểu dương cho tinh thần bất khuất của dân tộc ta trước sự tràn lấn thường trực và vô cùng mãnh liệt của Hán Tộc và khả năng lãnh đạo của người phụ nữ trong xã hội Việt Nam thời cổ. Một mặt khác, như trên đã trình bày, đó không phải là một cuộc nổi dậy nhỏ, giới hạn trong một địa phương mà là một cuộc khởi nghĩa có quy mô rộng lớn bao trùm tất cả các quận thuộc Giao Chỉ Bộ từ Hợp Phố trở xuống. Nó đã làm rung động Triều Đình Nhà Hán. Những cố gắng phản công của triều đình này đã chỉ xảy ra sau hai năm dài sửa soạn và cuộc tái xâm lược mặc dầu được đặt dưới sự chỉ huy của vị lão tướng nổi danh nhất đương thời, đã không được thực hiện một cách mau chóng.

Về hậu quả, mặc dầu không hoàn toàn thành công, cuộc khởi nghĩa của Hai Bà đã thức tỉnh tinh thần dân tộc của người Việt sau ngót một trăm năm mươi năm sống an phận dưới sự thống trị của người Tàu và trước đó của Nhà Triệu. Sự thương tiếc và tôn kính của người Việt đối với Hai Bà đã được biểu lộ trong việc lập đền thờ Hai Bà hay âm thầm trong đáy lòng của mỗi người đã trở thành một sự nhắc nhở thường trực về sự khác biệt giữa hai chủng tộc cũng như về khả năng đấu tranh của người Việt. Nó đã ảnh hưởng rất lớn lao tới các cố gắng khởi nghĩa của dân ta về sau này. Cuối cùng là chủ trương và nỗ lực cải tổ của Mã Viện trong tổ chức cai trị ở ba quận Giao Chỉ, Cửu Chân và Nhật Nam. Những cải tổ này đã đưa tới sự kiểm soát các sinh hoạt của người bản xứ một cách trực tiếp, chặt chẽ hơn và đã làm cho văn hóa của người Tàu được truyền bá sâu rộng hơn trong quần chúng Giao Chỉ. Vai trò của giới quý tộc thời xưa không còn nữa. Chế độ có thể gọi là bảo hộ giống như các chế độ của người Tây Phương ở các thuộc địa của họ sau này đã hoàn toàn bị thay thế. Các quan lại người Tàu trong chiều hướng này đã mặc tình thao túng với sự ủng hộ nhiệt tình của các di dân của họ. Tình trạng này đã được phản ảnh một phần nào qua nhận xét của Lê Ngô Cát và Phạm Đình Toái trong Đại Nam Quốc Sử Diễn Ca khi hai tác giả này viết:

Trưng Vương vắng mặt còn ai,

Đi về thay đổi mặc người Hán quan.

Lịch sử dân tộc Việt Nam từ sau năm 43 đã rẽ sang một hướng khác hẳn trước. Đây mới là điểm thực sự quan trọng của cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng. Nó cũng nói lên tham vọng và chủ trương thâm độc cố hữu của người Tàu đối với dân tộc Việt Nam, dân tộc ngay từ đầu đã đóng vai trò nút chặn, ngăn cản con đường Nam tiến của họ xuống các vùng Đông Nam Á, Úc Châu và Ấn Độ Dương, một vị trí địa lý chiến lược vô cùng quan trọng trong bất cứ thời đại nào.

Hậu thế đã có những nhận xét gì về Hai Bà Trưng

Trước hết là các sử gia: Các sử gia Việt Nam ngay từ những ngày đầu cho tới Thế Kỷ 19, kể cả Vua Tự Đức, người đã ra lệnh soạn thảo bộ Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục của Quốc Sử Quán Triều Nguyễn, và sau này là Trần Trọng Kim, tác giả Việt Nam Sử Lược, bộ sử gối đầu giường, đã được dủng làm sách giáo khoa cho nhiều thế hệ hiện đại, đã dành cho Hai Bà Trưng những cảm tình đặc biệt, nếu không nói là những lời tán dương đẹp đẽ nhất mà người cầm bút có thể viết được. Phan Bội Châu lại còn đi xa hơn nữa. Tác giả của Việt Nam Vong Quốc Sử và Việt Nam Quốc Sử Khảo đã đề nghị suy tôn Hai Bà Trưng làm tổ nước ta. Ông lý luận như sau:

Nước ta từ Trưng Nữ Vương về trước, bảo rằng không có người e rằng cũng là đúng sự thật lắm. Thế mà thình lình có một người con gái ở huyện Mê Linh đột nhiên xoang tay rán cánh đuổi quân Tàu làm tiên phong độ quân độc lập ở nước ta, mà sử nước ta mới bắt đầu có ba chữ tên họ Trưng nữ vương là người nước ta, chẳng những làm vẻ vang cho nước ta mà thôi, mà cả đến nước tàu thời Đông Hán Kỷ cũng có mấy chữ viết to là GIAO CHỈ NỮ TỬ TRƯNG TRẮC mà ở tỉnh Quảng Tây, phủ Thái Bình nước Tàu cũng có một cái miếu thờ có ba chữ biển đề rằng Trưng Vương Miếu.

Chứng cớ như thế thời bảo bà trưng là người sinh đẻ ra người nước nam ta ai lại không thừa nhận được? Sử học ngày nay theo khoa học mà cùng tới, không thể bằng theo thuyết thần bí huyễn hoặc mà cần phải căn cứ vào sự thực. Vậy căn cứ vào sự thực trên lịch sử thì tôi nhất định nhận bà Trưng nữ Vương là thủy tổ. Các nhà sử học trong nước nghĩ sao? [7]

Người Tàu cũng vậy. Mặc dầu coi Hai Bà là làm phản, Hậu Hán Thư đã dùng ba chữ “thậm hùng dũng” (rất hùng dũng) để diễn tả khí thế của Hai Bà. Sau đây là những đoạn trích trong các sách sử khác của người Việt.

Trước hết là nhận xét của Lê Văn Hưu, tác giả của bộ chánh sử đầu tiên của người Việt đời Trần Thái Tông. Lê Văn Hưu đã viết về Hai Bà Trưng như sau:

Trưng Trắc, Trưng nhị là đàn bà, hô một tiếng mà các quận Cửu Chân, Nhật Nam, Hợp Phố và 65 thành ở Lĩnh Ngoại đều hưởng ứng; việc dựng nước, xưng vương dễ như trở bàn tay, đủ biết là hình thế đất Việt ta có thể dựng cơ nghiệp bá vương. Tiếc rằng sau họ Triệu cho đến trước họ Ngô, trong khoảng hơn nghìn năm, bọn đàn ông chỉ cúi đầu bó tay, làm thần bộc cho người phương Bắc, há chẳng xấu hổ với hai chị em họ Trưng là đàn bà ư? Ôi! Có thể gọi là tự bỏ mình vậy [8].

Tiếp theo là nhận xét của Ngô Sĩ Liên:

Họ Trưng giận thái thú nhà Hán bạo ngược, vung tay hô một tiếng mà quốc thống nước ta xuýt được khôi phục; khí khái anh hùng không những là lúc sống dựng nước xưng vương mà sau khi chết có thể chống ngăn tai hoạ; phàm gặp những việc tai ương hạn lụt, đều cầu đảo không việc gì là không ứng.

Cả bà Trưng em cũng thế. Vì là đàn bà mà có đức hạnh kẻ sĩ, các khí hùng dũng trong khoảng trời đất không phải vì thần chết mà kém đi. Bọn trượng phu chẳng nên nuốt lấy cái khí phách cương trực chính đại ư? [9]

và của một sử thần khác:

Giao Chỉ, Cửu Chân, Nhật Nam là đất nước Thục, không giữ được mà mất về họ Triệu, không giữ được mà bị nhà Hán thôn tính. Bà Trưng là một người con gái góa ở Giao Chỉ, không có một thước đất, một người dân, chỉ vì báo thù chồng mà khởi binh đánh một trận, cả sáu quận đều theo, định được 65 thành dễ như lấy đồ trong túi, làm cho bọn quan lại, thú úy cai trị trong thời gian 150 năm, phải bó tay không dám làm gì. Than ôi! Cái khí anh linh của trời đất, không chung đúc vào người con trai, mà lại chung đúc vào người con gái, nếu phải có lòng trời tựa Lạc Việt, thì có thể lấy cả được Kinh, Dương, đâu lại chỉ có đất Ngũ Lĩnh mà thôi. [10]

Ngọ Phong Ngô Thời Sỹ còn dẫn một đoạn khác trong sách Thông Luận như sau: Không có gì khó thu phục được là nhân tâm, không có gì khó nắm giữ được là quốc thể; lại còn khó nữa là một người đàn bà mà tập họp được cả nhân dân trai tráng làm đồng chí. Nước ta bị nội thuộc đã lâu, phục tùng pháp chế cho là quen, bị bọn tướng lại thống trị cho là việc thường ngày, huống chi đương lúc nhà Hán trung hưng, thu phục nhiều tay trí dũng, ai dám chống cùng oai hổ. Trưng vương là đàn bà góa, búi tóc đứng lên, những con trai trong nước đều cúi đầu chịu. Bà chỉ huy, các quan to ở năm mươi thành cũng đều nín hơi, không dám kháng cự. Lưu Văn Thúc là người diệt được quần hùng, chống nổi đại địch, mà khi tập binh khiển tướng còn phải ăn trưa ngủ muộn, lo nghĩ cơ mưu; Mã Phục Ba làm cỏ nước Tiên Linh, phá tan nước Tham Lang, mà khi đóng quân ở Lãng Bạc, cũng phải lo xa nghĩ kỹ, náu hình ở bên hồ sâu. Tiếng tăm hùng dũng của Bà chấn động cả Trung Hoa, cơ nghiệp mở mang của Bà ngang trong trời đất, thật là anh hùng.

Trong những sách Bắc Sử về đời Hán, Đường cũng có vua đàn bà, như họ Lã, họ Vũ, nhưng đều là nhờ thế đã làm mẫu hậu rồi, mà nắm lấy quyền nhân chủ, thì dễ lung lạc được trong nước, múa may với đàn trẻ. Đến như Bà Trưng là một người đàn bà thường mà khởi lên được thì khó lắm. Xem trong Nam Sử thì nội thuộc Lương và Trần, có ông Lý Nam Đế, Triệu Việt Vương, sẵn là cường hào, hay là gia thế, lòng người đã sẵn quy phục, thế nước đã hơi xu hướng mà khởi lên còn có phần dễ; đến như Bà Trưng là con gái thì lại khó lắm. Tuy thế cũng chưa lấy gi làm kỳ cho lắm. Vợ trả thù chồng, em giúp việc chị, một là tiết phụ, một là nghĩa nữ, vào cả một nhà, thế mới là kỳ. Ông vua bị mất nước, hoặc là bị bắt, hoặc là đầu hàng, con gái ở cảnh nhà tan, hoặc phải bỏ đi, hoặc bị tủi nhục. Bà chị mất nước, bà em cũng tuẫn tiết theo chị, không chịu đầu hàng cũng không để bị bắt, người chồng ở dưới đất được nhắm mắt, kẻ gian tà trông thấy thế phải cúi đầu. Vua tôi Văn Thúc (tướng Hán) không làm gì nổi. Chết rồi mà tiếng thơm vẫn còn. Thế mới càng kỳ nữa. Than ôi! Hồng nhan trẻ đẹp xưa nay chôn vùi đã bao người. Nhưng Nữ Oa có việc động trời đến giờ, chỉ có hai chị em Bà Trưng nữa đấy thôi. Còn bà Triệu thì chưa đáng kể. [11]

Vua Tự Đức cũng có nhận xét tương tự trong phần Ngự Phê của bộ Cương Mục:

Hai Bà Trưng thuộc phái quần thoa, thế mà hăng hái quyết tâm khởi nghĩa, làm chấn động cả triều đình Hán. Dầu rằng thế lực cô đơn, không gặp thời thế, nhưng cũng làm phấn khởi lòng người, lưu danh sử sách. Kì những bọn nam tử râu mày mà chịu khép nép làm tôi tớ người khác. Chẳng cũng mặt dày thẹn chết lắm du! [12]

Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục, Tiền Biên, Quyển Nhị.

Sau hết là Trần Trọng Kim, tác giả của Việt Nam Sử Lược:

Hai bà họ Trưng làm vua được 3 năm, nhưng lấy cái tài trí người đàn bà mà dấy được nghĩa lớn như thế khiến cho vua tôi nhà Hán phải lo sợ, ấy cũng là đủ để cái tiếng thơm về muôn đời. Đến ngày nay có nhiều nơi lập đền thờ hai bà để ghi tạc cái danh tiếng hai người nữ anh hùng nước Việt Nam ta. [13]

Lệ Thần Trần Trọng Kim, Việt Nam Sử Lược. Saigon, Tân Việt, in lần thứ không đề năm, tr. 48.

Trong văn học:

Trong văn học không một người Việt Nam nào trước đây không có dịp đọc hay học thuộc lòng hay được nghe người khác học hay ru em bài “Bà Trưng Quê Ở Châu Phong”, trích trong Đại Nam Quốc Sử Diễn Ca của Lê Ngô Cát và Phạm Đình Toái và một số những bài thơ khác của hai tác giả này. Những tác phẩm này phần lớn xuất hiện hồi đầu Thế Kỷ 20 do nhu cầu vận dụng quần chúng của các nhà cách mạng, ái quốc đương thời và được thực hiện dưới nhiều hình thức khác nhau. Về tuồng ta có Thù Chồng Nợ Nước của Hoàng Tăng Bí; về văn tế ta có Bà Trưng Tế Chồng của Á Nam Trần Tuấn Khải; về văn suôi, ta có bài Ai Là Tổ Nước Ta? Người Nước Ta Với Sử Nước Ta của Phan Bội Châu đã dẫn trên đây; về thơ, người viết chỉ giới thiệu một số bài tiêu biểu đã có dịp được học như những bài học thuộc lòng hồi còn nhỏ, được nghe các bà mẹ, các bà chị hát ru, được học thuộc lòng từ thuở ấu thơ, được đọc trong các sách và gần đây được thấy trên các trang mạng.

Tất cả đều gợi lên trong lòng người nghe, người đọc một niềm hãnh diện lớn lao về quá khứ oai hùng của dân tộc Việt Nam, kèm theo những tình cảm đau xót, ngậm ngùi, tiếc thương, oán hận, nhưng không hoàn toàn tuyệt vọng. Trái lại với bốn câu mở đầu cho bài Đề Vịnh Trưng Vương của Hoàng Thúc Hội làm năm 1932, vào lúc thịnh thời của chế độ đô hộ của người Pháp: Thời nào cũng có hào kiệt của thời ấy, chỉ là đã qua hay chưa tới mà thôi. Thời hai Bà Trưng, Thánh Gióng đã về Trời, Bà Triệu chưa nổi dậy, nhưng rồi Hai Bà đã xuất hiện để “Nẩy chồi hoa nụ Lạc, Mở mặt nước non Hồng”:

Ngựa Gióng đã lên không

Rừng Thanh voi chửa lồng.

Nẩy chồi hoa nụ Lạc

Mở mặt nước non Hồng.

Trước nhất và quen thuộc nhất là bài của Lê Ngô Cát và Phạm Đình Toái, trích trong Đại Nam Quốc Sử Diễn Ca mà ngươi ta quen gọi là bài Bà Trưng Quê ở Châu phong:

Bà Trưng quê ở châu Phong,

Giận người tham bạo, thù chồng chẳng quên.

Chị em nặng một lời nguyền,

Phất cờ nương tử, thay quyền tướng quân.

Ngàn tây nổi áng phong trần,

Ầm ầm binh mã tới gần Long Biên.

Hồng quần nhẹ bước chinh yên,

Đuổi ngay Tô Định, dẹp yên biên thành.

Đô kỳ đóng cõi Mê Linh,

Lĩnh Nam riêng một triều đình nước ta.

Ba thu gánh vác sơn hà,

Một là báo phục, hai là bá vương.

Uy danh động đến Bắc phương,

Hán sai Mã Viện lên đường tiến công.

Hồ Tây đua sức vẫy vùng,

Nữ nhi chống với anh hùng được nao.

Cấm Khê đến lúc hiểm nghèo,

Chị em thất thế phải liều với song.

Phục Ba mới dựng cột đồng,

Ải quan truyền thấu biên công cõi ngoài.

Trưng Vương vắng mặt còn ai,

Đi về thay đổi mặc người Hán quan.

 

Đại Nam Quốc Sử Diễn Ca

Bài của Dương Bá Trạc (1884 – 1944):

Nước nhà gặp cơn bĩ,

Trách nhiệm gái trai chung.

Quyết lo đền nợ nước

Há những vị thù chồng?

Tham tàn căm tướng Chệt,

Tai mắt tủi nòi Hồng.

 

Em ơi! Đứng cùng chị.

Thù riêng mà nghĩa công

Tham tàn căm tướng Chệt,

Tai mắt tủi nòi Hồng.

 

Em ơi! Đứng cùng chị.

Thù riêng mà nghĩa công.

Xin đem phận bồ liễu,

Đành liều với núi sông.

 

Một trận đuổi Tô Định.

Quân Tàu đuôi chạy cong.

Lĩnh Nam bảy mươi quận,

Mặc sức ta vẫy vùng.

 

Mê Linh xưng nghiệp đế,

Độc lập nêu cờ hồng.

Bốn năm nước tự chủ;

Nhi nữ cũng anh hùng.

 

Dương Bá Trạc

 

Bài của Đặng Văn Bá (1877 – 1842):

Cột đồng chìm chín suối,

Bia đá rọi ngàn thu.

Vì nước thương người khuất,

Xúm tay chỉ đứa thù.

Non sông tươi nét mặt,

Hào kiệt hổ chòm râu.

Ai biết, ai không biết,

Hồ Tây nước thẳm sâu.

Đoàn Văn Bá

Bài của Nguyễn Ngô Đoan (1851 – 1945):

Trăm năm trong cõi người ta,

Khí thiêng chung đúc một nhà lạ thay,

Kìa xem Sử Việt xưa nay,

Thoa quần mà cũng có ngày đế vương.

Giai nhân nan tái đắc.

Trong danh hoàn dễ được mấy Trưng Vương?

Hội phong trần sinh ở xứ Đông Dương,

Vững gan sắt lấy cương thường làm trọng.

Quốc sỉ phu thù thiên bất cộng,

Tỷ trinh muội liệt thế vô vong.

Đem phấn son thay lấy việc anh hùng,

Lưỡi kiếm chẳng dong phường cẩu tặc.

 

Đuổi Tô Định thẳng về đất Bắc,

Rửa tanh hôi mà gánh lấy non sông.

Làm gương cho khách hồng quần.

 

Nguyễn Ngô Đoan

Bài Vịnh Phục Ba của Đoàn Như Khuê (1883- 1957):

Vịnh Phục Ba

Trèo non, vượt bể biết bao công,

Một chút Hồ Tây chút vẫy vùng.

Quắc thước khoe chi mình tóc trắng,

Cân đai đọ với khách quần hồng.

Gièm chê đã chán đẩy mâm ngọc,

Khen chê đã chán mấy cột đồng.

Ai muốn chép công ta chép oán.

Công riêng ai đó, oán ta chung.

 

Đoàn Như Khuê

Bài Vịnh Trưng Vương của Thái Xuyên Hoàng Cao Khải (1850 – 1933):

Vịnh Trưng Vương

Tượng đá Trời Nam giãi tuyết sương

Ngàn năm công đức nhớ Trưng Vương

Tham tàn trách bởi quân gây biến

Oanh liệt khen cho gái dị thường

Liều với non sông hai má phấn

Giành nhau nòi giống một da vàng

Cột đồng Đông Hán tìm đâu thấy

Chỉ thấy Tây Hồ bóng nước gương.

 

Thái Xuyên Hoàng Cao Khải

Tiếp theo là Hoàng Thúc Hội (1870 -1938) với bài Đề Vịnh Trưng Vương. Bài này được giải thưởng năm 1932 và được khắc vào bia Đền Thờ Hai Bà. Khác với những bài trước, bài này ý và lời không mang tính cách hoài niệm, u buồn, thở than, ngậm ngùi, trách móc mà hào hùng hơn khi hướng về quá khứ với hai hình ảnh biểu trưng là Thánh Gióng tức Phù Đổng Thiên Vương, Bà Triệu và tích cực hơn khi hướng về tương lai, dù không trực tiếp mà chỉ là nói mé:

Đề Vịnh Trưng Vương

Ngựa Gióng đã lên không

Rừng Thanh voi chửa lồng

Nẩy chồi hoa nụ Lạc

Mở mặt nước non Hồng

Trăng rọi gương hồ Bạc

Mây tan dấu cột đồng

Nén hương lòng cố quốc

Xin nhắn một lời chung.

Hoàng Thúc Hội

 

Riêng về câu đối, trước đó, về thời Nhà Lê, dưới thời Lê Thần Tông, người ta có truyền tụng đôi câu sau đây của Giang Văn Minh làm khi đi sứ sang Nhà Thanh năm Mậu Thìn, 1628, nói về cột đồng:

Đồng trụ chí kim đài dĩ lục

(Cột đồng đến nay rêu đã xanh)

Đằng Giang tự cổ huyết do hồng

(Sông Bạch Đằng từ xưa máu còn đỏ)

được ghi trong Đại Việt Lịch Triều Đăng Khoa Lục với đề tài do phía Nhà Thanh đề ra. Sau đó, theo lời truyền, ông bị Nhà Thanh giết, tẩm xác vào thủy ngân, rồi cho đưa về nước.

Trong âm nhạc: Không kể cổ nhạc với những vở chèo, tuồng, cải lương, trong tân nhạc người ta cũng thấy có nhiều bài nói tới Hai Bà Trưng hay lấy Hai Bà Trưng làm đề tài, điển hình là bài Trưng Nữ Vương của Nhạc Sĩ Thẩm Oánh vô cùng quen thuộc với các nữ học sinh Việt Nam trong vùng Quốc Gia, thời Quốc Trưởng Bảo Đại trước năm 1954 và ở miền Nam trước năm 1975, rồi sau này ở Hải Ngoại, với lời ca vô cùng trang nghiêm, kính cẩn và mang nặng tinh thần hoài niệm như sau:

Trưng Nữ-Vương lau phấn son mưu thù nhà,
Mài gươm vang khúc toàn thắng hùng ca,
Thu về giang-san cho lừng
uy gái Nam,
Bầu
Trời Á sáng ngời ánh quang.

Nợ nước phó tay người nhi-nữ,
Tình riêng cứu nguy cho toàn-dân,
Một lòng trung-trinh son sắt bên Hát Giang sóng rền.

Trưng Nữ Vương dày đức cao ơn,
Xin ứng
linh ban phúc cho giang san hoà bình.
Trưng Nữ
Vương, nước non còn đó,
Giống Lạc
Hồng quyết kiên lòng bồi đền non sông.

Hồn quốc gia mờ phai má đào,
Nhà Việt lặng buồn, rầu
rĩ, sầu đau,
Xui lòng nhi
nữ mau phục thù,
Linh ngợp trời cờ Việt sóng xô.
Mang phấn son tô màu sơn hà,
Lòng vì nước, vì nhà.
Cho Việt Nam muôn đời hung
cường,
Nhờ ơn-đức Tr
ưng Vương.

Trưng Nữ Vương lau phấn son mưu thù nhà,
Mài gươm vang khúc toàn thắng hùng ca,
Thu về gian
g san cho lừng uy gái Nam,
Bầu
Trời Á sáng ngời ánh quang.

Nợ nước phó tay người nhi nữ,
Tình riêng cứu nguy cho toàn
dân,
Một lòng trung
trinh son sắt bên Hát Giang sóng rền.

Trưng Nữ Vương dày đức cao ơn,
Xin ứng
linh ban phúc cho giang san hoà bình.
Trưng Nữ
Vương, nước non còn đó,
Giống Lạc
Hồng quyết kiên lòng bồi đền non sông.

Hùng Lân (1922 – 1986) trong Cô Gái Việt cũng có hai câu:

Triệu Trưng xưa đẹp gương sáng muôn đờ!

Dòng máu thiêng còn đượm nồng trong trái tim.

Văn Giảng (1924 – 2013) cũng viết Đêm Mê Linh:

ĐÊM MÊ LINH

Canh dài ta ngồi trong rừng cây vang âm hồn thiên thu
Trời vắng hồn lắng tiếng sơn hà trong gió hú:

“Ai thấy chăng xưa hùng cường?
Ai thấy chăng nay xiềng cùm
Đằng đằng nặng hận th

Ai đắp non sông trường tồn?
Ai kết lên dân tài hùng
Xua tan giặc Đông Hán
Xua tan giặc xâm lấn?”

Ta cùng chung lòng mong ngày vang danh thơm dòng oai linh
Thề quyết rèn chí quét quân thù đang cướp nước
Ta cháu con dân Việt hùng
Nơi Mê Linh ta trùng phùng
Đồng lòng nguyền vẫy vùng
Ta chiến binh đang thề nguyền
Quanh ách thiên nung lòng bền
Gian nguy càng hăng chí
Xung phong chờ đến ngày

Ai vì nước?
Ai thề ước?
Ta xung phong nguyền dâng thân hiên ngang
Nguyện đấu tranh xua tan quân Đông Hán
Ai trung thành?
Ai liều mình?
Thề hy sinh, thề tung hoành hiên ngang
Thề kiên trung chiến đấu, thế chiến thắng!

Canh dài ta ngồi mơ ngày đi xông pha giành non sông
Ngời chói bừng ánh sáng tươi hồng hăng chí nóng
Quanh ánh thiêng reo bùng bùng
Ta nắm tay ca trầm hùng
Hẹn ngày rạng Lạc Hồng
Mơ xuất quân đi rập ràng
Mơ quét tan quân bạo tàn
Xua tan giặc Đông Hán
Xua tan giặc xâm lấn

và chắc chắn còn nhiều hơn nữa, đặc biệt là câu đối và văn tế. Người viết xin để quý vị độc giả tùy nghi tìm kiếm thêm cho đầy đủ hơn.

Để kết luận, ta có thể nói rằng chủ trương xâm lấn và tiêu diệt dân Việt là một chủ trương ngàn năm, cố hữu của người Tàu. Người Tàu đã có chủ trương này từ ngót hai ngàn năm trước ngay sau khi Mã Viện đánh bại Hai Bà Trưng. Sự thay đổi chính sách và cuộc cải tổ guồng máy cai trị, điển hình là chuyện họ Mã dựng cột đồng và nguyền rủa dân Giao Chỉ “Đồng trụ chiết, Giao Chỉ diệt” là những bằng chứng cụ thể không thể chối cãi được.

Một-ngàn chín-trăm bảy-mươi-sáu (1976) năm đã trôi qua. Chỉ còn hăm-bốn (24) năm nữa là đủ hai ngàn năm. Nước Việt Nam và dân tộc Việt Nam vẫn hiên ngang tồn tại và hàng năm vẫn làm lễ tưởng niệm Hai Bà Trưng ở khắp nơi ở trong nước cũng như ở Hải Ngoại trong khi cột đồng của họ Mã ngay từ sau khi xuất hiện đã bị người dân ném đá chôn vùi để rồi “chìm chín suối”, không còn “tìm đâu thấy” dấu vết, còn danh thơm của Hai Bà thì “Bia đá rọi nghìn thu” đúng như hai câu thơ của Nhà Nho Đặng Văn Bá được trích dẫn trong phần đầu của bài viết này:

Cột đồng chìm chín suối,

Bia đá rọi nghìn thu.

Khi bài này được viết thì mối đe dọa của người Tàu và hiểm họa mất nước, kể cả diệt chủng đã lại tái xuất hiện. Lần này cực kỳ nguy hiểm, tinh vi và độc địa hơn nhiều. Nó xảy ra giữa hai nước Cộng Sản anh em “môi hở răng lạnh”, “bốn tốt, mười sáu chữ vàng”. Có điều là hiểm họa không phải chỉ xảy ra ở Biển Đông mà ngay trên đất liền. Những gì xảy ra ở Biển Đông chỉ là diện, trên đất liền mới là điểm. Hiểm họa lần này đã xảy ra một cách âm thầm, nhẹ nhàng, tiệm tiến, phi võ lực và do chính những người Việt tự nhận là “đỉnh cao trí tuệ” tự tạo ra và tự chấp nhận. Nó đã và đang xảy ra trong tất cả mọi sinh hoạt từ chính trị, kinh tế đến văn hóa, xã hội… và đã được rất nhiều người thuộc đủ mọi giới trong cũng như ngoài nước lên tiếng cảnh cáo. Người viết thấy không cần viết thêm ở đây.

Phạm Cao Dương

Quận Cam, California, Kỷ Niệm Hai Bà Trưng năm thứ 1976,

Xuân Kỷ Hợi (2019).

(*) Tác giả là Giáo sư, Tiến sỹ Sử học của nhiều Trường Đại học ở miền Nam trước năm 1975 và ở Hoa Kỳ sau 1975. Hiện ông đã nghỉ hưu.

[1] Bùi quang Tung, “Cuộc Khởi Nghĩa Hai Bà Trưng Dưới Mắt Sử Gia”, trong Đại Học, Tạp chí nghiên cứu Viện Đại Học Huế, số 10, tháng 7 năm 1959, tr. 1 – 16. H. Maspéro, “L’Éxpédition de Ma Yuan”, in BEFEO, XVIII, No, 3, pp. 11 -28.

[2] Bùi Quang Tung, “Cuộc Khởi Nghĩa Hai Bà Trưng…”

[3] Theo Đông Quan Hán Ký, Mã Viện sau khi bình được xứ Giao Chỉ đã dâng sớ lên Vua Hán nói rằng “Thái Thú Tô Định mở mắt lớn khi thấy tiền, nhắm mắt lại trong việc dẹp giặc, lại sợ ra trận”., dẫn bởi Bùi Quang Tung, -nt-.

[4] Sau này thuộc phủ Vĩnh Tường, tỉnh Sơn Tây và hiện tại thuộc tỉnh Vĩnh Phú.

[5] Hậu Hán Thư, “Mã Viện Truyện”, dẫn bởi Bùi Quang Tung, -nt-.

[6] Thành này hình tròn như cái kén nên được gọi như vậy. Ngoài thành Kiển Giang, theo Đại Nam Nhất Thống chí, Mã Viện còn cho đắp thêm một thành nữa ở Vọng Hải.

[7] Báo Tiếng Dân số 656 , ngày 6.1.1934

[8] Đại Việt Sử ký Toàn Thư, Ngô Đức Thọ dịch và chú thích. Hà Nội, Nhà Xuất Bản Khoa Học Xã hội, 1993, Kỷ Trưng Nữ Vương, tr. 156-157.

[9] -như trên-, Kỷ Thuộc Đông Hán, tr. 157-158.

[10] Ngọ Phong Ngô thời Sỹ, Việt Sử Tiêu Án, Từ Hồng Bàng) đến Ngoại Thuộc Nhà Minh. Bản dịch của Hội Liên Lạc Văn Hóa Á Châu. Saigon, Văn Hóa Á Châu, 1960, tr. 40-41.

[11]như trên-, tr. 241-143.

[12]  Quốc Sử Quán Triều Nguyễn Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục, Tập Một, Tiền biên, Quyển Thứ II, tr. 116.

[13] Trần Trọng Kim, Việt Nam Sử Lược. Saigon, Tân Việt, in lần thứ bảy, 1964; Saigon, Trung Tâm Học Liệu xuất bản lần thứ nhất, 1971; Đại Nam, California, tái bản ở Hải Ngoại, không đề năm, tr. 48.

Bình Luận từ Facebook

1 BÌNH LUẬN

  1. 1. Cột đồng phân định biên giới do Mã Viện lập nên có vẻ vô lý, vì:
    * Các Hoàng Đế Trung Hoa tự coi mình là Con Trời (Thiên Tử) có quyền cai quản mọi thứ tất tần tật dưới Gầm Trời (Thiên Hạ), nên, trong não trạng của chúng sẽ không bao giờ có đường phân định biên giới mà chỉ có bọn Tứ Di (Di, Nhung, Địch, Man) là bọn chưa có điều kiện được Hán hóa mà thôi.
    * Các triều đại sau này của Trung Nguyên luôn tìm cách tìm vị trí của cột đồng để hủy bỏ nó (đặc biệt là ráo riết điên cuồng khi Minh Thành Tổ Chu Đệ/Lệ phát binh xâm lược và hủy diệt văn hóa Đại Việt).
    2. Vậy nên, có thể nghĩ rằng cột đồng (nếu có) lại do chính người Việt dựng nên để mãi không quên bờ cõi của mình rồi gán hành động và câu nói đó cho Mã Viện để hắn bị Quang Vũ khép vào tội chết đó!

Comments are closed.