Bản tin ngày 6-3-2019

Tin Biển Đông

Báo Pháp Luật TP HCM đặt câu hỏi: Trung Quốc vây đảo Thị Tứ, cấm ngư dân Philippines tiếp cận? Trang tin News.com.au bên Úc vừa dẫn tin từ hãng AFP cho biết “đảo Thị Tứ – thuộc quần đảo Trường Sa – đã bị quân Trung Quốc vây quanh, kiểm soát các bãi cát và ngăn cản ngư dân của Philippines tiếp cận ngư trường ở đây”.

Quan chức Philippines trước đó đã xác nhận “Trung Quốc điều các tàu hải quân và bảo vệ bờ biển tới bãi cát Sandy Cay nằm ngoài khơi đảo Thị Tứ trên Biển Đông từ 2017 để ngăn Philippines kiểm soát khu vực này”. Trang Benarnews.org đưa tin, hôm 4/3/2019, nhiều người Philippines đã biểu tình trước Đại sứ quán Trung Quốc.

GS Phạm Quang Tuấn ở Úc viết, “theo những gì tôi đã tìm được thì đây là 1 vụ ‘gặm nhấm’ đã có từ lâu chứ không phải là Tàu đột nhiên mới làm, và cũng không có chuyện TC đột nhiên chiếm đảo Thị Tứ. Có lẽ tin vịt này là lỗi của tờ news.com.au, một tờ báo Murdoch thích giật tít giật gân, dùng cái tựa là “China suddenly snatches tiny island” (Tàu đột nhiên cướp lấy một đảo nhỏ) – sau đó tựa này đã sửa lại“.

VOV có bài: Philippines lo ngại bị kéo vào cuộc đấu Mỹ-Trung ở Biển Đông. Ngày 5/3, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana cho rằng, Chính phủ nước này “nên xem xét lại hiệp ước đã có hàng thập kỷ với Mỹ – đồng minh lâu năm của Philippines để tránh gây ra xung đột vũ trang tiềm tàng với Trung Quốc trên Biển Đông”. Vài ngày trước, ông Mike Pompeo, Ngoại trưởng Mỹ cam kết, Mỹ sẽ bảo vệ Philippines nếu có chiến tranh ở Biển Đông.

Báo Người Việt đưa tin: Pháo đài bay B-52 bay trên các đảo đang tranh chấp trên Biển Đông. Không quân Hoa Kỳ ở Thái Bình Dương vừa có thông báo cho biết: “Hai chiếc pháo đài bay B-52H Stratofortress đã cất cánh từ căn cứ không quân Andersen trên đảo Guam và tham dự phi vụ huấn luyện thường xuyên” hôm 4/3/2019.

VOA đặt câu hỏi: Chủ tịch Trọng còn nhớ tới Hoàng Sa? Bài viết lưu ý: “Kể từ sau tuyên bố cụ thể của ông Trọng về Hoàng Sa cách đây đã năm năm, người ta không còn thấy ông được báo chí chính thống trích lời nói về vấn đề này nữa”.

Mời đọc thêm: Bộ trưởng Quốc Phòng Philippines kêu gọi sửa đổi hiệp ước với Hoa Kỳ (RFA). – Philippines sợ dính vào cuộc chiến tiềm tàng ở Biển Đông (TN). – Philippines lo bị Mỹ kéo vào cuộc chiến trên Biển Đông (MTG). – Tàu cá Trung Quốc, Philippines căng thẳng gần đảo ở biển Đông (NLĐ). – Ngư quân’ TQ vây đảo Thị Tứ ngăn ngư dân Philippines tiếp cận (VOA). – Trung Quốc đưa dân quân biển chiếm giữ bãi bồi gần đảo Thị Tứ ở Trường Sa (NV).

Vân Đồn trước ngày chính thức thành đặc khu

Nhân lúc dư luận bị sao lãng bởi nhiều sự kiện, Chính phủ CSVN đã tiến thêm bước nữa trong chuyện chính thức biến khu vực Vân Đồn thành đặc khu kinh tế. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung, xây dựng khu kinh tế Vân Đồn đến năm 2040, tầm nhìn đến 2050. VnExpress có bài: Vân Đồn sẽ thành ‘nơi đáng sống nhất’ châu Á – Thái Bình Dương.

Một trong các “mục tiêu trọng tâm” của ông Phúc khi ký duyệt quy hoạch Vân Đồn theo hướng đặc khu: “Xây dựng khu kinh tế Vân Đồn trở thành vùng động lực phát triển kinh tế của Việt Nam; nằm trong nhóm các thành phố đáng sống nhất châu Á – Thái Bình Dương”. Người dân không còn lạ gì những lời hứa của ông Phúc về chuyện biến các vùng, miền ở Việt Nam trở nên “thịnh vượng”, “đáng sống”, trong khi thực tế là các tỉnh từ Nam ra Bắc ngày càng suy kiệt, ô nhiễm.  

Theo Thủ tướng CSVN, Vân Đồn sẽ trở nên “đáng sống” vì là trung tâm công nghiệp giải trí có casino, du lịch biển cao cấp, Viet Times đưa tin. Nói cách khác, Vân Đồn không những sẽ trở thành đặc khu của Tàu, mà còn biến người Việt thành nô lệ trên chính đất nước mình. Loạt bài quảng cáo về Vân Đồn trên báo “lề đảng” đầy những lời nói dối, nhưng cảnh báo, Vân Đồn sẽ sớm trở thành đặc khu.

Hồi đầu tháng 7/2018, Zing từng có bài về hậu quả của các casino nằm dọc biên giới Việt Nam – Campuchia: Những casino trực tuyến ‘nằm vùng’. Không có gì bảo đảm casino ở Vân Đồn khác hơn chuỗi casino đang lộng hành dọc theo biên giới Tây Nam Việt Nam, gây ra rất nhiều hệ lụy, khiến bao nhiêu gia đình sạt nghiệp, chia lìa. Tuy nhiên, gần đây các báo “lề đảng” ít dám viết bài phê phán casino nữa.

Mời đọc thêm: Vân Đồn sẽ là thành phố đáng sống của khu vực châu Á – Thái Bình Dương (VOV). – Vân Đồn được xác định trở thành một vùng động lực phát triển kinh tế (DT). – Chính phủ muốn Vân Đồn thành “nơi đáng sống nhất châu Á – Thái Bình Dương” (VnEconomy). – Quy hoạch Vân Đồn thành trung tâm công nghiệp giải trí có casino (VNN). Mời đọc lại: Hệ lụy từ casino (TN).

Tin nhân quyền

Báo Pháp Luật TP HCM đưa tin, TAND huyện Tuy Phong dự kiến ngày 7/3 xét xử thêm 15 người gây rối tại Bình Thuận. Vụ tổng biểu tình phản đối dự luật đặc khu và luật an ninh mạng xảy ra gần 9 tháng trước, nhưng lãnh đạo CSVN vẫn chưa bỏ qua: Thêm 15 người bị cáo buộc “dùng gạch đá, cây gậy ném, đánh vào lực lượng chức năng”.

Trang đầu quyết định xét xử sơ thẩm 15 người bị cáo buộc gây rối ở Bình Thuận hồi tháng 6/2018, của TAND huyện Tuy Phong. Nguồn: PLTP

Mời đọc thêm: Gia đình ông Michael Nguyễn phiền muộn vì không được TT Trump can thiệp (NV). – Vì sao Văn đoàn Độc lập không kỷ niệm 5 năm?Thái Lan có điều tra thêm vụ ông Trương Duy Nhất ‘mất tích’? (BBC).

Vụ điều tra sai phạm ở Thủ Thiêm

Trong buổi họp báo chiều 5/3/2019 tại UBND TP HCM, ông Võ Văn Hoan, Chánh Văn phòng UBND TP cho biết, Trung ương đang hoàn thiện kết luận thanh tra toàn diện KĐT Thủ Thiêm, Infonet đưa tin. Ông Hoan nói thêm: “Còn những cam kết trước đó của thành phố như xin lỗi người dân hay triển khai những việc phải làm theo Thông báo 1483 về cơ bản thành phố đang thực hiện”.

Bài viết lưu ý: Trước đó, nhiều người dân đã rất bất bình sau khi Thanh tra Chính phủ công bố Thông báo kết luận số 1483/TB-TTCP về “kết quả kiểm tra một số nội dung chủ yếu liên quan đến việc khiếu nại của công dân về Khu đô thị mới Thủ Thiêm”.

VnExpress dẫn lời hứa của người phát ngôn TP HCM: ‘Giải quyết khiếu nại ở Thủ Thiêm trong năm nay’. Ông Võ Văn Hoan thừa nhận, “vấn đề Thủ Thiêm khá phức tạp nên cần thời gian để giải quyết. Tuy nhiên, thành phố sẽ cố gắng để trong năm nay giải quyết cơ bản những khiếu nại của người dân”.

Hồi cuối tháng 10/2018, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân từng hứa rằng trong tháng 11/2018 sẽ xử lý cán bộ sai phạm ở Thủ Thiêm. Bây giờ là đầu tháng 3/2019, một trong những cán bộ sai phạm ở Thủ Thiêm là ông Tất Thành Cang mới chỉ bị phạt, chứ chưa bị “xử lý”, chưa bị bắt giam hay khởi tố. Còn người cầm trịch sai phạm Thủ Thiêm là cựu Bí thư Thành ủy Lê Thanh Hải thì chưa ai dám đụng đến. Báo Người Tiêu Dùng viết bài không nể mặt ông Hải thì giờ đã bị xử lý, bị đình bản 3 tháng, bị phạt 65 triệu đồng.

Báo Tiền Phong có bài: ‘Ngư phủ’ cuối cùng ở Thủ Thiêm. Bài viết kể chuyện đời ông Lê Văn Hơn, là người vẫn còn mưu sinh bằng nghề cắm câu, giăng lưới trên sông Sài Gòn. Đời sống ngày một khó khăn vì môi trường ngày càng ô nhiễm. “Rồi miếng đất nhà ông lại nằm ngay trong vùng lõi của khu đô thị mới Thủ Thiêm, phải giải tỏa trắng để xây nhà hát”.

Ông Hơn chia sẻ: “Giờ, tui chỉ biết… chờ. Chờ có cái giá đền bù thỏa đáng để vợ chồng tui, con cái cùng mấy đứa cháu có nơi ở khá hơn, có điều kiện cho tụi nó ăn học”. Liệu lãnh đạo CSVN sẽ đền bù thỏa đáng cho hàng ngàn người như ông Hơn trong năm nay?

Mời đọc thêm: Trung ương đang hoàn thiện kết luận cuối cùng thanh tra Thủ Thiêm (VNN). – Trung ương đang hoàn thiện kết luận cuối cùng kết quả thanh tra toàn diện Thủ Thiêm (NLĐ). – Giải quyết ‘vấn đề Thủ Thiêm’: Quan điểm của UBND TP.HCM như thế nào?TP.HCM rốt ráo bổ sung nhân sự chủ chốt (TN). – TP.HCM cố gắng giải quyết cơ bản vấn đề Thủ Thiêm trong năm 2019 (TT). – Chính quyền TP.HCM giải quyết khiếu nại ở Thủ Thiêm trong năm 2019 (RFA).

“Củi” ở Vinashin, PVN và OceanBank

Diễn biến mới vụ điều tra đại án OceanBank giai đoạn II: Hoàn tất kết luận điều tra cựu Phó TGĐ PVN, Infonet đưa tin. Theo đó, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã hoàn tất kết luận điều tra vụ án “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản” đối với các bị can: Nguyễn Ngọc Sự, cựu Chủ tịch HĐTV Vinashin, Trương Văn Tuyến, cựu Tổng GĐ Vinashin, Phạm Thanh Sơn, cấp phó của ông Tuyến và Trần Đức Chính, cựu Kế toán trưởng Vinashin.

Bài viết lưu ý: Trước khi về Vinashin, ông Nguyễn Ngọc Sự từng giữ chức Phó Tổng GĐ PVN, được “phân công phụ trách theo dõi, chỉ đạo công tác tài chính, kế toán và kiểm toán của Tập đoàn”. Ông Sự từng bị triệu tập đến phiên tòa xét xử Đinh La Thăng và các cựu quan chức PVN trong vụ án PVN góp vốn 800 tỉ đồng vào OceanBank.

Sau khi hoàn tất kết luận điều tra, phía công an đề nghị truy tố dàn cựu lãnh đạo Vinashin, theo báo Pháp Luật TP HCM. Cơ quan điều tra lưu ý, trong giai đoạn Vinashin thua lỗ (2008-2010), Thủ tướng khi đó đã ban hành quyết định tái cơ cấu cả Vinashin và PVN. Nhờ đó, “Vinashin tiếp nhận 2.200 tỉ đồng từ PVN và 4.190 tỉ đồng từ Quỹ hỗ trợ sắp xếp doanh nghiệp TW để thực hiện đề án tái cơ cấu. Vinashin đã sử dụng một phần lớn số tiền này để gửi có kỳ hạn vào Ngân hàng OceanBank”.

Nhiều người đều biết các ngành ngân hàng, dầu khí, đóng tàu, chính là ba lĩnh vực kinh doanh tài chính chủ yếu tạo nên tiềm lực hùng hậu một thời của “đồng chí X”, thì nay một loạt cựu lãnh đạo OceanBank, PVN và Vinashin đều đã “hội ngộ” trong “lò” của Tổng – Chủ Nguyễn Phú Trọng.

Mời đọc thêm: Đề nghị truy tố nguyên Chủ tịch HĐTV Vinashin Nguyễn Ngọc Sự (TN). – Con đường sai phạm khiến cựu Chủ tịch Vinashin Nguyễn Ngọc Sự bị đề nghị truy tố (NĐT). – Các cựu lãnh đạo Vinashin chia chác thế nào số tiền 105 tỉ đồng? (DV). – Khoản 105 tỉ lãi ngoài của OceanBank: Lãnh đạo Vinashin chia chác thế nào? (TP). – Bốn cựu lãnh đạo Vinashin chia nhau 105 tỉ lãi ngoài của Oceanbank (Zing).  

Lâm tặc hoành hành

UBND huyện Chư Prông, Gia Lai đề nghị khởi tố vụ phá 7,3 ha rừng ở Chư Prông – Gia Lai, VOV đưa tin. UBND huyện này thừa nhận “các đơn vị chủ rừng đã buông lỏng quản lý, để xảy ra tình trạng phá rừng trên lâm phần của mình mà không phát hiện, ngăn chặn và có biện pháp xử lý kịp thời”.

VKSND tỉnh Đắk Nông vừa phê chuẩn khởi tố Trạm trưởng Trạm kiểm lâm nhận tiền của trùm gỗ lậu Phượng “râu”, theo trang Bảo Vệ Pháp Luật. Ông Nguyễn Tấn Bình, Trạm trưởng Trạm kiểm lâm số 10, Vườn Quốc gia Yók Đôn, bị cấm rời khỏi nơi cư trú để điều tra về hành vi nhận hối lộ. Ông này đã nhận 10 triệu đồng từ Phan Hữu Phượng “để đối tượng này vận chuyển gỗ lậu qua trạm kiểm lâm của mình”.

Mời đọc thêm: Làm rõ vụ hơn 7,3 ha rừng ở xã biên giới Ia Mơ bị chặt phá (Tin Tức). – Bắt một đối tượng liên quan trong vụ chặt phá hơn 7,3ha rừng (SGGP). – Bắt giữ một đối tượng trong vụ phá rừng quy mô lớn ở Gia Lai (BVPL). – Khởi tố trạm trưởng trạm kiểm lâm nhận tiền của ‘trùm’ gỗ lậu Phượng ‘râu’ (ANTT). – Vụ “trùm” gỗ lậu Phượng “râu”: Trạm trưởng kiểm lâm bị khởi tố (ĐS&PL).

Mất cắp hành lý ở sân bay quốc tế: Thể diện quốc gia

Về hành lý bị mất cắp ở sân bay Việt Nam, bài trên báo Thanh Niên đã nêu đúng bệnh trạng và giải pháp: Đồng lõa hay thiếu năng lực?Đáng nói là chuyện xấu hổ này đã tồn tại nhiều thập niên. Mỗi lần bị dư luận phản ứng dữ dội thì chìm xuống nghe ngóng vài bữa, thấy ‘êm êm’ rồi lại tiếp tục… Thay vì truyền miệng, giờ chuyện bị mất cắp tại sân bay ở VN đã lan truyền khắp trên mạng. Đây cũng không phải là việc có thể ‘đóng cửa bảo nhau’ bởi sân bay là cửa ngõ của đất nước...”

Những ai đã từng đi nước ngoài nhiều lần, có thể nhận thấy rõ ràng là hành lý ở các sân bay nước ngoài không bị băng bó, như quấn ni lông, hay băng keo quấn khắp các kiện hành lý, như mọi người thấy ở sân bay Tân Sơn Nhất hay Nội Bài. Những kiện hành lý bị băng bó ở hai sân bay này chính là thể diện quốc gia và là câu trả lời hùng hồn về thực trạng mất cắp hành lý ở đây. Những câu trả lời lấp liếm của những người có trách nhiệm sẽ không bao giờ giải quyết được vấn đề.

Những chiếc va li trên băng chuyền đến ở một sân bay quốc tế VN. Chúng được quấn chằng chịt những vòng băng bảo vệ – Ảnh: K.V/ TT

Mời đọc thêm: Chuyện vali bị hỏng ở sân bay Tân Sơn Nhất: ‘Ông cựu đại sứ còn bị, huống gì…’Sân bay Tân Sơn Nhất, những điều bạn chưa từng biết (TN).

Người dân vs BOT

RFA đưa tin: Tài xế phản đối BOT, Hà Văn Nam bị bắt. Ông Nam, tài xế ở tỉnh Thái Bình, là người đã nhiều lần phản đối các trạm BOT “móc túi” dân, vừa “bị bắt tạm giam theo thông báo của Cơ quan cảnh sát điều tra huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh”. Ông Nam bị quy chụp tội danh rất quen thuộc, tương tự như tội danh dành cho những nhà hoạt động: “Gây rối trật tự công cộng”. Theo thông báo của phía công an, ông Nam đang bị tạm giam tại Trại tạm giam Công an tỉnh Bắc Ninh.

Vợ ông Nam cho biết: “Sáng ngày 5/3/2019…. Tôi đang ở tầng 2 thì nghe ai đó nói có công an Bắc Ninh đến… Khi anh Nam gọi tôi với giọng gấp gáp, tôi chạy xuống thì thấy tay anh Nam đã bị còng cùng một lực lượng công an rất đông khoảng 15 người đọc lệnh bắt”.

Tài xế Hà Văn Nam. Ảnh trên mạng

Thông qua FB Hà Văn Nam, bà Trần Thị Nhài, vợ ông Nam viết: “Chào cả nhà, em là vợ anh Hà Văn Nam hiện nay em rất cần sự chung tay của cộng đồng. Hiện tại anh Nam đang bị công an huyện Quế Võ Bắc Ninh bắt ép vào tội danh gây rối trật tự nơi công cộng”.

Bên cạnh đó, bà Nhài chia sẻ các ảnh chụp một số giấy tờ liên quan đến vụ việc, trong đó có lệnh bắt ông Nam:

Lệnh bắt ông Nam của Công an huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh vào sáng 5/3/2019, do Thượng tá Nguyễn Kim Cương ký. Nguồn: FB Hà Văn Nam

VietNamNet có bài: Kỳ lạ cả chục người dựng lều, ăn mì ngồi đếm xe qua trạm BOT. Bất bình trước cách làm gian dối của BOT Ninh Lộc để “móc túi” dân, nhóm kiểm đếm với hơn 10 người đã “dựng cả lều bạt, ăn ngủ lại ngay trạm BOT Ninh Lộc”. Mỗi ngày, họ “chia làm 3 ca, kiểm đếm xe bằng phương pháp thủ công. Người kiểm đếm sẽ phân thành 9 loại xe khác nhau, theo từng mức giá từ 35.000 – 120.000 đồng”.

Gần đến ca làm việc cuối cùng (theo dự kiến) của nhóm kiểm đếm phương tiện lưu thông qua BOT Ninh Lộc, dữ liệu đếm xe qua trạm BOT Ninh Lộc bị mất gần hết, báo Tuổi Trẻ đưa tin. “Dữ liệu” ở đây là “một xấp khoảng 20-30 tờ giấy danh sách ghi số lượt xe qua trạm, ngoài ra không mất tài sản cá nhân gì khác”.

Đại diện nhóm kiểm đếm cho biết, ca làm việc ngày 5/3/2019 “là ca cuối cùng, mấy anh em vẫn để số liệu ở lán trại bình thường. Chúng tôi đếm xong thì bật livestream rồi định về trại lấy số liệu trước đó để cộng lại công bố cho mọi người biết luôn. Nhưng  khi về đến nơi tìm thì không ra”.  

Báo Đất Việt bàn về phương án mới của những người dân mất dữ liệu đếm xe qua BOT Ninh Lộc. Ông Hùng, trưởng nhóm đếm xe, cho biết: “Đây chỉ là một số liệu mang tính tham khảo, đếm thủ công, không phải tài liệu mật, mất cái này mình có thể đếm lại. Đâu phải chúng tôi khẳng định một ngày BOT thu phí một ngày như thế”. Họ dự định sẽ tạm nghỉ vài ngày rồi lại đếm xe, lần này có thể dùng phần mềm hỗ trợ và camera.

VOA có clip về nhóm đếm xe qua BOT: Hoạt động dân sự cần khích lệ.

Mời đọc thêm: Dữ liệu kiểm đếm xe qua lại của nhóm người tại BOT Ninh Lộc bị mất (VTC). – Số liệu đếm xe qua BOT Ninh Lộc bất ngờ bị đánh cắpĐại diện nhóm đếm xe qua BOT nói về quyền giám sát của công dân (LĐ). – Mất gần hết dữ liệu đếm xe qua trạm BOT Ninh Lộc: “Đây đâu phải tài liệu mật gì đâu?” (TQ). – Hãy bảo vệ người chống BOT bẩn (FB Bạch Cúc/TD).

Chuyện những người đeo CMND tự đếm xe ở BOT Ninh LộcMất dữ liệu tự đếm xe ở BOT Ninh Lộc, người dân nói sẽ làm lại (DV). – Trạm BOT Ninh Lộc: Người dân dự kiến lắp thêm camera để ghi hình lại (GDTĐ). – Thực thi quyền giám sát, truy tìm ‘BOT bẩn’ (Blog VOA).

Phóng viên “lề đảng” bị hành hung

Sáng 28/2/2019, PV Nguyễn Duy Trung của báo Thương Trường đến làm việc với một doanh nghiệp ở quận Nam Từ Liêm, TP Hà Nội. Sau khi rời công ty này, ông Trung đi xe máy trên đường Hồ Tùng Mậu thì bị một ô tô màu đen bám theo, áp sát làm ông ngã xuống đường, 3 người trên xe đã hành hung ông Trung. Đến ngày 4/3, Hội Nhà báo Việt Nam đề nghị điều tra vụ phóng viên bị hành hung, đe dọa, báo Thanh Niên đưa tin.

Thêm thông tin vụ PV Tạp chí Thương trường bị 3 đối tượng lạ mặt hành hung tại Hà Nội: Đối tượng liên tiếp tin nhắn doạ giết phóng viên và lãnh đạo cơ quan báo chí, theo tạp chí Thương Trường. Sau khi bị hành hung, ông Trung còn nhận được nhiều tin nhắn nặc danh, đe dọa tính mạng của ông và người nhà.

Mời đọc thêm: Đề nghị điều tra làm rõ vụ một phóng viên bị hành hung tại Hà Nội (PLVN). – PV bị đánh khi vừa rời doanh nghiệp: Hội Nhà báo đề nghị điều tra, xử lý (GT). – Hội Nhà báo Việt Nam đề nghị công an điều tra, làm rõ vụ phóng viên bị hành hung (KT&ĐT).

Giáo dục VN: Vấn nạn ấu dâm vẫn tiếp diễn

Công an huyện Việt Yên, Bắc Giang vừa hoàn tất điều tra vụ thầy giáo chủ nhiệm sàm sỡ nữ sinh cấp 1, báo Tiền Phong đưa tin. UBND huyện này cho biết đã họp với Phòng GD&ĐT, Trường Tiểu học Tiên Sơn về nhiều vấn đề. “Sáng 6/3, UBND huyện sẽ tổ chức họp báo công khai kết quả điều tra, xử lý vụ việc”.

Vụ thầy giáo bị tố dâm ô học sinh nữ ở Bắc Giang: Phụ huynh nói không kiện cáo, thầy giáo vẫn muốn gắn bó với nghề, theo báo Tổ Quốc. Trong khi một số phụ huynh tố cáo ông Dương Trọng Minh đã có hành vi “không đúng mực” với con em họ vào chiều 1/3, thì nhiều người khác lại muốn làm êm chuyện. Còn tay giáo viên ấu dâm đang cố gắng tỏ đáng thương thông qua người thân và đồng nghiệp.

Vụ thầy giáo xâm hại nữ sinh tiểu học ở Bắc Giang vừa lên báo, thì lại thêm vụ thầy giáo ở Thái Bình gửi hàng loạt tin nhắn quấy rối tình dục học sinh. VTC có clip về vụ thầy giáo Thái Bình ‘gạ tình’ học sinh: Hé lộ loạt tin nhắn sởn gai ốc.

Mời đọc thêm: Thầy giáo bị tố dâm ô học sinh: Công an vào cuộc (VOV). – Thầy giáo bị ‘tố’ dâm ô hàng loạt nữ sinh lớp 5 tại Bắc Giang tường trình gì? (PL Plus). – Thầy giáo bị tố dâm ô nhiều nữ sinh xấu hổ xin ra khỏi ngành (PLTP). – Vụ thầy giáo dâm ô nhiều nữ sinh ở Bắc Giang: Phụ huynh được đề nghị ký biên bản không kiện thầy (PNVN). – Liên tiếp nhiều vụ thầy giáo dâm ô, gạ tình học sinh khắp Việt Nam (NV).

***

Thêm một số tin: Nghi vấn vụ tàu dầu Việt Tín 01 tới Bắc Hàn dù có cấm vận (BBC). – Một cựu thiếu tá quân đội VN bị Cuba bắt, chờ trục xuất về nước (VOA/TD). – Điều gì đang xảy ra với HSG? (Thương Trường). – Không kháng cáo, 2 ‘ông trùm’ đánh bạc vẫn phải ra tòa (PLTP). – Nguyên GĐ Navibank chi nhánh Bạc Liêu lãnh án chung thân vì lừa đảo (VOV). – Thầy cúng sát hại cả nhà thầy bói đã tử vong (ANTĐ). – Bệnh nhân tử vong sau khi truyền dịch hạ sốt tại Bệnh viện Chương Mỹ (TN).

Bình Luận từ Facebook

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây