Trump – Kim: Ta không cần nhau

Nguyên Đại

2-3-2019

Cuộc hội đàm chính thức giữa TT Hoa Kỳ Donald Trump và Chủ tịch Bắc Hàn Kim Yong-un chính thức bắt đầu vào 9h sáng ngày 28/2/2019 đến 1h30 chiều thì hai bên bỏ về, bỏ luôn bữa cơm trưa đã được chuẩn bị chu đáo, không có một thỏa thuận nào được ký kết.

Những ngày trước đó, toàn bộ tai mắt của hệ thống truyền thông quốc tế đều hướng về cuộc họp lần này, được tổ chức ở Việt Nam, một quốc gia cộng sản hy vọng trở thành “trung tâm hòa giải thế giới” như hệ thống truyền thông của ĐCS VN rêu rao.

Sau hội nghị lần đầu bất thành ở Singapore, lần này mọi người mong đợi một “thiên tài đàm phán” Donald Trump biểu diễn một pha “game” ngoạn mục để biến bán đảo Triều Tiên trở thành khu vực phi hạt nhân. Và, Trump cũng kỳ vọng như vậy, nên khi vừa tới nơi, đã ca ngợi Kim như là một “lãnh tụ vĩ đại”, bất chấp sự tàn bạo của Kim ngay cả với chính người thân của hắn, và với người Mỹ, không nhắc đến những vi phạm nhân quyền nghiêm trọng trên đất nước cộng sản sắt máu nhất thế giới này.

Thông thường trước khi các cuộc họp thượng đỉnh như thế này, các nhà ngoại giao, chuyên gia đàm phán của cả hai phía đi lại như con thoi để giải quyết các bất đồng của hai phía. Đa số các tranh chấp phải được bàn thảo và giải quyết trong giai đoạn này, để khi hai nhân vật chính ngồi lại, chỉ còn khoảng một vài điều cần phải thương lượng và hầu như cả hai đều sẵn sàng tương nhượng các khoản còn lại “nhỏ nhoi” này, nếu không nói là cuộc gặp mặt chỉ là hợp thức hóa các thỏa thuận trước đó bằng văn bản dưới sự chứng kiến của truyền thông.

Trước những cuộc họp như vậy, thường truyền thông sẽ được thông báo ít nhiều về những thỏa thuận cơ sở. Lần này, mặc dù sau lần thất bại ở Singapore, phía truyền thông cũng không được cho biết về những thỏa thuận cụ thể ở hai phía. Truyền thông có thể nghĩ là hai bên đã có nhưng họ không được thông báo, chứ không nghĩ tới chuyện “không có gì”.

Thực chất là đã không có bất kỳ một thỏa thuận cụ thể nào cả giữa hai phía. Sau cuộc họp, giới truyền thông mới “ngã ngữa” vì không thể không công nhận một sự thật như vậy. TT Trump buộc phải thừa nhận rằng, Mỹ và Bắc Hàn vẫn không thỏa thuận được về “định nghĩa chính xác của việc giải trừ vũ khí hạt nhân” (“US and North Korean officials remain at odds about the precise definition of denuclearization”). Sẽ là một sự ngây thơ, hay quá tự tin, khi nghĩ rằng chỉ bằng một vài cuộc gặp mặt ngoại giao, Kim sẽ cho phá hủy hoàn toàn các kho vũ khí hạt nhân của họ, giải tán các cơ sở tinh luyện, và rút khỏi các chương trình thử nghiệm.

Như trường hợp giữa Mỹ và Liên-Xô cũ cho dầu các văn bản giải trừ chạy đua vũ trang vẫn còn hiện hữu, bất cứ ai cũng không tin rằng, họ nghiêm chỉnh thi hành những điều họ đã ký kết. Tất cả các cam kết giữa quốc tế, nhất là giữa các quốc gia đối lập, chỉ có tính cách tương đối vì nhân loại vẫn chưa có được một “Tòa Án” đủ sức cưỡng hành, và trừng phạt một cách hiệu quả các vi phạm.

Hiệp Ước bất tương xâm giữa Hitler và Stalin bị xé bỏ dễ dàng sau đó, khi Hitler bất ngờ mở mặt trận phía đông thời chiến tranh thế giới thứ hai. Nhân loại cũng không giải quyết được vấn đề Stalin, về việc tại sao Stalin lại ký kết hiệp ước đó, vào thời điểm đó. Gần hơn, đối với Việt Nam, có ai còn tin thỏa ước ngưng bắn giữa VC và VNCH trước Tết Mậu Thân 1968, hay Hiệp Định Paris năm 1973 ngăn cấm việc CS Bắc Việt xâm lược miền Nam Việt Nam.

Hy vọng nhiều thì thất vọng càng lớn hơn, khi Kim yêu cầu, rất rõ ràng rằng, phải hủy bỏ toàn bộ cấm vận đối với Bắc Hàn; họ Kim lại, rất không rõ ràng, trong việc giải trừ vũ khí hạt nhân. Kim chỉ đồng ý việc “bắt đầu tháo dỡ” (“begin dismantling”) cơ sở chế tạo vũ khí hạt nhân ở Yongbyon. Mỹ thì bảo “chưa đủ”, và dĩ nhiên không nói thêm chi tiết là “còn mấy kho khác nữa”, và Kim thì đâu có khai thêm vị trí, tầm cỡ của những kho khác. Trump cũng không thể cho Kim biết là Mỹ biết những kho khác nằm ở đâu, bởi đó là những tin tức tình báo rất khó kiểm chứng. Những kho vũ khí khác của Kim đâu có dán bảng hiệu “Quân Đội Nhân Dân”.

Họ Kim định chơi một ván tháu cáy: OK, sẽ hủy bỏ, mở cửa những kho cũ thời “Napoleon còn mặc quần đùi”, giữ lại các kho hiện đại, không mất gì nhưng được tất cả, nếu Mỹ giải trừ toàn bộ cấm vận.

Trump hy vọng với “ba tấc lưỡi” có thể làm một người vĩ đại trong lịch sử nhân loại, nếu Kim cho tháo dỡ tất cả các kho vũ khí hạt nhân.

“Đời không như là mơ” nên cả hai Trump-Kim đều phải bỏ về, làm Tổng-Chủ “trung tâm hòa giải thế giới” tiu nghỉu, và chưng hửng.

“Nếu muốn hòa bình, chuẩn bị chiến tranh” (“If you want peace, prepare for war”) là một câu ngạn ngữ Latin, được Tổng Thống Hoa Kỳ Roosevelt trong Thế Chiến Thứ Hai nhắc lại với ý: Nói nhẹ nhàng, nhưng đem theo một cây gậy lớn (“Speak softly and carry a big stick”). Với Tổng Thống Ronald Regan: Chúng ta biết nhân loại khao khát hòa bình, nhưng hòa bình không tự nhiên tồn tại, nó tùy thuộc vào sự can đảm của chúng ta để xây dựng, giữ gìn và chuyển đến các thế hệ sau (Nguyên văn: “We know that peace is the condition under which mankind was meant to flourish. Yet peace does not exist of its own will. It depends on us, on our courage to build it and guard it and pass it on to future generations”).

Kim sẽ giữ những đầu đạn hạt nhân của Bắc Hàn trong kho chừng nào mà gã còn hiểu rằng hệ thống phòng thủ và phản công của Mỹ sẽ rất hiệu quả. Và, thực ra, Kim không cần hòa giải với Mỹ, vấn đề Bắc Hàn không phải đến từ bất kỳ quốc gia nào khác, mà là đến từ chính người dân Bắc Hàn, nếu Kim bắt đầu cởi trói cho họ, và thực tâm hòa giải với người anh em phương nam của họ. Kim không cần Mỹ. Kim cần sự thay đổi của chính Kim, và đồng đảng của Kim.

Không có con đường tắt cho hòa bình. Hòa Bình là một con đường, không phải là một đích điểm. Chừng nào sức mạnh quân sự của Mỹ và Đồng Minh còn đủ sức ngăn chặn chiến tranh, chừng đó nhân loại, về cơ bản, còn đi trên con đường hòa bình. Hai ngàn năm trước, Đại Đế La Mã Hadrian nói: Hòa Bình bằng Sức Mạnh, nếu không, thì bằng sự đe dọa (“peace through strength or, failing that, peace through threat”). Lịch sử nhân loại đã minh chứng cho sự thật đó.

Bình Luận từ Facebook