Hàn Vĩnh Diệp
25-2-2019
Trên trang báo Tiếng Dân ngày 03/02/2019 có đăng bài “Tính chính danh” của TS Nguyễn Quang A. Chúng tôi rất tán đồng ý kiến của tác giả bài báo. Chúng tôi xin thêm vài suy nghĩ về chủ đề này.
Sự kiện thành lập Đảng cộng sản Việt Nam được đánh giá “… là một mốc son chói lọi đánh dấu bước ngoặt lịch sử vĩ đại của cách mạng VN; là kết quả tất yếu của sự kết hợp chủ nghĩa Mác Lê Nin với phong trào yêu nước ở nước ta trong những năm 20 của thế kỷ 20” (Lịch sử ĐCSVN). Nhưng chung quanh sự kiện được xem là vĩ đại này cũng có đôi điều chưa được rõ ràng.
1. Trước hết đó là vấn đề: Ai là người chủ trì hội nghị thành lập ĐCSVN. Lịch sử ĐCSVN ghi nhận: “Với tư cách là phái viên của Quốc tế cộng sản … Nguyễn Ái Quốc đã triệu tập hội nghị đại biểu của Đông Dương Cộng Sản đảng và An Nam Cộng Sản đảng bàn việc thống nhất thành một đảng (…). Ngày 24/02/1930, BCHTW lâm thời đã quyết định chấp nhận Đông dương cộng sản liên đoàn gia nhập Đảng cộng sản VN, Cả ba tổ chức cộng sản ở VN đã thống nhất trọn vẹn vào một tổ chức duy nhất: ĐCSVN”.
Nhưng trong bài báo “Đảng ta” của tác giả Trần Thắng Lợi – Bút danh của Hồ Chí Minh, viết năm 1949 có đoạn: “… cuối năm 1929, đồng chí Nguyễn Ái Quốc trở lại Tàu, cùng với đại biểu các nhóm Khai hội ở Hương cảng. Trong 7, 8 đại biểu, ngoài đồng chí Nguyễn Ái quốc và Tôi (…). Sau cuộc bàn bạc sôi nổi và lời giải thích rõ ràng của đồng chí Nguyễn Ái Quốc, mọi người đều tán thành thống nhất cả ba nhóm thành một Đảng” (HCM toàn tập – Tập 5 NXB chính trị quốc gia – 2000).
Như vậy, Nguyễn ái Quốc và Tôi – Hồ Chí Minh hai người chủ trì hội nghị thống nhất đảng chứ không phải chỉ có Nguyễn Ái Quốc. Vậy, Hồ Chí Minh là ai mà có vai trò chủ chốt trong hội nghị thống nhất. Nguyễn Ái Quốc và Hồ Chí Minh là một hay hai người khác nhau. Điều tồn nghi này chưa có lời giải thích chính thức rõ ràng của tổ chức Đảng, nếu không nói là né tránh, cho qua!
2. Về ngày thành lập Đảng cộng sản VN: Trong báo cáo cho Quốc tế Cộng sản, đề ngày 18/02/1930, Nguyễn Ái Quốc đã viết: “Hội nghị hợp nhất đã tiến hành khoảng thời gian từ ngày 06 tháng 01 năm 1930”. Báo cáo gởi Quốc tế cộng sản tháng 11/1930, Nguyễn Ái Quốc vẫn viết: “Thời gian bắt đầu họp hội nghị 06/01/1930”. Bài báo “Đảng ta” (1949) Hồ Chí Minh (Trần Thắng Lợi) cũng viết: “… Thế là Đảng ta chân chính thành lập – Đó là ngày 06/01/1930”.
Một số báo chính thống (như báo Nhân dân 08/01/2016; báo Bình Phước lấy nguồn từ BTGTW 01/02/2018; Bách khoa toàn thư mở Wikipedia …) đều viết: Hội nghị hợp nhất tổ chức từ ngày 06/01/1930 tại Cửu Long – Hương Cảng (TQ). Nhưng đại hội lần thứ III của đảng (tháng 9/1960) lại quyết nghị lấy ngày 03/02/1930 là ngày thành lập đảng. Sở dĩ lấy ngày 03/02/1930 vì cho rằng 06/01 là ngày âm lịch – nghĩa là Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh đã không phân biệt được âm lịch – dương lịch và căn cứ vào tài liệu lịch sử của Đảng cộng sản Liên Xô cung cấp!
Nếu có sự nhầm lẫn giữa ngày âm lịch và dương lịch thì ngày 06/01 năm Canh Ngọ phải là ngày 04/02/1930 chứ không phải là ngày 03/02/1930 (Lịch vạn niên – NXBVHTT). Vả lại Nguyễn Ái Quốc một người đã tiếp thu văn hóa phương Tây từ nhỏ, nhiều năm sinh sống, hoạt động ở Châu Âu và báo cáo gởi cấp trên (QTCS) không chỉ một lần, thì không có sự nhầm lẫn như vậy.
Còn tài liệu lịch sử do ĐCS Liên Xô cung cấp chỉ là bài viết của Hồng Thế Công (Hà Huy Tập) đăng trên tờ báo Bolsevik. Và, cũng chính Hà Huy Tập trong tác phẩm “Lịch sử phong trào cộng sản ở Đông Dương (1933) lại viết: “Hội nghị hợp nhất họp vào ngày 06/01/1930”. Báo cáo gởi Quốc tế Cộng sản của Nguyễn Ái Quốc (chắc chắn còn lưu trữ trong hồ sơ QTCS do ĐCSLX quản lý) không phải là tài liệu lịch sử chân thật có giá trị hơn một bài báo hay sao?
Bên trong sự thay đổi ngày thành lập ĐCSVN này có thể có sự ẩn ý, đòi hỏi các nhà sử học cần bạch hóa trước công luận.
3. Cùng trong năm, tháng 10/1930, Trần Phú đã triệu tập và chủ trì hội nghị BCHTW lâm thời. Hội nghị thành lập ĐCSVN đã bầu BCH gồm 7 thành viên chính thức; Ban Thường vụ 3 người; do Trịnh Đình Cửu – Tổng Bí thư; tháng 7/1930 Trần Phú được bổ sung vào BCHTW. Tháng 8/1930 Trịnh Đình Cửu rút khỏi BCHTW (lý do rút không có tài liệu nào ghi rõ). Tháng 5/1930 một ủy viên thường vụ bị bắt. Người ủy viên thường vụ còn lại phải có trách nhiệm và quyền hạn triệu tập và chủ trì hội nghị BCHTW lâm thời. Nhưng, ở đây do Trần Phú, một ủy viên BCHTW mới được bổ sung triệu tập, chủ trì. Điều này không đúng với nguyên tắc tổ chức của đảng.
Một điều trái nguyên tắc tổ chức nữa là hội nghị BCHTW lâm thời do Trần Phú chủ trì tháng 10/1930 đã phê phán “quyết liệt” hội nghị thành lập Đảng và ra quyết nghị: “Đổi tên ĐCSVN thành Đảng Cộng sản Đông Dương, ‘thủ tiêu’ toàn bộ nội dung hội nghị thành lập; thông qua luận cương chính trị mới (do Trần Phú khởi thảo) và điều lệ mới của đảng và các tổ chức quần chúng của đảng; bầu BCHTW chính thức” …
Trần Phú (Tổng bí thư – 1930 – 1931), Hà Huy Tập (Tổng bí thư 1936 – 1938. Bí thư ban chỉ huy hải ngoại) đã có những ngôn từ “cay nghiệt” và nhiều biện pháp để công kích Nguyễn Ái Quốc và nội dung hội nghị thành lập Đảng CSVN. Quốc tế Cộng sản cũng không công nhận kết quả của hội nghị. Bị vô hiệu hóa như vậy, ngày thành lập (06/01 hay 03/02) còn có ý nghĩa gì?
Những tư tưởng, quan điểm của hội nghị BCHTW tháng 10/1930 đã chỉ đạo, tổ chức hoạt động của đảng những năm sau đó, tuy từng giai đoạn cụ thể có được điều chỉnh, bổ sung cho thích hợp với tình hình mới. Hội nghị BCHTW 8 (1941) đã trở lại với tư tưởng, quan điểm của hội nghị thành lập; nhưng chưa có một đại hội nào của Đảng trong gần 90 năm qua có nghị quyết chính thức phê phán, thủ tiêu nội dung của hội nghị BCHTW 10/1930. Những sai lầm của Đảng trong thời gian qua phải chăng là di chứng của tư tưởng – quan điểm tả khuynh cực đoan, giáo điều từ nội dung của hội nghị TW 10/1930?