14-2-2019
Tiếp theo bài 1: Viết cho những ngày chờ tuyên án đối với bác sĩ Hoàng Công Lương— Bài 2: Những chứng cứ “giả mạo” buộc tội Hoàng Công Lương — Bài 3: Các hợp đồng thầu và sự cố ngày 29/5/2017 — Bài 4: Lỗi hệ thống trong sự cố ngày 29/5/2017 — Bài 5: Những ám ảnh phía sau lời luận tội — Bài 6: Hệ thống lọc RO là thiết bị y tế hay thiết bị thông thường? — Bài 7: Bộ Y tế và sự quan tâm đến nhân viên y tế nhìn từ vụ án xảy ra tại BVĐK tỉnh Hòa Bình
Hành trình những chuyến đi công tác đầu năm 2019 của luật sư bào chữa chúng tôi tiếp tục thu thập tài liệu chứng cứ để phục vụ cho việc chứng minh yêu cầu kháng cáo của bác sĩ Hoàng Công Lương. Lẽ ra việc này chúng tôi chưa công bố nhưng thể theo đề nghị và cho phép của vị bác sĩ trẻ này, chúng tôi xin đề cập để nhằm giúp bác sĩ Lương và nhóm luật sư bào chữa bày tỏ lòng biết ơn đối với một số cơ quan, tổ chức đã có quan điểm đề nghị các cơ quan tiến hành tố tụng xem xét khách quan, toàn diện về trách nhiệm pháp lý của Hoàng Công Lương trong vụ án.
Có một số quan điểm cho rằng nhóm luật sư bào chữa đã lợi dụng Hoàng Công Lương để “lôi kéo truyền thông”, “không cho thân chủ nhận tội để kéo dài vụ án nhằm đánh bóng tên tuổi”, “tạo ảo tưởng vô tội đẩy Lương vào tình trạng trầm cảm”…nhưng chúng tôi tôn trọng các quan điểm phê phán, trái chiều, thậm chí có phần “bỉ bôi” bởi lẽ để đưa ra được quan điểm khách quan, chính xác, toàn diện về bất kỳ vấn đề gì trong vụ án cần phải được nghiên cứu hồ sơ vụ án, trực tiếp chứng kiến việc tranh tụng công khai tại phiên tòa.
Không người bào chữa nào ngồi trên nỗi đau và số phận pháp lý của thân chủ để tiến thân trong nghề. Khi chứng minh bác sĩ Lương vô tội, luật sư chúng tôi phải căn cứ chủ yếu vào hồ sơ vụ án, kết quả thẩm vấn công khai tại phiên tòa, quy định của pháp luật, quy định của ngành y tế và quyết định của thân chủ để bào chữa. Vì vậy, tại bài viết này, tôi xin chia sẻ các thông tin đã được tranh tụng công khai tại phiên tòa tháng 5/2018 và tháng 01/2019 cùng một số thông tin mới thu thập để những người quan tâm về trách nhiệm pháp lý của Hoàng Công Lương có được cái nhìn khách quan, toàn diện.
Nghiên cứu toàn bộ các quy định về nghĩa vụ của người hành nghề tại Điều 36 (nghĩa vụ đối với người bệnh), Điều 37 (nghĩa vụ đối với nghề nghiệp), Điều 38 (nghĩa vụ đối với đồng nghiệp), Điều 39 (nghĩa vụ đối với xã hội) và Điều 40 (nghĩa vụ thực hiện đạo đức nghề) tại Luật KBCB 2009, cho thấy hành vi ra y lệnh và ký xác nhận y lệnh của 02 bác sĩ Linh, Huyền của Hoàng Công Lương không vi phạm bất kỳ quy định nào về nghĩa vụ của người hành nghề khám chữa bệnh.
Đặc biệt, tại Điều 73 Luật KBCB 2009 về xác định người hành nghề có sai sót hoặc không có sai sót chuyên môn kỹ thuật; trong đó có quy định 03 hành vi là sai sót chuyên môn kỹ thuật khi được hội đồng chuyên môn kết luận, bao gồm: Vi phạm trách nhiệm trong chăm sóc và điều trị người bệnh, Vi phạm các quy định chuyên môn kỹ thuật và đạo đức nghề nghiệp và Xâm phạm quyền của người bệnh và đối chiếu kết luận của Hội đồng chuyên môn Sở Y tế Hòa Bình ngày 07/6/2017 cho thấy, Hoàng Công Lương không có bất kỳ sai sót chuyên môn kỹ thuật nào dẫn đến tai biến tử vong của 08 người bệnh trong vụ án ở vào 03 trường hợp pháp luật quy định viện dẫn nêu trên.
Ở vào thời điểm chưa có kết quả giám định nhưng Hội đồng chuyên môn đã đề cập nghi ngờ đến chất lượng nguồn nước RO có bất thường. Cũng tại Biên bản họp, Hội đồng chuyên môn đã kết luận quy trình kỹ thuật thực hiện đối với các bệnh nhân trước khi xảy ra sự cố, cấp cứu điều trị lúc xảy ra sự cố và sau sự cố đều đúng quy định của ngành – điều này đồng nghĩa là làm đúng Quy chế Bệnh viện 1997. Tại phiên tòa chiều ngày 18/01/2018, các chuyên gia của Bệnh viện Bạch Mai được Tòa án mời tham gia tố tụng cũng đã xác định Hoàng Công Lương và đồng nghiệp không có sai sót, họ đã làm rất tốt để cứu người khi xảy ra sự cố.
Như vậy, việc xảy ra tai biến khiến 08 người bệnh qua đời, Hội đồng chuyên môn xác định và kết luận không phải do bác sĩ Hoàng Công Lương có sai sót về chuyên môn kỹ thuật trong khám chữa bệnh nhân nên căn cứ quy định tại điểm a khoản 2 Điều 74 Luật KBCB 2009 thì hành vi ra y lệnh hay ký xác nhận y lệnh cho người khác Hoàng Công Lương đều không sai phạm. Điều luật quy định cụ thể như sau: “Người hành nghề không có sai sót chuyên môn kỹ thuật khi được hội đồng chuyên môn quy định tại Điều 74 và Điều 75 của Luật này xác định thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Đã thực hiện đúng các quy định chuyên môn kỹ thuật trong quá trình khám bệnh, chữa bệnh nhưng vẫn xảy ra tai biến đối với người bệnh;”.
Ngoài ra, căn cứ theo quy định tại Điều 34 Luật KBCB 2009 về quyền được bảo vệ của người hành nghề khi xảy ra tai biến đối với người bệnh, hoàn toàn có thể áp dụng quy định tại điều luật này đối với Hoàng Công Lương “Được pháp luật bảo vệ và không phải chịu trách nhiệm khi thực hiện đúng quy định về chuyên môn kỹ thuật mà vẫn xảy ra tai biến”.
Vấn đề này đã được Tổng Hội Y học Việt Nam đề nghị tại công văn số 258/CV-THYHVN ngày 09/8/2018 gửi các cơ quan điều tra và truy tố v/v giải quyết trường hợp BS. Hoàng Công Lương (BL 11586).
Chúng tôi vô cùng trân trọng và đánh giá cao Tổng Hội Y học Việt Nam đã thực hiện và làm tròn chức năng, nhiệm vụ của mình trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của hội viên BS Hoàng Công Lương theo quy định của pháp luật; góp thêm tiếng nói khách quan, khoa học, có tính biện chứng cao về chuyên môn nghề nghiệp để bảo về công lý, bảo vệ quyền con người khi hội viên của mình bị vướng vòng lao lý, bị điều tra, truy tố có dấu hiệu oan. Theo đó, chúng tôi đề nghị HĐXX nghiên cứu, đánh giá và chấp nhận 05 đề nghị của Tổng Hội Y học Việt Nam tại công văn số 258 nêu trên, đặc biệt trong đó đề nghịquyền miễn trừ trách nhiệm của Hoàng Công Lương theo Điều 34 Luật KBCB 2009.
Mới đây, chúng tôi cũng được biết Tổng Hội Y học Việt Nam trước ngày khai mạc phiên tòa tháng 01/2019, tiếp tục có văn bản số 02/CV-THYHVN ngày 03/01/2019 gửi các cơ quan tiến hành tố tụng xem xét toàn diện trên cơ sở khoa học và thực tiễn để đảm bảo xét xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, đảm bảo cho các bác sĩ yên tâm và phục vụ tốt cho người bệnh. Rất tiếc văn bản này chưa được công bố và xem xét công khai tại phiên tòa tháng 01/2019.
Trong chuyến công tác đầu Xuân 2019 tại Thanh Hóa, chúng tôi may mắn được làm việc với anh Nguyễn Văn Đệ – Chủ tịch Hiệp hội Bệnh viện tư nhân Việt Nam. Đây là một người rất tâm huyết và có nhiều trăn trở về vụ án trong đó có số phận pháp lý của Hoàng Công Lương. Anh Đệ cũng cho biết Hiệp hội đã có văn bản gửi Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Hòa Bình và gửi đến các cơ quan, tổ chức khác đính kèm Nội dung văn bản diễn biến sự cố ý khoa tại Khoa HSTC- Đơn nguyên thận nhân tạo – BVĐK tỉnh Hòa Bình nhằm bày tỏ quan điểm pháp lý về những vấn đề liên quan đến vụ án qua theo dõi thông tin vụ án. Bản quan điểm được anh Phạm Văn Học, Phó Chủ tịch Hiệp hội gửi đến các cơ quan chức năng liên quan. Chúng tôi bất ngờ hơn khi được biết anh Học nguyên là một kiểm sát viên, đang là một Luật sư và cũng là Chủ tịch HĐQT của Bệnh viện đa khoa Hùng Vương (tỉnh Phú Thọ).
Sau khi được cung cấp văn bản của Hiệp hội, chúng tôi nhận thấy văn bản số 05/CV-BVTN này của Hiệp hội Bệnh viện tư nhân Việt Nam được ban hành vào ngày 26/01/2019 – đây là thời điểm HĐXX Tòa án nhân dân thành phố Hòa Bình đang nghị án. Lại thêm một tiếc nuối khi văn bản này không được đến sớm hơn và công khai xem xét trong quá trình xét xử trước khi nghị án.
Mặc dù đón nhận thông tin qua theo dõi truyền thông, có những tình tiết không còn phù hợp như việc bac sĩ Lương phụ trách đơn nguyên thận nhân tạo (đã được chứng minh không đúng sự thật mà do ghi thêm vào Sổ họp khoa), thủ tục hành chính về việc bàn giao thiết bị máy móc trước và sau khi sửa chữa hệ thống RO trên giấy tờ là không có quy trình quy định cụ thể…nhưng nhìn chung quan điểm của Hiệp hội Bệnh viện tư nhân Việt Nam dưới góc độ chuyên môn là khách quan, khoa học.
Chúng tôi rất biết ơn và cũng đánh giá rất cao Hiệp hội Bệnh viện tư nhân Việt Nam đã góp thêm tiếng nói trong việc minh bạch hóa trách nhiệm của bác sĩ Hoàng Công Lương qua bản quan điểm của Luật sư Phạm Văn Học – Phó Chủ tịch Hiệp hội.
Điều đáng mừng hơn trong bối cảnh vụ án các Bệnh viện công, Bộ chủ quản đều không có bất kỳ quan điểm nào về chuyên môn bày tỏ trước công luận và các cơ quan tiến hành tố tụng thì Tổng Hội Y học Việt Nam, Hiệp hội Bệnh viện tư nhân Việt Nam lại có những văn bản độc lập, bày tỏ chính kiến của mình nhằm giúp cho việc xét xử vụ án được khách quan, toàn diện.
Rất cảm kích về quan điểm pháp lý của Sở Y tế tỉnh Hòa Bình và đại diện Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình trong quá trình giả quyết vụ án xác định hành vi khách quan y lệnh lọc máu của Hoàng Công Lương vào sáng 29/5/2017 là đúng quy định. Tại phiên tòa tháng 5/2018 và tháng 01/2019, ông Đỗ Đình Vận – Phó Giám đốc BVĐK tỉnh Hòa Bình đều khẳng định quan điểm và góc nhìn của Bệnh viện thì bác sĩ Hoàng Công Lương không phạm tội.
Về vấn đề này, qua kết quả tranh tụng công khai tại các phiên tòa, xin được chia sẻ một số nội dung mấu chốt như sau:
* Thứ nhất: đối với hành vi ra y lệnh của Hoàng Công Lương theo Quy chế Bệnh viện 1997 là hoàn toàn đúng.
Về nguyên tắc, bác sĩ điều trị có nhiệm vụ khám bệnh và chữa bệnh, việc ban hành y lệnh là để chữa bệnh cứu người nên không thể không ra y lệnh khi đã đủ các điều kiện cần thiết theo chuyên môn, nghiệp vụ của bác sĩ điều trị ra y lệnh.
Quá trình điều tra bổ sung, CQĐT có công văn 408/CSĐT-PC45 ngày 14/6/2018 v/v phối hợp điều tra gửi Sở Y tế tỉnh Hòa Bình, trong đó có nội dung trao đổi hỏi ý kiến về việc ra y lệnh của Hoàng Công Lương cũng như việc ký bên cạnh chữ ký của 02 bác sĩ đồng nghiệp (BL 9067)
Theo đó, tại công văn số 1084/SYT-NVY ngày 18/6/2018 phúc đáp CQĐT, Sở Y tế tỉnh Hòa Bình đã khẳng định như sau:
“….- Theo nội dung quy định tại khoản 2 Điều 6 Luật KBCB số 40/2009/QH12 ngày 23/11/2009 quy định rõ: hành vi bị cấm khi khám chữa bệnh không có chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh;
– Tại Điều 13, Điều 14 Nghị định số 109/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ quy định cấp chứng chỉ hành nghề đối với người hành nghề và cấp giấy phép hoạt động đối với cơ sở khám,chữa bệnh có quy định cơ sở khám chữa bệnh phải làm thủ tục đăng ký hành nghề cho người hành nghề gửi về Sở Y tế, được Sở Y tế tiếp nhận và phê duyệt.
Đối chiếu 02 văn bản nêu trên thì bác sĩ Hoàng Công Lương đủ điều kiện hành nghề khám bệnh, chữa bệnh độc lập, bác sĩ Phạm Thị Huyền và bác sĩ Nguyễn Mạnh Linh chưa đủ điều kiện để hành nghề khám bệnh, chữa bệnh độc lập.” (BL 9069).
– Tiếp theo, tại công văn số 452/CSĐT-PC45 ngày 22/6/2018 của CQĐT gửi Sở Y tế tỉnh Hòa Bình có đặt câu hỏi trao đổi thông tin phối hợp điều tra vụ án như sau: “Để làm rõ yêu cầu điều tra bổ sung, đề nghị Sở Y tế tỉnh Hòa Bình cho biết theo quy định của Bộ Y tế hiện nay, có văn bản pháp lý nào quy định về việc bác sĩ có quyền ra y lệnh chạy thận cho bệnh nhân” (BL 9147).
Tại văn bản số 1142/SYT-NVY ngày 26/6/2018 v/v cung cấp thông tin phối hợp điều tra, Sở Y tế tỉnh Hòa Bình đã trả lời như sau:
“Tại phần II: Quy chế nhiệm vụ, quyền hạn, chức trách cá nhân ban hành kèm theo Quyết định số 1895/1997/BYT-QĐ ngày 19/9/1997 (Mục 51. Bác sĩ điều trị)
Tại phần IV: Quy chế chuyên môn trong Quy chế bệnh viện ban hành kèm theo Quyết định số 1895/1997/BYT-QĐ ngày 19/9/1997 của Bộ trưởng Bộ Y tế (Mục 3. Quy chế chẩn đoán bệnh, làm hồ sơ bệnh án và kê đơn điều trị)
Tại phần V: Quy chế công tác một số khoa trong Quy chế bệnh viện ban hành kèm theo Quyết định số 1895/1997/BYT-QĐ ngày 19/9/1997 của Bộ trưởng Bộ Y tế (Mục 24.Quy chế công tác khoa lọc máu)
Vậy bác sĩ có quyền ra y lệnh chạy thận cho bệnh nhân theo quy định trong Quy chế bệnh viện ban hành kèm theo Quyết định của Bộ trưởng Bộ Y tế số 1895/1997/BYT-QĐ, ngày 19/9/1997”(BL 9148).
– Đến ngày 26/7/2018, CQĐT lại tiếp tục có công văn số 504/CSĐT-PC45 v/v phối hợp điều tra gửi Sở Y tế tỉnh Hòa Bình. Tại câu hỏi số 6 liên quan đến nội dung ra y lệnh và ký xác nhận y lệnh của Hoàng Công Lương, CQĐT hỏi như sau:
“…sáng ngày 29/5/2017 sau khi nghe Điều dưỡng viên Đỗ Thị Điệp (là Điều dưỡng trực ngày 28/5/2017 mở cửa phòng xử lý nước để Phòng vật tư tiến hành sửa chữa và là người được Trần Văn Sơn gọi điện nói là hệ thống nước đã sửa chữa xong) thông báo là Phòng Vật tư đã sửa chữa xong hệ thống lọc nước RO số 2 thì bác sĩ Hoàng Công Lương (là bác sĩ đơn nguyên thận có thẩm quyền ra y lệnh và ký xác nhận y lệnh của các bác sĩ khác trong đơn nguyên; có GCN kỹ thuật lọc máu cơ bản; có Chứng chỉ hành nghề, biết rõ hệ thống lọc nước RO số 02 vừa sửa chữa ngày 28/5/2017) không báo cáo, trao đổi với ai về việc hệ thống lọc nước sau sửa chữa đã đảm bảo an toàn chưa, mà sau khi thăm khám đã ra Y lệnh cho tiến hành lọc máu thận nhân tạo đối với bệnh nhân. Vậy: Việc bác sĩ Hoàng Công Lương ra y lệnh điều trị và xác nhận việc khám và ra y lệnh của các bác sĩ khác trong trường hợp này có đúng quy định không? Nếu đúng hoặc không đúng thì quy định tại văn bản nào của cơ quan nhà nước?” (BL 10615).
Phúc đáp câu hỏi này của CQĐT, một lần nữa, tại công văn số 1399/SYT-NVY ngày 30/7/2018 v/v cung cấp thông tin phối hợp điều tra, Sở Y tế tỉnh Hòa Bình đã khẳng định như sau: “Việc bác sĩ Hoàng Công Lương ra y lệnh điều trị, xác nhận việc khám và ra y lệnh của các bác sĩ khác là đúng quy định (Sở y tế đã có văn bản trả lời Công an tỉnh tại công văn số 1084/SYT-NVY ngày 18/6/2018).” (BL10616).
Do vậy, đã có đủ cơ sở kết luận việc Hoàng Công Lương ra y lệnh là hoàn toàn đúng và buộc phải ra y lệnh theo đúng quy định của pháp luật vì các bệnh nhân bị suy thận mạn, đã trải qua 02 ngày dài chờ nên phải lọc máu chu kỳ để bảo đảm an toàn tính mạng.
– Thứ hai: đối với hành vi ký xác nhận y lệnh của các bác sĩ Nguyễn Mạnh Linh và Phạm Thị Huyền là đúng.
Quá trình điều tra bổ sung, CQĐT có công văn số 508/CSĐT-PC45 ngày 24/6/3028 của CQĐT, Sở Y tế tỉnh Hòa Bình trong đó có nội dung đã khẳng định tại công văn số 1084/SYT-NVY ngày 18/6/2018 như sau: “Trên thực tế việc bác sĩ Hoàng Công Lương ký bên cạnh chữ ký của bác sĩ Phạm Thị Huyền và bác sĩ Nguyễn Mạnh Linhlà để xác nhận về việc khám và ra y lệnh của 02 bác sĩ Huyền và Linh. Mặt khác, theo công văn số 4861/BHXH-CSYT ngày 06/12/2016 của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam về việc giải quyết khó khăn vướng mắc trong thanh toán chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế có hướng dẫn: “Đối với bác sĩ đang trong thời gian thực hành chưa được cấp chứng chỉ hành nghề KCB thì không được ký chỉ định điều trị và thực hiện các dịch vụ kỹ thuật. Các trường hợp này nếu bệnh viện phân công bác sĩ có chứng chỉ hành nghề kèm cặp, ký chịu trách nhiệm vào hồ sơ bệnh án và các chứng từ liên quan thì được thanh toán theo chế độ bảo hiểm y tế”. Do đó bác sĩ Hoàng Công Lương ký như vậy là đúng”. (BL 9069)
CQĐT có công văn số 504/CSĐT-PC45 ngày 26/7/2018 v/v phối hợp điều tra gửi Sở Y tế tỉnh Hòa Bình. Tại câu hỏi số 6 liên quan đến nội dung ký xác nhận y lệnh của Hoàng Công Lương, CQĐT hỏi như đã nêu ở trên về việc bác sĩ Hoàng Công Lương xác nhận việc khám và ra y lệnh của các bác sĩ khác trong trường hợp này có đúng quy định không? Nếu đúng hoặc không đúng thì quy định tại văn bản nào của cơ quan nhà nước?” (BL 10615).
Phúc đáp câu hỏi này của CQĐT, tại công văn số 1399/SYT-NVY ngày 30/7/2018 v/v cung cấp thông tin phối hợp điều tra, Sở Y tế tỉnh Hòa Bình đã khẳng định như sau: “Việc bác sĩ Hoàng Công Lương ra y lệnh điều trị, xác nhận việc khám và ra y lệnh của các bác sĩ khác là đúng quy định (Sở y tế đã có văn bản trả lời Công an tỉnh tại công văn số 1084/SYT-NVY ngày 18/6/2018)(BL 10616)
Như vậy, với hành vi khách quan mà cơ quan truy tố buộc tội Hoàng Công Lương ra y lệnh, ký xác nhận y lệnh của các bác sĩ khác để cho chạy thận đối với 18 bệnh nhân đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền trả lời trên cơ sở phân tích chuyên môn của bác sĩ điều trị, đồng thời cũng đã viện dẫn, chỉ ra các quy định tại Luật KBCB 2009, Quy chế Bệnh viện khẳng định hành vi khách quan ra y lệnh, xác nhận y lệnh của Hoàng Công Lương ngày 29/5/2017 là đúng chức trách, nhiệm vụ của bác sĩ điều trị lọc máu.
* Tuy nhiên, có một vấn đề quan trọng liên quan đến việc xác nhận y lệnh chúng tôi thấy cần thiết phải tranh luận để làm rõ thêm – đó là quan điểm truy tố cáo buộc Hoàng Công Lương ký xác nhận vào y lệnh của bác sĩ Phạm Thị Huyền và Nguyễn Mạnh Linh có hiệu lực quyết định đối với ca lọc máu cho 18 bệnh nhân nên Lương là người chịu trách nhiệm về chuyên môn trong ca điều trị cho người bệnh ngày 29/5/2017 là không đúng bởi lẽ:
– Mục đích của việc có chữ ký của Hoàng Công Lương bên cạnh chữ ký y lệnh của các bác sĩ khác: Chữ ký của Lương để phục vụ cho thanh toán BHXH theo công văn số 4861/BHXH-CSYT ngày 06/12/2016 của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam về việc giải quyết khó khăn vướng mắc trong thanh toán chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế. Điều này cũng được Sở Y tế Hòa Bình trả lời tại công văn số 1084/SYT-NVY ngày 18/6/2018 đã phân tích cụ thể lý do chữ ký của Lương.
– Đối chiếu thực tế của hoạt động lọc máu nhân tạo: cho người bệnh tại BVĐK tỉnh Hòa Bình thì không phải lúc nào cũng có Lương để ký bên cạnh chữ ký 02 bác sĩ mới lọc máu được cho người bệnh. Chứng minh: nghỉ đi hội thảo, tập huấn, thi đấu giải thể thao, luân chuyển làm việc tại đơn nguyên HSTC… thì không có mặt tại đơn nguyên thận nhân tạo để ký bên cạnh chữ ký các bác sĩ mới ra y lệnh lọc máu.
– Đối chiếu chứng cứ vật chất tại HSVA: cho thấy ngay cả khi không có chữ ký của BS Lương bên cạnh chữ ký của bác sĩ Nguyễn Mạnh Linh và bác sĩ Phạm Thị Huyền thì y lệnh vẫn được ra cho bệnh nhân lọc máu. Tại phiên tòa chúng tôi đã chứng minh các chứng cứ vật chất có trong HSVA là rất nhiều Phiếu lọc máu cấp cứu, Tờ điều trị của bệnh nhân chỉ có chữ ký của bác sĩ Linh và bác sĩ Huyền; không có chữ ký của Hoàng Công Lương nhưng bệnh nhân vẫn được lọc máu.
Đặc biệt, tại phiên tòa bác sĩ Lương và luật sư Nguyễn Văn Quynh cũng cung cấp thông tin về việc đi tập huấn dài ngày tại Phú Thọ theo phân công của Bệnh viện và xuất trình các chứng chỉ tập huấn để chứng minh khi bác sĩ Lương đi vắng thì vẫn được y lệnh lọc máu, không phải chỉ có y lệnh của bác sĩ Lương mới có hiệu lực cho lọc máu.
Một vấn đề nữa, VKS kết luận tại phiên tòa do có chữ ký quyết định của Hoàng Công Lương nên Lương là người chịu trách nhiệm về chuyên môn trong ca điều trị ngày 29/5/2017 là không đúng với quan điểm của cơ quan quản lý chuyên ngành vì tại văn bản 1084/SYT-NVY ngày 18/6/2018 của Sở Y tế Hoà Bình trả lời CQĐT đã khẳng định:
“- Tại khoản 1,2 Điều 1 Nghị định số 109/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 quy định cấp chứng chỉ hành nghề đối với người hành nghề và cấp giấy phép hoạt động đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh quy định:
1. Người hành nghề chỉ được làm người chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật của một số cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; 2. Người hành nghề chỉ được đăng ký làm người phụ trách một khoa của một cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
– Theo nội dung quy định tại Phần II Quy chế Bệnh viện ban hành kèm theo Quyết định 1895/1997/BYT-QĐ ngày 19/9/1997 đã quy định về quy chế nhiệm vụ,quyền hạn, chức trách cá nhân của bác sĩ điều trị.
Theo nội dung của 02 văn bản nêu trên không có quy định về trách nhiệm của bác sĩ được giao phụ trách chuyên môn bác sĩ điều trị.”
Điều này cũng phù hợp với ý kiến của ông Hoàng Đình Khiếu tại Biên bản ghi lời khai ngày 19/6/2018: “Tôi phân công bác sĩ Lương phụ trách chuyên môn điều trị vì tôi là Trưởng khoa, chứ chưa có văn bản pháp luật nào quy định bác sĩ phụ trách chuyên môn điều trị” (BL 9267)
Như vậy, quan điểm cho rằng BS Lương là người chịu trách nhiệm về chuyên môn ca điều trị ngày 29/5/2017 không phù hợp quy định của pháp luật và thực tế hành nghề y mà chúng tôi đã chứng minh bằng các chứng cứ vật chất vừa viện dẫn tại phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án.
Thay cho lời kết, thể theo mong muốn của bác sĩ Hoàng Công Lương, xin bày tỏ lòng tri ân sâu sắc về những quan điểm pháp lý về chuyên môn của Tổng Hội Y học Việt Nam, Hiệp hội Bệnh viện tư nhân Việt Nam, Sở Y tế tỉnh Hòa Bình, Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình đã giúp cung cấp các thông tin về chuyên môn của bác sĩ điều trị và cơ sở pháp lý để qua đó chứng minh cho việc xác định có hay không trách nhiệm hình sự đối với Hoàng Công Lương trong vụ án.
Điều này là sở cứ quan trọng để chúng tôi tiếp tục đồng hành, sử dụng, viện dẫn trong quá trình tham gia tố tụng tại Tòa án cấp phúc thẩm tới đây. Đối với luật sư chúng tôi, đây chính là những lời bào chữa hay nhất, tốt nhất cho Hoàng Công Lương mà không làm sói mòn niềm tin công lý!
Bài viết cũng nhằm giải đáp băn khoăn của một số người cho rằng sự cố y khoa làm chết nhiều người như vậy mà bác sĩ điều trị không chịu trách nhiệm gì sao! Có rất nhiều trách nhiệm: trách nhiệm lương tâm, trách nhiệm hành chính, trách nhiệm hình sự, trách nhiệm dân sự… nhưng đối với trách nhiệm hình sự thì đòi hỏi việc chứng minh tội phạm rất kỹ lưỡng, thận trọng và tuân theo pháp luật để tránh oan, sai.
(Bài 9: Bàn về hoạt động thực nghiệm điều tra trong vụ án sự cố y khoa do tồn dư hóa chất tại BVĐK tỉnh Hòa Bình;
Bài 10: Lời cảm ơn và những con số biết nói giúp bào chữa cho Hoàng Công Lương).