Câu trả lời dành cho Thủ tướng: Đánh giá báo cáo tác động môi trường: Có mà… như không

FB Mai Quốc Ấn

16-1-2019

Đây là phần 3 trong loạt bài trả lời Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc của nhà báo Mai Quốc Ấn. Mời đọc lại phần 1phần 2

Thực chất Đánh giá tác động môi trường (ĐTM) là phương án giải quyết về vấn đề môi trường của một dự án trước khi dự án này đi vào đầu tư. Đầu tiên người ta liệt kê 1 loạt các chất thải mà dự án đầu tư nếu được thực hiện sẽ thải ra môi trường bao gồm chất thải dạng rắn, lỏng, khí, âm thanh, phóng xạ nếu có… Sau đó lập phương án giải quyết từng vấn đề một.

Các ĐTM dĩ nhiên phải đưa ra các tác động đánh giá của dự án đối với phát triển kinh tế xã hội và đời sống của người dân. dự án nào cũng phát triển xã hội cả nhưng vai trò của người dân đã thực sự được tôn trọng chưa?

Xin thưa là chưa, nếu không muốn nói là không. Còn nhớ ĐTM dự án lấn sông Đồng Nai đã bị người dân xung quanh khu dự án nói rõ rằng họ không được lấy ý kiến. Những người đồng ý dự án là các cán bộ cấp tỉnh cho đến cấp tổ dân phố. Cộng đồng là đối tượng bị ảnh hưởng trực tiếp thì tại sao chính quyền, đoàn thể, mặt trận lại đồng ý thay cộng đồng? Các cư dân hạ nguồn – trung tâm kinh tế lớn nhất nước – TP.HCM, và các đại diện nhiều tỉnh trong lưu vực sông Đồng Nai cũng không biết gì về dự án này.

Vậy có nên giải tán Uỷ ban sông Đồng Nai cho đỡ tốn ngân sách?

Dự án thủy điện Đồng nai 6 và 6A triển khai trong vùng lõi rừng Nam cát Tiên đã bị phát hiện gây ảnh hưởng không chỉ tới sinh thái các cư dân bản địa mà còn ảnh hưởng tới văn hóa khiến Bộ Văn hóa, Thể thao và du lịch phải vào cuộc có ý kiến. Dự án dừng trong sự hú vía của nhân dân…

Một hiện tượng khác đáng chú ý là việc sao chép ĐTM. Sao chép đến mức trắng trợn khi những loài đặc hữu của dự án ở vùng đồng bằng cũng được chép y nguyên khi đưa lên vùng cao hoặc ngược lại. Tại Ý, đội ngũ những người làm ĐTM phải ra tòa nếu như không đánh giá đúng những tác hại mà dự án họ thực hiện, dẫn đến hậu quả nghiêm trọng.

Ở Việt Nam những kẻ sao chép ĐTM dù bị báo chí nêu cộng đồng phản ứng dữ dội thì cũng kê cao gối ngủ ngon…

ĐTM chỉ giải quyết các vấn đề môi trường trên lý thuyết. triển khai trong thực tế lại là một câu chuyện khác. Chủ đầu tư dùng ĐTM để làm thủ tục cho việc xin chủ trương để thực hiện dự án đầu tư, cho nên bao giờ cũng nói cho tốt. Còn khi dự án đã đầu tư rồi người ta có chịu thực hiện những gì đã hứa trong đó hay không. Hãy hỏi người dân quanh vùng nhiệt điện xem họ biết rõ hay không việc ống khói của nhà máy nào có chạy lọc bụi bằng tĩnh điện.

Người dân thiệt không có chuyên môn môi trường để nhìn thấy họ nước đen ngòm, màu khí hay đỏ quạch để biết nó ô nhiễm bao nhiêu. nhưng có một thực tế đau lòng là khi không ngửi được không uống được hay không thể trồng cây trên đất được, dân kêu mà không biết kêu ai.

Việc này Nhà nước đã giao cho ngành môi trường mà cao nhất là Bộ Tài nguyên và Môi trường xuống đến cấp sở, cấp phòng đảm nhiệm giám sát trong khi xây dựng dự án và sau khi đưa dự án vào hoạt động. Ở Bộ Công thương cũng có Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp. Thế nhưng rất nhiều dự án lớn vẫn gây ô nhiễm người dân vẫn kêu cứu trong tuyệt vọng mà không thấy ai xử lý.

Nếu hình sự hóa các hoạt động tội phạm thực hiện hành vi phá hoại môi trường, bắt đầu từ ĐTM, câu chuyện sẽ được ngăn từ gốc. Lại tiếp tục hình sự hóa các hành vi che giấu tội phạm môi trường thì môi trường mới khá lên hơn.

Thủ tướng nói cưa đôi Thủ tướng cũng biết nhưng liệu Thủ tướng có biết dẫu nước trong, có cá lội thì cũng chưa chắc là nước an toàn. Nếu các cán bộ từ Trung ương xuống tới cấp xã phường nào nói rằng vùng ô nhiễm đã an toàn thì Thủ tướng nên hỏi lại dân. Dân vùng ô nhiễm và dân làm khoa học không trong hệ thống nhà nước, nếu được cho nói, sẽ nói về Thủ tướng nghe sự thật thế nào.

Chứ như ông Trần Hồng Hà đi ăn cá và tắm biển một ngày để nói rằng biển sạch thì bách tính cũng làm được Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Bài đã dài nên tôi không làm phiền thời gian của Thủ tướng. Chỉ xin lưu ý rằng việc đem tro xỉ (không chỉ tro xỉ nhiệt điện) đem đi sang lấp sẽ thực sự là đại họa cho quốc gia này!

Đại họa đó đang diễn ra hàng ngày mà không có bất kỳ cá nhân tổ chức nào chịu trách nhiệm, dù chúng được hợp thức hóa bằng những văn bản dưới luật, thưa thủ tướng!

Chú thích: Tro xỉ được đem san lấp trái phép ngay giữa TP.HCM mà không có bất cứ biên bản hành chính nào được lập chứ đừng nói là khởi tố. Những sự việc như thế này là xâm hại môi trường gây ảnh hưởng an sinh xã hội, đồng thời giảm tính chính danh của luật pháp hiện hữu.

Bình Luận từ Facebook

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây