Một cộng đồng gồng mình đi ngược quy luật tự nhiên?

Đào Tiến Thi

5-1-2019

Mỗi buổi sáng đi làm hay buổi chiều trên đường về, nhìn dòng xe đủ các loại hối hả lăn bánh, tôi thường nghĩ rằng cả một xã hội hùng mạnh đang vận động không ngừng nghỉ về phía trước. Tuy nhiên dần dần tôi lại thấy “Thấy dzậy mà không phải dzậy”. Mỗi cá thể trong cộng đồng hối hả kia, hoặc nhiều hoặc ít, đều nhận ra những cái vô lý, vô nghĩa, sai trái, dối trá,… mà mình đang tham gia nhưng rồi… vẫn cứ tiếp tục tham gia. Điềm nhiên. Hối hả. Mạnh mẽ.

Nói ví dụ như vụ tai nạn khủng khiếp ở Bến Lức, Long An cách đây mấy hôm. Uống rượu bia là nghiêm cấm với tài xế, tại sao tài xế này vẫn uống? Trước đó, chiếc xe ấy chắc hẳn đã ít nhiều có vấn đề tại sao tài xế vẫn chạy? Xe còn thời hạn kiểm định mà tại sao có lỗi lớn như vậy, phải chăng do cơ quan kiểm định “thông cảm” cho qua? Và trên hết mỗi lần xảy ra tai nạn như thế, các quan chức ngành giao thông, các quan chức địa phương có trách nhiệm gì không? Có bị xử phạt không?

Hàng chục năm nay rồi, mỗi ngày trung bình khoảng gần 30 người chết vì tai nạn giao thông mà từ vua quan đến dân chúng không mấy ai động lòng (trong khi người ta lại rất “động lòng” trước một vụ khủng bố làm chết vài người ở một đất nước nào đó). Phải rồi, một dân tộc luôn say sưa hết thắng lợi này đến thắng lợi khác thì chuyện ngót 30 người chết vì tai nạn mỗi ngày trở thành “nhỏ nhặt”. Hàng triệu người nhảy nhót hò hét tự hào “Việt Nam ơi” do đá thắng một trận banh với một đội của quốc gia láng giềng mà không ai mảy may đau xót (thậm chí không biết) trình độ nước láng giềng này đã vượt xa, rất xa nước mình về mọi mặt.

Hôm qua một cô bạn đồng nghiệp của tôi nói: “Không ai dám đối mặt với sự thật”. Đúng vậy, sự thật sờ sờ trước mặt nhưng không mấy ai thừa nhận, nói gì đến dám đối mặt. Chẳng hạn ngày mai ta có một cuộc họp, cuộc họp này có “nhiều vấn đề”, ta có nên nói nói gì không nhỉ? Ở cương vị ta chả lẽ lại không phát biểu gì? Vậy nói thế nào cho an toàn? Ừ…, nói thế này… thế này… sẽ rất an toàn. Than ôi, nói sao cho “an toàn” thực chất là không nói gì cả.

Không dám đối mặt với sự thật thực ra cũng chưa là gì so với chống lại những quy luật tự nhiên. Biết thế này là đúng là hay nhưng chẳng dại gì mà nói, càng không bao giờ “đầu têu” làm để nhọc thân hoặc mang vạ. Cứ làm thế này thế này theo lãnh đạo thì đã sao đâu. Người có lương tri nhất cũng chặc lưỡi “Cái nước mình nó thế” là xong hết.

Một cảnh kẹt xe ở Sài Gòn (Ảnh: internet)

Thế giới loài người từ khi ý thức mình là “người” đã trải qua năm, sáu ngàn năm, nhưng tựu trung chỉ có 2 giai đoạn: trước thế kỷ Khai sáng (thế kỷ XVIII) là “đêm trường trung cổ” và từ thế kỷ Khai sáng trở lại đây là thời đại của trí tuệ, của văn minh soi rọi. Có dân tộc Khai sáng sớm, có dân tộc Khai sáng muộn nhưng cho đến lúc này không dân tộc nào không mở lòng đón nhận Ánh sáng.

Nhưng quái lạ thay có một dân tộc vẫn ôm khư khư những tín điều – những tín điều không ai chứng minh được – nhưng vẫn phải ôm. Cũng không biết vì sao phải như vậy. Hèn chi thế giới “vinh danh” cho dân tộc này là “một đất nước không chịu phát triển”.

Bình Luận từ Facebook

2 BÌNH LUẬN

  1. “Nhưng quái lạ thay có một dân tộc vẫn ôm khư khư những tín điều – những tín điều không ai chứng minh được – nhưng vẫn phải ôm. Cũng không biết vì sao phải như vậy. Hèn chi thế giới “vinh danh” cho dân tộc này là “một đất nước không chịu phát triển”

    Nước gì kỳ cục quá chời quá đất lun! Nghĩ mà tội nghiệp bác Tiến sĩ Đào Tiến Thi nhỉ . Chung quy cũng do sự lựa chọn, may quá nước mình đã chọn lựa chủ nghĩa Mác-Lê & tư tưởng Hồ Chí Minh, với lá cờ đỏ 1 sao cô đơn (Lonely Star State) nên càng ngày càng phát triển theo con đường khai sáng “đổi mới & hội nhập” dưới sự lãnh đạo của Đảng .

  2. Không dám đối mặt với sự thật bởi người ta không đủ khả năng để nhận ra được đâu là cội nguồn của tai nạn. Những câu hay sử dụng như :văn hóa giao thông, mất lái, chèn vạch người đi bộ…. cho thấy sự hiểu biết về giao thông vô cùng tệ hại. Ngắn gọn nhất :không chết mới là lạ….

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây