Tác giả: Brahma Chellaney
Dịch giả: Đỗ Kim Thêm
14-12-2018
Lời người dịch: Trung Quốc đã biến Biển Đông thành ao nhà khi họ tuyên bố 1.3 triệu dặm vuông ở Biển Đông là thuộc chủ quyền Trung Quốc, một yêu sách ngụy tạo. Trung Quốc đã cắm cờ, cải tạo đất, xây tiền đồn ở các đảo, các bãi cạn và sẽ còn tiếp tục bành trướng khu vực, nơi không còn là “Á Châu-Thái Bình Dương”, mà nay trở thành “Ấn Độ-Thái Bình Dương”, một chiến lược mới song hành với Sáng kiến Vành đai và Con đường.
Sự ổn định của khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương, kể cả bờ biển phía Tây châu Phi và Nam Phi sẽ do Trung Quốc khống chế. Kết quả này là do một đối sách mềm yếu của Mỹ dưới thời Obama, thiếu tinh thần đoàn kết của khối ASEAN và nô lệ tự nguyện của Việt Nam, đặc biệt nhất là Philipinnes đã không tận dụng ưu thế pháp lý của phe thắng cuộc trong tranh chấp.
Hoa kỳ không có tranh chấp lãnh thổ trong khu vực Biển Đông, nhưng phải đối phó vấn đề quyền tự do hải hành cho việc thương mại toàn cầu, một lợi ích quan trọng về chiến lược. Trong bối cảnh của cuộc chiến tranh thương mại với Trung Quốc còn đang tiếp diễn, nên giải pháp Biển Đông của chính quyền Donald Trump được giải quyết hoàn toàn độc lập hay có ảnh hưởng hổ tương, đó chỉ là một giả thiết.
Thực tế cho thấy là trong năm qua, Hoa Kỳ đã có đối đầu trực tiếp với Trung Quốc ở Biển Đông. Hoa Kỳ đã có 9 đợt tuần tra tự do hàng hải để thách thức các yêu sách chủ quyền của Trung Quốc. Tháng 9 vừa qua, tàu chiến của hai phe suýt va chạm nhau.
Rồi sẽ ra sao trong năm 2019? Một cuộc hải chiến của Hoa Kỳ với Trung Quốc có thể bùng nổ trên Biển Đông không? Mọi suy đoán đều thiếu cơ sở khi có quá nhiều yếu tố liên quan đầy bất trắc chung quanh: tranh chấp mới qua vụ Hoa Vi, triệt thoái khỏi Syria và Afghanistan, với tính khí bất thường cùa Donald Trump và chính sách bất toàn của Mỹ, khó ai lường đoán hồi kết cuộc.
Một giải pháp êm đẹp nhất là khi chiến tranh thương mại tạm ổn định và thiện chí hiếu hoà của hai bên có thể xác định, tình huống đe dọa trực tiếp về an ninh và tự do hàng hải quốc tế ít được quan tâm và cũng không buộc Mỹ phải phản ứng mạnh bằng quân sự. Do đó, hai phe có thể ngăn chặn xung đột bùng nổ trên Biển Đông. Ngược lại, chuyện không muốn sẽ đến.
Còn Việt Nam? Học viện Ngoại giao đã tổ chức Hội thảo với chủ đề “Biển Đông trong cục diện mới và đối sách của Việt Nam”. Nhưng một giải pháp thu hồi các biển đảo bị Trung Quốc chiếm là ảo ảnh. Lãnh đạo Việt Nam cho rằng, thế hệ mai sau sẽ giải quyết chuyện đã rồi của lịch sử do họ gây ra, một quyết định của Đảng mà Học viện phải tuân thủ.
***
Trong năm năm qua, Trung Quốc đã biến các yêu sách vể Biển Đông do giả tạo lịch sử của mình thành hiện thực và đạt được thành qủa về mặt chiến lược vượt xa hơn bờ biển. Các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã không để cho kết quả đó thành chuyện tình cờ.
Đã năm năm qua kể từ khi Trung Quốc khởi xướng cải tạo vùng đất chính ở Biển Đông và đã thay đổi hiện trạng lãnh thổ có lợi cho mình – mà không gặp phải bất kỳ phản ứng chống trả nào của quốc tế. Lễ kỷ niệm khởi công xây dựng hòn đảo nhấn mạnh về một nền địa chính trị bị biến đổi trong một hành lang chủ yếu của một trật tự quốc tế về hàng hải.
Vào tháng 12 năm 2013, chính phủ Trung Quốc đã đưa tàu nạo vét Thiên Kinh khổng lồ vào phục vụ tại rạn san hô Đá Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa, cách xa lục địa Trung Quốc. Trường Sa nằm ở phía nam quần đảo Hoàng Sa, nơi Trung Quốc chiếm giữ từ năm 1974, tận dụng khi lực lượng của Mỹ rời khỏi Nam Việt Nam. Năm 1988, rạn san hô là cảnh quan của một cuộc tấn công của Trung Quốc đã giết chết 72 thủy thủ người Việt Nam và đánh chìm hai tàu của họ.
Công việc của tàu nạo vét là phân mảnh các trầm tích dưới đáy biển và đưa nó vào trên một rạn san hô cho đến khi thành hình một hòn đảo nhân tạo thấp trũng. Với hệ thống hoạt động theo động lực riêng và khả năng khai thác trầm tích với tốc độ 4.530 khối mét vuông (5.924 cubic yards) mỗi giờ, Thiên Kinh tự hào đã thực hiện công việc rất nhanh, tạo ra 11 ha đất mới, bao gồm cả một bến cảng, trong thời gian chưa đầy bốn tháng. Trong khi đó, Trung Quốc có một chiến hạm tuần tra.
Kể từ đó, Trung Quốc đã xây dựng thêm sáu hòn đảo nhân tạo ở Biển Đông và liên tục mở rộng cơ sở quân sự tại khu vực có tầm vóc chiến lược quan trọng này, đường hàng hải cho một phần ba thương mại toàn cầu đi qua. Trung Quốc xây dựng các cơ sở cảng, tòa nhà quân sự, lắp đặt đài kiểm soát radar, các nơi trú ẩn cho hoả tiển, kho tiếp vận rộng lớn cho nhiên liệu, nước và đạn dược, và thậm chí cả phi đạo và nhà chứa máy bay trên các đảo nhân tạo. Để củng cố vị thế hơn nữa, Trung Quốc đã vũ trang mạnh mẽ các nơi lân cận đình chỉ khai thác tài nguyên thiên nhiên trong vùng đặc quyền kinh tế của họ.
Do đó, Trung Quốc đã biến các yêu sách về Biển Đông do giả tạo lịch sử thành hiện thực và đạt được ý nghĩa sâu xa về mặt chiến lược, bất chấp phán quyết năm 2016 của tòa trọng tài quốc tế vô hiệu hóa các yêu sách đó. Các nhà lãnh đạo Trung Quốc dường như có ý định chứng minh câu ngạn ngữ cổ rằng “sở hữu là chín phần mười của luật pháp“. Và dường như thế giới đang để yên cho họ chiếm.
Người Trung Quốc đã không để cho kết quả đó thành chuyện tình cờ. Trước khi bắt đầu xây dựng các hòn đảo của mình ở Biển Đông, họ đã dành vài tháng để thử nghiệm xem có thể có các phản ứng của Hoa Kỳ thông qua các động thái tượng trưng không. Đầu tiên, vào tháng 6 năm 2012, Trung Quốc đã chiếm giữ Bãi cạn Scarborough còn đang tranh chấp với Philippines, mà quốc tế không có một phản ứng hữu hình nào.
Gần như ngay lập tức, Tập đoàn Công nghiệp Đóng tàu Nhà nước Trung Quốc – hiện đang chế tạo hàng không mẩu hạm thứ ba của Trung Quốc – đã xuất bản trên trang mạng bản phác thảo cho các đảo nhân tạo trên đỉnh các rạn san hô, bao gồm các bản vẽ các cấu trúc của các công trình xác định chương trình xây dựng Trường Sa của Trung Quốc. Nhưng các bản phác thảo đã nhận được rất ít thông báo ghi nhận của quốc tế, và đã sớm bị xóa khỏi trang mạng, mặc dù sau đó các bản này đã lưu hành trên một số trang mạng tin tức của Trung Quốc.
Vào tháng 9 năm 2013, Trung Quốc đã tiến hành thử nghiệm tiếp theo: họ đã gửi tàu nạo vét Thiên Kinh đến rạn san hô Châu Viên, nơi họ ở lưu lại trong ba tuần mà không bắt đầu cải tạo đất. Các hình ảnh vệ tinh khả dụng trên thị trường sau đó cho thấy là một tàu nạo vét tại Đá Chữ Thập, một rạn san hô khác, làm việc lần nữa, nhưng rất ít. Một lần nữa, Hoa Kỳ, dưới thời Tổng thống Barack Obama, đã không đẩy lùi, thúc đẩy cho Trung Quốc bắt đầu dự án xây dựng đảo đầu tiên của mình tại Đá Gạc Ma.
Nói tóm lại, khi Trung Quốc tiếp tục xây dựng và quân sự hóa các đảo, họ đã thực hiện một cách hoàn chỉnh, dần dần tăng cường các hoạt động trong khi theo dõi phản ứng của Mỹ. Hai năm cuối cùng của tổng thống Obama được đánh dấu bằng việc Trung Quốc xây dựng cuồng nhiệt.
Tất cả những điều này đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh hoạt đại dương trong khu vực. Trung Quốc đã phá hủy các rạn san hô để sử dụng làm nền cho các đảo cung cấp thức ăn và nơi trú ẩn cho nhiều loài sinh vật của đại dương, cũng như cung cấp ấu trùng cho các loài thủy sản quan trọng của Châu Á. Thêm vào đó là dòng chảy tẩm hóa chất từ các đảo nhân tạo mới và các hoạt động của Trung Quốc đang tàn phá các hệ sinh thái Biển Đông.
Ash Carter, Bộ trưởng Quốc phòng cuối cùng của Obama, đã chỉ trích nhà lãnh đạo của mình về phương sách mềm yếu đối với Trung Quốc. Trong một bài tiểu luận phát hành gần đây, Carter đã viết rằng Obama đã lầm lạc bằng cách phân tích của chính mình, đã nghi ngờ khi cứu xét “những khuyến nghị của tôi và những người khác về thách thức gây hấn hơn trước các yêu sách hàng hải quá mức của Trung Quốc và các hành vi phản tác dụng khác.“ Carters nói, trong khi đó Obama mang viễn kiến của Trung Quốc trong sự sắp xếp với Mỹ theo khuôn khổ của G2.
Hiện nay, chính quyền của Tổng thống Donald Trump, đang đối phó với các hậu quả của sách lược Obama. Trump muốn thực hiện một viễn kiến về một chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương tự do và cởi mở. Nó là sự kế thừa cho chính sách chuyển trục về châu Á của Obama.
Nhưng, từ những địa thế mới được xây dựng ở Biển Đông, Trung Quốc có vị trí tốt hơn không chỉ để duy trì các cuộc tuần tra trên không và trên biển trong khu vực, mà còn thúc đẩy chiến lược dự phóng về điện qua Ấn Độ Dương và Tây Thái Bình Dương. Làm thế nào có thể có bất kỳ hy vọng nào về một Ấn Độ-Thái Bình Dương tự do và cởi mở, khi hành lang quan trọng nối liền các đại dương Ấn Độ và Thái Bình Dương đang ngày càng bị chế ngự bởi chế độ chuyên chế lớn nhất thế giới?
Lấn chiếm lãnh thổ của Trung Quốc, một chiến thắng của cường quốc thô bạo xem thường luật pháp, phơi bày tính cách tổn thương của một trật tự thế giới tự do hiện tại. Các gánh nặng về môi trường và địa chính trị có thể sẽ tăng lên, gây ra chi phí lớn lao cho các quốc gia khu vực và định hình lại các mới quan hệ hàng hải quốc tế.
***
Brahma Chellaney: Giáo sư Nghiên cứu Chiến lược, Trung tâm Nghiên cứu Chính sách và Nghiên cứu Chính sách, New Delhi, Học viện Robert Bosch, Berlin, tác giả của chín cuốn sách, kể cả Asian Juggernaut, Water: Asia’s New Battleground, and Water, Peace, and War: Confronting the Global Water Crisis.
Nguyên tác: China’s South China Sea Grab