Anh hùng và pháp luật xã nghĩa

Trung Nguyễn

16-11-2018

Con người anh hùng, xã hội văn hóa

Từ nhỏ đến lớn, tôi đã quen với việc sống chung với “anh hùng” và “văn hóa”. Đúng là như vậy! Ở Việt Nam “ra ngõ gặp anh hùng”, và đi đâu cũng thấy bảng “khu phố văn hóa”, nhà nào cũng có tấm bằng “gia đình văn hóa”. Thật “tự hào và vinh dự” khi được sống trong một đất nước “anh hùng” và “văn hóa” như vậy.

Thật vậy, từ nhỏ khi đi học ở trường, được học về các tấm gương “anh hùng” như Lê Văn Tám, Phan Đình Giót, Nguyễn Văn Trỗi,… tôi cũng rất tin và thấy đảng viên cộng sản toàn là những người hùng. Còn Bộ Chính trị, Trung ương đảng cộng sản hay các tướng lãnh cũng cỡ “Biệt đội siêu anh hùng” (trong phim Avengers) của Hollywood chứ không vừa.

Thế nhưng, các đảng viên cộng sản cao cấp và các “anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân” (LLVTND) đã và đang ra tòa khiến tôi “buồn” vì các phiên tòa cho thấy bản chất “anh hùng” của giới lãnh đạo cộng sản hiện tại.

“Anh hùng” thời sản mạt

Hãy thử nhìn xem, ông Phan Văn Vĩnh, anh hùng Lực lương Vũ trang Nhân dân, Trung tướng Tổng cục trưởng Tổng cục cảnh sát, là người từng được giới báo chí trong nước ca ngợi là khắc tinh của giới tội phạm, và Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hóa, cục trưởng cục C50, lên huyết áp, xỉu lên xỉu xuống tại phiên tòa thì thấy các tướng “anh hùng” cỡ nào khi phải trả lời về những hành vi phạm pháp của họ.

Thái độ của các tướng lĩnh, “anh hùng xã nghĩa” đó thật đối lập với hình ảnh của những tù nhân lương tâm như chị Trần Thị Nga, Hoàng Đức Bình, Nguyễn Văn Túc, Trương Minh Đức, Nguyễn Trung Tôn,… đã hiên ngang đối mặt với các hội đồng xét xử bất công.

Đó là chưa kể những quan chức dân sự cao cấp, thuộc thành phần “tinh hoa của đảng và dân tộc” như Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh. Đinh La Thăng trước tòa xin làm “ma tự do” chứ không phải “ma tù”. Còn Trịnh Xuân Thanh thì mếu máo “xin lỗi bác Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng”, rồi òa khóc nức nở.

Tôi chưa hình dung cảnh những đảng viên cộng sản kiên cường trước tòa thực dân Pháp thế nào, hiện tại tôi chỉ thấy những tù nhân lương tâm kiên cường trước tòa cộng sản để mường tượng ra.

Hèn từ trên xuống dưới

Cấp trên đã thế, cấp dưới cũng chẳng khấm khá hơn gì. Điển hình của sự hèn mạt là an ninh mặc thường phục để làm “quần chúng bức xúc” đánh đập những người bất đồng chính kiến và những người dân oan đi khiếu kiện, đến nỗi các tổ chức quốc tế thuộc Liên minh châu Âu, Hoa Kỳ, Anh, Úc,… và các quốc gia tiến bộ khác phải lên án chính quyền Việt Nam liên tục.

Một số tù nhân lương tâm đang ở trong tù còn bị tù hình sự đánh đập như TNLT Nguyễn Văn Đức Độ, Nguyễn Văn Hóa, Hoàng Bình, Trần Thị Nga… Quản giáo, công an chơi trò “mượn đao giết người”.

Sao lại thế hả các đảng viên cộng sản? Cái sự “anh hùng” và “văn hóa” của đảng cộng sản đâu rồi?

Pháp luật tùy tiện

Vụ kỷ luật giáo sư Chu Hảo nổi tiếng hiện nay, có thể thấy, chính nghĩa của giới lãnh đạo cộng sản yếu đến nỗi không dám đối thoại thẳng thắn, công khai với giáo sư Chu Hảo và giới trí thức trong nước về mặt lý luận, chỉ đàn áp bằng cách kỷ luật và bịt miệng.

Ủy ban kiểm tra trung ương của đảng cộng sản kết luận, giáo sư Chu Hảo đi trái với cương lĩnh, điều lệ, đường lối, chủ trương của đảng và nhà nước, trong khi không chỉ ra được giáo sư Chu Hảo vi phạm pháp luật ở chỗ nào.

Cương lĩnh đảng đâu có phải là hiến pháp và pháp luật. Giới lãnh đạo cộng sản có quyền bêu riếu con người trên truyền thông khi người đó không hề vi phạm pháp luật mà chỉ có quan điểm ngược với họ.

Thế cho nên tôi mới thấm thía câu “đảng ta là đạo đức, là văn minh” của vị “cha già” của đảng cộng sản là Hồ Chí Minh.

Mọi con thú đều bình đẳng? (Trại súc vật – George Orwell)

Một xã hội văn minh là một xã hội thượng tôn pháp luật, pháp luật đó phải do Quốc hội dân cử soạn thảo chứ không phải quốc hội của riêng một đảng phái nào soạn thảo. Và pháp luật đó phải áp dụng như nhau cho tất cả mọi người. Chính điều 16 Hiến pháp của Quốc hội cộng sản biên soạn cũng khẳng định:

“1. Mọi người đều bình đẳng trước pháp luật.

2. Không ai bị phân biệt đối xử trong đời sống chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội.”

Kêu gọi mọi người bình đẳng trước pháp luật mà giáo sư Chu Hảo không có cơ hội trả lời những cáo buộc của giới lãnh đạo cộng sản trên truyền thông thì đó là thứ bình đẳng gì?

Miễn truy tố một số bị cáo tội đưa hối lộ trong vụ án đánh bạc ngàn tỉ cầm đầu bởi hai tướng công an Phan Văn Vĩnh, Nguyễn Thanh Hóa, trong khi lại sẵn sàng xử tù hơn chục năm với những công dân chống ô nhiễm môi trường (Formosa), những người thực hiện các quyền tự do dân chủ hiến định của dân. Đó là thứ pháp luật gì?

Pháp luật xã nghĩa

Thì ra đó là thứ pháp luật của giai cấp thống trị để đàn áp các giai cấp khác. Đó là thứ định nghĩa về “pháp luật” của chế độ cộng sản mà ai đã từng đi học trong nước đều biết.

Chính ông Mai Tiến Dũng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, đã thẳng thừng tuyên bố trong vụ cướp đất của dân Đồng Tâm: Nếu chúng ta sai, chúng ta nhận lỗi trước dân. Nếu dân sai, thì dân phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Hay như mới đây, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND thành phố HCM, đã xin Tôi mong bà con rộng lòng tha thứ cho chính quyền TP.HCM.

Ô hay, thế là việc đi cướp đất hàng ngàn tỉ đồng, đẩy bao nhiêu người chết, tan cửa nát nhà, bây giờ chỉ cần xin lỗi là xong? Còn trách nhiệm trước pháp luật của lũ cướp thì sao?

Sao tự dưng tôi nhớ “Bác Hồ” của đảng cộng sản quá. Chẳng phải “Bác” đã rớt nước mắt khi xin lỗi vì đã giết hàng ngàn người vô tội trong Cải cách ruộng đất?

Ông Nguyễn Thành Phong chỉ cần rớt nước mắt nữa thì tôi tin rằng ông sẽ đạt giải nhất trong cuộc thi “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.

Rồi đây dân Việt sẽ bị những kẻ có “thân thế, sự nghiệp” LẠ cai trị!

Viết đến đây để thấy những thứ như “anh hùng”, “văn hóa”, “đạo đức”, “công lý”, “pháp luật” của giới lãnh đạo cộng sản giả trá như thế nào. Chúng giả trá đến độ chúng phải ra luật để ngăn cản dân biết “thân thế, sự nghiệp” của lãnh đạo đảng, nhà nước. Trong khi “thân thế, sự nghiệp” của lãnh đạo quốc gia phải là thứ toàn dân được biết ngay từ giai đoạn bầu cử để lựa chọn.

Với cái luật đó, chẳng lẽ dân Việt Nam sẽ phải chấp nhận để mình bị cai trị bởi những kẻ cai trị có xuất thân từ “nước lạ”, hoặc có bằng đại học, sau đại học ở các “trường lạ”? Giáo sư Chu Hảo có ngại phải công khai tiểu sử của mình không? Chỉ cần tìm trên internet là thấy ngay giáo sư Chu Hảo đã học ở đâu, lấy bằng cấp gì.

Ông cha ta có câu “Tốt khoe xấu che”. “Thân thế, sự nghiệp” của lãnh đạo đảng, nhà nước xấu quá nên phải che thôi.

Do đó, ở Việt Nam, làm gì có cái tội gọi là “nói xấu lãnh đạo đảng, nhà nước”. Thực sự thì lãnh đạo đảng cộng sản, nhà nước xấu thật, xấu lắm, xấu hết chỗ nói! Có phải vậy không hả các đảng viên cộng sản, các đại biểu quốc hội, các bạn dư luận viên?

Bình Luận từ Facebook

1 BÌNH LUẬN

  1. – “Do đó, ở Việt Nam, làm gì có cái tội gọi là “nói xấu lãnh đạo đảng, nhà nước”. Thực sự thì lãnh đạo đảng cộng sản, nhà nước xấu thật, xấu lắm, xấu hết chỗ nói! Có phải vậy không hả các đảng viên cộng sản, các đại biểu quốc hội, các bạn dư luận viên?”

    Tác giả hỏi như vậy, thì nhiều đảng viên Đảng Lợn CSVN cũng rất muốn hỏi lại tác giả:
    – Tại sao lũ cướp chúng tôi, hiện đang độc tài cầm quyền ở VN, với lý do gì mà lại KHÔNG kết án, trừng phạt những người vạch mặt chúng tôi là lũ ăn cướp xấu xa, lũ ăn cắp bẩn thỉu?

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây