Dân Đà Nẵng thành “con tin” được đem ra mặc cả

FB Lê Phi

8-11-2018

Mấy ngày qua TP có khoảng 1 triệu dân bên sông Hàn khát khô họng, khổ hơn dân ở sa mạc Sahara vì thiếu nước. Đến việc giải quyết vấn đề vệ sinh cá nhân tối thiểu cũng không có nước. Dân thức cả đêm chờ nước, ca thán quá trời.

Thiếu nước một cách vô lý. Thời tiết đang vào mùa mưa, mưa liên tục dù không có lũ lụt như các năm, nước trên sông Hàn đầy ặp.

– Xin hỏi lãnh đạo công ty cấp nước (DAWACO) vì sao mưa mà nước lại nhiễm mặn?

– Theo giấy phép khai thác và sử dụng nước mặt do Bộ TNMT cấp cho DAWACO vào ngày 5-7-2018 tại điều 7 thì khi độ mặn trên 1000 mg/l phải đóng cửa lấy nước và bơm nước từ đập An Trạch về hồ điều tiết (hiện nay, độ mặn tại nhà máy nước cầu Đỏ là 1509mg/l), tại sao DAWACO không bơm? Như vậy DAWACO có làm sai giấy phép của Bộ cấp?

– Vì sao thuỷ điện Dak Mi 4 đã xả nước với lưu lượng tới 12,5m3/giây rồi mà đập An Trạch lại có mực nước chết (dưới 1,4m), trong khi đó đập An Trạch là đập dâng và Dak Mi 4 chỉ cần xả 3-5m3/giây thì mực nước đã dâng lên vượt mức nước chết?

Vậy nguyên nhân thực sự của thiếu nước là gì?. Câu trả lời là người dân Đà Nẵng đang bị bắt làm con tin để DAWACO hối thúc TP Đà Nẵng sớm gật đầu cho xây dựng nhà máy nước Hòa Liên. Nhà máy nước Hòa Liên là mục đích cuối cùng và 1 triệu “con tin” Đà Nẵng đang bị đem ra giỡn mặt, để mặc cả với TP.

Đây không phải là lần đầu công ty cấp nước Đà Nẵng giở trò mèo này.

Nên nhớ rằng, các chiêu trò thiếu nước giữa mùa mưa chỉ diễn ra khi DAWACO được cổ phần hóa, nhà nước nắm giữ 60% cổ phần và công ty CP Đầu tư Đà Nẵng-Miền Trung nắm giữ 34,999% cổ phần, người lao động có cổ phần ít ỏi còn lại. Trước khi cổ phần hóa hiếm khi Đà Nẵng thiếu nước.

Trước đó, DAWACO hối thúc TP lấy lại dự án nhà máy nước Hòa Liên có nguồn vốn ODA từ tay người Nhật để giao lại cho công ty tự đầu tư với số vốn không quá 1.500 tỉ đồng, giá nước rẻ hơn và không cần vay ODA. Cũng vì lấy lại dự án này giao cho DAWACO mà lãnh đạo Đà Nẵng khó ăn khó nói và ê chề với người Nhật. Người Nhật rất giữ chữ tín và Đà Nẵng đã thất tín.

Với lại cũng nên nhớ rằng, người Nhật làm nhà máy nước có mức đầu tư cao hơn, giá nước đắt hơn nhưng cái dân Đà Nẵng nhận được là chất lượng đảm bảo, ở Nhật cứ có vòi dọc đường là vặn uống thôi, sạch hơn nước đóng chai. Và sự độc quyền của DAWACO là rất tai hại. Đó là chưa kể chất lượng nguồn nước thật tồi tệ.

Năm 2017, cũng với kịch bản thiếu nước, lãnh đạo DAWACO chỉ lấp lững nói bóng gió về nhà máy nước.

Năm 2018 thì đã khác, có lẽ không thể chờ được nữa nên lần này DAWACO vừa biến dân TP thành con tin để đề cập thẳng vào vấn đề xây nhà máy nước Hòa Liên và còn có mục đích khác.

Chiều 7-11, ông Hồ Hương, Tổng Giám đốc Dawaco, nói: “hiện chỉ đáp ứng được khoảng 220.000m3/ngày đêm. Mà nhu cầu sử dụng nước trên toàn TP là khoảng 270.000m3/ngày. Dự đoán việc tăng dân số của TP dẫn đến nhu cầu sử dụng nước lớn dần TP vẫn không thể cung ứng đủ. Để xử lý triệt để tình trạng thiếu nước trên thì trong thời tới cần đẩy nhanh xây dựng nhà máy nước Hòa Liên. Vấn đề này đã từng được đưa lên họp bàn, mổ xẻ. Và phương án tốt nhất cho Đà Nẵng là xây dựng nhà máy nước Hòa Liên để chủ động nguồn nước sạch. Thế nhưng, phương án xây dựng nhà máy nước này UBND TP Đà Nẵng cứ thay đổi liên tục đến nay vẫn chưa chốt phương án“.

Lần này thì đã rõ ràng 1 triệu “con tin” Đà Nẵng được đưa ra mặc cả vì điều gì rồi nhé?

Có lẽ đã đến lúc Đà Nẵng cần tính toán thay người đại diện vốn nhà nước tại DAWACO như đã làm với công ty môi trường đô thị? Những người đại diện vốn nhà nước đã ở DAWACO quá lâu rồi và rất dễ bị chi phối bởi vấn đề lợi ích.

P/S: đọc ở đây để hiểu vì sao thành con tin: http://plo.vn/do-thi/da-nang-thieu-nuoc-tram-trong-do-dau-801703.html

Bình Luận từ Facebook

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây