Bản tin Biển Đông ngày 10-10-2018

BTV Tiếng Dân

Việt Nam sẵn sàng tăng cường quan hệ an ninh với các nước lớn

VnExpress tổng hợp quan điểm của nhiều nhà nhân tích cho rằng, Việt Nam đang rất muốn thúc đẩy quan hệ an ninh với các cường quốc lớn.

Bài báo liệt kê một loạt sự kiện tàu chiến các nước tới thăm Việt Nam chỉ trong vòng 2 tuần giữa tháng 9. Đó là tàu khu trục Nam Hàn Munmu the Great và sau đó là HMCS Calgary neo đậu ở Đà Nẵng, tàu ngầm Nhật Bản Kuroshio ở Cam Ranh,  chiến hạm Te Mana của New Zealand và tàu khu trục Ấn Độ INS Rana cập cảng TP HCM.

Trước đó đầu tháng 9, tàu tấn công đổ bộ của Anh HMS Albion đã đến thăm TP HCM sau khi đã thực hiện hoạt động tự do hải hành ở quần đảo Hoàng Sa khiến Trung Quốc nổi giận.

Đổi lại, hải quân Việt Nam cũng có những chuyến thăm tới các nước trong khu vực châu Á. Cuối tháng trước, chiến hạm Trần Hưng Đạo đã tiến hành một chuyến hải hành dài ngày tới Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc, nơi tàu sẽ có một số hoạt động hàng hải. Tàu Cảnh sát biển CBS 8001 đã bắt đầu chuyến thăm đầu tiên tới Ấn Độ vào tuần trước, trong nỗ lực tăng cường hợp tác giải quyết các đe doạ an ninh trên biển.

Nhận định về tình hình này, TS Collin Koh Swee Lean, nghiên cứu viên Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam của Singapore, nói rằng những chuyến thăm này chắc chắn là một dấu hiệu cho thấy sự sẵn sàng ngày càng tăng của Việt Nam trong việc tăng cường mối quan hệ an ninh với các cường quốc chính, bao gồm những nước nằm trong liên minh và mạng lưới đối tác của Hoa Kỳ. “Điều quan trọng cần lưu ý là với một quân đội hướng ngoại hơn đang phát triển năng lực tiếp cận, Việt Nam muốn thúc đẩy ngoại giao quốc phòng”, ông viết.

Những chuyến thăm này, bao gồm các tàu chiến nước ngoài đến Việt Nam và các chuyến hải hành của Việt Nam đến các nước khác, đại diện cho các nỗ lực ngoại giao quốc phòng tăng cường hơn nữa trong những năm gần đây giữa Việt Nam và các nước khác, ông bình luận.

Jay Batongbacal, phó giáo sư tại Đại học Luật Philippines, cũng đồng tình với nhận định này. “Những chuyến thăm này là dấu hiệu của sự tham gia với một cộng đồng rộng lớn hơn, đa dạng hơn các quốc gia có cùng tư tưởng về các vấn đề an ninh hàng hải”, ông nói.

Các chuyến thăm cảng thường xuyên cho thấy, Việt Nam “thoải mái hơn và sẵn sàng hơn” trong việc tham gia vào các mối quan hệ thân thiện với các nước đó, và chia sẻ ở một mức độ nào đó một số điểm chung trong chính sách, an ninh và chính trị hàng hải. Việt Nam biết rằng thực tế không thể trông cậy vào nhiều trong số những quốc gia này khi khủng hoảng xảy ra, nhưng ảnh hưởng của những hoạt động này đủ để tạo được ưu thế ngắn hạn cho chính phủ khi cân nhắc lựa chọn của mình trước áp lực của Trung Quốc.

GS Thayer, chuyên gia nghiên cứu Biển Đông và an ninh khu vực, lấy Vịnh Cam Ranh làm ví dụ, cho thấy Việt Nam sẵn sàng hơn và có khả năng đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì an ninh hàng hải trong khu vực.

Ông nói: “Vịnh Cam Ranh là một bến cảng chiến lược vì vị trí của nó đối diện với Biển Đông và vì nó được tự nhiên bảo vệ khỏi thời tiết xấu. Việt Nam xây dựng cảng quốc tế Cam Ranh, một cảng thương mại, để làm cơ sở cho quá cảnh hải quân. Việt Nam mong muốn các cường quốc hải quân đi qua Biển Đông miễn là các hoạt động này đóng góp cho hoà bình và an ninh khu vực”.

Theo quan sát của các nhà phân tích, sở dĩ Việt Nam hấp dẫn đối với các tàu hải quân nước ngoài, một phần là do vai trò then chốt của nó trong việc duy trì trật tự và bảo vệ lợi ích của các bên liên quan trong khu vực.

GS Batongbacal, nói: “Sự cởi mở của Việt Nam với các mối quan hệ an ninh hàng hải đa dạng có thể đóng một vai trò rất quan trọng và chiến lược cho quốc gia này với tư cách là một quốc gia ven Biển Đông”.

Ông Batongbacal cho biết, việc tăng cường các mối quan hệ này sẽ cho phép các nước hoạt động chặt chẽ hơn và thường xuyên trên biển, dẫn đến những hợp tác trong lãnh vực trao đổi thông tin, tập trận hoặc các hoạt động chung để bảo vệ lợi ích của họ, đồng thời giúp Việt Nam bảo vệ lợi ích của mình.

GS John Blaxland của trường Đại học Quốc gia Úc, cho biết các nước tham gia, hy vọng sẽ củng cố quyết tâm của Việt Nam và tìm kiếm cơ hội thiết lập và xây dựng những mối quan hệ cho một loạt các kịch bản khủng hoảng có thể phát sinh.

Đọc thêm: Thủ tướng Việt Nam và Nhật Bản họp báo chung (Zing). – Quan hệ Việt – Nhật đi vào chiều sâu (NLĐ). – Các nước Mekong ủng hộ chiến lược Ấn Độ – Thái Bình Dương của ông Abe(Zing). – Ngoại trưởng Mỹ – Trung công khai đối đầu ở Bắc Kinh (Zing). – Trung Quốc quan ngại Hoa Kỳ tập trận khi ông Tập thăm Philippines (RFA) –“Siêu tàu” Trung Quốc vét sạch cá thế giới (NLĐ).

Bình Luận từ Facebook