Lại thêm bốn người biểu tình phản đối dự luật Đặc Khu và luật An Ninh mạng bị xử án tù

Lê Minh Ẩn

9-10-2018

Hôm qua, ngày 8/10/2018, TAND Quận 3, TPHCM lại đưa ra xét xử sơ thẩm bốn thanh thiếu niên xuống đường phản đối dự luật Đặc Khu và luật An Ninh mạng vào ngày 10/6/2018 vừa qua.

Báo Người Lao Động đưa tin, TAND Quận 3 tuyên phạt anh Nguyễn Văn Tuấn, sinh năm 1988, án 3 năm tù và bồi thường cho Công an TP HCM 9,5 triệu đồng; Trương Ngọc Hiền, sinh năm 1997, án 2 năm tù. Hai thiếu niên phạm tội khi chưa đủ 18 tuổi là Nguyễn Huỳnh Đ., sinh năm 2000 và Bùi Văn T., sinh năm 2001, nhận mức án 1 năm tù treo và 2 năm thử thách. Tất cả bốn người đều bị kết án với tội danh “Gây rối trật tự công cộng”.

Anh Nguyễn Văn Tuấn (trái) và Trương Ngọc Hiền, một trong hai bị cáo tại phiên tòa hôm 8/10/2018. Ảnh: Báo NLĐ

Báo này còn cho biết thêm: “Theo cáo trạng của VKSND quận 3, vào ngày 10-6, Nguyễn Văn Tuấn đang nằm ngủ ở công viên Hoàng Văn Thụ (quận Phú Nhuận, TP HCM) thì được một phụ nữ tên Nguyễn Thị Hồng (chưa rõ lai lịch) đưa một tờ giấy màu vàng có dòng chữ mang nội dung kích động. Bà Hồng kêu Tuấn đi tuần hành từ công viên Hoàng Văn Thụ đến khu vực Hồ Con Rùa (quận 3) và sẽ trả công 400.000 đồng nên Tuấn đồng ý.

Khi đi tuần hành theo tuyến đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa (quận 3), Tuấn dùng gậy đập làm hư hỏng 2 xe mô tô đặc chủng và xe buýt đang lưu thông. Ngoài ra, Tuấn còn có hành vi dùng điện thoại ghi hình người tuần hành rồi chia sẻ lên mạng xã hội“.

Tương tự, ba bị cáo còn lại, cáo trạng đều cho rằng họ đi tuần hành do “kẻ xấu lôi kéo, kích động”.

Xuyên suốt bài báo mà Người Lao Động đăng tải, hoàn toàn không có bất kỳ cụm từ “biểu tình” nào, thay vào đó là cụm từ “tuần hành”. Bài báo cũng không nhắc đến lý do người dân “tuần hành” trong ngày 10/6/2018 là chống dự luật Đặc Khu và luật An Ninh mạng.

Không riêng bốn thanh thiếu niên bị mang ra xử nói trên, mà đã có hàng ngàn người Sài Gòn đã xuống đường ngày hôm đó. Mời xem lại một đoạn video clip của Facebooker Binhgialang, live stream vào ngày 10/6/2018, cho thấy hàng ngàn người dân xuống đường biểu tình tại Lăng Cha Cả – công viên Hoàng Văn Thụ:

Trở lại vụ án, cáo trạng nêu tờ giấy màu vàng “có dòng chữ mang nội dung kích động”, là nội dung gì, không thấy bài báo nói tới. Hơn nữa, trong suốt 4 tháng qua, không có bất kỳ một cơ quan truyền thông nào của đảng và nhà nước đưa tin “người tuần hành” ở TPHCM có đập phá xe của CSGT cả.

Thực tế, cá nhân tôi đã có mặt trong cuộc biểu tình hôm 10/6/2018, bắt đầu từ Công Viên Hoàng Văn Thụ, vào lúc 8h sáng rồi sau đó di chuyển về hướng đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa. Có mặt trong đoàn người biểu tình đó, tôi không hề thấy có người biểu tình nào “đập phá”. Chỉ có duy nhất một lần khi xảy ra vụ bắt bớ anh Will Nguyễn, một người Mỹ gốc Việt, tham gia đoàn biểu tình, thì có xô xát giữa người biểu tình với lực lượng công an, khi người biểu tình bị công an đàn áp đẫm máu.

Cứ cho rằng bị cáo Tuấn có hành vi đập “2 xe mô tô đặc chủng và xe buýt”, vậy trong phiên toà có đưa ra bằng chứng chiếc xe bị đập phá như thế nào, hư hại ra sao, anh Tuấn dùng vật dụng gì để đập? Vật dụng đó được chuẩn bị sẵn hay bất Tuấn lượm được trên đường? Rất nhiều câu hỏi liên quan tới cái gọi là “đập phá” này mà không có lời giải đáp, thế nhưng bị cáo Tuấn bị buộc phải đền số tiền 9,5 triệu đồng.

Ngày 10/6/2018, tôi chứng kiến có đông đảo CSGT và các lực lượng CA ở các nơi khác được điều động tới, có mặt tại cuộc biểu tình này, nhưng lúc đó lực lượng này đang ở đâu, họ đã làm gì mà không ngăn cản hành vi đập phá? Hôm đó tôi thấy, có rất nhiều viên công an, an ninh, mật vụ, dùng máy quay phim, quay lại đoàn người biểu tình, tại sao trong phiên tòa không trích xuất camera quay lại hình ảnh, để chứng minh anh Tuấn đập phá?

Về vấn đề “nhận số tiền 400 ngàn đồng từ người đàn bà tên Hồng”, họ đã nhận trước hay sau biểu tình? Nếu họ nhận sau khi biểu tình xong, thì họ hẹn nhau ở đâu để nhận tiền? Nếu đã nhận rồi, thì phải trưng được vật chứng, là những tờ tiền mà bốn bị cáo nhận. Hơn nữa, vì sao bà Hồng không có mặt tại phiên tòa, không bị mang ra xử tội “kích động, lôi kéo, chống chính quyền nhân dân”, theo điều 118, Bộ luật Hình sự?

Bên cạnh đó, không chỉ phiên toà này, mà nhiều phiên toà khác, khi xét xử những người biểu tình với tội danh “gây rối trật tự công cộng”, các bị cáo không có luật sư chỉ định, hay luật sư do phía bị cáo, hoặc gia đình bị cáo yêu cầu, để bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho bị cáo. Có nghĩa là, những người nhân danh luật pháp, lại vị phạm quy định tố tụng hiện hành của thứ luật pháp mà nhà cầm quyền VN ban hành.

Qua một số tình tiết nói trên, có thể thấy, nhà cầm quyền Việt Nam đã quy chụp, không loại trừ cả việc tra tấn, bức cung những người biểu tình bị bắt giữ. Với mục đích thay đổi hoàn toàn bản chất và sự thật, xử tù người biểu tình với tội danh “gây rối trật tự công cộng”, thay vì “tội biểu tình”. Không riêng bốn công dân vô tội nói trên phải nhận án tù bởi thủ đoạn của CSVN, mà trước đó, hàng loạt phiên toà xử những người biểu tình với tội danh tương tự, đã diễn ra ở Biên Hòa (Đồng Nai) và Phan Thiết, Phan Rí (Bình Thuận)…

Nghiêm trọng hơn, nhà cầm quyền CSVN đã dùng truyền thông để hướng dư luận chú ý tới điều mà lâu nay chính quyền luôn rêu rao: “Người dân nhận tiền từ ‘người lạ’, từ các thế lực thù địch, để đi biểu tình, chống phá nhà nước”. Tuy nhiên, chưa bao giờ, chính quyền CSVN, cụ thể là công an, an ninh Việt Nam bắt tận tay được một cá nhân nào “đưa tiền cho người biểu tình”!

Tóm lại: Nhà cầm quyền CSVN dùng mọi thủ đoạn để triệt hạ bất kỳ người dân nào dám lên tiếng phản đối những điều gây bất lợi cho sự cai trị họ, áp đặt lên dân chúng. Không người dân nào bị mang ra tòa xét xử “tội biểu tình”, nhưng trên thực tế, mọi người đều biết họ bị xử về tội này.

© Copyright Tiếng Dân

Bình Luận từ Facebook

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây