Về kỷ niệm thời ông Đỗ Mười của nhà báo Trần Quang Vũ

FB Nguyễn Đình Ấm

3-10-2018

Hai ông Đỗ Mười (trái) và Võ Văn Kiệt. Ảnh: DV

Vừa rồi nhà báo, nhà kinh tế Trần Quang Vũ viết STT “Nén hương kính viếng cụ Mười” nói đến ngày 5/7/1996 thủ tướng Võ Văn Kiệt có công văn cho Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an), khởi tố vụ án làm lộ bí mật quốc gia tại TCT dầu khí VN và TCT Hàng không VN, liên quan đến tôi, sau nhờ ông Đỗ Mười can thiệp nên các nhà báo thoát nạn.

Đây là chuyện thật như đùa. Báo Tiền Phong đăng tham nhũng ở mỏ dầu Đại Hùng, báo Hà Nội Mới Chủ Nhật đăng về khuất tất, nguy hiểm trong vụ mua hai máy bay Fokker 70. Đúng bài về ngành HKVN do tôi cung cấp tài liệu và bản thảo.

Số là tôi chuyển cho ban biên tập Hà Nội Mới Chủ Nhật do Nguyễn Triều phụ trách bản thảo “Mua hai máy bay Fokker: Mất cả chì lẫn chài”, chỉ dùng 1/10 bằng chứng vì với những vụ lớn tôi thường chia nhiều bài, nhiều giai đoạn để “thử phản ứng” rồi tiếp tục theo diễn biến tình hình mà đăng tiếp, và biết rằng lãnh đạo HKVN rất mạnh, có thể sai khiến được mọi cơ quan quyền lực nhà nước, nếu viết sơ hở sẽ lập tức vào nhà đá.

Tuy nhiên đêm ấy Nguyễn Triều và các bạn HNM đã sửa chữa bản thảo của tôi theo hướng khẳng định, lên án mạnh hơn với một số sai sót, sơ hở. Đó là bài “Mất cả chì và chài đến người cũng mất nốt” (HNM Chủ Nhật ngày 24/3/1996). Rất may ngày ấy Bộ Nội vụ không khai thác vào mấy sai sót của Nguyễn Triều để gây khó dễ cho nhà báo mà “ăn tham” muốn bỏ tù họ, nên vu cho tội “làm lộ bí mất quốc gia”, nhưng khi chúng tôi chứng minh ngược được lại, thì công an cứng họng.

Sau bài này tôi đã chuẩn bị loạt bản thảo tiếp theo, nhưng Ban Tư tưởng Văn hoá Trung ương do ông Hữu Thọ làm trưởng ban, đã gửi công văn đến các báo “tạm dừng” đăng về hàng không. Tiếp đến là báo HNM bị điều tra.

Điều nực cười là đáng lẽ báo đăng vụ việc thì phải xem nó đăng đúng, sai thế nào nhưng Bộ Nội vụ lại vu cho báo chí là “làm lộ bí mật quốc gia”, điều tra thằng tố cáo. Tôi không biết ông võ Văn Kiệt có chỉ thị thế nào, ông Đỗ Mười lệnh không khởi tố ra sao, nhưng tôi có văn bản của “thầy dùi” Lê Thạc Ngoan, trung tá an ninh kinh tế A17 theo dõi ngành HKVN (ông này giàu có nhờ theo dõi HK và rất căm ghét tôi) có văn bản ngày 30/3/1996 cho Bộ Nội vụ “Yêu cầu khởi tố báo HNM vì đăng việc HKVN mua máy bay Fokker làm chuyên cơ, là lộ bí ật quốc gia. . . ” – Một lý do nực cười, hết sức ngu xuẩn nhưng Bộ Nội vụ vẫn điều tra ráo riết các phóng viên báo HNM.

Rất may, hồi đó tình cờ tôi đọc được bài báo của nước ngoài khi đi máy bay, trong đó có bài chứng minh chính ngành HKVN đã công bố những thông tin khoe khoang về mua hai máy bay này làm chuyên cơ, nhiều hơn báo HNM, và chuyển ngay cho Nguyễn Triều để đấu với điều tra viên. Tôi dặn phải dồn điều tra viên khẳng định tội duy nhất của bài báo là “làm lộ bí mật” rồi mới đưa ra.

Nguyễn Triều kể: “khi tôi đưa tài liệu ông cung cấp ra, điều tra viên điếng người” rồi ỉm. Sau đó họ triệu tập nhà báo đến chuyện trò chiếu lệ thưa dần rồi ỉm hẳn. Và nay là thông tin ông Đỗ Mười đã ngăn chặn việc điều tra, khởi tố các nhà báo. Đến nay có thể các nhà báo “thoát nạn” do cả hai yếu tố chăng? Rất có thể Bộ Nội vụ đã “tham mưu” đểu cho thủ tướng Kiệt để lấy lệnh của ông điều tra trấn áp báo chí, cứu bọn tham nhũng và tất nhiên hành vi đó của những cán bộ Bộ Nội vụ sẽ được trả công xứng đáng.

Sau khi tra khảo các nhà báo HNM là “ai cung cấp tài liệu cho báo đăng” bài báo trên, thì họ trả lời “Thấy ở hòm thư phòng thường trực, không biết của ai, kiểm tra thấy đúng thì đăng”. Theo các bạn vấn đề họ điều tra báo HNM mục đích cũng để bắt Nguyễn Đình Ấm mà thôi và tôi cũng nhận định như vậy.

Lê Thạc Ngoan biết tôi như cái “ra đa”, biết nhiều vụ tham nhũng ở ngành HK như thế nào và thời gian đó “người lạ” hay lảng vảng ở nhà tôi và cơ quan. Vì vậy khi họ tróc nã báo HNM, tôi đã chuẩn bị trước. Quả nhiên sau khi không khai thác được “ai cung cấp tài liệu” họ “buông” báo HNM rồi lập tức khởi tố, điều tra, khám xét nhà cửa của tôi (quyết định khởi tố số 97 ngày 24/9/1996) với một lý do là tôi “vu khống lãnh đạo HK” tại cái đơn tố cáo gửi các cơ quan (không gửi Bộ Nội vụ) từ năm 1995, nhưng không kiếm được bằng chứng gì để cho tôi vào nhà đá, tâng công với lãnh đạo ngành HKVN. Dư luận bên Bộ Nội vụ cho là lãnh đạo hàng không đã thuê trấn áp tôi với cái giá 30.000 USD.

Sau khi sách nhiễu, triệu tập khủng bố tôi 4 tháng không có kết quả, họ đình chỉ điều tra “vụ án”. Tuy nhiên tôi vẫn bị lãnh đạo ngành HKVN truất nghề, bắt làm tạp vụ, bán báo dạo, chỉ trả tôi 300k/tháng. Tôi đã phải tương kế, tựu kế, đi viết cho các báo ở bên ngoài, chạy xe ôm để tồn tại và trở lại nghề làm thư ký TS, phó ban biên tập tạp chí HKVN sau khi ông trùm ngành HKVN bật bãi (cuối năm1998) người khác lên thay.

_____

Nhà báo Trần Quang Vũ: Nén hương kính viếng cụ Mười

Không có sự ngay thẳng, bộc trực trên nguyên tắc Đảng của cụ Mười thì tôi và vài nhà báo nữa tù dài và tù oan. Chuyện như sau.

Ngày 1.7.1996, Đại hội Đảng VIII kết thúc. Bốn ngày sau, 5.7, ông Võ Văn Kiệt, nhân danh Thủ tướng CP gửi công văn cho Bộ trưởng Nội vụ (bây giờ là BCA) yêu cầu khởi tố vụ án làm lộ bí mật quốc gia tại Tổng công ty Dầu khí VN và Tổng công ty Hàng không VN. Bộ trưởng Nội vụ khi đó là ông Bùi Thiện Ngộ chấp hành tắp lự.

Trong lịch sử tố tụng VN, hiếm hoặc chỉ duy nhất vụ này Thủ tướng yêu cầu khởi tố vụ án. Sao lại có việc kỳ lạ vậy?

Số là, đầu 1996, công tác nhân sự cho ĐH đang gấp rút thì ba tờ báo: Hà Nội Mới phanh phui vụ mua máy bay Focker có nhiều khuất tất, điển hình là bài: “Bay lên nào, em bay lên nào” của nhà báo Nguyễn Triều (với sụ hỗ trợ của Nhà báo Nguyễn Đình Ấm – riêng chi tiết này, đề nghị nhà báo Nguyễn Đình Ấm làm rõ); hai tờ báo khác là Tiền Phong với bài: “Mớ bùng nhùng xung quanh mỏ dầu Đại Hùng”, của tác giả là nhà báo Xuân Ba và báo Kinh doanh và Pháp luật (tờ báo của Hội Luật gia VN) với bài: “Ai tiếp tay cho BHPP hòng ăn không mỏ dầu Đại Hùng” do tôi, nhà báo Trần Quang Vũ viết nhưng ghi là “nhóm PV điều tra”.

Hai bài báo liên quan đến mỏ dầu Đại Hùng phanh phui một loạt quan chức cao cấp (có tên tuổi cụ thể, nhưng nay người thì mất, người còn tuổi cũng quá cao nên tha điểm mặt) từ Tổng Cty Dầu khí đến VPCP và các Bộ quan trọng đã đồng ký trái luật vào một văn bản “biếu” gần hết quyền lợi của Việt Nam cho nước ngoài (từ chỗ VN 53% xuống 20% còn BHPP từ 47% lên 80% doanh thu từ mỏ dầu Đại Hùng).

Mặc dù Luật Dầu khí VN quy định, hợp đồng phân chia sản phẩm là bất di, bất dịch, nhưng nhóm quan chức cao cấp đều hàng BT, UVTWĐ đã mưu mô xảo quyệt, cấu kết với nhau và cấu kết với nước ngoài, thông qua việc điều động thiết bị, thủ đoạn kỹ thuật, biến các giếng khoan “dầu tươi tràn lên máng dung dịch” thành “mỏ dầu không có trữ lượng công nghiệp”.

Hai bài báo đã phanh phui thủ đoạn kỹ thuật và hành chính cùng các tài liệu kèm theo đã chuyển đến Chủ tịch nước Lê Đức Anh. Ông đã có văn bản cho BHPP rút khỏi liên doanh, căn cứ Luật Dầu khí, Hợp đồng phân chia sản phẩm không thay đổi.

BHPP vẫn bám hợp đồng, vẫn bám mỏ và các bên liên doanh đã phân chia không dưới 7 tỷ USD từ mỏ dầu này.

Quay lại chuyện các nhà báo, ANĐT quần thảo các nhà báo nhiều tháng. Viện Kiểm sát NDTC được Phó Viện trưởng Phạm Sỹ Chiến (sau đi tù vụ Năm Cam) ký văn bản, buộc các nhà báo phải từ bỏ điều luật miễn trừ. Ranh giới khởi tố bị can và bắt giam các nhà báo rõ dần và TBT Đỗ Mười cũng đã đủ cơ sở, ông đưa ra ba kết luận:

1. Tất cả những người có tên trong các bài báo tương đối rõ bị nước ngoài khống chế, muốn Trung ương không bị khống chế thì phải loại ra khỏi nhân sự vào Ban Chấp hành. Ông làm trưởng tiểu ban nhân sự, miệng nói, tay làm. Tất cả những nhân vật đó đều loại khỏi danh sách (ông Võ Văn Kiệt quyết liệt khởi tố, có thể vì điều này).

2. Bộ Nội vụ không được khởi tố, truy tố, bắt giam các nhà báo vì họ đã không những làm đúng pháp luật mà còn có công lớn giúp Đảng nhận ra cán bộ, đất nước giữ được tài sản.

3. Giao anh Hữu Thọ (Trưởng Ban Tuyên giáo) triệu tập các Tổng Biên tập, các nhà báo viết về vụ này, trong cuộc gặp đ/c Lê Khả Phiêu thường trực BCT động viên báo chí chống tiêu cực và nhắn với báo chí là Đảng luôn đứng bên cạnh các đồng chí ấy.

Xin coi đây là nén hương thơm thắp viếng người.

Bình Luận từ Facebook

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây