BTV Tiếng Dân
Hợp tác quân sự
VTC News dẫn thông cáo của Bộ Quốc phòng Canada, cho biết, tàu HMCS Calgary dẫn đầu là trung tá Blair Sattel cùng đoàn thuỷ thủ 230 thành viên, dự định sẽ tới thăm cảng Đà Nẵng từ ngày 26-30/9. Lịch trình chuyến thăm này gồm nhiều sự kiện nhằm hỗ trợ sứ mệnh xây dựng và củng cố quan hệ quốc tế.
Đại sứ quán Canada tại Việt Nam, dẫn lời ông Sattel, nói: “Đoàn thuỷ thủ của HMCS Calgary mong đợi chuyến thăm tới Việt Nam. Được biết đến rộng rãi bởi sự hiếu khách và là một đối tác có giá trị của Canada ở Đông Nam Á, Việt Nam là cơ hội để Calgary làm việc với cộng đồng địa phương và chứng minh cam kết của Canada là một đối tác quan trọng. Điểm nhấn của chuyến thăm là sau khi thăm cảng, chúng tôi sẽ diễn tập trên biển cùng với tàu của Hải quân Nhân dân Việt Nam, để mở rộng và cải thiện mạng lưới quan hệ đối tác quốc phòng của chúng tôi trong khu vực”.
Đây là một hoạt động nằm trong chương trình OP Projection, trong đó tàu sẽ ghé thăm tổng cộng 8 cảng ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương, gồm: Đà Nẵng (Việt Nam), Darwin (Australia), Jeju và Busan (Hàn Quốc), Yokosuma và Yokohama (Nhật Bản), Guam và Trân Châu Cảng (Mỹ). Chương trình được triển khai nhằm tăng cường quan hệ đối tác quốc phòng hiện có và thiết lập quan hệ đa quốc gia mới để đạt được khả năng tương tác cao hơn và tăng cường khả năng phòng thủ cho các hoạt động trong tương lai, theo Đại sứ quán Canada tại Việt Nam.
Trước đó, tàu HMCS Calgary đã tham gia cuộc tập trận hải quân lớn Vành đai Thái Bình Dương (RIMPAC) do Mỹ tổ chức. Đầu tháng 9, tàu đã cập cảng Darwin của Australia để tham gia cuộc tập trận Kakadu 2018.
Theo tin từ VTC News, Tàu HMCS Calgary là tàu khu trục đa nhiệm, lớp Halifax, nặng hơn 4.700 tấn, có chiều dài hơn 130 m và được đưa vào biên chế từ năm 1995, được tân trang, hiện đại hoá vào năm 2012. Lớp tàu Halifax ban đầu được thiết kế cho tác chiến chống tàu mặt nước và tàu ngầm, nhưng sau đó được chuyển đổi chức năng thành tuần tra ven bờ. Hải quân Canada hiện có 12 tàu chiến lớp Halifax.
Trước đó, theo thông tin từ báo điện tử Chính phủ, Đoàn đại biểu quân sự cấp cao Việt Nam do Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân uỷ Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam dẫn đầu, đã thăm chính thức nước Pháp từ ngày 15 – 20/9, theo lời mời của bà Florence Parly, Bộ trưởng Quân đội Pháp.
Theo báo Quân đội nhân dân, tại cuộc hội đàm, bà Florence Parly khẳng định, Pháp đồng quan điểm với nhiều quốc gia về đảm bảo an ninh, an toàn và tự do hàng hải, hàng không trên tinh thần đề cao luật pháp quốc tế. Pháp sẽ tiếp tục đóng góp duy trì môi trường hòa bình, ổn định và phát triển ở khu vực Pháp có lợi ích. Hai Bộ trưởng thống nhất cho rằng, các tranh chấp cần được xử lý một cách hòa bình theo luật pháp quốc tế, trong đó có công ước Liên Hiệp quốc về luật biển năm 1982.
Về quan hệ hợp tác quốc phòng thời gian tới, hai bên tiếp tục nâng cao hiệu quả các cơ chế hợp tác hiện có và tìm kiếm cơ hội hợp tác trong các lĩnh vực hai bên cùng quan tâm và có thế mạnh. Quan hệ quốc phòng là một trong những trụ cột của quan hệ Đối tác Chiến lược giữa hai nước.
Bộ trưởng Quốc phòng hai nước đã ký Tuyên bố tầm nhìn chung về hợp tác quốc phòng giai đoạn 2018-2028, nhằm “làm sâu sắc hơn quan hệ hợp tác về quốc phòng trong tổng thể quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam-Pháp; đồng thời khẳng định thiện chí tiếp tục triển khai quan hệ hợp tác theo hướng lâu dài hiệu quả trên cơ sở tôn trọng độc lập chủ quyền, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và pháp luật của mỗi nước.”
Trung Quốc ở Việt Nam
Báo Lao Động đưa tin, trong nhiều ngày qua, Công ty TNHH KCN Texhong Việt Nam (Hồng Kông – Trung Quốc) đã liên tục làm tờ trình hối thúc tỉnh Quảng Ninh sớm phê duyệt địa điểm khai thác vật liệu san lấp mặt bằng Khu công nghiệp cảng biển Hải Hà (huyện Hải Hà) có phạm vi rộng 660ha.
Khu vực này chồng lấn với khu vực quy hoạch vùng nuôi trồng thuỷ, hải sản của huyện Đầm Hà, nếu được cấp phép sẽ ảnh hưởng đến 50 cơ sở đang có hoạt động nuôi trồng thủy hải sản và hơn 200 người dân thường xuyên sinh sống bằng nghề khai thác sá sùng, bông thùa và các loài nhuyễn thể đang cần được bảo tồn. Điều này khiến khiến hàng trăm người dân vùng nuôi bất an, vì có thể ảnh hưởng đến sinh kế của họ, cũng như ảnh hưởng đến hệ sinh thái biển ở đây.
Theo lý giải của công ty Texhong, hiện nay họ còn thiếu tới 7 triệu mét khối vật liệu san lấp mặt bằng Khu công nghiệp, chưa kể khối lượng vật liệu dành cho san lấp mặt bằng nhà máy nhiệt điện của doanh nghiệp này hình thành trong nay mai. Cũng theo đề nghị của Texhong, để bù đắp số lượng đất, cát khổng lồ để san lấp, đơn vị đề nghị được khai thác tại khu vực thuộc thôn Chương Đông, xã Tân Lập, huyện Đầm Hà với diện tích trên 989.966,5m2, có trữ lượng dự kiến là 8 triệu mét khối.
Báo Lao Động dẫn lời ông H.M ở xã Tân Lập đặt câu hỏi: “Chúng tôi rất bức xúc vì sao một DN TQ không mua cát, đất đá thải mỏ mà lại đi xin riêng một mỏ cát như vậy. Trong khi tỉnh Quảng Ninh thì đang có rất nhiều loại vật liệu để san lấp(?)”.
Còn Ông T.V.X ở thôn Phúc Tiến, xã Tân Lập tỏ ra rất lo lắng khi nghe tin này: “Nếu tỉnh mà cấp mỏ cát cho doanh nghiệp nước ngoài thì chúng tôi sẽ không có chỗ để nuôi trồng, khai thác thủy sản nữa. Việc khai thác cát ở gần như vậy sẽ ảnh hưởng rất lớn đến môi trường nước, gây ồn ào, ô nhiễm”
Hiện tỉnh Quảng Ninh chưa chấp thuận đề nghị của Texhong, nhưng công ty này tỏ ra khá cương quyết muốn được sớm cấp “mỏ” ở khu vực nêu trên. Theo một cán bộ cấp phòng (xin giấu tên) cho biết:
“Nếu tỉnh Quảng Ninh ‘ưu ái’ phê duyệt cho DN sẽ là hệ lụy khôn lường, đi ngược lại với với tinh thần trong Kết luận 37 (ngày 28.12.2016) và Kết luận số 40 mới đây của Thường trực Tỉnh ủy chỉ đạo là: Dừng ngay dự án và có văn bản báo cáo cơ quan TƯ có liên quan đối với dự án nạo vét, tận thu cát, sỏi và các mỏ khai thác cát, sỏi cũng như cấp phép thăm dò tại các xã đảo ven biển; đồng thời không cấp phép các dự án thăm dò, khảo sát tiến tới chấm dứt việc khai thác cát, sỏi trên toàn bộ các xã, đảo nhằm hạn chế những bức xúc, kiến nghị của người dân bị nơi ảnh hưởng”.
Đọc thêm: Ngân hàng AIIB do Trung Quốc khởi xướng sáng lập cho biết sẽ hỗ trợ Việt Nam đầu tư vào ba lĩnh vực gồm giao thông, năng lượng và phát triển đô thị (VnEconomy).
Thông tin khác: Nhà nghiên cứu Trung Quốc Dương Danh Dy từ trần (ĐSKBĐ) – Báo Công an nhân dân nói “Bảo vệ biên giới quốc gia là nhiệm vụ của toàn dân“. Chứ không phải là “mọi việc đã có Đảng và Nhà nước lo”? – Carl Thayer: Liệu áp lực dân chúng có khiến Việt Nam xét lại mối quan hệ với Trung Quốc? (Thayer Consultancy Background Brief)