Đôi điều về Hồ Ngọc Đại, bạn tôi

Tương Lai

16-9-2018

Mênh mông thế sự để gió cuốn đi số 52

Tác giả (phải) và GS Hồ Ngọc Đại.

Chẳng lẽ giữ thái độ im lặng khi bạn mình đang bị “đòn hội chợ”. Cho dù biết chắc rằng Hồ Ngọc Đại thừa sức và đủ bản lĩnh để ứng xử một cách có văn hóa với cái đòn hội chợ có nguồn cơn sâu xa này, nhưng chỉ dửng dưng “tọa sơn nhìn bạn mình xử lý đòn hội chợ” đang nhiễm phải hội chứng đám đông, thì khốn nạn quá. Mà nói gì, viết gì về Hồ Ngọc Đại thì quả thật khó quá.

Một công trình nghiên cứu khoa học và thực nghiệm “công nghệ giáo dục” suốt hai phần ba đời người mà chỉ tóm tắt gọn thon lỏn trong vài ba trang giấy thì e là một điều ngớ ngẩn, nếu không rơi vào tình trạng ngu ngốc phỉ báng khoa học. Chính vì thế mà cứ đắn đo trong suốt mấy tuần lễ qua. Thôi thì vài dòng tâm sự để chia lửa với bạn vậy.

Chỉ để “chia lửa”, vì lượng sức mình không đủ tài để khoan thai đĩnh đạc như Phạm Toàn, bạn của chúng tôi, đã trình bày một cách từ tốn trong sự khúc chiết, mẫn tiệp dành cho người có học và biết đọc sách của Đại, mặc cho cơn “bão đám đông” đang “ào ào đổ lộc rung cây, ở trong dường có hơi đồng dẫn đưa” vẫn đàng hoàng dong “Cánh Buồm” ra khơi.

Mình thì đang trong tình thế sức tàn lực kiệt, đành mèo nhỏ bắt chuột con thôi. Thì hãy chọn lấy mấy dòng tâm sự vụn, tạm thế đã. Thế là mở bàn phím, “của tin gọi một chút này làm ghi”. Chẳng gì mình với hắn đã từng gắn bó tin yêu nhau đã 77 năm tính từ 1951! Đây, dòng chữ hắn ghi đầu trang cuốn sách “Bài học là gì?” đưa tặng tôi ngày 10 tháng tư năm 1985: “Thân tặng Tương Lai, bạn tin cẩn và tâm đắc”.

Tâm đắc”, vì tôi ủng hộ hết mình sự “ngang ngược” rất thẳng thắn của hắn theo cách nói rất dân dã quen thuộc của Đại khi quyết liệt đấu tranh bảo vệ chân lý là “không chơi hòa”. Không “chơi hòa” cũng có nghĩa là không thỏa hiệp, vì “các chân lý khoa học luôn luôn ngược đời”. Mệnh đề ấy Đại viết trong một luận văn triết học về phương pháp tư duy gồm 435 trang đánh máy gửi cho tôi tháng 5 năm 1985 (dạo ấy chúng tôi chưa biết đến máy tính) nhân chúng tôi tranh luận về một chủ đề khá thú vị.

Mà vì nó “ngược đời” cho nên với cách suy nghĩ thông thường của đám đông thì khó mà chấp nhận được ngay. Đại viết rất súc tích một vấn đề lý luận rất phức tạp trong một luận văn triết học khác, với 300 trang đánh máy có tên là “Phạm trù Người” gửi cho tôi năm 1983: “Tư duy khoa học tỉnh táo ở chỗ, biết bảo vệ phạm trù còn trứng nước, còn chưa được số đông chấp nhận. Phải dám đưa họ tiến dần đến trình độ mà lịch sử đòi hỏi ở họ – đưa họ lên ngang tầm lịch sử một cách dũng cảm và tự tin. Chỉ cần nao núng một chút là khoa học đủ để tỏ ra thừa, thậm chí còn tệ hơn thế nữa.

Như vậy, trong đời sống hiện đại, những hoạt động gọi nhập nhằng một tên chung là hoạt động khoa học cần phải được phân hóa thành hoạt động khoa học đích thực cho một số ít người có trách nhiệm phát hiện ra chân lý thời đại, và mở đường cho số đông đi theo. Trong hoàn cảnh ấy, những tri thức của thời đại chỉ có thể đem đóng thành cỗ xe chở số đông đi theo chân lý thời đại. Con đường lịch sử hiện thực là cái logic in hằn vết xe đó”.

Theo suy nghĩ của tôi thì những mệnh đề lý luận Hồ Ngọc Đại từng viết ra mà tôi tóm lược hết sức ngẫu nhiên và vội vã trên đây chỉ để phần nào giải thích cái quyết liệt đôi khi ngang ngạnh, trong trình bày và bảo vệ điều mà anh tin là chân lý khoa học khi triển khai công trình nghiên cứu và thực nghiệm hết sức nghiêm túc của mình. Nghiêm túc đến nghiệt ngã mà nếu chỉ thoáng đọc thì hơi có vẻ cực đoan. Và có lẽ đó cũng là một trong những lý do cơ bản nhất khiến Hồ Ngọc Đại liên tục nhận được những đòn tấn công từ nhiều phía.

Chỉ có điều, cứ mỗi lần nhận được những cú phản công, có khi là đòn “vu hồi”, có khi là đòn “tập hậu”, hắn vẫn cứ hơn hớn khoe với tôi. Thì như dạo hắn hồn nhiên ngang ngạnh trả lời cụ Phạm Văn Đồng: “Cải cách giáo dục đang được tiến hành nhất định sẽ thất bại”. Cụ Đồng nén giận hỏi lại “Tại sao chưa làm mà đã nói là sẽ thất bại”. Hắn trả lời thẳng băng: “Cuộc cải cách giáo dục được chuẩn bị đã 20 năm trong bối cảnh thời chiến. Nay thời cuộc đã đổi khác, những gì đã chuẩn bị không còn đúng nữa huống hồ những gì đã chuẩn bị đã lạc hậu nay sẽ càng lạc hậu hơn, thất bại là đương nhiên”. Cụ Đồng chắc là suy nghĩ lung lắm nên hỏi lại Đại: “Vậy thì bây giờ anh cần gì, có đề nghị gì không?”. Hắn trả lời ngay không một chút do dự: “Thưa Thủ tướng, tôi xin đi dạy lớp 1”. Hồ Ngọc Đại kể cho tôi nghe chuyện này khi hắn vừa ở Liên Xô về năm 1978, cũng là năm vừa có Nghị quyết về cải cách giáo dục. Vậy là vừa chẵn 40 năm, bao nhiêu nước chảy qua cầu!

Mà đâu hắn chỉ thẳng băng trong chuyên ngành và chuyên nghề giáo dục. Tôi nhớ lần ấy vui chuyện với mấy bạn thân, trong đó có tôi, hắn kể là tại hội trường của Bộ Công An, khi nói chuyện về “chống tiêu cực”, hắn làm cho nhiều người phát hoảng lên: “Chuyện chống tiêu cực đương nhiên là phải làm rồi. Nhưng đừng nghĩ là có thể dẹp sạch được tiêu cực. Không có đâu. Bao giờ tiêu cực lên đến Bộ Chính trị thì rồi mới thấy là tiêu cực nằm ngay trong quy luật vận động và phát triển”. Đại thuyết minh bằng luận điểm của Hégel “Cái ác thúc đẩy lịch sử!”.

Sao cậu liều thế?”, Vg Thị H. chất vấn Đại. Vốn tình điềm đạm, lại đang là một nữ “mệnh quan triều đình” nhưng vẫn giữ được mối quan hệ bạn bè thân thiết trong nhóm nhỏ chúng tôi bởi H. thuộc loại không “tụng niệm”, không “bưng bê” và sống hơi chật vật vì không tham nhũng, đã thành thật thốt lên câu hỏi hiền lành ấy. Hắn cười hề hề: “Thì người ta mời mình đến nói chuyện. Chắc có người trong họ đã nghe mình nói ở những nơi khác, họ khoái, họ mời, tớ đâu có xin. Đã mời thì sợ gì tớ không nói, đã nói thì phải nói thật”. Mà quả có thế. Hãy thử đối chiếu với thực trạng xem thử điều Hồ Ngọc Đại công khai nói ra một cách trung thực từ dạo ấy, hơn ba thập kỷ có lẻ, chắc sẽ thấy cái sự thật “tiêu cực” kia giờ sẽ biến hóa khủng khiếp đến cỡ nào?

Vậy thì hãy tự thành thật với mình và với cuộc đời đi: Có đúng là cuộc “cải cách giáo dục” đã thất bại như Hồ Ngọc Đại thẳng thắn báo trước không? Sự thất bại ấy gắn liền với cái thể chế mà nếu kể ra thì không thể chỉ vài trang viết? Để rồi, càng hiểu hơn cái thực trạng bung bét của giáo dục nước nhà sau bao nhiêu lần “ra nghị quyết” và rao giảng là “quốc sách”? Vậy mà chỉ nói riêng câu chuyện: một công trình khoa học tâm huyết nhằm tìm hướng đi mới cho sự nghiệp giáo dục, sao cho “mỗi người được là chính mình” mà tác giả của nó dành gần trọn cuộc đời cho sự nghiệp cao cả ấy, nay gần 50 tỉnh, thành phố với khoảng 800.000 học sinh lớp 1, tức là một nửa số học sinh lớp 1 trên cả nước đang dùng cuốn sách của Hồ Ngọc Đại, ấy thế mà “thực nghiệm gì mấy chục năm vẫn còn thực nghiệm, hết cái này đến cái kia thực nghiệm, học sinh khổ lắm” như một vị quyền cao chức trọng nọ ban ra những “lời vàng ý ngọc” ấy tại “Cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất”!

Một công trình nghiên cứu khoa học đòi hỏi một ứng xử khoa học tương ứng mới có thể xem xét, đánh giá. Nói khơi khơi như đi mua thịt ngoài chợ thì làm sao có nghiên cứu khoa học được, kiểu như: “Cải cách, đổi mới nhưng sau đó phải có tính ổn định, thống nhất, đồng bộ. Không thể có sách giáo khoa tự chọn được”, “Chúng ta nói “Trẻ em hôm nay thế giới ngày mai”. Vậy từ hôm nay ta phải làm gì để cho các em có thế giới ngày mai”! Thôi thì miệng nhà quan có gang có thép, nói như Đại, hắn “chẳng chấp người không có hiểu biết”.

Thế rồi một vị giáo sư nọ, được một nhà báo khen “có văn hóa tranh luận” khiến anh ta “rất là mừng” vì anh ta đang dị ứng với tình trạng “mạng xã hội đăng tràn lan mọi thứ về các đề tài này, kể cả những người tôi biết là họ không hề có tí kiến thức nào về ngôn ngữ và giáo dục cũng chém gió ào ào”. Rồi sao nữa? Ngài giáo sư có “văn hóa tranh luận” ấy cũng lại khơi khơi mà rằng: “Ta thấy GS Đại đang nói một đàng làm một nẻo vậy… mệnh đề của ông “đi từ trừu tượng đến cụ thể, từ chung đến riêng” làm tôi ngao ngán! Có phải GS Đại đang cổ súy cho thói nói lý thuyết thì thao thao mà cụ thể trong việc làm thì ngược lại, nói chung chung thì hay mà đi đến riêng từng sự việc là rỗng tuếch, chả có gì! Những tuyên bố của GS Đại dùng cho việc quảng bá CNGD thường mâu thuẫn như thế. Điều này cho ta thấy GS Đại không nhất quán trong hành trình khoa học giáo dục của mình, chưa có cộng tác viên bỏ công phản biện nghiêm túc về nội dung CNGD và kết quả là sự quả quyết thiếu cân nhắc, gây phản cảm cho người nghe khi GS Đại xuất hiện trên báo đài…”.

Ngài giáo sư này thì tôi hân hạnh có biết sơ sơ. Và tôi ngờ ngợ rằng ngài chưa có thì giờ để đọc sách của Hồ Ngọc Đại viết, và e cũng chưa xem qua những cuốn “Tiếng Việt lớp 1” của tác giả công trình thực nghiệm “Công nghệ giáo dục”. Việc ngài giáo sư “thấy khó chịu với từ “Công Nghệ Giáo dục” dùng cho việc đánh vần tiếng Việt! Nó chỉ là một thứ thủ thuật, một phương pháp cụ thể! Nâng quan điểm đến mức công nghệ nghe không ổn” thì sự khó chịu của ngài, ngài hãy tự giữ lấy nó, đó là quyền của ngài. Nhưng nói đó là “một thứ thủ thuật”, “một phương pháp cụ thể” thì chắc rằng hơi… liều!

Muốn có “văn hóa tranh luận” như ông bạn nhà báo tôi quen biết khá lâu kia khen, thì chắc phải cẩn trọng hơn và e cũng phải tốn nhiều thì giờ quý báu hơn! Để gì? Để đọc công trình nghiên cứu của một nhà khoa học đã dành hơn 40 năm viết sách lý luận nhằm lấy đó làm nền tảng cho quá trình thực nghiệm trên một diện rất rộng của 50 tỉnh thành trên cả nước. Công trình nghiên cứu lý luận và thực nghiệm này thì một Viện khoa học đựợc giao trách nhiệm nghiên cứu, khảo sát, đánh giá chất lượng, hiệu quả triển khai Tài liệu TV1-CNGD và đề xuất các giải pháp chỉ đạo. Cơ quan khoa học này căn cứ vào kết quả nghiên cứu, khảo sát, đã đưa ra nhận định việc triển khai Tài liệu Tiếng Việt 1-CNGD ở các địa phương đạt được hiệu quả khả quan thông qua kết quả giáo dục học sinh, năng lực chuyên môn của giáo viên!

Ấy vậy mà ngài giáo sư lại liều mạng kết luận rằng: “CNGD này phát xuất từ “Học thuyết phát triển phương pháp giáo dục” của V.V Davydov và D.B Elkonin thịnh hành tại Liên Xô những năm 70. GS Hồ Ngọc Đại đã mang mô hình GD của nước Nga về áp dụng tại Việt Nam”!

Nói vong mạng thì “văn hóa tranh luận” kiểu gì đây? Muốn thật sự biết về văn hóa tranh luận một cách nghiêm túc những công trình nghiên cứu và thực nghiệm, thì chắc cũng phải rất nghiêm túc và trung thực đọc kỹ, tìm hiểu suy nghĩ kỹ, rồi hãy đưa ra những nhận xét có trách nhiệm. Tùy tiện phán bừa thì văn hóa tranh luận cái nỗi gì đây? Tôi vốn dát lắm nên cứ luôn dè chừng cho mình “sẩy chân còn hơn sẩy miệng”! Sẩy chân thì băng bó khéo chẳng mấy chốc sẽ khỏi. Sẩy miệng, đành là “khẩu chứng vô bằng”, nhưng rồi âm vang của nó thì khó bịt quá, rồi muốn quảng bá tên tuổi e hơi bị khó nên đâm ra cũng mất hứng đấy!

Còn chuyện ngài giáo sư “thấy có gì rất hãi khi ở lứa mẫu giáo và tiểu học lại cố tình tách trẻ em ra khỏi sự chăm sóc, hỗ trợ của phụ huynh! Có thể lúc đầu phụ huynh chưa nắm bắt, nhưng dần dà sẽ biết thôi (và sau 20 năm thì học sinh sẽ thành phụ huynh thôi!)! Chủ trương này được khẳng định cho CNGD là quá chủ quan! Tôi tự hỏi trong thử nghiệm, có thật như thế không? Phải nói phát biểu của GS Đại nếu có thì thật đáng tiếc! Ngay quan điểm này không thôi, đã đặt phương pháp của GS Đại bên bờ sai trái! Không thể quan niệm chuyện giáo dục trẻ em mà tách rời ra khỏi gia đình tổ ấm” thì tôi xin mạo muội mà thưa với ngài giáo sư rằng, ngài hãy chịu khó tìm đọc lấy vài ba cuốn sách Hồ Ngọc Đại viết về những điều trên. Ông ta không chỉ viết sách mà còn huấn luyện việc gắn kết trẻ em với người lớn, mà trước hết là cha mẹ chúng để “tạo ra sản phẩm giáo dục, cũng tức là tạo ra chính bản thân mình”. Phán rằng phương pháp của Hồ Ngọc Đại đã được “đặt bên bờ sai trái” thì phương pháp đó là gì nhỉ, ngài giáo sư đã hạ cố mà tìm đọc vài ba dòng trong hàng chục ngàn trang sách của người mà ngài giáo sư “đặt bên bờ sai trái” chưa nhỉ?

Tôi chỉ xin dẫn ra đôi điều từ hai cuốn sách trong số nhiều cuốn mà Hồ Ngọc Đại đã tặng tôi: cuốn “Cái và Cách”, dày 616 trang, xuất bản năm 2003 nhằm trình bày một cách dễ hiểu nhất giúp các vị phụ huynh có cách tiếp cận dễ dàng nhất với công trình nghiên cứu và thực nghiệm của mình với “Xin có lời thưa” ở trang đầu cuốn sách như sau:

Năm 1991, tôi xuất bản quyển “Giải pháp Giáo dục”, 260 trang, khổ 14,5 x 20,5 chi chít chữ với chữ, dày đặc chữ với chữ. Giờ đây sau hơn mười năm tôi thiết kế một giải pháp chỉ có hai chữ CÁI và CÁCH… Một GIẢI PHÁP là một LỐI RA”. Đọc kỹ cuốn sách của Đại, tôi nhận ra bạn tôi đã dồn tâm huyết cho việc giúp “giải quyết cái mâu thuẫn vĩnh viễn giữa các thế hệ… trẻ em phải tự làm việc để tạo ra sản phẩm giáo dục, cũng tức là tạo ra chính bản thân mình. Vấn đề có ý nghĩa chiến lược trong Giải pháp Giáo dục”. Tác giả viết rất tường minh: “Giáo dục gia đình là thể chế của lẽ phải thông thường trong khi đó trẻ em lại là thực thể đang sinh thành từ đời sống hiện đại. Giáo dục ở tuổi này phải được tiến hành thông qua việc làm”.

Nhớ lại, trong Mênh mông thế sự để gió cuốn đi số 49 tôi đã dẫn ra cách trình bày rất gãy gọn và đơn giản về cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 của ông tướng phụ trách Viettel vừa về trị nhậm Bộ Thông tin và Truyền thông: “Cách mạng 4.0 đột phá về việc học: Chung qui chỉ có một chữ là LÀM NGƯỢC. Cách mạng 4.0 mở ra một cơ hội về sự làm ngược nhưng mang lại kết quả bất ngờ, cơ hội của các đột phá, cơ hội cho những người đi sau, nhưng không phải những người đi sau mong muốn giống người đi trước, đi theo cách này thì mãi mãi là người đi sau. Đi sau, nhưng làm khác người đi trước, các công cụ 4.0 chủ yếu hỗ trợ cho sự làm khác, làm ngược, bằng cách này chúng ta sẽ đi trước một cách vượt trội các nước đi trước chúng ta. 4.0 đi liền với từ Distructive, tức là phá huỷ, đột phá. Gọi là sự sáng tạo mang tính phá huỷ.

Cho nên, “Trước đây: Học trước rồi làm sau. Bây giờ: Làm trước học sau; trải nghiệm trước học sau thì vào hơn. Đại học cần cho các em làm nhiều hơn, làm trước khi học. Trước đây nghe theo là quan trọng, học thuộc là quan trọng. Bây giờ: tư duy phản biện là quan trọng, critical thinking. Trước đây học What, học How là quan trọng. Bây giờ học Why là quan trọng. Biết tại sao thì mới dám thay đổi”. Dẫn ra vì tôi đánh giá cao cách diễn đạt khá dễ hiểu những ý tưởng đang là thời thượng, thậm chí có vị lãnh đạo khoái chí mà tuyên bố rằng Việt Nam phải là cường quốc về công nghệ thông tin, hướng tới Chính phủ số và dữ liệu mở tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp 4.0…

Thế rồi, để viết đôi điều về Hồ Ngọc Đại, tôi phải lật vội cuốn “Kính gửi các bậc cha mẹ” in năm 1992 Đại tặng tôi cách nay hơn một phần tư thế kỷ, với những câu ghi trên bìa 4 của cuốn sách in giấy xấu đang ngả màu vàng, bỗng thấy được rằng: trong cuốn sách tôi đã đọc và đã cho nó ngủ yên trên giá sách ngót 25 năm nay thì bạn tôi, Hồ Ngọc Đại, đã diễn đạt gần sát với những diễn giải về “cách mạng công nghiệp 4.0”, một chủ đề thời thượng vừa dẫn ra ở trên! Chính ở đây, Đại đã nói điều mà ngài giáo sư “uyên bác” nọ vừa chê bai, uốn nắn và phán bảo: “Ngay quan điểm này không thôi, đã đặt phương pháp của GS Đại bên bờ sai trái! Không thể quan niệm chuyện giáo dục trẻ em mà tách rời ra khỏi gia đình tổ ấm”!

Tôi vốn hạn hẹp về kiến thức, không đủ uyên bác để tranh luận với ngài giáo sư, nên chỉ xin mời ngài giáo sư đọc nguyên văn câu tác giả của cuốn sách “Kính gửi các bậc cha mẹ” ghi ở trang bìa trong khung màu đỏ: “Toàn bộ đời sống tinh thần của trẻ đều phải được người lớn thiết kế thành việc làm để tạo ra sản phẩm giáo dục, cũng tức là tạo ra chính bản thân mình. Đó là bí quyết của nền giáo dục hiện đại”. Tôi buộc phải làm cái chuyện bất đắc dĩ chẳng đặng đừng này khi phải dẫn ra những phán bảo của ngài giáo sư để nói dăm ba câu về “Điều đâu bay buộc ai làm? Này ai đan dậm, giật giàm bỗng dưng” cho một công trình khoa học nghiêm túc của một nhà khoa học có trách nhiệm với đất nước của mình, với con em của mình, đã dành gần trọn cuộc đời cho sự nghiệp cao quý ấy. Nhưng xem ra dài lời cũng chẳng để làm gì, lại phí sức. Tiện nhất là hãy dẫn ra khuyến cáo của L. Tolstoi, đại văn hào Nga: “Người nói quá nhiều là người chẳng có gì để nói”!

Mà Hồ Ngọc Đại thì đã dồn hết thời gian và sức lực của mình không chỉ để nói và viết về những vấn đề lý thuyết, cơ sở triết học và tâm lý học hiện đại của công trình nghiên cứu về “công nghệ giáo dục”, mà còn dồn sức cho những việc làm cụ thể bằng những thực nghiệm trên 50 tỉnh thành trên cả nước.

Tôi còn nhớ như in hình ảnh bạn tôi đứng giữa đám trẻ nhỏ học sinh lớp 1 trong một buổi sáng tại một sân trường bên sườn đồi vùng trung du dạo nào cũng đã hơn 20 năm. Nguyên là hôm ấy tôi rủ Đại về Vũ Ẻn, Phú Thọ thăm Tống Thế Truyền, một bạn cũ là giáo viên về hưu thường lên Đền Hùng viết sớ thuê cho khách thập phương, để thêm vào khoản lương hưu quá hẻo. Tôi và Đại thỉnh thoảng lại có cuộc đi với nhau như vậy vào lúc đầu óc quá căng thẳng muốn có những quãng thư giãn. Có khi suốt một cung đường dài chỉ ngồi tĩnh lặng không nói một lời dể đắm mình trong cảnh vật lướt nhanh.

Hôm ấy, ô tô đang chạy bỗng Đại gọi giật chú lái xe, bảo rẽ vào đường làng để đến một ngôi trường nhỏ. Chẳng là Đại biết lúc này là đúng giờ học sinh ra chơi.

Dừng xe ngoài cổng, Đại bước vào. Lũ trẻ đang chơi trên sân trường nhận ra ông khách đến bất ngờ vốn không xa lạ với chúng, đã ùa nhau nhào đến, vừa nhảy cẫng, vừa réo to: “Thấy Đại, thầy Đại chúng mày ơi”. Và rồi đứa bá cổ, đứa kéo tay, đứa túm áo. Thì ra chúng đã thân quen với “ông thầy Hà Nội” đã từng nhiều lần đến dự lớp và cùng chuyện trò, vui đùa với chúng như bạn bè ngang vai vừa lứa.

Tôi bất giác đưa khăn tay lau mắt kính đã nhòe vì giọt nước mắt xúc động, còn bạn tôi thì như tươi trẻ hẳn ra giữa bầy chim ríu rít. Tim tôi đập mạnh nghĩ đến cái phương châm mà Đại thường dẫn giải trong những cuốn sách Đại viết bằng chính máu thịt của mình “Mỗi ngày đến trường là một ngày vui”. Bạn tôi đang tận hưởng niềm vui thanh khiết và cao cả ấy. Nghĩ vậy, tôi càng thương bạn.

Bây giờ hắn và tôi đầu đã bạc trắng, nhưng cứ mỗi lần gặp nhau, Đại lại thao thao bất tuyệt về chuyện hắn vừa đi mấy tỉnh miền núi hay đến các vùng sâu, vùng xa về. Ngay cả cái đận hắn phải mổ tụy, môt ca đại phẫu thuật, có thể nói là thập tử nhất sinh, người gầy tọp hẳn đi, nhưng rồi vẫn không chịu nằm yên ở Hà Nội. Tôi bay ra thăm, hắn cười hề hề: “Tớ chưa chết đâu. Vả lại, chết thế nào được, chương trình thực nghiệm còn dang dở, lại được tay bộ trưởng này dám ủng hộ và tạo điều kiện cho mình làm, mình phải dấn lên ngay, xong được bước “đại trà” rồi có chết thì chết luôn thể!”. Có lần hắn gọi tôi từ sân bay Tân Sơn Nhất: “Cậu có nhà không đấy. Tớ có hơn bốn tiếng ngồi ở sân bay khi vừa từ An Giang về để bay ra Hà Nội. Máy bay trễ chuyến, tớ có hai tiếng rưỡi lên cậu chơi và kể cho cậu về chuyến đi rất thú vị của mình triển khai công việc ở mấy tỉnh miền Tây Nam bộ, đối chiếu với chuyện triển khai viêc huấn luyện cho các cô giáo thầy giáo để kịp khai giảng năm học mới ở Tây Bắc tháng trước tớ ở trên ấy về”.

Với Đại, thì cái phương châm mà hắn quyết liệt đeo đuổi vừa nhắc ở trên không chỉ dành cho học sinh lớp 1, cấp 1 của hắn, mà cũng vận dụng cho chính hắn ngay khi đã ở tuổi ngoại 80. Hình như cái danh xưng “ông giáo già” mà có tờ báo dùng hơi xa lạ với Hồ Ngọc Đại. Tôi cảm nhận rất rõ rằng hắn vẫn trẻ như dạo nào nếu che đi mái tóc bạc trắng.

Nhưng bạn tôi ơi, quy luật của cuộc sống không bỏ quên một ai cả. Nhất là với những người như Hồ Ngọc Đại, luôn luôn phải đương đầu với “những tập quán được thần thánh hóa” (Hégel). Càng gay gắt và cay cú hơn khi bạn tôi công khai và minh bạch dẫn ra lời tuyên bố: “Tôi sẽ hoan nghênh mọi nhận xét của một sự phê phán khoa học. Còn đối với những thiên kiến của cái gọi là công luận mà không bao giờ tôi nhượng bộ, thì cũng như trước đây, tôi vẫn lấy những lời sau đây của nhà thơ vĩ đại của Thánh Florenx làm phương châm: “Segui il tuo corso, e lascis dir le genti!”. Đường ta ta cứ đi, ai nói gì cũng mặc! Karl Marx”. Đây là đề từ của tập luận văn triết học Đại viết năm 1982 nhân một cuộc tranh luận giữa hai chúng tôi về một chủ đề đạo đức học và mỹ học mà Đại chuẩn bị cho công trình nghiên cứu về giáo dục của mình. Đại đưa tặng tôi trong dạng bản thảo đánh máy gồm 450 trang. Cho đến nay vẫn chưa đưa in.

Có lẽ hơn ai hết, bạn tôi hiểu thấu những gì hắn phải vượt qua để kiên trì thực hiện sự nghiệp mà hắn đã dành toàn bộ cuộc đời cho nó. Và trong thâm tâm, Đại đã quá thấm thía lời tâm sự quá khinh bạc nhưng mỉa mai thay lại là sự thật phũ phàng mà Einstein đã thốt ra: “Không thể chống lại những kẻ ngu vì chúng quá đông”! Nhưng cũng chính Einstein lại hiểu ra rằng “Đôi khi người ta chi trả nhiều nhất cho những thứ mà họ chẳng hề được nhận lại”. Vì thế mà bộ óc thiên tài ấy khuyên rất chân thành: “Đừng cố gắng để là con người thành công, hãy cố gắng để là con người có giá trị”.

Hồ Ngọc Đại sẽ còn đối diện với những trận đòn hội chợ chừng nào bạn tôi vẫn thừa hiểu biết và đủ bản lĩnh để đi tiếp con đường anh đang đi và sẽ đến nơi anh quyết đến.

Tôi hình dung bạn tôi đang đạp xe đạp giữa cuộc đời biết bao nhiễu nhương này, muốn giữ được thăng bằng, phải tiếp tục chuyển động! Vâng, phải hành động, đứng im sẽ bị ngã nhào.

Ngày 15.9.2018

____

Mời đọc lại: Số 9: Chào mừng những huy chương vàng danh giá — Số 10: Thật đáng xấu hổ!  —  Số 11: Tuyên bố dứt bỏ mọi liên hệ với đảng Nguyễn Phú Trọng  —  Số 12: Thế Sự Du Du  —  Số 13: Chân lý là cụ thể  —  Số 14: Những bục vỡ khó tránh khỏi  —  Số 15: Đôi điều ngẫu hứng về “ngày Người Cao Tuổi”  —  Số 16: Những lời tâm huyết gửi cho ai  —  Số 17: Lan man về chuyện trích dẫn văn chương  —  Số 18: Thiên tài liền với thiên tai một vần  —  Số 19: Cây muốn lặng mà gió chẳng dừng  — Số 20: Giải khát bằng thuốc độc

Số 21: Chịu thua dân ư, chịu sao thấu!  —  Số 22: Hãy nghe và hãy nhìn vào người dân trên đường phố  —  Số 23: Giá lúc này có được tầm nhìn và bản lĩnh Sáu Dân  —  Số 24: Lịch sử sẽ phán xét bản án mà chúng đang quàng vào cổ dân ta, dìm chết tuổi trẻ chúng ta —  Số 25: Chuyện cũ viết lạiSố 26: Chuyện cũ viết tiếpSố 27: “Suối đã đục dòng, chỉ lệ còn trong”Số 28: Thế sự cong queoSố 29: “Họa phúc hữu môi phi nhất nhật”Số 30: “Tiễn người đi mờ bóng cuối chân trời…”

Số 31: “Đừng xáo nước đục đau lòng cò con”Số 32: Hết khôn dồn đến dạiSố 33: Liên khúc năm GàSố 35: Trên đồi cao giữa mây trời lộng gióSố 36: Nhân một tọa đàm khoa học vừa bị giải tánSố 37: Những tấm lòng bè bạnSố 38: Chuyện đất, chuyện ngườiSố 39: Ai là “Tinh hoa của Tinh hoa” đây?Số 40: Khác nào đem thịt nuôi hổ đói – Giữ sao cho khỏi tai vạ về sau”*

Số 41: Mười năm người ấy ra điSố 42: Đục nước, nhưng không béo cò — Số 43: Chớ cao giọng dạy dân lòng yêu nước  —  Số 43b: “Toàn là bất hảo cả”, vậy thì rồi làm sao đây?Số 44: Tưởng nhớ Hạ Đình NguyênSố 45: Kẻ “bất hảo” – “Nhếch mép cười một phát và quên chúng nó đi”!Số 46: Tổng thống và cơn mưaSố 47: Bỗng nhớ người bạn ở PrahaSố 48: “Chu du thiên hạ để học rùng mình”Số 49: “Giọt nước mắt thương dân – Dân mình phận long đong”Số 50: Ấm trà mẹ pha vào một đêm trăng  — Số 51: Nghĩ về một phẩm cách cao thượng

Bình Luận từ Facebook

11 BÌNH LUẬN

  1. Mấy bác này muốn lưu danh sử sách = trò hề của thế kỷ tại Việt Nam!!!

  2. Tương lai của những kẻ cơ hội tương lai có lẽ không phải là một bức tranh Đông hồ.

  3. “Tư duy khoa học tỉnh táo ở chỗ, biết bảo vệ phạm trù còn trứng nước, còn chưa được số đông chấp nhận. Phải dám đưa họ tiến dần đến trình độ mà lịch sử đòi hỏi ở họ – đưa họ lên ngang tầm lịch sử một cách dũng cảm và tự tin. Chỉ cần nao núng một chút là khoa học đủ để tỏ ra thừa, thậm chí còn tệ hơn thế nữa.

    Như vậy, trong đời sống hiện đại, những hoạt động gọi nhập nhằng một tên chung là hoạt động khoa học cần phải được phân hóa thành hoạt động khoa học đích thực cho một số ít người có trách nhiệm phát hiện ra chân lý thời đại, và mở đường cho số đông đi theo. Trong hoàn cảnh ấy, những tri thức của thời đại chỉ có thể đem đóng thành cỗ xe chở số đông đi theo chân lý thời đại. Con đường lịch sử hiện thực là cái logic in hằn vết xe đó”.
    Các ý này “xa xưa” lắm rồi, tầm “ đệ thất, đệ lục”.

  4. Những người “CS có học” (khác với CS vô học) chia làm 2 loại: loại luôn ăn nói phải đạo, đúng quy trình của chủ nghĩa như TBT NPT và loại thứ hai ra vẻ học giả tự do, nghênh ngang chữ nghĩa như TL, HNĐ, Nguyễn Trần Bạt…Loại thứ hai này nguy hiểm hơn. Chính Karl Marx thuộc loại thứ hai này. Cả 2 loại đều muốn vạch sẵn đường đi cho nhân loại.

  5. Những người “CS có học” (khác với CS vô học) chia làm 2 loại: loại luôn ăn nói phải đạo, đúng quy trình của chủ nghĩa như TBT NPT, và loại thứ hai ra vẻ học giả tự do, nghênh ngang chữ nghĩa như TL, HNĐ, Nguyễn Trần Bạt…Loại thứ hai này nguy hiểm hơn. Chính Karl Marx thuộc loại thứ hai này. Cả hai loại đều muốn vạch sẵn đường đi cho nhân loại.

    • Cái học của TBT NPT cũng chỉ là cái học của một anh hào lí quê mùa.

  6. Nếu một nền giáo dục tốt tạo ra một xã hội tốt (điều mà ai cũng đồng ý) thì xin hỏi xã hội Việt Nam đã tốt đến đâu và nền giáo dục nước nhà đã làm được điều gì trong suốt bao năm qua để nó tốt như thế??
    Còm của Tudo ở trên viết ” Trí thức được đào tạo từ ghế nhà trường CS chỉ giỏi ngụy biện như chính chủ nghĩa của họ vậy”. Thật không sai!
    Phụ huynh VN bao năm nay đến khổ vì phải è cổ mua sách giáo khoa mỗi năm thay mới như thay quần lót, bỏ môn này lấy môn kia, mặc Sở sở làm mặc Bộ bộ làm, rồi còn các trường học thay nhau nã đạn vào cái túi tiền teo tóp bằng đủ các phí ở trên trời rơi xuống lộp bộp- Sao không thấy quý vị giáo sư nhìn xuống phụ huynh nhỉ? Hay coi phụ huynh là cái “đám đông không học thức” ?

    Giáo dục chắc có lẽ không cần thiết nữa bởi vì có nhiều người dân đau đớn thốt lên ” Giáo dục tanh banh- Y tế tanh bành “. Khi mà CS chỉ ép thế hệ trẻ VN vào một cái hộp, nhào nặn thế nào cũng xong, yếu tố tự do khai phóng và có ích cho xã hội bị đạp xuống gầm giường! Cử nhân vô số làm xe ôm và tiến sĩ thì nuôi lợn.

    Làm ơn dẹp cái GD XHCN nó mông lung và tào lao không giống ai. Cắt những lãng phí tiêu tiền của phụ huynh bằng những lập lờ cải cách. Ghế ba chân cải cách còn hai – đó là cái tư duy của CS.

  7. người hiền chưa chắc lúc nào cũng đúng. Bạn của ông TL thì chắc là người tốt rồi nhưng có đức mà không có tài thì cũng vô dụng.

  8. Bài viết này có vấn đề: thứ nhất bênh bạn. Khi làm như vậy thì những lý lẽ chỉ dựa trên tình cảm, do đó quên mất những diễn tiến thực tế. Thứ hai, (cũng là từ nguyên nhân đầu) là ngụy biện. Tại sao không giải đáp ngay những nguyên nhân nào đưa đến những phản ứng gay gắt về “công nghệ giáo dục” đánh vần cơ bản lớp một, mà phải mô tả sự nghiệp của HNĐ. Trí thức được đào tạo từ ghế nhà trường CS chỉ giỏi ngụy biện như chính chủ nghĩa của họ vậy. Chủ nghĩa này đã đưa con người, nhất là giới chỉ thích tự gán cho mình là những GS tiến sĩ cùng đồng loã với nó, chỉ giỏi nói đến những giấc mơ. Nhưng khi đi vào thực tiễn, kết quả là những ác mộng.

  9. Từ khi ông Tương Lai thôi sinh họat “đảng của ông Trọng”, tôi tưởng ông khai sinh một đảng mới để có nhiều người trong ĐCS đi theo, hoặc ít nhất ông khởi động lại đảng Lao động (cho dù nó cũng chính lad ĐCS), nhưng hóa ra hành vi của ông chỉ là hành vi của một ông già lẩm cẩm. Buồn quá! Cái thử nghiệm của ông Đại khong đáng tiêu tiền của nhân dân ông Tương Lai ạ. Ông lại là người quá hiểu về cái “công nghệ giáo dục” tức là tạo ra những người mang chất máy nhiều hơn chất người của hệ thống Soviet. Rát tiếc.

  10. khi alexandre de Rhodes phổ biến chữ quốc ngữ bằng mẫu tự la Tinh, thoát khỏi cảnh tiếng việt viết giống tiếng Tàu, toàn dân Việt phấn khởi vui mừng, nghìn lần biết ơn ngài Rhodes, tôi chưa thấy ai chửi ngài Rhodes dù chữ Hánđã quen với người Việt hàng ngàn năm còn các mẫu tự La tinh quá xa lạ. điều gì mang lại lợi ich thiết thực luôn được mọi người đón nhận.
    nền giáo dục VN đã đến hồi mạt vận, phụ huynh và trẻ em đến trường nhưng không còn chút niềm tin nào với nhà trường và bộ giáo dục. Tham nhũng trong giáo dục và sự vô cảm với hàng triệu phụ huynh cơ cực , khổ sở trăm bề đang đưa tương lai đất nước xuống bùn.
    sao đặt ra lắm thứ thi đua, lắm bằng khen mà không thi đua trường nào tiết giảm nhiều nhất tiền trường cho phụ huynh. sao không phạt nặng, đuổi việc các Hiệu trưởng tham nhũng lạm thu?
    Singapore tiến bộ vượt bậc nhờ có Lý quang diệu sáng suốt quan tâm đến giáo dục.

Comments are closed.