Trân Văn
13-9-2018
Sau khi nhóm lò, chọn vài cá nhân mà dân chúng ví von là “củi gộc” thảy vào lò, ông Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Đảng CSVN được tung hô là “bậc nhân kiệt thế Thiên hành đạo”, được gọi một cách trang trọng là “Ngài”. “Ngài” sẽ khôi phục tin yêu để dân chúng gửi gắm hy vọng vào sự nghiệp chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng CSVN. Tuy nhiên sau khi đi được vài bước trên con đường “chỉnh đốn Đảng”, “Ngài” đột nhiên khựng lại, “ngự” ngay giữa đường, không chịu đi nữa!
***
Một tuần sau khi dư luận dấy lên thắc mắc:
– Tại sao Viện Kiểm sát tỉnh Phú Thọ khẳng định, có đủ cơ sở kết luận ông Phan Văn Vĩnh (Trung tướng, Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát nhân dân) đã nhận của Nguyễn Văn Dương (Giám đốc Công ty Đầu tư – Phát triển an ninh công nghệ cao – CNC) chiếc đồng hồ Rolex trị giá 1,1 tỉ đồng để giúp CNC tổ chức đánh bạc (1) mà không truy tố ông Vĩnh “nhận hối lộ” (hình phạt có thể đến tử hình)?
– Tại sao chỉ có ông Vĩnh, ông Nguyễn Thanh Hóa (Thiếu tướng, cựu Cục trưởng Cục Cảnh sát Chống tội phạm công nghệ cao – C50) bị truy cứu trách nhiệm hình sự và bỏ qua trách nhiệm của giới lãnh đạo Bộ Công an Việt Nam, cho dù cáo trạng ghi nhận ông Vĩnh, ông Hóa đã báo cáo thượng cấp về việc chọn – tạo điều kiện – sử dụng CNC như “bình phong”, chấp nhận cho CNC tổ chức đánh bạc trên Internet nhằm xây dựng “hệ thống phòng thủ quốc gia về tội phạm mạng”? Giới lãnh đạo Bộ Công an Việt Nam không chấp nhận đề nghị ấy thì làm gì có chuyện CNC chia cho Bộ Công an Việt Nam 20% trong cơ cấu vốn của doanh nghiệp này dù Bộ Công an Việt Nam không góp đồng nào và trên thực tế, CNC đã chia cho Bộ Công an Việt Nam một phần lợi nhuận (chuyển cho C50 khoản tiền 700 triệu đồng kèm… một bộ phần mềm diệt virus trị giá 30.000 Mỹ kim) (2). CNC còn là doanh nghiệp sắm vai “nhà tài trợ chính” cho các “chương trình giao lưu”, “hoạt động từ thiện” của Tổng cục Cảnh sát, tổng giá trị tài trợ khoảng 1,1 tỉ đồng, chưa kể khi Tổng cục Cảnh sát tổ chức “tiếp khách”, ông Dương luôn luôn góp rượu, tổng giá trị số rượu đã góp được ghi nhân là hơn… 10 tỉ đồng?
vài tờ báo tại Việt Nam bắt đầu giải thích tại sao không thể truy tố ông Vĩnh, ông Hóa “nhận hối lộ” (3)…
Theo đó, dẫu ông Dương khai đã đưa cho ông Vĩnh 27 tỉ đồng và khoảng 1,7 triệu Mỹ kim, đưa cho ông Hóa 22 tỉ đồng nhưng vì ông Vĩnh chỉ thừa nhận, cá nhân ông chỉ nhận của ông Dương một… áo sơ mi, một… lọ thuốc bổ gan, còn ông Hóa thì khăng khăng chưa từng nhận bất kỳ thứ gì cho cá nhân mình và cơ quan An ninh Điều tra không tìm được chứng cứ chứng minh cả hai đã “nhận hối lộ” nên… đành để ông Vĩnh và ông Hóa nhận án tù có thời hạn (tối đa là mười năm, song rất khó để phạt tối đa vì cả hai có nhiều tình tiết… giảm nhẹ như: nhân thân tốt, phạm tội… lần đầu, nhiều thành tích, đóng góp nhiều cho… cách mạng, rồi ông Vĩnh và ông Hóa cùng là thương binh, ông Vĩnh còn là Anh hùng Lực lượng vũ trang,…).
Có một điểm cần lưu ý, hệ thống truyền thông chính thức tại Việt Nam từng đưa nhiều tin, bài, hình ảnh giới thiệu những khối tài sản không lồ của ông Vĩnh (4), ông Hóa (5) và ai cũng biết, ông Vĩnh, ông Hóa không thể tạo lập những khối tài sản khổng lồ ấy từ thu nhập chính thức, hợp pháp. Tuy nhiên vì hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam không cho phép điều tra – xử lý những trường hợp “giàu có bất thường”, kể cả khi ai cũng hiểu “giàu có bất thường” là con đẻ của tham nhũng, nhận hối lộ nên chỉ có thể xem xét – xử phạt ông Vĩnh, ông Hóa “lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.
***
Hôm 10 tháng 9, sau khi Ủy ban Thường vụ của Quốc hội Việt Nam tổ chức thảo luận lần cuối về Dự luật sửa Luật Phòng – Chống tham nhũng, trước khi các đại biểu của Quốc hội Việt Nam khóa 14 đổ về Hà Nội tham dự kỳ họp thứ sáu (khai mạc vào tháng tới), bà Nguyễn Thị Kim Ngân, Chủ tịch Quốc hội, kết luận, chuyển dự luật này cho… Bộ Chính trị xem xét, quyết định về cách thức xử lý tài sản bất minh về nguồn gốc (6)!
Dự luật sửa Luật Phòng – Chống tham nhũng được khởi thảo từ 2015 nhưng đến nay, sau ba năm bàn bạc, tranh cãi, sửa tới, sửa lui nhiều lần vẫn chưa đâu vào đâu vì không dung hòa được những ý kiến khác biệt về ba điểm mấu chốt: Kê khai tài sản. Kiểm soát tài sản. Xử lý tài sản có dấu hiệu thủ đắc bất minh.
Tuy giới lãnh đạo hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam liên tục khẳng định phòng – chống tham nhũng “không có vùng cấm, không có đặc quyền, không có ngoại lệ” nhưng khi Ban Soạn thảo Dự luật sửa luật phòng – chống tham nhũng đưa vào dự luật các giải pháp để xử lý tài sản của những viên chức bị xác định là kê khai gian dối, giàu có bất thường, dự luật này liên tục rơi vào tình trạng mà dân chúng vẫn ví von là “không qua được vòng… gửi xe”.
Bà Lê Thị Nga, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Việt Nam – một trong những nhân vật chịu trách nhiệm giám sát việc soạn thảo Dự luật sửa luật phòng – chống tham nhũng, nhấn mạnh sự thất vọng của Ban Soạn thảo dự luật này: Sau khi đề nghị buộc những viên chức giàu có bất minh nộp thuế theo tỉ lệ nhất định tính trên tổng giá trị tài sản không thể giải trình về nguồn gốc, hoặc tịch thu sung công, nếu cần, truy cứu trách nhiệm hình sự – như một giải pháp nhưng bị phản đối, ban này mới đưa ra đề nghị khác – giao cho hệ thống tòa án xử lý tài sản mà những viên chức giàu có bất minh không thể giải trình về nguồn gốc – giờ, đề nghị ấy cũng bị “can gián”!
Bà Nga lưu ý, suốt ba năm qua, Ban Soạn thảo Dự luật sửa luật phòng – chống tham nhũng đã đưa ra sáu phương án để xử lý tài sản không thể giải trình về nguồn gốc của những viên chức giàu có bất minh, đến nay, bốn đã bị gạt bỏ, chỉ còn hai và cả hai đều không phải là giải pháp toàn diện, xử lý mỹ mãn “yêu cầu không gây xáo trộn, không tác động tới ai mà vẫn bảo đảm chống được tham nhũng”.
Tội nghiệp bà Nga và tội nghiệp cả Ban Soạn thảo Dự luật sửa luật phòng – chống tham nhũng! Giới lãnh đạo hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam đã minh định tham nhũng là “giặc”. Bà Nga và Ban Soạn thảo Dự luật sửa luật phòng – chống tham nhũng phải lập kế hoạch diệt “giặc” nhưng trên đời này làm gì có ai đủ khả năng nghĩ ra giải pháp toàn diện, vừa tìm – diệt được giặc, vừa “bảo đảm không gây xáo trộn, không tác động tới ai”? Nhân vật phi phàm ấy chắc chắn chưa chào đời!
Khi khuynh hướng phòng – chống tham nhũng phải “bảo đảm không gây xáo trộn, không tác động tới ai” là yêu cầu hàng đầu của “công cuộc chống nội xâm” thì những ông, bà như ông Vĩnh, ông Hóa vẫn có thể yên tâm “ăn no, ngủ kỹ”. Ngay cả trong trường hợp chẳng may phải đối diện với công lý thì những người nhân danh công lý cũng đã bị cột tay, không muốn cũng chỉ có thể “giơ cao, đánh khẽ” bằng những bản án tù có thời hạn, còn nhân dân chỉ có thể dè bỉu về khối tài sản khổng lồ, không thể giải trình về nguồn gốc của các công bộc rồi… thôi.
Năm 2013 – thời điểm Việt Nam đang thu thập ý kiến để sửa Luật Hình sự 2009, từ sự gợi ý của Chương trình phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP) và sự tiếp sức của tổ chức này thông qua “Dự án Tăng cường tiếp cận công lý và bảo vệ quyền tại Việt Nam”, một số viên chức của Quốc hội và Bộ Tư pháp Việt Nam từng đề nghị đưa thêm vào Luật Hình sự của Việt Nam tội “làm giàu bất chính” để truy tố những cá nhân giàu có một cách bất thường. Theo hướng này, nếu viên chức nào đó có tài sản lớn khác thường so với thu nhập hợp pháp và không thể giải thích hợp lý về nguồn gốc tài sản thì sẽ bị xem là phạm tội “làm giàu bất chính” để điều tra – truy cứu trách nhiệm hình sự (7). Năm 2015 – khi bỏ phiếu thông qua Luật Hình sự mới, rồi năm 2017 khi sửa Luật Hình sự mới sửa năm 2015, Quốc hội Việt Nam liên tục gạt bỏ đề nghị xác định hành vi “làm giàu bất chính” là tội phạm.
Nếu Bộ Chính trị Đảng CSVN gật đầu, Quốc hội Việt Nam “nhất trí” xem “làm giàu bất chính” là tội phạm cách nay ba năm, cho dù cơ quan An ninh Điều tra không tìm được chứng cứ chứng minh ông Vĩnh, ông Hóa đã “nhận hối lộ”, cả hai ông vẫn có thể bị “cách ly vĩnh viễn với cuộc đời”, tài sản bị sung công. Viễn cảnh ấy có thể đã ngăn hai ông phạm tội, đồng chí, đồng đội của các ông có thể đã chùn tay, không dám hành xử càn rỡ, táng tận lương tâm như người ta vẫn thấy.
Hồi đầu tháng này, tại buổi thẩm tra – góp ý cho báo cáo định kỳ của hệ thống tư pháp (Tòa án, Viện Kiểm sát, Công an) Việt Nam do Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Việt Nam tổ chức, ông Trương Trọng Nghĩa, đại biểu của TP.HCM ở Quốc hội Việt Nam, từng đề nghị hệ thống công quyền Việt Nam phải quan tâm và tích cực hơn đối với hoạt động tương trợ tư pháp giữa Việt Nam với châu Âu và Hoa Kỳ, bởi trong thực tế, nhiều viên chức tham nhũng đã tẩu tán tài sản, lập hậu cứ ở ngoại quốc trước khi bị lộ hay nghỉ hưu. Theo ông Nghĩa, muốn điều tra – xử lý tội phạm tham nhũng đạt hiệu quả cao nhất, phải chú trọng hợp tác quốc tế, truy tìm, thu hồi tài sản – tài khoản của các viên chức tham nhũng ở ngoại quốc (8).
Đề nghị của ông Nghĩa cũng là mong muốn của nhiều người Việt.
Giới lãnh đạo hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam đâu có thiển cận, họ đã nhìn thấy điều ấy từ lâu, chỉ có điều họ nhìn theo hướng khác. Đó là lý do năm 2003, Việt Nam ký Công ước Phòng – Chống tham nhũng (United Nations Convention against Corruption – UNCAC) nhưng bảy năm sau (2009) mới phê chuẩn UNCAC. Cho dù UNCAC là nền tảng của hợp tác quốc tế nhằm nâng cao hiệu lực giải trừ tham nhũng thông qua việc đặt định hàng loạt qui ước, chuẩn mực về tuyển dụng, bổ nhiệm công chức, buộc công chức phải tuân thủ các tiêu chí chung về hành xử khi thi hành công vụ, hệ thống tư pháp phải độc lập, hệ thống công quyền phải minh bạch, phải để các tổ chức dân sự tham gia giám sát, chưa kể đó còn là đại lộ, giúp Việt Nam gia tăng hợp tác đa quốc gia nhằm cùng truy tìm – thu hồi tài sản thủ đắc từ tham nhũng trên phạm vi toàn cầu, song lúc phê chuẩn, hệ thống chính trị, hệ thống công quyền tại Việt Nam đã tuyên bố giành quyền bảo lưu (không thực thi) một số nội dung của UNCAT. Bởi cho rằng, hình sự hóa hành vi làm giàu bất chính, thực hiện thủ tục dẫn độ,… chưa… phù hợp, Việt Nam chủ động đòi thực hiện UNCAC theo Hiến pháp và pháp luật thực định của Việt Nam, không áp dụng trực tiếp các qui định của UNCAT (9).
***
Càng ngày, người ta càng thấm thía những lời gan ruột của ông Trọng: Chống tham nhũng khó vì là chống chính mình. Phải đập chuột nhưng không thể để vỡ bình…
Bối cảnh chính trị – kinh tế – xã hội Việt Nam, cũng như nhân tâm đẩy Đảng CSVN đến chỗ phải chứng tỏ quyết tâm “tự chỉnh đốn”.
Ở vị trí Tổng Bí thư, ông Trọng phải dựng lò, chọn củi nhóm lò,… và phải bước vài bước trên con đường “chỉnh đốn Đảng”. Ông không bước thì không thu thập được tin yêu, tín nhiệm của đồng bào vào sự “tài tình, sáng suốt” của đảng do ông lãnh đạo, không giữ được độc quyền lãnh đạo toàn diện, tuyệt đối của tổ chức chính trị duy nhất tại Việt Nam. Còn nếu tiếp tục đi tới thì chắc chắn chẳng còn bao nhiêu đồng chí đồng hành. Nếu chẳng phải đa số đồng chí đều đã dính chàm, ông Trọng ắt sẽ không than, công bố tài sản của những viên chức trong diện buộc phải kê khai tài sản “rất khó, rất nhạy cảm”! Đó cũng là lý do cách nay hàng chục năm, giới lãnh đạo hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam đã phải sử dụng các “động tác kỹ thuật” khi phê chuẩn UNCAC, khi thông qua Luật Hình sự và giờ liên tục nâng lên, đặt xuống Dự luật sửa luật phòng – chống tham nhũng.
“Lò” giúp ông Trọng trở thành “Ngài”. Ngặt là bước tiếp, chỉ có đồng bào, không còn đồng chí, “Ngài” cũng hết vai trò nên “ngự” giữa đường là giải pháp tốt nhất. Thế thôi!
Chú thích
(2) https://www.voatiengviet.com/
(5) https://laodong.vn/phap-luat/
(7) http://dantri.com.vn/phap-