Bản tin Biển Đông ngày 5/9/2018

BTV Tiếng Dân

Ngoài thực địa

Tàu SAR 412 lai dắt tàu cá bị nạn và các thuyền viên về bờ. Nguồn: CAĐN

Trong một bản tin hiếm hoi về hoạt động của cơ quan chức năng của Việt Nam gần quần đảo Hoàng Sa, báo Công an Đà Nẵng cho biết, ngày 28 tháng 8, tàu cá số hiệu ĐNa 90105 TS của ông Nguyễn Văn Hùng ở Đà Nẵng đã bị hỏng hộp số trong khi khai thác hải sản, phải thả trôi  tại vùng biển cách đảo Tri Tôn thuộc quần đảo Hoàng Sa khoảng 70 hải lý về phía nam.

Nhận được thông tin đề nghị được cứu nạn, Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải Việt Nam đã thông báo cho các cơ quan liên quan và các phương tiện đang hoạt động trong khu vực tham gia hỗ trợ, đồng thời yêu cầu thuyền trưởng tàu cá duy trì liên lạc để tiếp nhận hướng dẫn từ bờ nhằm khắc phục sự cố và thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn cho thuyền viên. Tuy nhiên sau hơn 2 ngày tàu bị nạn, vẫn không thể khắc phục được sự cố và tiếp tục trôi dạt trên biển, có nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng của thuyền viên trong hoàn cảnh thời tiết có diễn biến phức tạp.

Trước tình hình đó, ngày 30 tháng 8, sau khi có chỉ đạo của Ủy ban quốc gia tìm kiếm cứu nạn, Bộ Giao thông vận tải, Cục Hàng hải Việt Nam, Trung tâm đã điều động tàu tìm kiếm cứu nạn SAR 412 xuất phát từ Đà Nẵng ra hiện trường cứu nạn. Lúc 23h15 cùng ngày, lực lượng cứu nạn hàng hải đã tiếp cận tàu được tàu ĐNa 90105 TS và thực hiện các hoạt động cứu hộ cần thiết, cứu thành công 6 ngư dân gặp nạn.

Đọc thêm: Trường Sa: Chiến hạm Philippines mắc cạn, Bắc Kinh cử tàu theo dõi  —  Philippines cứu thành công tàu chiến mắc cạn ở Trường Sa.

Dư luận chiến

Một bộ sách của tác giả Trung Quốc biên soạn cho thiếu nhi được dịch sang tiếng Việt và phát hành ở Việt Nam đã được phát hiện là có in bản đồ đường lưỡi bò, theo Vnxpress. Đó là bộ sách “Wow! – Những bí mật kỳ diệu” của tác giả Tôn Nguyên Vỹ dành cho học sinh từ 6 đến 16 tuổi.

Bộ sách được nói là chứa đựng những kiến thức cơ bản về khoa học và cuộc sống thông qua những mẩu chuyện nhỏ và hình ảnh nhân vật ngộ nghĩnh. Bộ sách được Thỏ Dương Dương và Phúc Bình dịch sang tiếng Việt và được NXB Thế giới và công ty sách Đinh Tị liên kết phát hành.

Tuy nhiên, nhiều phụ huynh đã phát hiện trong cuốn “Tìm hiểu về phương tiện giao thông” có hình minh họa bản đồ thể hiện yêu sách đường lưỡi bò của Trung Quốc ở Biển Đông.

Vnexpress cho biết, chiều 4/9, ông Đoàn Trần Lâm, Giám đốc, Tổng biên tập nhà xuất bản Thế giới, đã thừa nhận những sai sót trên và đã yêu cầu Công ty sách Đinh Tị thu hồi, chỉnh sửa bộ sách.

Với những sách đã được phát hành ngoài thị trường, bạn đọc có thể mang sách đến đổi lại bản đã chỉnh sửa. Công ty sách Đinh Tị cũng đã rút lời giới thiệu bộ sách trên website của mình.

Mời đọc lại phân tích về Chiến tranh dư luận của Trung Quốc: Chiến Tranh Dư Luận trên Biển Đông và Sức Mạnh của Các Tác Phẩm Hư Cấu.

Quan hệ quốc tế

Liên quan tới chuyến thăm Liên bang Nga sắp tới, Tạp chí Cộng sản đưa tin, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã trả lời phỏng vấn TASS của Nga. Ba vấn đề chính trong mối quan hệ hai nước được nêu ra là quan hệ thương mại, hợp tác trong lãnh vực dầu khí và năng lượng, điện hạt nhân, và hợp tác an ninh quốc phòng. Tuy nhiên những câu trả lời của ông Trọng khá chung chung, ít có giá trị thông tin. Có một thông tin rõ ràng nhất là trong chuyến đi này, ông sẽ thúc đẩy quan hệ thương mại giữa hai nước.

Trong khi đó, Đại biện lâm thời Nga tại Việt Nam Vadim Vladirovich Bublikov cho biết chuyến thăm Nga của ông Nguyễn Phú Trọng có ý nghĩa quan trọng với sự phát triển của quan hệ hợp tác song phương Nga – Việt, theo báo Soha.

Trả lời câu hỏi về vị trí của Việt Nam trong chính sách đối ngoại của Nga ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, ông Bublikov cho biết, Việt Nam “chiếm vị trí đặc biệt trong chính sách hướng Đông của Nga“, trong bối cảnh Nga với 2/3 lãnh thổ nằm ở châu Á đang ngày càng chú ý nhiều hơn đến khu vực này. Ông khẳng định “Đây là quan điểm lâu dài, được ghi nhận trong các văn bản chính yếu của Nga, bao gồm Khái niệm về chính sách đối ngoại năm 2016, theo đó “Nga luôn mong muốn làm sâu sắc mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Việt Nam”. 

Đọc thêm: Vũ Quang Việt: Việt Nam mượn của Trung Quốc bao nhiêu? TS. Phạm Sỹ Thành: Sử dụng vốn Trung Quốc cần tỉnh táo  — Tổng thống Trump sẽ không tham dự hội nghị cấp cao ASEAN và Đông Á  —  Tướng NATO: Ấn Độ – Thái Bình Dương cần hành động chung để đối phó TQ.

Hợp tác quốc phòng

Như tin đã đưa, sáng 3 tháng 9, tàu đổ bộ HMS Albion (L14) của Hải quân Hoàng gia Anh đã cập cảng TP. Hồ Chí Minh, theo Zing News. Đại tá Neild, chỉ huy tàu HMS Albion cho biết chuyến thăm lần này của tàu là “một phần trong chiến dịch rộng lớn hơn của hải quân Anh trong năm 2018 đối với khu vực châu Á – Thái Bình Dương, nằm trong cam kết của Anh nhằm xây dựng hòa bình, an ninh và thịnh vượng tại khu vực”.

Đại tá Neild cũng cho Zing biết, ông “rất mong đợi việc Hải quân Nhân dân Việt Nam lên tàu để trao đổi và chia sẻ các ý tưởng nhằm tăng cường năng lực và mối liên kết giữa 2 lực lượng”.

Trả lời câu hỏi về việc Anh có kế hoạch triển khai tàu sân bay đến Biển Đông, đại tá Tim Neild nói rằng trong thời điểm hiện tại, ông không biết gì về kế hoạch này:

“Đây là thời điểm đầy hứng khởi đối với Hải quân Hoàng gia Anh khi chúng tôi đặt mục tiêu mở rộng phạm vi hoạt động hàng hải vào năm 2018. Tôi không nghi ngờ gì việc khi chiếc tàu sân bay được triển khai toàn nhiệm vụ và có đầy đủ năng lực tác chiến, nó sẽ được điều đến khắp thế giới và có lẽ bạn sẽ nhìn thấy chúng tại châu Á – Thái Bình Dương. Tuy nhiên, trong thời điểm hiện tại, tôi chưa nghe kế hoạch nào như vây”, chỉ huy Neild nói với Zing.

Đọc thêm: Thuỷ quân lục chiến Nhật sẽ tham gia tập trận chung với Mỹ và Philippines tại Biển Đông và ngoài khơi Okinawa  —  Việt – Nhật gia tăng hợp tác quốc phòng đối phó Trung Quốc ở Biển Đông.

Bình Luận từ Facebook

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây