Thái
21-8-2018
Ngày 0 – Đi hay không đi, nói hay không nói
Thông qua anh Lê Viết Quốc, tôi được mời tham dự mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam. Anh Quốc nói ý định ban đầu là một cuộc họp nhỏ, gồm 10-15 chuyên gia đối thoại với chính phủ về AI và an ninh mạng, nhưng cuối cùng phình to thành một chuỗi sự kiện hơn 100 người, kéo dài 7 ngày. Tôi không biết tiêu chí lựa chọn là gì, ban tổ chức chỉ ghi đây là những người tài năng, thành công trong lĩnh vực khoa học và công nghệ.
Tôi do dự không muốn đi vì e ngại lãng phí thời gian mà không tạo được sự thay đổi gì. Đến lúc ngồi trên máy bay rồi, tôi vẫn nghĩ không biết có đáng hay không. Tôi chỉ quyết định đi sau khi một người bạn nói rằng cứ xem như một chuyến về thăm nhà, gặp chính phủ là phụ thôi, đừng kỳ vọng nhiều sẽ đỡ thất vọng. Vả lại nếu không đi thì lấy đâu ra chuyện mà kể. Tôi muốn tận mắt chứng kiến cách làm việc của chính phủ. Tôi cũng tò mò không biết các vị nguyên thủ của chúng ta ở ngoài đời như thế nào. Vì đi với mục đích cá nhân, tôi tự trả tiền vé máy bay. Ăn uống và ở khách sạn thì ban tổ chức lo, cũng không bao nhiêu tiền. Ban tổ chức cho ở khách sạn Quân Đội, tối nằm mơ không dám nói mớ. Nghe đồn lúc xây khách sạn này, họ rào kín, kiểm soát ra vào rất chặt chẽ.
Bạn tôi nói đã yêu cầu ban tổ chức cho tôi được đưa ý kiến khi gặp chủ tịch nước và thủ tướng. Tôi không thấy ban tổ chức nói gì về việc chuẩn bị. Một ngày trước khi tôi lên máy bay thì có người nhắn ban tổ chức muốn mời tôi trao đổi về an ninh mạng tại buổi họp với thủ tướng.
Nhưng khi tôi liên lạc lại được thì nội dung trao đổi đã thay đổi. Văn phòng Chính phủ sẽ giới thiệu về đề án Chính phủ điện tử, họ muốn có các bình luận và chia sẻ từ các chuyên gia tại Hoa Kỳ. Đề án đó họ cũng không gửi cho xem trước, đến đó họ mới trình bày, các đại biểu nghe xong và cho ý kiến. Tôi nói OK, nghe có vẻ lạ nhưng nếu không nói thì tôi cũng không biết làm gì khác, chẳng lẽ ngủ? Ngủ không phải là lựa chọn tồi, chỉ có điều tôi sợ ngáy quá người ta không thăm và làm việc được.
Cũng trong ngày hôm đó ban tổ chức đổi lịch làm việc và yêu cầu tất cả mọi người trong vòng 12 tiếng đồng hồ phải đăng ký lại từ đầu, vì “lý do an ninh”. Lúc đó là gần nửa đêm ở Mỹ, may thật không ngờ thói quen ngủ trễ lại giúp tôi không bị loại vào giờ chót. Tôi không thể thay đổi kế hoạch, nên không thể tham dự buổi gặp chủ tịch nước trong ngày đầu tiên. Ở Mỹ gặp gỡ bạn bè cũng phải lên lịch hẹn trước 1-2 tuần. Ở nước mình sao mà chuyện lên kế hoạch trước khó dữ vậy?
Ban tổ chức yêu cầu đăng ký tham gia các buổi họp chuyên đề. Không có chuyên đề riêng về an ninh mạng, nên tôi đăng ký nói về công nghệ U2F trong buổi chuyên đề về ngân hàng và fintech, buổi duy nhất có nhắc đến an ninh mạng. Bài của tôi không được nhận. Sau này tôi mới biết trong buổi chuyên đề ngân hàng có panel discussion bàn về security, nhưng tôi cũng không được chọn làm panelist. Thế là tôi đành đăng ký đến nghe buổi chuyên đề AI. Tôi tên Thái, dẫu sao thì AI đã nằm sẵn trong tên tôi rồi còn gì.
—
Ngày 1 – Gặp thủ tướng
Tôi đến Hà Nội vào đêm thứ bảy. Trời mưa lớn. Đường cao tốc từ Nội Bài về Hà Nội thật đẹp. Nhiều người đi bộ ngắm đường, một số người dự kiến sẽ đo đường. Tự dưng nhớ đến câu hỏi “Sao trong quy hoạch chưa thấy cao tốc cho miền Tây” đã làm cho Tuổi Trẻ Online bị đình bản ba tháng.
Hàng Không Quốc Gia Việt Nam rất hân hạnh làm ướt hết hành lý của tôi, khách sạn không có dịch vụ giặt ủi cấp tốc, nên tôi đành rị mọ ủi quần áo cho khô đến quá nửa đêm. Lệch múi giờ tôi ngủ đến 4h sáng đã dậy. Khách sạn Quân Đội nằm trên đường Nguyễn Tri Phương, tờ mờ sáng nhìn giống đường Tôn Đức Thắng năm nào với hai hàng cây cao.
6h sáng tôi mò xuống ăn sáng. Tôi thích ở khách sạn Việt Nam vì ăn sáng rất nhiều món ngon. Tôi quất hai tô phở, một chén xôi và đương nhiên là rất nhiều dưa hấu. Thôi thì nếu không được nói tôi cũng đã được ăn. Tắm rửa, lên đồ, nhìn như chú rể. Tôi muốn ăn mặc nghiêm chỉnh, vì muốn thể hiện sự tôn trọng với thủ tướng và bộ sậu, những người mà tôi sẽ gặp sáng hôm đó.
Nhưng tôn trọng không cần phải tay bắt mặt mừng, lưng hơi khom, rồi tranh thủ selfie với thủ tướng gửi lên Facebook. Quyền lực có sức hút và cả sự đe dọa. Phải chăng khúm núm khi đứng trước quyền lực chỉ là một phản xạ tự nhiên của những năm tháng thiếu tự do? Tôi thích chụp hình với những người mà tôi ngưỡng mộ. Tôi chưa thấy lý do để ngưỡng mộ thủ tướng và các vị bộ trưởng. Hi vọng một ngày nào đó họ sẽ cho tôi lý do.
Lúc ăn sáng tôi cũng tranh thủ làm quen với những người trong đoàn. Các anh chị em đến từ nhiều nước, làm đủ mọi ngành nghề có liên quan đến công nghệ và khoa học. Đa số mọi người được ban tổ chức báo trước 2 tuần nhưng đều thu xếp công việc tham dự. Chính phủ thật là có sức thu hút.
Việc tổ chức đi lại, ăn uống do một công ty du lịch tư nhân đảm nhiệm. Đoàn chia làm 3 xe bus. Lúc lên xe ban tổ chức có thông báo danh sách 4 người được chọn phát biểu ý kiến trong buổi họp với thủ tướng. Tôi không được chọn. Tôi cũng chẳng buồn hỏi tại sao, nên ban tổ chức cũng lơ luôn, chẳng buồn giải thích.
Phủ thủ tướng là một tòa nhà bề thế, không phải kiến trúc kiểu Pháp như phủ chủ tịch. Mọi người được dặn là phải đem theo passport để kiểm tra an ninh. Đây cũng là lý do mà ban tổ chức yêu cầu phải đăng ký lại từ đầu như đã kể ở trên. Nhưng rốt cuộc chẳng có ai kiểm tra passport, chỉ có kiểm tra an ninh qua loa rồi thôi. Bạn tôi nói ngày hôm trước gặp chủ tịch nước cũng như vậy.
Đoàn vào phòng họp chính của văn phòng thủ tướng. Đây là căn phòng thường thấy khi tivi tường thuật các buổi họp của chính phủ. Tôi nghĩ bụng hôm nay đẹp trai thế này phải tìm chỗ ngồi để lên tivi cho oách xà lách, nhưng rốt cuộc suốt buổi chỉ ngắm đít mấy anh quay phim.
Theo kế hoạch cuộc họp bắt đầu lúc 9h, nhưng thủ tướng đến trễ hơn 30 phút vì, theo lời của vị thư ký giúp việc thủ tướng, “đang trên đường từ sân bay về đã đến cầu Nhật Tân”. Không ngờ nhà thủ tướng ở xa rứa, mỗi ngày đi làm phải đi máy bay. Chắc thủ tướng tích được nhiều điểm lắm đây, thích nhỉ.
Sau màn tay bắt mặt mừng, bộ trưởng Mai Tiến Dũng bắt đầu cuộc họp ngay lập tức. Đầu tiên là bộ trưởng bộ Kế hoạch – Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu. Ông ấy nói chuyện ngắn gọn, giới thiệu về chương trình kết nối đổi mới sáng tạo. Sau đó bộ trưởng văn phòng chính phủ Mai Tiến Dũng tổng kết ngắn gọn, khá đầy đủ các mục tiêu và vấn đề hiện tại của chính phủ điện tử. Lúc bộ trưởng Tiến Dũng phát biểu thì có người đi phát danh thiếp của ổng. Một điều không biết nên vui hay buồn là ông bộ trưởng sử dụng Gmail. Phải chăng nếu xài một dịch vụ trong nước, ổng sợ bị đọc trộm email?
Quyền bộ trưởng bộ Thông Tin Truyền Thông Nguyễn Mạnh Hùng và bộ trưởng bộ Khoa học Công nghệ cũng đến dự nhưng không phát biểu, chỉ thấy ghi chép rất dữ dội. Mỗi lần nhìn thấy cảnh các quan chức ghi chép không hiểu sao tôi lại nhớ đến phim The Shining. Ai coi phim này rồi sẽ hiểu tôi đang nhớ đến cảnh nào ;-).
Phần tiếp theo là phát biểu của đại diện đoàn chuyên gia. Một vị giáo sư tiến sĩ đến từ Hàn Quốc (tôi không nhớ rõ) đại diện đoàn tuyên bố “chúng em xin hứa”, “chúng em quyết tâm”, v.v. Có những khoảnh khắc trong đời mà ta thấy bần thần, không hiểu tại sao mình đang ở đây, quyết định sai lầm nào của cuộc đời đã đưa đẩy ta đến chỗ này. Đây là một giây phút như vậy.
Các phát biểu tiếp theo đỡ hơn, nhưng cũng không để lại cho tôi ấn tượng gì đặc biệt. Tôi không nhớ họ đã nói gì, ngoại trừ có một chị từ Pháp nói phải xây dựng hành lang pháp lý công nghệ. Lần tới tôi sẽ ghi chép.
Tiếp theo là thủ tướng phát biểu. Tôi để ý từ nãy giờ thủ tướng ghi chép rất hăng say. Tôi cứ nghĩ ổng giải quyết việc khác, nhưng có vẻ như ổng ghi chép nội dung cuộc họp. Thủ tướng nói gần 45 phút. Kế hoạch là 10h30 sẽ kết thúc, nhưng rốt cuộc kéo dài đến hơn 11h. Thủ tướng cũng dư dả thời gian ghê. Hèn chi việc gì ở Việt Nam cũng phải báo thủ tướng. Tôi cũng không nhớ rõ thủ tướng nói gì, ngoại trừ việc ông định nghĩa cách mạng 4.0 là gì và nhắc nhớ những tấm gương nhà khoa học, chuyên gia nước ngoài từ bỏ cuộc sống giàu sang ở phương Tây về giúp ích đất nước trong thời chiến.
Trong lúc thủ tướng nói thì có người đi phát quà của thủ tướng, là một cây viết khá đẹp. Không biết có phải khai báo với công ty không nhỉ? Công ty tôi có quy định nhận gì hay cho gì liên quan đến quan chức đều phải thành khẩn khai báo để nhận được sự khoan hồng của cách mạng 4.0.
Phát biểu của thủ tướng và các vị bộ trưởng không có nhiều thông tin hoặc ý kiến mới, nhưng tôi thấy họ khá chân thành. Sau buổi họp tôi có thiện cảm hơn với chính quyền và cũng có nhiều thắc mắc hơn về tiêu chí ban tổ chức chọn chuyên gia tham dự sự kiện.
Màn cuối cùng không thể thiếu trong các buổi gặp lãnh đạo là chụp hình lưu niệm. Ngoài tán dóc ra thì chụp hình là hoạt động phổ biến nhất trong suốt chuyến đi. Mọi người rồng rắn xếp hàng chụp hình, xong rồi rồng rắn lên xe. Nhưng một số người ở lại rất lâu để chụp hình riêng với các lãnh đạo. Lãnh đạo nói, nhân tài xếp vòng tròn bán nguyệt xung quanh, ai cũng cười rạng rỡ. Một hình ảnh không thể đẹp hơn, minh chứng hùng hồn cho sự thành công rực rỡ của sự kiện lần này.
Mãi một lúc sau tất cả mọi người mới lên xe. Lúc này ban tổ chức mới thông báo một tin rất vui. Quyền bộ trưởng bộ TTTT Nguyễn Mạnh Hùng mời đoàn ăn tối và trao đổi. Đây là tiết mục mới, không có trong chương trình. Tôi cũng muốn gặp và nói chuyện với ông Hùng, nhưng tối đó đã có hẹn trước. Nghe nói buổi nói chuyện thành công tốt đẹp, kéo dài đến gần 11h đêm. Bạn tôi nhiều người có ấn tượng tốt với ông bộ trưởng bộ sự thật.
Chúng tôi ăn trưa ở một nhà hàng khá bình dân. Tôi ngỡ sẽ được ăn món ngon Hà Nội, nhưng chỉ có cơm canh bình thường. Tôi muốn ăn bún chả! Bạn tôi nói thấy thất vọng vì hai hôm nay chỉ là màn PR cho chính phủ. Tôi nói do tôi không có nhiều kỳ vọng nên tôi thấy cũng không đến nỗi. Could be worse. Tôi nói hi vọng tiếp theo sẽ tốt hơn.
Lúc quay trở lại xe bus đi ra Trung tâm hội nghị quốc gia cho chương trình buổi chiều tôi mới ngớ ra, hmm thế là hết cơ hội trao đổi về luật an ninh mạng với hai người đứng đầu nhà nước. Tôi tự hỏi nếu trong lúc mọi người đang hăng say chụp hình với thủ tướng, tôi xông pha nhào vào nói vài ý ngắn gọn thì có thay đổi được gì không? Không biết bao giờ mới có được một cơ hội như vậy nữa.
—
Ngày 1 – Lễ công bố mạng lưới kết nối đổi mới sáng tạo
Đây là lần đầu tôi đến Trung tâm hội nghị quốc gia. Thật hoành tráng. Chỗ này mà mướn làm đám cưới chắc lỗ sặc máu. Khán phòng rất rộng chỉ kín một nửa và phần lớn là các bạn mặc áo xanh tình nguyện. Bao nhiêu bạn trẻ quan tâm đến khoa học công nghệ, tương lai đất nước này đây rồi sẽ rất xán lạn. Tôi thì bắt đầu buồn ngủ.
Lễ công bố kéo dài 4 tiếng đồng hồ. Trước giờ chỉ có đi coi ca nhạc “phản động” ở San Jose mới lâu như vậy. Nhưng lễ công bố cũng rất nhiều âm nhạc. Phần mở đầu rất ấn tượng với màn trình diễn của pianist Nguyễn Việt Trung. Tiếp theo là bài Tự nguyện của ca sĩ quán quân Sờ Mờ Đờ Hờ 2017. Tôi đang ngủ gật nghe đến phải chết cho quê hương tỉnh hẳn, đề phòng liền.
Tiếp theo hàng xóm của tôi lên phát biểu. Tiến sĩ Bùi Hải Hưng phát biểu đầy cảm xúc, không khác gì lúc anh ấy all in. Tôi thấy đây là bài phát biểu rõ ràng, mạch lạc nhất, đi thẳng vào vấn đề. Nghe đồn tiến sĩ sẽ thành lập dự án DeepMail Việt Nam, viết tắt là DMVN.
Mấy bài phát biểu sau đó đã đưa tôi vào giấc ngủ. Lúc tôi đang mơ về bún chả ngõ Phất Lộc cách mạng đã là 80.0 rồi. Lên nhanh không kém bitcoin xuống giá. Khí thế hừng hực, không gì cản nổi. Khán phòng chỉ chùng xuống đôi chút khi anh Lê Viết Quốc báo một tin rất xấu cho cuộc cách mạng của chúng ta, đó là Việt Nam chưa sẵn sàng. Không có báo nào đăng tin xấu này cả.
Thực ra nói cách mạng 4.0 không sai, bởi vì Việt Nam không có nhân lực, không có dữ liệu, không có hạ tầng tính toán lớn và chính phủ không có chiến lược hay hành động cụ thể nào giải quyết ba cái không vừa rồi. Một, hai, ba, bốn, không! Tôi chẳng hi vọng chính phủ sẽ làm được gì và chỉ mong chính phủ đừng làm gì cả. Nếu muốn làm thì hãy dừng lại ở mức hỗ trợ, tạo điều kiện tối đa cho những dự án tư nhân như VietAI hay viện nghiên cứu Big Data vừa công bố của Vingroup.
Edit: Nói cho rõ, tôi biết có các công ty tư nhân ở Việt Nam, vì nhu cầu thị trường, đã và sẽ làm thu thập dữ liệu, thuê mướn đào tạo nhân lực, đầu tư xây dựng hạ tầng tính toán, xử lý dữ liệu, v.v. mà không cần chính phủ phải can thiệp gì cả. Có nhiều chuyên gia Việt Nam học ở nước ngoài, nhất là chương trình VEF, đã về Việt Nam làm việc cho các doanh nghiệp này. Các dịch vụ cloud computing cũng đã cung cấp sẵn hạ tầng dữ liệu rồi. Nhưng số lượng các công ty và các chuyên gia còn rất rất ít. Các trường đại học không có dữ liệu, không có GPU hoặc không có tiền để thuê dịch vụ cloud. Thông tin từ anh Hưng và anh Quốc, chưa có nghiên cứu nào đến từ Việt Nam xuất hiện ở các hội thảo AI hàng đầu (trong khi Trung Quốc nhiều khủng khiếp).
Vì có hẹn trước buổi tối nên tôi ra về sớm, không nghe bài phát biểu của phó thủ tướng Đam. Nghe mọi người nói ông Đam rất quyết liệt và khéo léo. Tôi về nhà tắm rửa, bạn dẫn đi ăn tối, tưởng là ăn món Hà Nội, nhưng lại ăn đồ Pháp. Đồ Pháp ở Hà Nội ngon như đồ Hà Nội ở Pháp.
Lúc quay lại khách sạn, tôi thấy một đám người lố nhố đứng lựa ảnh in khổ lớn hình chụp với thủ tướng sáng nay. Tôi nhớ tôi đứng vào một góc xa, nên cũng muốn xem có thấy mặt mình đâu không. Tôi cũng chẳng có ý định lấy hình làm gì, thờ vào đâu cũng chả hợp, nhưng chưa kịp xem thì một ông đã nói, “lấy hình đi em, hình này đẹp nè, mỗi tấm 200 nghìn”. Trời. Trời. Trời. Tôi tưởng ổng nói đùa. Ai dè nói thiệt. What the hell!
Tôi không biết những người này là ai, sao họ lại bán hình ở đây là sao là sao là sao??!!? Họ là ban tổ chức, công ty du lịch hay, tôi không dám nghĩ đến, người trong phủ thủ tướng? Hóa ra đây là một nghề rất dễ kiếm sống. Mỗi ngày bao nhiêu đoàn vào thăm thủ tướng, cứ chụp hình ăn tiền thôi.
Họ bán được lắm…
(còn nữa)