Bản tin Biển Đông ngày 20/8/2018

BTV Tiếng Dân

Ngoài thực địa

Một số báo trong nước đưa tin, một tàu cá và 5 ngư dân Bình Thuận đang mất tích ở quần đảo Trường Sa đã gần một tháng.

Trước đó, vào ngày 23-7, tàu cá BTh-96769 TS do ông Trần Nhật Trường (41 tuổi), trú ở phường Phước Hội, thị xã La Gi rời cảng cá La Gi ra khơi, khởi đầu chuyến đi đánh bắt hải sản ở vùng biển Trường Sa.

Từ đó đến nay, tàu cá nêu trên mất liên lạc, nên Đài thông tin duyên hải Phan Thiết đã phát thông báo, đề nghị các tàu vận tải biển, tàu đánh cá vận hành trên vùng biển Trường Sa phối hợp, hỗ trợ tìm kiếm từ nhiều ngày qua nhưng không phát hiện dấu tích có liên quan.

Không thấy Báo Hải quân cung cấp thông tin về sự mất tích này. Báo Hải quân chỉ cho biết, ngày 18 tháng 8, tàu kiểm ngư KN 469 vừa cứu kéo tàu ngư dân QNa 90839 TS gặp nạn vào đảo Song Tử Tây. Cũng trong ngày 18 tháng 8, các cán bộ, quân nhân trên đảo Song Tử Tây đã sửa chữa một tàu ngư dân khác, tàu BĐ 96475TS và cấp cứu một ngư dân.

Đọc thêm: Lớp học đặc biệt ở Trường Sa.

Chính sách biển Việt Nam

Chiều 16/8, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc họp với một số bộ, ngành, địa phương liên quan về Chiến lược Biển Việt Nam.

Như thường lệ trong các báo cáo của quan chức Việt Nam luôn có một phần là những đánh giá về những thành tích mà các Bộ, ngành đã đạt được. Tuy nhiên những đánh giá này còn chung chung, nặng về quan điểm mà không có số liệu cụ thể.

Cụ thể, theo Cổng thông tin Thủ tướng chính phủ, Báo cáo do Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà trình bày cũng như ý kiến phát biểu của các bộ, ngành, địa phương ven biển cho rằng, sau thời gian thực hiện chiến lược biển, kinh tế biển, ven biển đã có sự phát triển toàn diện. Đời sống người dân ven biển được nâng lên. Các ngành kinh tế như du lịch và nghỉ dưỡng biển, nuôi trồng, khai thác, chế biến hải sản, vận tải biển tăng trưởng. Tình hình kinh tế-xã hội các tỉnh ven biển chuyển biến rõ nét. Công tác bảo vệ môi trường biển ngày càng được quan tâm.

Và theo các Bộ ngành Việt Nam, vẫn còn tồn tại nhiều khó khăn, thách thức về biển, hải đảo, nhất là những hạn chế về nhân lực, khoa học công nghệ biển, năng lực quản lý tổng hợp và thống nhất về biển, cơ chế phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương và các lực lượng trên biển…

Trước đó, Tạp chí Thuỷ Sản số 15 (2018) của Hội Nghề cá Việt Nam cho biết, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đặt mục tiêu cho Việt Nam đến năm 2020, kinh tế trên biển và ven biển đóng góp khoảng 55% GDP và 60% xuất khẩu của cả nước.

Để thực hiện mục tiêu này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề ra một số giải pháp như sau:

Thứ nhất, hoàn thiện thể chế chính sách, pháp luật và quy hoạch về biển và hải đảo; triển khai tốt Luật Biển, Luật Tài nguyên, môi trường biển – hải đảo và các quy định liên quan đến biển. Việt Nam đã ký và tham gia nhiều công ước, thoả thuận quốc tế về biển nhằm tạo khuôn khổ pháp lý cho phát triển kinh tế biển.

Thứ hai, thực hiện đồng bộ các chính sách nghiên cứu, phát triển và ứng dụng khoa học công nghệ biển; hiện đại hoá cơ sở hạ tầng biển phục vụ kinh tế biển như các tuyến đường ven biển, hệ thống cảng biển…

Thứ ba, bảo vệ môi trường, sinh thái biển là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, thường xuyên và lâu dài. Phát triển kinh tế biển đi đôi với bảo vệ môi trường biển là chủ trương nhất quán trong chiến lược biển của Việt Nam với nguyên tắc “sử dụng và khai thác” phải đi đôi với “giữ gìn và tái tạo”, không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế. Tất cả các dự án phát triển kinh tế biển phải bảo đảm thực hiện đầy đủ, hiệu quả các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường. Chính phủ Việt Nam khuyến khích các doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư vào phát triển bền vững kinh tế biển như bảo tồn hệ sinh thái biển, phát triển thuỷ sản bền vững, năng lượng tái tạo, xử lý các chất thải ra biển, nâng cao năng lực ứng phó biến đổi khí hậu và nước biển dâng.

Thứ tư, đẩy mạnh hợp tác và hội nhập quốc tế, đóng góp tích cực và có trách nhiệm vào củng cố hoà bình, ổn định trên các vùng biển. Việt Nam ủng hộ các nỗ lực của quốc tế nhằm thiết thực góp phần bảo đảm hoà bình, an ninh, an toàn, tự do hàng hải, hàng không và bảo vệ môi trường biển. Việt Nam kiên trì giải quyết những khác biệt và tranh chấp bằng biện pháp hoà bình, tuân thủ luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982; tôn trọng tiến trình ngoại giao và pháp lý; tăng cường sự tin cậy lẫn nhau; không sử dụng vũ lực hoặc đe doạ sử dụng vũ lực; thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông; thúc đẩy sớm đạt được Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông thực tế và hiệu quả.

Đó là những giải pháp mà Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đưa ra nhằm đưa kinh tế biển phát triển đạt trên 50% GDP của cả nước.

Trên trang Dự án Đại Sự Ký Biển Đông đã tập hợp một Bộ tư liệu Các văn bản chính sách/pháp luật, ký kết quốc tế, dự thảo luật liên quan tới bảo vệ, quản lý và phát triển biển đảo trong sáu tháng đầu năm 2018.

Đọc thêm: Bộ Quốc phòng Việt Nam: Xây dựng Cảnh sát biển Việt Nam “cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại” đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới  —  Bộ Ngoại giao nỗ lực hỗ trợ Quảng Ninh thu hút các nguồn lực cho phát triển.

Bình Luận từ Facebook

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây