Trương Minh Ẩn
18-8-2018
Hôm đi Bảo Lâm, Lâm Đồng, tôi có ghé ngang thị trấn Đạ Tẻh. Anh bạn ở đây rủ ra chợ ngay trung tâm để kiếm ít đồ cho buổi tối lai rai, cũng như dạo chợ, bởi có thể đây là lần cuối vì chợ sắp bị giải tỏa, đưa ra ngoài thị tứ. Có lẽ nơi đây rồi sẽ trở thành một siêu thị, một cao ốc phức hợp, một trung tâm giải trí… của một đại gia, hay có thể của một công ty sân sau của quan chức nào đó, hoặc những người này kết hợp với nhau.
Nói như vậy, bởi dân tình đã thấy rất nhiều cảnh các chợ nơi trung tâm bị di dời, cũng như những khu đất được gọi là khu đất vàng, bị thôn tính. Sau đó thì những nơi này sững sững mọc lên các tòa cao ốc lớn, mang tên của những công ty, tập đoàn khét tiếng. Những công ty, tập đoàn “sống được” làm sao không có hậu thuẫn phía sau?
Trên đường về, ngang thành phố Bảo Lộc, thấy chợ lớn ngay trung tâm cũng đã bị quây quanh bằng những pano, có nghĩa là nó đã bị giải tỏa, mà mấy năm trước tôi đã ghé ngôi chợ buôn bán sầm uất, mỗi khi dừng chân nơi này.
Lấy các chợ trung tâm, các khu đất vàng, mà người ta gọi là quy hoạch. Cụm từ “Quy hoạch”, nghe thật quái lạ, bởi những khu trung tâm này đã được quy hoạch từ lâu rồi. Quy hoạch phải là một việc làm mới mẻ chứ.
Thời Việt Nam Cộng Hòa, Tổng thống Ngô Đình Diệm cũng cho quy hoạch các khu mới, cấp lương, cấp đất trong các khu này cho dân di cư từ Bắc vào Nam sinh sống.
Việc quy hoạch là việc lớn, việc của nhà nước. Làm cho dân có cuộc sống ổn định, sau đó làm giàu, phát triển bền vững, nước mới mạnh.
Ngày nay thì ngược đời. Quy hoạch rơi vào tay cá nhân tư lợi, phần nhiều đó chỉ là cách nói mỹ miều để lừa dối dân. Lừa dối bằng đủ mọi thủ đoạn, chẳng hạn như người ta viện cớ là vùng đất đó cần phát triển lên, cần chỉnh trang, để lấy đất của dân rồi đền bù với giá rẻ mạt, ăn cướp đất của dân một cách hợp pháp.
Cụm từ “quy hoạch” đã đẩy không biết bao nhiêu người dân vào cảnh khốn cùng. Quy hoạch đã làm bất ổn xã hội, tạo khoảng cách giàu nghèo ngày càng lớn. Thậm chí có những nơi dân chúng tự quy hoạch sẵn, người ta tới chiếm, biến thành công lao của họ hay của nhà nước.
Cũng như Đạ Tẻh là vùng đất của dân tộc thiểu số khai phá, sinh sống ngày trước. Bây giờ những chỗ trung tâm, những chỗ màu mỡ, những chỗ tốt không còn của họ nữa. Người ta tới lập thị trấn, đẩy dân bản xứ ra ngoài rìa, làm “quy hoạch” cộng đồng dân cư sống định canh, định cư cho họ, bằng cách xây sơ xài những căn nhà với bốn vách bằng gạch thô, gác vài cây kèo, lợp mấy tấm tôn xi măng là xong. Vài ba năm là xuống cấp trầm trọng, bởi người ta đã bắt tay nhau rút ruột sạch công trình.
Một số người bị đẩy dần vào rừng sâu hơn. Rừng lại bị tàn phá thê thảm, họ buộc phải phá rừng để lấy gỗ, lấy đất làm nương rẫy mà tồn tại. Và văn hóa đặc trưng của họ dần bị mai một, tệ hại hơn là họ bị tiêm nhiễm thói hư, tật xấu, mất dần tính thật thà vốn có từ lâu đời.
Thường hầu hết những vụ cướp đất của dân bằng “quy hoạch” đều thành công, nếu không lầm thì duy nhất chỉ có một nơi “quy hoạch” bị thất bại, đó là không giải tỏa được chợ Sặt ở Biên Hòa. Tiểu thương trong chợ đồng lòng, nhất quyết không chịu dời qua chợ mới. Sau đó người ta lấy tên chợ Sặt cho chợ mới cũng không xong, bị phản đối kịch liệt, buộc phải đổi tên thành chợ Tân Biên. Hiện tại chợ Tân Biên như một cái kho chứa nông sản, rau củ thì đúng hơn, nó nhếch nhác kinh khủng.
Chỉ có sự đồng lòng của người dân, như người dân ở chợ Sặt, Biên Hòa, cùng đứng lên, mới có thể chống lại chuyện cướp nguồn sống của dân bằng “quy hoạch”.
Chưa từng thấy trên thế giới,dân V N tôi ơi sao khổ thế; cứ tin đi trời sẽ tru đất sẽ diệt chúng nó,đời đời con cháu nhà chúng nó sẽ bị trời trừng phạt.
Nước ngoài quy hoạch hiếm có chính quyền cá nhân hưởng lộc trái phép, vì điều đó đồng nghĩa với mất hết. Ở Việt Nam có thể nói khá chắc chắn là công trình nào cũng có kẻ hưởng lợi – thậm chí cực lớn nên thi nhau quy hoạch. Về Thủ đô xem các chợ truyền thống bây giờ thế nào. Các doanh nghiệp lớn sau khi có quy hoạch và trung tâm moc lên thì rời bỏ chợ ra bên ngoài bỏ tiền chạy chọt kinh doanh bừa bãi tràn lan làm khổ sở dân. Thế là họ được đơn được kép: quy hoạch 1 khoản tiền lớn – và sau quy hoạch lại làm ô che cho con buôn thả sức chui sâu vào nhà dân, ví dụ gây ô nhiễm.