Chưa phải là cơn bão cuối cùng (Kỳ 2)

Thưa quý Tòa, các ngài đã đọc kỹ Que diêm thứ Tám chưa? Các ngài có thấy có một câu chữ nào tác giả phản bội Tổ Quốc, chống lại Nhân Dân. Các ngài chỉ ra, tôi xin chịu tội, không cần phải mất thì giờ các vị xét hỏi. Còn như kết tội chống Đảng, chống phá Nhà nước thì Đảng nên tự xem lại mình.

Văn Biển Thế Dũng

17-8-2018

Tiếp theo Kỳ 1

Thế Dũng: Tôi cho rằng dù được chuyển hóa từ một kịch bản sân khấu thì tiểu thuyết Que diêm thứ Tám đã được anh viết ra bằng bút pháp của chủ nghĩa hiện thực huyền ảo phương Đông mang đậm sắc thái Việt? Chính bút pháp này đã làm cho cuốn sách vừa có không khí tiểu thuyết tâm lý xã hội, vừa có kích cỡ của một tiểu thuyết tư liệu lịch sử tỏ bày nhiều chuyện thâm cung. Anh nghĩ sao về cảm nhận của tôi?

Nhà văn Văn Biển: Câu này tôi đã trả lời phần nào ở những câu hỏi đầu. Ở đây tôi xin nói thêm, khi cầm bút chuyển từ kịch bản sân khấu sang tiểu thuyết, tôi không nghĩ tới sẽ dùng bút pháp gì. Đơn giản khởi đầu của kịch bản là một câu chuyện thuần túy ở cõi âm. Điều này không có gì mới ở văn học nước ta, đã có từ những thế kỷ trước. Nhưng khi chuyển sang tiểu thuyết thì những điều chưa nói được hay không thể nói được trong kịch bản thì khi chuyển sang tiểu thuyết có điều kiện để nói lên những chuyện trên trần thế, những nhân vật có thật ngoài đời, những nhân vật lịch sử đã mất hoặc còn đang sống. Vì lẽ đó, mới có những “chương viết thêm” ngoài những chuyện xảy ra ở cõi âm.

Cũng không dám gọi là sự sáng tạo khi trộn lẫn cả hư và thực. Gọi là một kho tư liệu như anh nói thì e hơi quá. Chỉ điểm qua một số nhân vật mình biết, nắm bắt được, những nhân vật quan trọng, tầm cỡ. Tôi không có tham vọng hay ý đồ nói về các chuyện thâm cung bí sử. Nếu cần thì đó là nội dung của một cuốn sách khác.

Thế Dũng: Anh có nói sách sẽ in ra và cái gì đến sẽ đến. Hình như trái tim anh vẫn tràn đầy thấp thỏm trước sự ra đời của Que diêm thứ Tám?

Nhà văn Văn Biển: Cảm ơn. Câu hỏi của anh đã gợi ý cho tôi viết trước mấy “lời tự bào chữa sớm của kẻ bị cáo… nếu một ngày nào đó buộc phải đối mặt trước Tòa án vì biết lúc đó mình không còn khả năng để đi, đứng và nói được trước Tòa.

Như mọi người đều biết, từ khi cướp được chính quyền về tay mình, Đảng dần độc quyền mọi thứ. Từ lòng yêu nước, chống giặc ngoại xâm cho tới tư tưởng chân lý… Tất cả mọi thứ Đảng đều lo. Người dân chỉ có nghĩa vụ nộp thuế, ngày càng nặng. (Trẻ em mới sinh ra đã gánh trên vai gánh nợ hàng chục triệu để bù vào chỗ thất thu hàng trăm, hàng nghìn tỷ của các doanh nghiệp nhà nước được xem như những quả đấm thép). Nói như nhà văn Dương Thu Hương, người dân như đàn ngựa mù hai bên mắt bị che lại, nhắm mắt đi theo con đường Đảng dẫn đi, mà ngay chính Đảng cũng không biết rõ mình đang đi đâu, về đâu. Đâu là đích tới. Người dân không dám mơ ước gì hơn, chỉ cầu mong sớm thoát ra khỏi một xã hội ngày càng loạn, bất an, bất ổn. Thật buồn và đáng lo.

Bây giờ xin đi vào tang chứng, vật chứng. Thưa quý Tòa, các ngài đã đọc kỹ Que diêm thứ Tám chưa? Các ngài có thấy có một câu chữ nào tác giả phản bội Tổ Quốc, chống lại Nhân Dân. Các ngài chỉ ra, tôi xin chịu tội, không cần phải mất thì giờ các vị xét hỏi. Còn như kết tội chống Đảng, chống phá Nhà nước thì Đảng nên tự xem lại mình. Một Đảng muốn mạnh cần phải lắng nghe các ý kiến phản biện. Nếu mọi việc Đảng làm trước nay đều tốt, không có gì sai thì làm sao sau 70 năm Đảng lãnh đạo Đất nước lại tụt hậu về mọi mặt so với thế giới. Không khéo sẽ kém cả Lào, Campuchia và phải mất 30 năm mới đuổi kịp,… không phải với các nước Châu Âu, mà với nước Mông Cổ hôm nay. Gần đây một Tổ chức thế giới xếp hạng “nước đáng sống” Việt Nam được xếp vào hạng thứ 2 áp chót, chỉ trên Libya, một nước nghèo đói ở Trung Đông. Nếu Đảng lãnh đạo tốt thì làm sao nạn tham nhũng ngày càng tràn lan. Các Đại án xảy ra liên tiếp. Đại án sau càng khủng hơn Đại án trước. Và gần đây được Tổ chức Minh Bạch thế giới xếp vào hạng thứ 2 trong 16 nước Châu Á Thái Bình Dương về tệ nạn tham nhũng.

Còn một điều này tưởng cần phải nói rõ hơn sự tàn phá môi trường không so sánh được với sự tàn phá văn hóa. Tòa án chỉ xử những kẻ tham nhũng, giết người, phá hoại môi trường, chưa có Tòa án nào xử những kẻ tàn phá giết chết một nền văn hóa được hun đúc mấy nghìn năm lịch sử. Nghìn năm giặc Tàu đô hộ, rồi tới trăm năm dưới sự cai trị của Pháp, tiếp đó là Nhật, dân tộc Việt Nam vẫn bảo tồn nền văn hóa của mình. Chẳng lẽ chưa đầy thế kỷ Đảng lãnh đạo lại đưa tới một kết cục bi thảm đến thế.

Một cuộc thảm sát văn hóa phi vật thể có bề dày mấy nghìn năm, không thể ngày một ngày hai phục hồi lại được.

Hồ sơ vụ án có thể dày ngàn trang, vạn trang. Nhưng không ai là tội phạm chính. Nó chỉ có một cái tên chung chung không thể bỏ tù: thể chế.

Những câu chữ, những bài viết trên các trang blog chẳng là cái gì cả, thế mà chủ của nó bị kết án hai, ba, thậm chí mười năm tù như blogger Mẹ Nấm.

Ngược lại với sự tàn bạo là lòng khoan dung, lòng khoan dung mạnh hơn vũ khí, mạnh hơn sự tàn bạo. Lòng khoan dung được UNESCO ghi nhận. Lòng khoan dung chứng tỏ một quốc gia đáng sống. Các ngài sợ gì những lời nói ngược khi Đảng và chính quyền có cả bộ máy khổng lồ chỉ để đàn áp những kẻ nói ngược, những tư tưởng, những chính kiến bất đồng.

Đảng muốn biến 90 triệu dân, nói như nhà Toán học yêu nước Ngô Bảo Châu, thành bầy cừu ngoan ngoãn đi bên lề. Và kết cục sẽ ra sao khi có giặc ngoại xâm. Cừu thì không thể nào chống lại với sói lang.

Đánh giặc và làm kinh tế, xây dựng đất nước trong đó có văn hóa là hai việc hoàn toàn khác nhau.

Khi ngồi vào ghế xử các blogger, những người bất đồng chính kiến, thiết nghĩ các ngài nên nhớ câu nói nổi tiếng của nhà triết học, đồng thời cũng là nhà luật học Voltaire: “Tôi có thể không đồng ý với những gì anh nói nhưng tôi sẽ bảo vệ đến chết quyền anh được nói”. Câu nói đó cách đây hơn một thế kỷ. Nếu các vị cảm thấy mình đúng là chân lý thì việc gì phải sợ, phải ngán những lời nói ngược không hợp “khẩu vị”.

Dịp cựu Tổng thống Obama tới thăm Việt Nam ông có nói: “Hàng ngày tôi nhận được vô vàn lời chỉ trích của nhân dân. Nhờ đó mà nước Mỹ mới lớn như hiện nay!”. Câu nói nghe như vô tình thốt ra, nhưng chắc không ngoài ý muốn nói với các vị lãnh đạo Việt Nam nên đối xử thế nào về sự bất đồng ý kiến của người dân.

Bao nhiêu blogger đang nằm trong các nhà tù rải rác khắp nước. Họ được gọi là “tù nhân lương tâm” với tội trạng: lợi dụng quyền tự do dân chủ chống lại Đảng, chống lại Nhà nước. Trò chơi đảo ngữ xưa nay Đảng thích dùng, và luôn có “hiệu quả”. Những người yêu nước, yêu lẽ phải, phải tới nơi mà Đảng ưu tiên dành cho họ. Lòng yêu nước, yêu lẽ phải được trả bằng những năm tháng tù đày, thậm chí bằng máu được coi như lệ phí đóng cho Đảng.

Ở ngưỡng tuổi 90, hàng ngày tôi vẫn miệt mài với công việc viết, đọc, lúc rỗi, tự làm giàu cho tuổi xế chiều, nâng niu từng cánh phong lan nhỏ, vui với tiếng chim muông ríu rít, cùng bao vẻ đẹp quanh mình:

… Hãy cúi nhặt chút bụi vàng

Thượng đế ban cho.

Cả những giọt lệ bên đường bất chợt…(1)

Và tôi biết mình phải làm gì cho Tổ quốc lúc lâm nguy, lúc ra đi không cảm thấy hổ thẹn với lương tâm. Coi như trả được phần nào món nợ đối với Đất Nước, với Nhân Dân. Một đất nước vốn giàu đẹp nhưng bất hạnh thay gánh quá nhiều đau thương không đáng phải có.

Nếu ngay từ những năm 45 thế kỷ trước, Đảng mở rộng vòng tay chấp nhận đa nguyên, đa đảng thì chắc chắn Đất Nước không có tình trạng thê thảm như hiện nay. Nhưng tiếc thay tất cả hình như đã muộn…

____

(1) Rút trong tập Thơ viết dưới giàn lan.

Bình Luận từ Facebook