Đàn ông anh hùng và hèn nhát

Thạch Đạt Lang

13-8-2018

Một buổi chiều như thường lệ, sau bữa cơm, tôi và Liên đi dạo theo những con đường chung quanh khu đồi Evergreen. Đang đi Liên chợt hỏi tôi: Chuyện cuốn Hồi Ký Của Một Thằng Hèn đến đâu rồi anh?

Câu hỏi của Liên làm cho tôi thật bất ngờ. Từ ngày gặp lại nàng, quyết định chung sống với nhau, chúng tôi đã có những cam kết không xen vào những hobby (sở thích riêng) của nhau. Hôm nay thật lạ lùng, Liên đặt câu hỏi vào một trong những hobby của tôi, điều mà tôi biết nàng rất ít khi để ý đến: Chính trị tại Việt Nam.

Đang đi song song nắm tay nhau, tôi bật cười, buông tay nàng ra, đứng hẳn lại, quay sang nhìn nàng:

– Ủa? Em để ý đến chuyện chính trị ở Việt Nam từ bao giờ vậy?

Liên cười, nheo mắt nhìn tôi:

– Anh làm như sắp tận thế không bằng. Đêm thứ sáu tuần trước, khó ngủ, em xuống nhà dưới, ngang qua phòng làm việc của anh, thấy computer còn mở, em định tắt dùm cho anh, tình cờ thấy bài viết nói về nhạc sĩ Tô Hải nên tò mò ngồi đọc hết. Hôm nay chợt nhớ ra nên muốn hỏi anh vụ đó ra sao rồi, cuốn sách chẳng những gây xôn xao ở hải ngoại mà cả ở trong nước, không biết ông Tô Hải có bị bắt không?

Tôi lắc đầu:

– Tác giả chưa bị bắt, nhưng chắc chắn sắp tới sẽ bị trù dập. Đối với những người từng là cán bộ văn hoá, đảng viên đảng cộng sản lâu năm như ông Tô Hải, chế độ cộng sản Hà Nội không thể đối xử giống như những người dân bình thường khác.

Tôi ngừng lại một chút rồi tiếp:

– Em chỉ đọc bài nói về ông Tô Hải, nhưng sau đó có đọc thêm quyển hồi ký của ông ấy không?

Liên không trả lời mà hỏi ngược lại tôi:

– Anh đoán xem em có đọc hồi ký đó không? Nhìn thẳng vào mặt nàng, khuôn mặt trái xoan, trắng hồng xinh đẹp với cặp mắt to đen, trong sáng và tinh anh, nhìn tôi vừa trìu mến vừa tinh nghịch, tôi cười:

– Có!

– Sao anh biết em có đọc?

Tôi không trả lời Liên mà âu yếm nắm tay nàng tiếp tục bước đi, Liên hỏi thêm:

– Tại sao người ta chỉ nói đàn ông anh hùng hay hèn nhát mà không nói đàn bà hả anh? Và theo anh, ông Tô Hải đã hết hèn chưa? Tại sao mãi đến lúc già, ngoài 80 rồi ông ấy mới dám viết và công bố những sự việc gian trá, tàn nhẫn, thâm độc…trái với lương tâm, đạo đức con người mà mình đã chứng kiến nhưng đã phải im lặng, câm nín suốt bao nhiêu năm trời?

Tôi trả lời:

– Đàn ông tượng trưng cho sự mạnh mẽ, hùng dũng, can đảm…, còn đàn bà tượng trưng cho sự yếu đuối, mảnh mai…, những sự việc trọng đại trong cuộc đời, xã hội, đất nước thường do đàn ông gánh vác. Đàn bà yểm trợ sau lưng người đàn ông do đó cũng không kém phần quan trọng. Đàn bà ra mặt gánh vác những việc lớn không nhiều, họ được gọi là anh thư và em nói đúng, chẳng ai chê người phụ nữ là hèn nhát..

Liên cắc cớ hỏi:

– Nhưng căn cứ vào đâu để kết luận người này anh hùng, kẻ kia hèn nhát?

Tôi đáp:

– Căn cứ vào hành động, việc làm hay lời nói của họ.  Định nghĩa một cách đơn giản thì anh hùng là người làm được những việc trọng đại, to lớn, đòi hỏi không những chỉ khả năng, dũng khí và lòng can đảm mà đại đa số người khác không làm được hay không dám làm, còn hèn nhát là người không đủ can đảm để làm những việc nên làm và phải làm vì lương tâm, đạo đức hay nghĩa vụ, bổn phận, đối với cộng đồng, xã hội hay đất nước, dân tộc…

Liên lắc đầu:

– Anh nói có vẻ chung chung quá! Kể cho em nghe vài người anh hùng chống cộng và hèn nhát của thời kỳ… hậu hiện đại được không?

Tôi ngần ngừ vài giây rồi hỏi:

– Em có biết người hùng Lý Tống không?

Liên gật đầu:

– Có phải ông phi công bay chiếc…gì đó thả truyền đơn ở Sài Gòn rồi tuyệt thực, phản đối bà Madison Nguyễn không chịu đặt tên khu thương mại ở đường Story là Little Sàigòn không?

– Đúng rồi! Vậy là em cũng có theo dõi sinh hoạt của cộng đồng đấy chứ.

Liên lườm tôi:

– Hứ! Chứ anh tưởng em chỉ biết đi làm kiếm tiền, shopping, nấu ăn, dọn dẹp nhà cửa.. không thôi sao? Em cũng đọc báo tiếng Việt, nghe radio đài RFI…

Tôi trêu Liên:

– Từ hồi nào vậy? Mà sao em biết ông Lý Tống?

Liên cười thành tiếng:

– Cách đây mấy năm, trong hãng em làm việc, có một chị khoảng chừng gần 50 tuổi, Senior-Engineer mê ông Lý Tống lắm. Mỗi lần đi ăn trưa ngày thứ sáu do hãng đài thọ, đi cả đám nhưng gặp em là chị ấy tìm tới ngồi chung bàn, kể chuyện Lý Tống say sưa. Lúc thì anh hùng Lý Tống bay qua Cuba, lúc khác anh hùng Lý Tống thả 50.000 truyền đơn ở Sàigòn… Em nghe thế nên cũng tò mò tìm hiểu thêm về ông Lý Tống qua những tin tức báo chí, hình ảnh truyền thông….

– Vậy ư? Mà em nghĩ sao về những chuyện đó?

Liên lắc đầu nhè nhẹ:

– Em chẳng nghĩ gì hết, coi tin tức và biết vậy thôi. À quên! Có lần chị ấy cho em mượn quyển Ó Đen do ông Lý Tống viết nữa.

– Rồi em có đọc không?

– Có!

Liên im lặng một lúc như suy nghĩ rồi mới nói:

– Theo em, ông Lý Tống dường như chỉ muốn show off con người của mình. Sau khi đọc quyển Ó Đen, em cũng tò mò theo dõi vụ ông ta bị bắt về tội uy hiếp phi công chiếc máy bay thuê bay về Việt Nam.  Hình ảnh, thái độ của ông khi ra tòa hay gặp luật sư bên Thái Lan làm em rất mất cảm tình. Cuốn Ó Đen cũng thế, sẽ có giá trị nhiều hơn nếu tác giả loại bỏ những chuyện hoang tưởng tự đánh bóng mình…

– Thí dụ như…

– Em không nhớ rõ ở phần nào, nhưng ông Lý Tống viết rằng khi còn trẻ, để luyện cặp mắt, mỗi ngày ông ấy chờ đúng giữa trưa trời nắng, ra sân nhìn mặt trời nửa giờ đồng hồ.

Tôi bật cười:

– Chuyện đó cũng đâu có gì quan trọng.

Liên có vẻ ngạc nhiên, nàng tròn mắt nhìn tôi:

– Quan trọng lắm chứ anh! Nếu là tiểu thuyết thì không nói làm gì, còn hồi ký thì phải trung thực 100%. Một vài sự việc huênh hoang phi lý sẽ khiến người đọc nghi ngờ giá trị thật sự của toàn bộ hồi ký. Nếu là những chi tiết về thời gian, không gian, địa điểm sai lạc… còn có thể đính chính hay thông cảm được, đằng này lại là sự việc.

Tôi thầm công nhận là Liên có lý nhưng vẫn nói thêm:

– Cũng có thể ông Lý Tống muốn tăng phần hấp dẫn, lôi cuốn người đọc cho hồi ký của mình.

Liên nói, giọng vẫn nhỏ nhẹ nhưng cương quyết:

– Em không chấp nhận chuyện đó. Thiếu gì cách để hấp dẫn, lôi cuốn độc giả. Chính câu chuyện vượt qua 5 quốc gia đến Singapore tị nạn cũng đã đủ căng thẳng, ly kỳ… nếu biết cách sắp xếp, trình bày. Hơn thế nữa, khi người Việt ở hải ngoại lên án, chửi rủa cộng sản điêu ngoa, xảo trá, quỷ quyệt, tuyên truyền bịp bợm… thì mình phải khác họ chứ. Riêng chuyện 50.000 truyền đơn rải ở Sàigòn em cũng đã không tin rồi.

– Tại sao em không tin?

– Lý luận một cách bình thường thì một người không thể nào mang được 50.000 truyền đơn lên phi cơ mà không bị phát giác. Truyền đơn anh in theo kích thước nào? Visit card, A4, A5, A6…? Nhỏ nhất, còn có thể đọc dễ dàng là A6, vậy một ream giấy A4 là 2.000 truyền đơn, 50.000 là 25 Ram giấy A4. Ai có thể mang được 25 Ram giấy A4 lên phi cơ mà không bị phát hiện? 5.000 nghe còn có lý.

Nhưng dù có rải được 50.000 truyền đơn đi chăng nữa thì hành động kêu gọi người dân Sàigòn đứng lên lật đổ chế độ Cộng sản cũng là chuyện hoang tưởng. Điều hoang tưởng hơn nữa là tự phong mình thành Tổng Tư lệnh lực lượng nổi dậy. Hành động của Lý Tống quả thật là một hành động anh hùng, quả cảm nhưng rất không thực tế và hầu như không có tác dụng gì ngoài việc gây tiếng vang, đồng thời thỏa mãn phần nào lòng căm thù chế độ CSVN của người Việt hải ngoại. Rồi những việc làm tiếp theo sau đó, như bay qua Havana đầu năm 2000 kêu gọi dân Cuba đứng lên lật đổ chế độ độc tài Fidel Castro chứng tỏ sự hoang tưởng và lố bịch của người hùng Lý Tống.

Liên ngừng lại vài giây rồi tiếp:

– Nghe nói ông Lý Tống tốt nghiệp cao học chính trị, chẳng biết có đúng không? Nếu đúng thì việc làm của ông Lý Tống hoàn toàn trái ngược với sở học của ông ấy. Biết việc mình làm không có tác dụng gì đáng kể hay gây được biến động nào đến chế độ mà vẫn làm thì nên gọi hành động đó là gì? Có còn là môt hành động yêu nước, xứng đáng được tuyên dương không? Nếu ông Lý Tống ngừng lại ở chuyện thả truyền đơn lần đầu tiên, hình ảnh anh hùng của ông ấy chắc chắn sẽ được tôn trọng và ghi nhớ mãi mãi trong lòng những người Việt Nam ở hải ngoại. Tiếc thay, ông ấy đã đi quá xa khi lập lại những hành động đó.

Tôi đồng ý với những nhận xét sắc bén của Liên nhưng tìm cách hỏi thêm:

– Tại sao hình ảnh anh hùng Lý Tống chỉ có trong lòng người Việt ở hải ngoại mà không có ở người dân trong nước? Thế còn ông Tô Hải em nghĩ sao? Có anh hùng như ông Lý Tống không?

Liên trả lời không đắn đo:

– Trong nước chẳng có bao nhiêu người biết chuyện ông Lý Tống làm. Hơn thế nữa, kể về tác dụng thì cuốn Hồi ký của ông Tô Hải chắc chắn ảnh hưởng đến chế độ CSVN nghiêm trọng và nặng nề hơn hành động của ông Lý Tống. Hậu quả sẽ kéo dài và có nguy cơ làm sụp đổ toàn bộ hệ thống tuyên truyền bấy lâu nay của đảng CS.

Tôi cười:

– Không ngờ hôm nay em có những nhận xét sắc bén về tình hình chính trị ở trong nước.

Liên lắc đầu:

– Em chỉ suy nghĩ bình thường. Ông Tô Hải có thể đã hèn trong thời thanh xuân. Những điều gian ác, tàn bạo, láo lừa, bịp bợm… của đảng CSVN ông đã thấy tận mắt, nhưng vì hèn, sợ bị trù dập, bị ám toán, đầy đọa khổ sở… nên ông đã im lặng. Về già ông cảm thấy ân hận, ân hận vì mình đã đồng lõa với tội ác, không dám lên tiếng khi còn trẻ nên ông đã quyết định nói hết, viết hết những điều mình đã phải câm nín suốt bao nhiêu năm qua.

Tôi ngắt lời Liên:

– Nhưng tại sao lại có nghịch lý đó? Em có nghĩ rằng, thông thường khi còn trẻ người ta can đảm, gan dạ, lì lợm… hơn khi về già chứ? Nhờ can đảm, gan dạ, liều lĩnh, những người trẻ tuổi dễ dàng trở thành anh hùng khi hành động đúng chỗ và đúng việc.

– Trong điều kiện xã hội bình thường, khi còn trẻ chưa có gia đình, sự nghiệp… người đàn ông thường can đảm, gan dạ hơn lúc về già, thấy điều bất công, trái tai, gai mắt là lên tiếng, phản ứng… Nhưng ngược lại, dưới chế độ cộng sản Việt Nam là xã hội cai trị bởi dùi cui và nắm đấm. Chúng dùng chiêu bài chống ngoại xâm, giải phóng con người thoát khỏi ách nô lệ… để chiếm đoạt quyền lực, nhưng khi có quyền lực rồi chúng lại tròng vào cổ người dân một cái ách nô lệ khác, nô lệ bởi những kẻ mang cùng dòng máu như mình. Bất cứ ai hó hé phản đối đường lối chính sách của chúng đều bị trấn áp, nhẹ thì ở tù, học tập cải tạo, nặng thì thanh toán, ám sát…

Ông Tô Hải hèn là đúng, tấm gương Nhân Văn Giai Phẩm với những tinh hoa đất Bắc như Nguyễn Mạnh Tường, Phan Khôi, Nguyễn Hữu Đang, Trần Dần… bị đàn áp, bị trù dập như thế nào, chắc anh đã quá rõ. Cuốn hồi ký viết xong năm 2000 nhưng ông Tô Hải lúc đó vẫn chưa hết hèn vì ông đã giấu nó đi, sau khi ghi giòng chữ: Để xuất bản năm 2010. Mãi đến năm 2009 ông mới dám cho in và xuất bản.

Tô Hải và Hồi Ký Của Một Thằng Hèn

Tôi ngắt ngang lời của Liên lần nữa:

– Nhưng em nên nhớ trước ông Tô Hải đã có nhiều người lên tiếng vạch trần bộ mặt thật của chế độ cộng sản VN như các ông Vũ Thư Hiên, Hoàng Minh Chính, Bùi Tín, Lê Hồng Hà, Hà Sĩ Phu, Trần Mạnh Hảo… và bao nhiêu người khác nữa, những người đã sống với chế độ CS từ những ngày tháng u ám nhất của đất nước, từng có quyền hành hay được hưởng ân huệ của đảng.

Liên phản đối tôi bằng cách lắc đầu nhè nhẹ:

– Chính vì vậy mà ông Tô Hải đã viết: “Cuộc tranh đấu trực diện với cái sức mạnh tăm tối đang cai trị đất nước, kìm hãm sự phát triển của cả một dân tộc là chuyện khác, không phải là điều ai cũng dám làm”. Những người anh vừa nhắc đến tên đã viết ra, nói lên những sự thật về ông Hồ Chí Minh, các nhân vật chóp bu, lãnh đạo, những hành động, việc làm tồi bại của họ, của đảng CSVN đối với dân tộc, đất nước… nhưng chưa ai thẳng thắn nhận là mình hèn như ông Tô Hải. Điểm khác biệt nằm ở chỗ đó.

Tôi hỏi Liên:

– Vậy ý của em chỉ muốn so sánh việc làm của anh hùng Lý Tống và “thằng hèn” Tô Hải thôi, có đúng không?

Liên cười, quay sang nhìn tôi:

– Cuối cùng thì anh đã hiểu ý em.

Tôi nhìn vào cặp mắt long lanh của Liên, ngập ngừng:

– Hỏi em câu này nhé? Em thấy anh có…hèn không?

Liên bật cười thành tiếng, nhìn tôi chế nhạo:

– Anh hả? Hèn quá đi chứ!

Tôi cũng cười, nhưng nụ cuời gượng gạo vô cùng vì thật sự trong lòng không thấy vui với câu trả lời thẳng thắn của Liên, dù biết rằng nàng nói đúng. Đoán biết tôi đang cười nhưng không thoải mái lắm, Liên ngưng cười, bóp nhẹ tay tôi nhỏ nhẹ:

– Anh đừng buồn hay nghĩ ngợi vớ vẩn. Con người sinh ra, hầu hết ai cũng hèn cả, đó là bản chất. Người ta hèn vì nhiều nguyên nhân như tham sống, sợ chết, sợ gia đình tan vỡ, sợ mất việc, mất nhà, mất đi đời sống an bình đang có.…Anh hãy thử so sánh tinh thần chống cộng của người Việt hải ngoại vào những năm 75, đầu thập niên 80 và bây giờ thì thấy ngay sự khác biệt. Khi con người đã có đầy đủ vật chất, tinh thần an lạc, lại già đi thì…càng trở nên hèn. Chính vì vậy mà em kính phục ông Tô Hải và những người tranh đấu trong nước như Trần Huỳnh Duy Thức, Nguyễn Tiến Trung, Nguyễn Xuân Nghĩa, Phạm Thanh Nghiên… và bao nhiêu người khác nữa em không nhớ hết tên.

Tôi nhìn Liên kinh ngạc:

– Vậy mà anh tưởng em không biết gì về chuyện chính trị trong nước.

Liên mỉm cười:

– Một thời gian dài sau khi học ra trường, đi làm rồi lập gia đình, li dị…, em không còn để ý gì đến cộng đồng hay đất nước Việt Nam. Em chỉ bắt đầu quan tâm đến chuyện Việt Nam từ ngày…gặp lại anh. Yêu anh, em biết những nỗi ray rứt của anh về chuyện đất nước. Sở dĩ em nói anh hèn vì anh đã chẳng thể dứt bỏ được cuộc sống bình lặng hàng ngày để theo đuổi mục đích của mình. Em yêu anh từ những ngày tháng anh còn đi học, em biết anh đã bỏ thì giờ và tiền bạc, công sức… cho những chuyện cộng đồng, xã hội để mong muốn làm được một chuyện gì đó, nhưng anh chưa dám từ bỏ tất cả để thực hiện ước mơ của mình. Anh chưa dám dấn thân trọn vẹn cho lý tưởng của mình mà chỉ đóng góp vừa phải hay khi có dịp…

Tôi im lặng trước những nhân xét của Liên, nàng nhìn tôi vài giây rồi tiếp:

– Đó là tâm lý chung của hầu hết mọi người bình thường hay tầm thường cũng thế. Từ bỏ hạnh phúc cá nhân, gia đình, để mưu cầu hạnh phúc cho dân tộc, xã hội, đất nước… là một chuyện không phải ai cũng làm được. Tuy nhiên, sự hèn nhát của cá nhân không nguy hiểm và đáng sợ bằng sự hèn nhát của cả một tập thể.

– Ý em muốn nói đến sự hèn nhát của nhà cầm quyền Hà Nội và đảng CSVN?

Liên gật đầu:

– Đúng vậy! Chưa bao giờ đất nước Việt Nam mình gặp phải một thời kỳ đen tối như hiện nay. Đất nước được lãnh đạo bởi một lũ người lòng lang, dạ thú với chính dân tộc, đồng bào mình nhưng lại hèn hạ, khiếp nhược với ngoại bang là Trung cộng. Ngư dân bị cướp bóc, hành hạ, thậm chí bị bắn chết mà những người cầm quyền từ trên xuống dưới im thít thít, không dám lên tiếng phản đối. Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết qua Cuba, ăn nói ấm ớ như một thằng hề, thất học “Cuba thức thì Việt Nam ngủ, Việt Nam gác thì Cuba nghỉ”. Cho nên em nói anh hèn, anh cũng đừng buồn. Đất nước được lãnh đạo bởi những con người và tập thể như vậy thì tương lai như thế nào chắc mọi người, ai cũng có thể đoán được.

– Vậy theo ý em phải làm sao?

Liên cười nhẹ, lắc đầu:

– Em không biết! Anh hãy tự hỏi anh và những người Việt Nam ở hải ngoại cũng như trong nước, nhất là giới trẻ nên tự hỏi và tìm lấy câu trả lời cho chính mình.

Bình Luận từ Facebook

2 BÌNH LUẬN

  1. Liên mỉm cười:

    “– Một thời gian dài sau khi học ra trường, đi làm rồi lập gia đình, li dị…, em không còn để ý gì đến cộng đồng hay đất nước Việt Nam. Em chỉ bắt đầu quan tâm đến chuyện Việt Nam từ ngày…gặp lại anh. Yêu anh, em biết những nỗi ray rứt của anh về chuyện đất nước. Sở dĩ em nói anh hèn vì anh đã chẳng thể dứt bỏ được cuộc sống bình lặng hàng ngày để theo đuổi mục đích của mình. Em yêu anh từ những ngày tháng anh còn đi học, em biết anh đã bỏ thì giờ và tiền bạc, công sức… cho những chuyện cộng đồng, xã hội để mong muốn làm được một chuyện gì đó, nhưng anh chưa dám từ bỏ tất cả để thực hiện ước mơ của mình. Anh chưa dám dấn thân trọn vẹn cho lý tưởng của mình mà chỉ đóng góp vừa phải hay khi có dịp…”
    Đọc xong bài viết thấy ông Thạch Đạt Lang thật có phước được cô vợ tên Liên yêu thương và tâm đầu ý hợp. Có đâu vô phước như Võ Đại Lang và nàng Kim Liên trong chuyện Võ Tòng Sát Tẩu. Xin chúc mừng.

  2. Ông Thạch Đạt Lang thật hạnh phúc, được nắm tay đi dạo , bàn chuyện chính trị với một người vợ thông minh sắc sảo có khuông mặt trái xoan và đôi mắt long lanh.

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây