Hàng chục ngàn người biểu tình chống tham nhũng ở thủ đô Rumani bị giải tán

Le Monde

Tác giả: Mirel Bran

Dịch giả: Phạm Toàn

11-8-2018

Ở thủ đô Bucarest, người ta dùng gas làm chảy nước mắt và súng bắn nước để giải tán một cuộc biểu tình của người Rumani sinh sống ở nước ngoài.

Nhiều chục ngàn người Rumani sinh sống ở nước ngoài đã tập hợp nhau hồi chiều ngày thứ Sáu trước trụ sở chính phủ để lên án nạn tham nhũng tại quê hương bản quán mình.

Chiều muộn ngày thứ Sáu các lực lượng giữ gìn trật tự đã dùng gas làm chảy nước mắt và súng bắn nước để giải tán một cuộc biểu tình của khoảng 80.000 người tại thủ đô Bucarest. Phần lớn những người biểu tình vốn là dân Rumani sống ở nước ngoài tới đây để phản đối nạn tham nhũng đã được thể chế hóa đang làm cho nước này thành ung nhọt.

Nicusor Vasile, doanh nhân nhỏ trong ngành xây dựng di dân sang Bruxelles (Bỉ) đã năm năm đi quãng đường 2.200 km để quay lại Quảng trường Chiến thắng, trước trụ sở chính phủ, nơi các cuộc biểu tình vẫn diễn ra. Tuổi đời 45, ông đã đi khỏi đất nước vào năm 2013. Ông giải thích: “Tôi chán ngấy rồiỞ Rumani trước đây tôi làm việc đến mười hai giờ mỗi ngày mà vẫn chật vật không đủ sống. Chúng ta có đủ thứ để sống được tử tế cả ở Bucarest cũng như ở Bruxelles hoặc ở Paris, nhưng tệ thạm nhũng đã hủy hoại đất nước này”.

Ông Vasile cảnh báo “Sao lại phải dùng bạo lực đến thế? Chúng tôi sẽ không bao giờ lùi bướcTôi gửi tiền mình kiếm được về Rumani và tôi nhận lại được gì? Được gas làm chảy nước mắt và những tia nước bắn vào đầu. Chúng tôi sẽ không trao nước Rumani cho một bầy kẻ cắp thao túng Chính phủ và Quốc hội”.

Thứ Sáu, vị tổng thống thuộc phe tự do Klaus Iohannis đã bày tỏ sự ủng hộ nhưng người biểu tình và phản đối việc chính phủ dùng cảnh sát mạnh tay. “Tôi lên án sự can thiệp bạo lực của cảnh sát không xứng với thái độ ôn hòa của những người biểu tình”, ông tuyên bố.

“Anh mà tử tế thì anh cứ om xương”

Nước Rumani đã vào Liên minh châu Âu từ năm 2007, và nhiều triệu người dân nước này đã đi tìm kiếm một cuộc sống tốt đẹp ở phía Tây của lục địa này. Một cách chính thức, có ba triệu người đã di cư sang phía Tây, nhưng theo các tổ chức hội đoàn của người di cư thì con số là 5 triệu, tức là cứ có bốn người Rumani thì có một người ra đi. Chính nhờ có họ mà nền kinh tế của đất được đã trụ được. Năm nào họ cũng gửi kiều hối cho gia đình chừng 5 tỉ đồng Euro, một khoản tiền quan trọng ở một đất nước tiền lương trung bình là 500 Euro.

Ngày 10 tháng 8 năm nay, họ hẹn nhau ở thủ đô để thể hiện sự tức giận đối với chính phủ. Sự bất bình đã lên cao từ tháng 2 năm 2017 khi đó chính phủ của đảng Xã hội Dân chủ đã gia tăng các biện pháp nhằm chấm dứt chiến dịch chống tham nhũng khởi động từ đầu những năm 2000.

Ông Nicusor Vasile nói: “Các nhà chính trị đã đi quá xa, bọn họ hành xử như những kẻ muốn làm gì thì cứ làm. Vợ tôi và con gái tôi sống ở đây và tôi cũng muốn ở nơi này, nhưng nếu anh muốn sống tử tế ở một xứ sở tham nhũng đến tận tủy xương thì anh sẽ om xương. Tôi không muốn sống cả đời mình ở nước ngoài, tôi muốn sống cùng gia đình mình ở một đất nước tôn trọng các quy tắc lệ luật. Nhưng làm sao ta có thể tôn trọng luật pháp nếu những kẻ làm ra luật pháp, những đại diện của chúng ta và những kẻ cai trị chúng ta không tôn trọng luật pháp?”

Sau chiến thắng đè bẹp các đối thủ vào cơ quan lập pháp hồi tháng 12 năm 2016, Liviu Dragnea, lãnh đạo phe Xã hội Dân chủ đã không thể trở thành thủ tướng vì vướng một bản án 2 năm tù treo vì gian lận bầu cử. Ngày 20 tháng 6 năm 2018, ông lại bị kết án lần thứ hai với mức án tù giam 3 năm rưỡi vì tội lạm dụng quyền lực. Ông Dragnea, chủ tịch Hạ viện, còn là đối tượng một cuộc điều tra hình sự thứ ba vì tội biển thủ 20 triệu Euro của quỹ châu Âu qua một công ty xây dựng xa lộ.

Nhưng ông ta đã tìm được cách tránh bằng cách sửa đổi luật hình sự để tẩy trắng lý lịch tư pháp của mình và hạn chế mạnh mẽ quyền lực của phía Tòa án. Ngày 18 tháng 6, các nghị sĩ đã thông qua bộ luật hình sự mới, bị các chuyên gia phản đối dữ dội. Chính phủ cũng gạt được Laura Codruta Kövesi, người đứng đầu Ủy ban quốc gia chống tham nhũng, hiện thân của cuộc đấu tranh này.

Những e ngại về Nhà nước pháp quyền

Ủy ban châu Âu và các tổ chức của phương Tây lo ngại về vấn đề nhà nước pháp quyền ở Rumani, nhất là khi nước này sẽ bảo đảm quyền chủ tịch luân lưu Liên minh châu Âu trong sáu tháng kể từ 1 tháng Giêng năm 2019. Ngày 28 tháng 6, mười hai nước phương Tây trong đó có Pháp và Hoa Kỳ đã khuyến cáo Nghị viện nước Rumani không sửa đổi bộ Luật hình sự. “Chúng tôi kêu gọi các đối tác Rumani hãy tránh những sửa đổi khả dĩ làm yếu nhà nước pháp quyền và năng lực của nước Rumani trong việc đấu tranh chống tội phạm và tham nhũng”, đó là lời lẽ trong một thông báo của các thủ tướng phương Tây gửi tới Rumani.

Ngày 10 tháng 7, nước Pháp đã quay lại giữ quyền chủ tịch luân lưu Liên minh châu Âu với một tuyên bố của người phát ngôn phủ Tổng thống: “Còn vài tháng nữa thì đến lượt chủ tịch Liên minh châu Âu của Rumani, nước Pháp và các đối tác châu Âu sẽ cảnh giác đối với sự biến chuyển tình hình Nhà nước pháp quyền ở Rumani”.

Bình Luận từ Facebook