Truyền thống thi cử

FB Nguyễn Nam Dương

18-7-2018

Năm 2006, thầy giáo Đỗ Việt Khoa tố cáo tiêu cực trong thi cử. 13 năm sau, năm 2018, người ta lại phát hiện tiêu cực trong chấm thi.

Hành trình 13 năm đó không có gì thay đổi. Đó là đến mùa thi, người người nhà nhà đều thở chậm để mong cho những cô cử, cậu cử tốt nghiệp. Và, tiêu cực trong thi cử!

Nhưng đó không phải là tâm lý nhất thời của người Việt mà là truyền thống “quý báu” có từ ngàn xưa!

Cái hệ thống đó đã giết chết biết bao nhân tài Việt và đến nay nó vẫn là cỗ máy xay nhân tài.

Thưở Nho học đang còn là đỉnh cao trí tuệ của người Việt, một anh chàng thư sinh “dài lưng tốn vải ăn nó lại nằm” thường chọn con đường khoa bảng là “con đường duy nhất đúng” của đời mình. Anh phải thi hương, hội, đình. Sau đó, người tài năng nhất sẽ thành trạng nguyên, hoặc sẽ là thám hoa, bảng nhãn, phó bảng.

Để thành trạng nguyên, người thi có điểm cao nhất của cuộc thi không phải là người có kiến thức phản biện nhiều nhất mà là thuộc lòng tam tự kinh, các chân giá trị Nhân, lễ, nghĩa, trí, tín một cách sâu sắc nhất.

Cuộc thi đó không làm cho con người Việt thông minh hơn mà là cuộc đấu trí xem ai thuộc làu kinh sử nhiều hơn. Những nhân tài đất Việt trải qua hơn ngàn năm đó không hề sáng tạo ra một triết lý đủ tầm hay một triết thuyết cho riêng mình. Hầu hết trong số họ là bọn trí nô của học thuyết khổng, nho hủ lậu. Họ là công cụ của nhà vua và là con tin của thời đại đã qua. Còn đối với các mẹ, các chị, họ chỉ là bọn học trò “ăn no lại nằm” nhưng lại là những đứa trẻ không bao giờ lớn của đất nước.

Còn ngày nay, họ được nhìn nhận là trí thức ru ngủ.

Suốt chiều dài lịch sử đó, những cuộc thi hương, hội, đình chỉ góp cho đất nước Việt những con người chỉ biết học vẹt, dẫu trăn trở nhưng tư duy không thoát khỏi những giáo điều lạc hậu và trở thành những công thần chế độ nhưng thực chất là công cụ của nhà vua.

Tệ hơn nữa, những cậu tú ngày trước học thuộc lòng những lời dạy của Khổng, nho, lão để có chỗ đứng trong quan trường rồi sau đó, chính họ cũng trở thành những kẻ dối trá. Tham nhũng trong quan trường ngày xưa đã rất nhiều lần là mối đại họa của nước nhà. Trớ trêu thay, những triều đại phong kiến luôn luôn chọn người rường cột nước nhà từ những cuộc thi lựa chọn nhân tài như vậy.

Bị kịch đó đã lại là bi kịch của Hà Giang, của Việt Nam ngày nay.

Vẫn là những đề thi đề cao sự học thuộc làu hơn là việc để cho mỗi cá nhân người Việt tìm lối thoát cho vấn đề của mình.

Vẫn là một hệ thống tuyển lựa nhân tài dựa trên giá trị luân lý sai lầm và hủ lậu.

Vẫn là đám tham quan đang muốn lấp liếm, giấu giếm sự thật để nâng tầm hàng trăm Bùi Kiệm dối trá của một thời.

Vì sao vậy?

Vì nó có lợi cho tất cả.

Người chấm điểm, được tiền. Người thi được điểm. Gia đình người thi được tiếng. Cơ chế lại… được người.

Chỉ có đất nước là mất.

Cơ chế thi cử cần được bãi bỏ. Ai cũng biết nó không còn là thước đo cho những điều bị từng xem là niềm tin. Ai cũng đã thấy những phút giây lo lắng, hồi hộp đó là không đáng có. Ai cũng biết nó là một ổ tham nhũng kinh niên.

Nhưng, đã không ai đủ mạnh mẽ để xô đổ cái truyền thống khốn kiếp này.

Chìa khoá giáo dục Việt Nam, để Việt Nam cất cánh ai cũng thấy nhưng đã không ai làm được.

Thầy Đỗ Việt Khoa của 2006 giờ đã trở thành cựu nhà giáo. Nhưng ông bộ trưởng giáo dục dối trá với lời hứa năm 2010, giáo viên sẽ sống được bằng lương giờ đã có chức vụ mới, to hơn. Khốn nạn thay, chính vị bộ trưởng dối trá này giờ lại lớn tiếng trong một vụ khác khi hứa rằng, ông không gạt bà con.

Nhân vật đó đã từng là người học xuất sắc nhất mọi thời đại của vùng đất nơi ông ta sinh ra. Và giờ đây, ông ta trở thành người dối trá nhất mọi thời đại của nước Việt.

Ông ta cũng là hiện thân của hệ thống giáo dục cũ kỹ, lỗi thời.

Hà Giang ư, chẳng riêng gì nơi ấy.

Hãy nguyện cầu cho một hệ thống giáo dục khác đi là vừa. Hệ thống đó không có con số tốt nghiệp 100% nhưng nó sẽ khai phóng con người, nhân bản và biết yêu thương.

Hệ thống giáo dục đó không cần nín thở thi tốt nghiệp và không cần nâng điểm trong sáng như Hà Giang vừa rồi!

Bình Luận từ Facebook