Tác giả: Murray Hiebert
Dịch giả: Trúc Lam
2-7-2018
Luật An Ninh mạng gây tranh cãi mới [được Quốc hội thông qua] ở Việt Nam có thể làm sứt mẻ hình ảnh đẹp của đất nước mà lãnh đạo muốn cho thế giới thấy, như sự ưa chuộng của các nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là những người hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin. Kể từ khi Việt Nam tham gia Hội nghị thượng đỉnh Đối tác xuyên Thái Bình Dương năm 2008, các nước láng giềng như Thái Lan, Indonesia và Philippines đã lo lắng về các thỏa thuận cạm bẫy của Việt Nam từ các công ty nước ngoài muốn đầu tư vào Đông Nam Á.
Việc đầu tư chậm như thế nào, có lẽ sẽ phụ thuộc vào mức độ nghiêm ngặt mà Hà Nội áp dụng luật mới. Hội Truyền thông Số Việt Nam đã cảnh báo rằng, các yêu cầu của luật này có thể làm giảm 3,1% đầu tư nước ngoài và tăng trưởng kinh tế sẽ chậm lại 1,7%.
Luật mới, được thông qua ngày 12 tháng 6, sẽ yêu cầu các công ty công nghệ như Google và Facebook lưu trữ dữ liệu cá nhân và các văn phòng mã mở ở Việt Nam. Luật cũng làm gia tăng các mối lo ngại về kiểm soát chặt chẽ hơn vấn đề bất đồng chính kiến, bằng cách yêu cầu các công ty truyền thông xã hội giao nạp dữ liệu cá nhân cho Bộ Công an khi được yêu cầu, và xóa nội dung khỏi diễn đàn trong vòng 24 tiếng nếu chính phủ yêu cầu họ làm như vậy.
Các công ty như Facebook và Google đang lo lắng rằng, tùy thuộc vào các quy định mới được thực thi như thế nào, họ có thể phải đối mặt với số lượng ngày càng tăng các yêu cầu cung cấp thông tin người sử dụng. Chẳng hạn như, đăng bài trên mạng thì các yêu cầu có thể bao gồm thông tin người đăng ký, địa chỉ IP và thông tin tài khoản. Các công ty công nghệ thông tin không muốn bị xem như là một chương trình giám sát cho chính phủ, chống lại khách hàng.
Kể từ khi dự thảo luật mạng lần đầu tiên được lưu hành năm ngoái, một số cựu quan chức cấp cao như ông Đặng Hữu, cựu Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ; Chu Hảo cựu Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ; và Mai Liêm Trực, cựu Bộ trưởng Bộ viễn thông, đã yêu cầu Quốc hội không thông qua luật này. Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và các cộng đồng doanh nghiệp khác bày tỏ lo ngại về ảnh hưởng của luật này đối với đầu tư và tăng trưởng kinh tế.
Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh, từng là cố vấn cấp cao từ thời Đảng Cộng sản phát động các cuộc cải cách rộng rãi năm 1986, cảnh báo rằng, luật gây ra “những lo ngại nghiêm trọng về vi phạm quyền tự do cơ bản của người dân”. Ông Doanh nói, luật chứa đựng “những quy định rất mơ hồ” như người dân có thể bị buộc tội khi đăng tải “tuyên truyền chống nhà nước” hoặc tài liệu mang tính “kích động bạo lực và gây rối an ninh công cộng”.
Trước khi bỏ phiếu thông qua, chính phủ Hoa Kỳ đã kêu gọi Quốc hội Việt Nam hãy hoãn và xem lại dự thảo luật, để bảo đảm rằng nó không vi phạm các tiêu chuẩn quốc tế mà có thể hạn chế vai trò của đất nước, ảnh hưởng con đường sáng tạo kỹ thuật số.
Luật mới bắt đầu có hiệu lực kể từ ngày 1 tháng Giêng năm sau. Một số nhà quan sát tự hỏi rằng, một chính phủ thân thiện với môi trường kinh doanh sẽ phản ứng như thế nào nếu các công ty IT nước ngoài bỏ qua hoặc từ chối tuân theo các quy định mới.
Facebook rất nổi tiếng ở Việt Nam, với khoảng 52 triệu tài khoản đang hoạt động, trên tổng số dân khoảng 96 triệu người. Cuối năm ngoái, chính phủ đã yêu cầu Google xóa 2.300 clip trên YouTube bị cáo buộc nói xấu các nhà lãnh đạo đất nước. Công ty đã làm theo bằng cách loại bỏ khoảng 1.500 clip trong số đó.
Từ lâu, Việt Nam ít áp dụng sự kiểm soát trên internet so với những người cộng sự cộng sản Trung Quốc. Phần lớn Hà Nội không đóng cửa Facebook và Twitter hoặc tài khoản Gmail như Bắc Kinh thực hiện. Việt Nam cũng không chặn các trang web của các tờ báo như New York Times, mà Trung Quốc chặn.
Đôi khi các quan chức và các học giả Trung Quốc phàn nàn với du khách nước ngoài, rằng Việt Nam không làm đủ để kiểm soát nội dung trên mạng hoặc kiểm soát các phương tiện truyền thông xã hội. Tuy nhiên, hai nước láng giềng cộng sản ít ra thỉnh thoảng bàn bạc về các chiến lược trên mạng. Theo các nguồn tin từ Trung Quốc, hồi tháng 9 năm 2017, Trung Quốc mời 21 quan chức an ninh của Việt Nam tới Trung Quốc để nghiên cứu cách mà Bắc Kinh quản lý thông tin trên mạng và các mối quan hệ của họ đối với các phương tiện truyền thông.
Sau đó, vào cuối năm 2017, Việt Nam thiết lập một đơn vị đấu tranh trên không gian mạng, với 10.000 người để chặn các quan điểm bất đồng chính kiến trên mạng.
Chỉ vài ngày trước khi Quốc hội bỏ phiếu, hàng ngàn người phản đối đã xuống đường biểu tình ở thành phố Hồ Chí Minh và một số thành phố khác để phản đối dự thảo luật Đặc khu Kinh tế, dành cho các nhà đầu tư nước ngoài, vì người biểu tình lo sợ, [luật này] sẽ mở cửa cho các công ty Trung Quốc.
Trong vài trường hợp, các cuộc biểu tình chống Trung Quốc này có những người biểu tình lên án luật mới về mạng cùng tham gia, nói rằng luật này sẽ kềm chế quan điểm bất đồng trên mạng và làm tổn hại nền kinh tế của đất nước.
Để xoa dịu những cảm xúc, chính phủ đã quyết định hoãn việc bỏ phiếu dự luật mới về các đặc khu kinh tế cho đến ít nhất là cuối năm nay. Năm 2014, khi Trung Quốc đặt một giàn khoan thăm dò dầu khí khổng lồ ngoài khơi bờ biển miền Trung Việt Nam, các cuộc biểu tình lớn đã nổ ra, trong đó có khoảng hai công nhân Trung Quốc thiệt mạng và hơn 100 nhà máy của các công ty Đài Loan và Nam Hàn bị phá hủy hoặc bị hư hại.
Trước khi luật an ninh mạng được thông qua, Tổ chức Ân xá Quốc tế cảnh báo rằng, luật này sẽ cho phép các quan chức buộc các công ty công nghệ chuyển dữ liệu mà các nhà kiểm duyệt của chính phủ sẽ sử dụng để xóa các bài viết của người dùng mà họ thấy trong đó có sự công kích. Tổ chức Theo dõi Nhân quyền cho biết, luật mới sẽ gây khó cho tự do ngôn luận.
Các quan chức cãi lại rằng, luật mới là cần thiết để ngăn chặn tội phạm trên mạng và khẳng định rằng, nó không vi phạm các tiêu chuẩn quốc tế. Ông Võ Trọng Việt, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh quốc hội, là người viết dự thảo luật, nói với các nhà lập pháp: “Đặt trung tâm dữ liệu ở Việt Nam làm tăng chi phí cho các doanh nghiệp, nhưng nó cần thiết để đáp ứng nhu cầu về an ninh của đất nước“.
Chủ tịch nước Việt Nam, ông Trần Đại Quang, là người trước đây lãnh đạo Bộ Công an, cảnh báo trong một bài đăng trên trang web của chính phủ, rằng luật mới là cần thiết để ngăn chặn “âm mưu của các thế lực thù địch và phản động“ chống chính quyền.
Các quan chức Việt Nam lo ngại rằng, internet có thể gây ra sự bất ổn chính trị, nhưng những nỗ lực để kiềm chế nó với luật an ninh mạng mới có thể phải trả những cái giá không mong muốn về kinh tế và xã hội. Đối với các công ty nước ngoài, luật mới có thể tạo ra một tình thế tiến thoái lưỡng nan, trong đó họ buộc phải lựa chọn giữa việc tham gia vào một trong những nền kinh tế năng động nhất Đông Nam Á, hay là bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng.
Tác giả Murray Hiebert là Phó Giám đốc chương trình Đông Nam Á tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) ở Washington, DC.