Trao đổi với ông Lê Tuấn Huy

Kông Kông

2-7-2018

Hôm 30/6/2018, vừa đọc được thư ngỏ của em Trương Thị Hà gửi 2 thầy của mình là Phó Hiệu trưởng trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Tp HCM và Trưởng ban truyền thông của trường, tôi đã viết ngay đôi điều. Hôm nay đọc nhận xét của ông Lê Tuấn Huy phân tích về bản chất (tạm gọi như vậy) của thư ngỏ và cá nhân em Trương Thị Hà xin có thêm đôi dòng.

1- Ông Lê Tuấn Huy cho là ông Phạm Tấn Hạ, Phó Hiệu trưởng, có 3 sai lầm. Tôi cho là không có sai lầm nào. Vì nếu nói đến sai lầm thì phải phân tích rõ tính chất của người Thầy với Trò. Nói rộng hơn là giữa nhà giáo với học sinh. Nhưng ông Hạ đang giữ vai vế quan trọng hơn là “Thầy/Trò” rất nhiều. Đó là đảng viên! Đó là vai trò của “đảng ủy”. Cả 2 ông Thầy đến trại tra khảo dã chiến Tao Đàn là họ thi hành trách nhiệm của “đảng ủy” bất kể việc sinh viên sinh hoạt ngoài xã hội là hoàn toàn thuộc về cá nhân. Mà “đảng ủy” cũng như công an phải bảo vệ đảng (!)

2- Em Trương Thị Hà có “ngây thơ giả tạo” không? Tôi cho là không! Việc viết thư ngỏ dù trễ là điều bình thường. Vì sợ hãi là bản tính tự nhiên khi đối diện với bạo lực. Là nữ sinh chứ không phải là người từng lăn lộn trong xã hội đen, quen với bạo lực, nên em sợ hãi, khóc và kêu cứu là đương nhiên. Đã không cứu em mà “thầy” còn thò tay ký vào giấy của công an (tôi không dùng cầm bút hay đặt bút ký) là sự thất vọng, phải nói đúng là kinh ngạc của học trò!

Khi nước mắt khô đi chính là lúc lý trí phải làm việc. Làm việc không phải với mục đích để “nói xấu thầy” (theo văn phong thư ngỏ) mà phải cho công luận biết được sự thật. Và đã có nhiều tường thuật tương tự như thế. Cho nên không thể chỉ nhìn vào cảm xúc cá nhân em trong thư ngỏ, như thế là tách em ra khỏi một hiện trường đang đầy máu me hỗn độn kinh khủng đó, nhìn như thế vấn đề sẽ bị sai lệch.

Còn nói tại sao nhờ “thầy” gọi Luật sư Lê Công Định? Thưa, Luật sư Lê Công Định không còn là luật sư được quyền hành nghề với chế độ nhưng vẫn là luật sư. Ông không còn bào chữa được cho ai nhưng cần ông làm nhân chứng. Một luật sư nhân chứng chắc chắn sẽ ghi nhận được nhiều khía cạnh pháp lý mà người thường không biết. Có lẽ đây là thêm một lý do “thầy” Hạ thò bút ký trên giấy tờ của công an viết bỏ mặc học trò. Là hành động “đúng đắn” vai trò của “đảng ủy”(!)

3- “Sai lầm của một sách lược”? Đâu có sách lược nào đâu mà sai lầm? Hôm đó, cuộc biểu tình rầm rộ nhất kể từ sau năm 1975, là cuộc biểu tình hoàn toàn tự phát, gồm đủ mọi thành phần, hầu hết là những người mới, chưa từng xuống đường vì nhiều người “phản động” đã bị giam tại nhà rồi! Chính công an xác nhận không có lãnh đạo. Không có lãnh đạo thì ai “sai lầm”, ai “sách luợc”? Sao không chịu hiểu là em Trương Thị Hà nằm trong dòng người tự phát, là phản ứng tự nhiên của người trẻ yêu nước, yêu tự do dân chủ?

Phải chăng vì không muốn nhìn nhận một sự thật? Sự thật là cái hèn của “thầy giáo XHCN” nên phải tìm cách đưa ra một vấn đề lớn hơn. Đó là “sai lầm” và “sách lược” (?) Vì có “sách lược” đương nhiên là có lãnh đạo, có tổ chức hoạt động chính trị. Mà hoạt động chính trị thì bị cấm.

Đây có phải là dụng ý buộc em Trương Thị Hà nằm trong một tổ chức chính trị để công an “dễ làm việc” sau nầy?

Thưa, chẳng ai buộc ai vào một khuôn khổ nào về cách thể hiện lòng yêu nước nhưng “xã hội hiện nay, kể cả giới trí thức đại học, đại bộ phận vẫn giữ thái độ im lặng. Nhưng điều đó không có nghĩa là họ không có chính kiến, không có tinh thần yêu nước, yêu dân chủ, mà là chuyển biến thời sự chưa đến thời điểm để họ có thể công khai ra mặt” (trích từ bài Lê Tuấn Huy) vậy thì có đúng ngữ/nghĩa của 2 chữ trí thức hay không? Hóa ra trí thức XHCN chỉ theo đuôi? Đợi và đợi, gió thời nào trở cờ thời đó?

Câu trả lời xin dành cho người trẻ yêu nước, yêu dân chủ tự do!

Bình Luận từ Facebook

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây