Hãy xem Bộ Công thương nói và làm về điện

27-6-2018

Nguyễn Đức Thắng

Các quan chức quyền uy ở Bộ Công thương nói ở các diễn đàn, hội nghị, hội thảo về năng lượng và phát triển bền vững, hay chuẩn bị cho Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trả lời phỏng vấn hãng thông tấn Reuters (Anh) trước khi lên đường tham dự hội nghị thượng đỉnh G7 mở rộng và thăm Canada, đều dùng những từ tốt đẹp khi nói về NLTT (thủy điện, điện gió và điện mặt trời, sinh khối…): “Việt Nam có tiềm năng lớn về phát triển năng lượng tái tạo và năng lượng sạch”.

“Ước tính công suất tiềm năng năng lượng gió của Việt Nam có khả năng đạt khoảng 5001.000 kWh/m2 mỗi năm và số giờ nắng bình quân trong năm từ 2.500-3.000 giờ ở nhiệt độ bình quân trên 21 độ C. Tiềm năng điện mặt trời khoảng 340.000 MW. Việt Nam là quốc gia sản xuất nông nghiệp quy mô lớn nên có nguồn nguyên liệu dồi dào cho phát triển sản xuất năng lượng sinh học. Việt Nam đang triển khai thực hiện Chiến lược phát triển năng lượng tái tạo đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, phê duyệt tháng 11/2015, với một số mục tiêu cụ thể bao gồm: Giảm nhẹ phát thải khí CO2 như đã tuyên bố cam kết tại COP21 Paris là giảm khoảng 5% vào năm 2020 và nếu được sự hỗ trợ quốc tế về nguồn lực sẽ giảm khoảng 25% vào năm 2030; giảm sử dụng khoảng 40 triệu tấn than; tăng sản lượng điện NLTT từ khoảng 58 tỷ kWh năm 2015 lên khoảng 101 tỷ kWh vào năm 2020, khoảng 186 tỷ kWh vào năm 2030… Việt Nam đang có quan hệ hợp tác tốt đẹp với nhiều nước, trong đó có các nước G7, trong phát triển năng lượng tái tạo. Ví dụ như: nhà máy điện gió Mũi Dinh có tổng công suất 37,6 MW, do Công ty EAB của Đức làm chủ đầu tư; nhà máy điện gió Tuy Phong (30 MW), nhà máy điện gió Phú Lạc (24 MW)…”

Các đại biểu tham dự hội nghị, hội thảo nghe mà phấn khởi. Nhưng việc làm thì… cụ thể như dưới đây: Bộ Công thương luôn là một thành viên quan trọng của đoàn Việt Nam tham dự tất cả các hội nghị COP về biến đổi khí hậu. Tuy nhiên sau khi đạt thỏa thuận Paris 2015 tại COP 21, Bộ Công thương đã tham mưu cho Thủ tướng, ban hành Quyết định số 428/2016/QĐ-TTg ngày 18/3/2016 “Qui hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011-2020, có xét đến năm 2030”, gọi tắt là Qui hoạch điện VII điều chỉnh, qui định đến năm 2030 điện sinh khối chỉ chiếm có 2,1%, điện gió 2,1% và điện mặt trời là 3,3%, tổng cộng 3 loại điện này chỉ chiếm có 7,5%. Các dự án điện gió “điển hình” mà Bộ kể trên (Mũi Dinh + Tuy Phong + Phú Lạc = 90MW) chỉ bằng móng tay, nằm trong khuôn khổ không đáng kể 2,1%. Đây là Qui hoạch gia tăng phát thải khí CO2, thúc đẩy BĐKH.

Chiến lược phát triển NLTT chỉ để tham khảo, những chỉ tiêu của Chiến lược nếu không được tổng hợp vào Qui hoạch điện lực quốc gia và Kế hoạch hàng năm thì chỉ là chỉ tiêu trên giấy. Ví dụ: Tại Chiến lược phát triển NLTT có mục tiêu tăng sản lượng điện NLTT vào năm 2030 lên khoảng 186 tỷ kWh. Tuy nhiên tại Quyết định số 428 chỉ có 139 tỷ kWh (bị cắt giảm 25%).

Như vậy, Quyết định số 428/2016/QĐ-TTg thực sự là quyết định “cầm tù” các loại điện NLTT, nhiệt điện than được tăng tốc ngoạn mục lên 53,2% (trên giấy tờ), ngoài hiện trường có thể lên đến 60%, tại sao? Vì tại Quyết định 428, Trung tâm Nhiệt điện Vĩnh Tân (Bình Thuận) được phê duyệt gồm 5 nhà máy nhiệt điện than Vĩnh Tân 1,2, …5 vào năm 2023 sẽ có tổng công suất 4.960 MW. Tuy nhiên, Bộ Công thương đã thực hiện vượt mức, năm 2018 tổng công suất lắp đặt là 7.024 MW (vượt 42%) và vượt tiến độ thời gian là 5 năm, là điều rất lạ trong ngành kế hoạch và đầu tư, thể hiện ưu tiên vượt trội cho nhiệt điện than.

Bộ cũng đã trình Thủ tướng ban hành Quyết định số: 37/2011/QĐ-TTg ngày 29/6/ 2011: Qui định mức giá mua điện gió là 1.614 đồng/kWh (tương đương 7,8 centUS/kWh). Đây là mức giá mua điện gió rẻ nhất trên Thế giới. Mức giá “bóp chết” loại hình năng lượng siêu sạch này. Trong khi đó, cùng thời điểm giá mua điện gió của Philippine từ 12 – 20 centUS/kWh. Thái Lan và Indonesia là 18 centUS/kWh. Thời điểm đó các địa phương có tiềm năng điện gió cao, đã tiếp nhận 47 hồ sơ dự án điện gió của tư nhân. Họ cùng với các chuyên gia tư vấn quốc tế đeo bám Bộ Công thương thuyết phục nâng giá mua điện gió lên chút ít, nhưng không được. Vì điện than của Việt Nam đang sẵn có và rất rẻ, giá chỉ từ 6 – 7 centUS/kWh. Tất cả họ đành phải từ bỏ nhiệt huyết với điện gió.

Trước công luận phản đối mạnh mẽ điện than, các quan chức Bộ Công thương xoa dịu bằng “chúng tôi đã điều chỉnh Quy hoạch điện VII, cắt giảm 15.000 MW công suất nhiệt điện than, cắt giảm 40 triệu tấn than vào năm 2030”. Các đại biểu tham dự hội nghị, hội thảo hoan nghênh và yên tâm trước sự tiếp thu, cầu thị của quan chức Bộ Công thương.

Từ Quyết định số 1208/QĐ-TTg ngày 21/07/2011 phê duyệt “Qui hoạch phát triển Điện lực quốc gia giai đoạn 2011-2020, có xét đến năm 2030” gọi tắt là Quy hoạch điện VII, đến Quyết định số 428/2016/QĐ-TTg, ngày 18/3/2016 phê duyệt “Qui hoạch phát triển Điện lực quốc gia giai đoạn 2011-2020, có xét đến năm 2030” gọi tắt là Quy hoạch điện VII điều chỉnh. Sau 5 năm thực hiện, Bộ Công thương đã điều chỉnh cắt giảm 15.000 MW công suất điện than và 40 triệu tấn than, chứng tỏ Bộ đã “lắng nghe” tiếp thu những ý kiến của các tổ chức dân sự xã hội BVMT, ví dụ như GreenID thuộc VUSTA.

Tuy nhiên, gốc rễ của việc điều chỉnh, cắt giảm này lại ở chỗ khác, không phải xuất phát từ tình yêu đối với môi trường, tiếp thu ý kiến của công luận. Tại sao? Vì bản Qui hoạch điện VII ra đời năm 2011, các mục tiêu cho năm 2015, 2020 và 2030 đã bị “bốc thuốc” quá cao, quá phóng đại nhu cầu về điện. Sản lượng điện cho năm 2015 được “bốc thuốc” là 202 tỷ kWh. Trong khi vào năm 2015, theo Tổng cục Thống kê thực tế chỉ là 158 tỷ kWh. Mục tiêu cao quá thực tế 128%.

Nhu cầu tiêu dùng điện đã được phóng đại cho cả các năm 2020 và 2030 là không thể chấp nhận được đối với bản Qui hoạch Điện lực quốc gia, làm căn cứ cho bản kế hoạch đầu tư phát triển điện hàng năm. Năm 2016, Tổng cục Năng lượng thuộc Bộ Công thương buộc phải cắt giảm “trí tưởng tượng” của mình đi 25% – 27% cho các năm 2020 và 2030. Điện sinh khối, điện gió và điện mặt trời mỗi thứ chỉ bằng móng tay, còn lại thủy điện và điện khí ga mỗi thứ chỉ bằng nửa so với điện than không thể cắt giảm được nữa. Vậy duy nhất chỉ có cắt giảm điện than mà thôi. Không còn cách nào khác.

Kết quả là vào năm 2016, Bộ Công thương cho ra đời Qui hoạch điện VII điều chỉnh (Quyết định số 428/2016/QĐ-TTg). Tuy nhiên, về đối ngoại Bộ đã nói rằng chúng tôi đã tiếp thu ý kiến phản biện của các tổ chức dân sự xã hội, BVMT nên đã cắt giảm 15.000 MW công suất điện than và 40 triệu tấn than, tích cực góp phần cho tăng trưởng xanh, phát triển sạch của đất nước.

Dưới đây là những con số biết nói, chứng minh tất cả. Khoa học Qui hoạch điện đất nước mình ngộ quá phải không anh?

Tuy nhiên, đối với tôi bản Qui hoạch điện VII điều chỉnh này vẫn là cực kỳ tệ hại, hủy hoại sức khỏe nhân dân và môi trường sinh thái, gia tăng biến đổi khí hậu, gây thiệt hại rất lớn về kinh tế cho đất nước và đẩy chính ngành Điện lực Việt Nam trở về thời kỳ “đồ đá” so với xu thế phát triển điện của Thế giới.

Nếu bài viết làm ai phật ý mong được lượng thứ. Ai thấy đúng mong được chia sẻ rộng rãi hơn. Nhiều chi tiết hơn, xin đọc bài tổng hợp gần 90 trang đã gửi trước đó.

Trân trọng cám ơn bạn đọc.

Hà Nội ngày 27/6/2018.

Bình Luận từ Facebook

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây