Sát thủ không cần giấu mặt

Văn Biển

27-6-2018

Ông Chủ tịch có thấy nước ta chưa bao giờ có độc lập hoàn toàn, cả một thời gian dài khi thì ngả theo ông anh này, khi thì ngả theo ông anh nọ. Chưa lúc nào mình là mình cả. Độc lập kiểu gì vậy? Thật ra cả hai thằng anh, một thằng giáo điều, một thằng xét lại, thằng nào đúng cả, vì bản thân Chủ nghĩa xã hội trước hết là không thể có, là cái không có thật.

Nhưng nếu xét tới cùng thời kỳ đó thì thằng xét lại có phần đúng hơn, vì nó dám sửa lại những cái gì không đúng. Vậy mà ở ta thằng giáo điều thắng thế, thẳng tay đàn áp dã man những người bị cho là theo Chủ nghĩa xét lại, sợ chiến tranh không dám chống lại Mỹ, chống lại công cuộc giải phóng miền Nam. Cộng với cái án dựng khống lên “âm mưu làm tay sai cho địch”. Khổ một nỗi, “địch” đây từng là đồng chí, là ông anh Cả.

Rồi một chiến dịch lớn bắt đầu, hàng chục, hàng trăm, hàng nghìn người từng theo Đảng mấy chục năm công trạng hiển hách phải vào tù, hoặc đi cải tạo, bắt không lý do, không được xét xử. Người bị bắt đến lúc còn sống ra tù cũng không biết mình tại sao bị bắt. Thời Trung cổ đen tối bên châu Âu cũng chưa đến nỗi thế. Mấy chục năm sau, chính Nguyễn Trung Thành, người lập hồ sơ vụ án lớn này, lại chính là người lật lại vụ án xét lại, kết luận rằng vụ án xét lại chẳng có gì cả. Là người ta muốn dựng lên, đặt ra, lấy cớ để triệt nhau.

Chết, bị đi tù, đi cải tạo từ tướng tá tới nhà khoa học, nhà văn, con số lên tới hàng trăm, hàng ngàn người mà cứ như chuyện đùa. Cứ như không xảy ra chuyện gì cả. Thật là khủng khiếp.

Nội bộ Đảng cứ như một xới vật. Nhưng một xới vật không có luật chơi, không có trọng tài, không có khán giả hoặc có khán giả nhưng chỉ dám đứng nhìn từ xa. Toàn kiểu chơi ngầm, ra đòn ngầm, những xới vật có lẽ chỉ có ở Việt Nam, vài nước anh em khác, dưới chế độ Xã hội chủ nghĩa.

Sáu Thọ trở thành người siêu quyền lực, lấn át cả Chủ tịch nước, Tổng Bí thư Đảng. Sáu Thọ chết. Nghe nói trên mộ ông ta ở nghĩa trang Mai Dịch sáng nào cũng có một bọc phân. Sau gia đình lén bốc mộ chuyển đi nơi khác. Dân gian có câu:

Dân yêu dân lập đền thờ

Dân ghét dân đái lên mồ thối xương (1)

Bố tôi phục vụ trong quân đội, không chết vì bom đạn mà chết vì đồng chí của mình. Tôi phải bỏ học, bỏ thi rút về đây làm nghề dạy học ẩn náu qua ngày. Tuy là nghề tạm bợ, nhưng mỗi lần đứng trước tấm bảng đen, lòng luôn tự nhắc: Bảng đen nhắc nhở – Đừng đen bạc. Mực đỏ dặn dò – Giữ tấc son(2).

Ông Tư buồn rầu: Bản thân mỗi chúng ta chỉ là con tốt trên bàn cờ thế sự. Cho tới cả dân tộc đất nước này cũng chỉ là con tốt đen trên bàn cờ thế giới. Bi kịch của một thời anh bạn ạ. Thấy anh bạn đứng lặng im. Ông Tư hỏi. Anh đang nghĩ gì thế?

Tôi đang nghĩ tiếp về ông Sáu. Sáu Thọ còn có hỗn danh là Sáu Búa. Sát thủ máu lạnh số một trong toàn bộ giàn lãnh đạo cao cấp của Đảng Cộng sản. Nếu tình cờ có ai hỏi ông ta có nhớ giết, cầm tù bao nhiêu người không, chắc không thể nào nhớ nổi. Thú dữ chúng ăn thịt nhưng chỉ ăn thịt kẻ khác loài với mình khi nó đói. Còn Sáu Thọ say máu đồng chí mình vì một nhu cầu khác: khoái làm người khổ, khoái giết người. Khoái thấy cái uy quyền của mình, độc ác hơn cả thú dữ dữ nhất trên rừng.

Sáu Thọ nhiều khi giết người không cần giấu giếm mà muốn báo cho mọi người biết: chính tao giết thằng đó. Giết một người mà bao nhiêu kẻ khác phải sợ, chẳng biết bao giờ tới lượt mình.

Có điều người ta lấy làm lạ với chức Trưởng ban Tổ chức Trung ương nhưng quyền uy ông ta bao trùm cả thiên hạ. Được mệnh danh là kẻ đẻ ra vua. Tài trí không hơn người, học vấn không hơn người, cũng không nắm quân đội, không nắm công an. Vậy ông ta đào đâu ra quyền uy vượt lên trên tất cả.

Người ta kể một hôm con rể Lê Duẩn là Hồ Ngọc Đại có việc, tới văn phòng gặp Sáu Thọ. Hai người đang nói chuyện, Đại trông thấy ông Giáp tới đang đứng chờ. Đại nhắc: “Có bác Giáp đang chờ”. Sáu Thọ bảo: “Tôi còn để cái đầu trên vai ông ta là may lắm rồi”. Một lát Thủ tướng Phạm Hùng tới. Sáu Thọ không mời khách mà bảo: “Hôm nay bận tiếp khách văn, hôm khác tới”. Đương kim Thủ tướng phải quay về. Lại còn chuyện này nữa mới ghê: Hôm đó Chủ tịch nước Lê Đức Anh sau khi chào tạm biệt Sáu Thọ phải đi lùi ra sân mới dám quay đít bước ra cổng. Thấy thế đủ biết uy ông ta bao trùm cả thiên hạ(3).

Chuyện này trong lịch sử chính trường Việt Nam từ xưa tới nay quả hiếm có. Vậy giải thích điều này như thế nào đây.

Có người nói các vị lãnh đạo cao cấp đều được bảo vệ vòng trong vòng ngoài. Những người bảo vệ đều được Ban Tổ chức Trung ương điều động sang. Người ta có thể nghĩ trong nhà riêng, nơi làm việc của các vị đều có gắn camera theo dõi. Ai cũng có một cách sống riêng, sở thích riêng, những việc không thể công khai… Và khi cần ông ta sử dụng con bài này. Cách hành xử đê tiện nhưng lại có hiệu quả lớn… Khó có mấy ai thoát khỏi trò chơi ma quỷ này.

Ngoài ra ông ta còn sử dụng những đòn ngầm kiểu xã hội đen khi cần thiết. Những cái chết tất tưởi của người em Đinh Đức Thiện, những vị tướng lĩnh Lê Trọng Tấn, Hoàng Văn Thái và nhiều người khác đều do bàn tay độc thủ của ông ta, một vết nhơ không thể xóa trong lịch sử của Đảng Cộng Sản… Tên tuổi ông ta đến bây giờ may ra còn lại trên tấm biển gắn trên đường ở một vài thành phố.

_______

(1) Tú Sóc

(2) Phạm Mộ Đức

(3) Theo Bên thắng cuộc (Huy Đức).

______

Bài viết trên trích từ sách Que Diêm Thứ Tám, của tác giả Văn Điển gửi tới Tiếng Dân. Mời đọc lại các bài trước: Câu chuyện nhà báo trẻ và nhà văn có tuổi  —  Bên chiếc quan tài lạ ở cõi âm  —  Chuyện ông chủ tịch tỉnh ở đập thủy điện và các dấu gạch ngang  —  Chuyện hai anh em trên bàn thờ  —  Chuyện Nguyễn Tuân và những đứa con của mình  —  Nhà thơ và vị khách không mời…  —  Bi kịch của một vị thánh sống

Bình Luận từ Facebook