9-6-2018
Việc Chính phủ quyết định lùi thời gian trình Dự luật Đặc khu chỉ mang lại niềm vui nho nhỏ cuối tuần vì nó vẫn lơ lửng ở đó, nhưng cho thấy khi người dân tạo ra các sức ép về chính trị thì chính quyền phải lắng nghe.
Một lần nữa, kết quả này là câu trả lời đích đáng cho những ai nuôi giữ thái độ thờ ơ với chính trị. Rất may, sự ra đời của các mạng xã hội khiến thông tin lan toả với nhiều bài viết phân tích thấu đáo, đa khía cạnh, mà báo Nhà nước không thể hoặc không dám đăng tải. Thông tin cung cấp cho con người nhiều lựa chọn tri thức và đưa đến các quyết định phản ứng của cộng đồng. Điều này được mình chứng khi chính ông Thủ tướng thừa nhận họ gặp một “làn sóng khủng khiếp”.
Rất rõ ràng, nhiều người đang là công nhân viên nhà nước, thậm chí đang khoác quân – cảnh phục, cũng lên tiếng phản đối về dự luật Đặc khu. Một cách gay gắt họ gọi đó là “bán nước”. Trước làn sóng rục rịch biểu tình, như mọi khi các Bí thư Đoàn trường tung ngay các văn bản cảnh báo “thế lực thì địch lợi dụng tung tin”. Ăn lương như các anh/chị này thì kể cũng dễ, văn bản chỉ cần thay tiêu đề và ngày tháng, nội dung giữ nguyên.
Thế nhưng, vẫn có những người như ca sĩ Duy Mạnh, tuyên bố giới nghệ sĩ không nên dính dáng đến chính trị và khẳng định nếu Tàu trả tiền thì anh ta sẵn sàng lên sân khấu “vừa ỉa vừa hát”. Không có gì đáng phải cười chê anh ca sĩ này và nhiều người khác nữa khi bày tỏ công khai rằng họ “không quan tâm đến chính trị”, coi chính trị như một điều gì nhơ nhớp. Họ là sản phẩm của một hệ thống giáo dục ngu dân và của một hệ thống chính trị luôn thiếu minh bạch, sòng phẳng với người dân. Họ và gia đình xứng đáng hưởng những thứ như học phí – viện phí tăng, đường sá ngập lụt, tham nhũng lan tràn… bởi họ đâu quan tâm tới chính trị thì họ đâu được quyền lên tiếng đối với các hậu quả do nền chính trị ấy mang lại.
Chính trị thật ra là dĩa cơm bình dân. Nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Chính trị quyết định giá cơm bình dân bạn ăn và cũng như dĩa cơm bình dân, ai ăn cũng được. Tham gia có ý kiến với các vấn đề chính trị là một quyền con người được chính chế độ này công nhận trong nhiều văn bản ký kết với quốc tế. Không có gì là phạm pháp khi người ta lên tiếng về chính trị mà ngược lại nó giúp cho xã hội vận hành tốt hơn.
Từ bỏ quyền tham gia chính trị là từ bỏ một biểu hiện mà chỉ loài người văn minh mới có. Khi những thành viên trong bầy người vượn cúi đầu tuân phục con vượn đầu đàn và làm theo các mệnh lệnh mà không có bất kỳ sự phản kháng nào, đó mới là thái độ “không quan tâm tới chính trị”, mặc dù bầy vượn người đó thật ra đang tham gia chính trị một cách vô thức.
Chính trị là tất cả mọi thứ. Không thể nào từ bỏ không quan tâm đến chính trị, trừ khi rời bỏ xã hội loài người, hoặc đi làm… Tuyên giáo.
Dưng mà có một lũ người không ăn cơm bình dân.
Còn chúng ăn cái gì, có giời mà biết.