Trương Minh Ẩn
27-5-2018
Chuyện “thu giá” ầm ĩ mấy ngày qua, đến nay vẫn chưa có hồi kết. Rất nhiều bài báo, bài viết phân tích, cho thấy sự ngu xuẩn, tráo trở của những tay lãnh đạo đề xướng và thực hiện, cùng với sự hài hước, kiểu mua vui cũng được… nhiều hồi trống canh”! Đỉnh điểm của “màn hài kịch” này là sự xuất hiện của ông nghị “cu Tý”. Tức ông đại biểu Nguyễn Đức Kiên, phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội. Ông ta phát biều bên hành lang Quốc hội vào chiều 23/05:
“Cũng chỉ là tên gọi, cách gọi thôi, ví dụ lâu nay chúng ta không thích cái tên gọi là ‘cu Tý’ nhưng thực tế có cả nhạc sỹ rất nổi tiếng có tên là Nguyễn Văn Tý. Vậy nhưng có người lại cho rằng tên gọi đó là không hay. Tôi ví dụ có những họa sỹ vẽ body painting, người thì bảo đấy là dung tục, người thì bảo đấy là nghệ thuật. Đó là quan niệm của mỗi người. Dung tục hay không dung tục là do cái đầu của mình”.
Bên cạnh câu nói cho thấy ông nghị “cu Tý” không hề có một chút hiểu biết gì về phong tục, tập quán dân gian ở nước ta và ông ta cũng không phân biệt được đâu là “cu Tý” và đâu là tên “Tý”. Ông ta còn nói thêm: “Ở đây chúng ta phải hiểu là chúng ta sống và làm việc theo pháp luật. Mà luật đã quy định là thu giá thì chúng ta phải gọi là thu giá, chứ không thể luật là thu giá nhưng chúng ta vẫn cứ yêu cầu phải là thu phí”.
“Chúng ta không thể quay lại bẻ nhau bằng từ điển tiếng Việt rằng giá là thế này, phí là thế kia. Với tư cách của một người xây dựng luật, tôi có thể nói là mặc dù luật chưa cover được 100% vấn đề của xã hội nhưng chí ít nó đã cover được 85-90% thì chúng ta cứ để thực hiện đã rồi mới điều chỉnh. Vì hàng năm, cứ 5 năm một lần chúng ta đều có đánh giá lại luật ấy, nên chúng ta cần tôn trọng thực tiễn”.
Không bàn về “thu giá” và sự xuẩn ngốc, hài hước có thừa nữa. Chỉ đề cập đến vấn đề ‘đặt vô sự đã rồi’ từ hai câu nói trên của ông ta. Họ cứ tự tiện đặt ra luật rồi cứ thi hành mà chẳng cần lấy ý kiến của dân, thậm chí chẳng cần nghiên cứu hay kiểm chứng với thực tế, để rồi “mới điều chỉnh” và “5 năm đánh giá lại”. Luật pháp mà họ xem như trò chơi, dân chúng bị xem như những con cờ thí điểm của luật.
Các vị lãnh đạo nước nhà luôn ra rả là luôn lấy ý kiến nhân dân, đồng thuận của nhân dân là trên hết, nhưng thực chất đó chỉ là xảo ngôn của họ. Trong mắt họ, dân chúng không là gì, không được một chút tôn trọng nào cả. Họ xảo ngôn nhằm lừa mị dân chúng, để đặt các chính sách vào sự đã rồi. Rất nhiều chính sách ra đời, thậm chí người dân không hề được biết tới.
Người dân không được quyền biết những gì liên quan tới quyền lợi của chính họ, thậm chí chủ quyền đất nước, nơi mà họ đang sinh sống, những vùng lãnh hải, lãnh thổ có bị sang nhượng, đổi chác hay mua bán, người dân cũng không được quyền biết. Đặt sự tồn vong của đảng lên hàng đầu, không còn là nghi ngờ nữa, mà có thể nhìn thấy nó đang hiển hiện trước mắt. Họ dám bán nước và đặt dân chúng vào sự đã rồi, chứ không còn là chuyện đùa, chuyện đồn từ bấy lâu nay.