Khai thác dầu khí: Rủi ro khi tìm kiếm ở các lô dầu khí trên biển Đông

Reuters

Tác giả: James PearsonGreg Torode

Dịch giả: Trúc Lam

23-5-2018

HANOI / HONG KONG (Reuters) – Một số lô dầu nằm ngoài khơi bờ biển Việt Nam ở khu vực Biển Đông, được phân định bởi “đường chín đoạn” của Trung Quốc, cơ sở cho những tuyên bố gây tranh cãi của Bắc Kinh đối với hầu hết tuyến đường biển giàu tài nguyên.

Tuần trước, các nguồn tin cho biết, Rosneft của Việt Nam BV, một đơn vị thuộc Rosneft, một công ty dầu mỏ của chính phủ Nga, lo ngại việc khoan dầu gần đây của họ, tại một lô dầu như vậy có thể làm Bắc Kinh khó chịu.

Điều đó khiến Bộ Ngoại giao Việt Nam khẳng định các lô dầu “hoàn toàn thuộc chủ quyền và thẩm quyền của Việt Nam“, và một cảnh báo từ Bắc Kinh đòi tôn trọng các quyền chủ quyền của họ.

Hồi tháng 3, Việt Nam đã ngừng dự án thăm dò dầu khí ở gần lô “Hoàng đế Đỏ” (Red Emperor – Cá Rồng Đỏ: ND), sau áp lực từ Trung Quốc.

Sự cố Cá Rồng Đỏlà một “cú đánh vào khu vực thượng tầng của Việt Nam và chính phủ đã nỗ lực khai thác các nguồn dầu khí ngoài khơi một cách hợp pháp theo Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật biển”, theo phân tích của các nhà phân tích rủi ro, thuộc công ty Verisk Maplecroft.

Khu vực này rất quan trọng cho sự phát triển kinh tế của Việt Nam. Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, tức PetroVietnam, chiếm 20% GDP của Việt Nam và 30% tổng thu ngân sách của Hà Nội từ 1986-2009.

Việt Nam có khoảng từ 3,3 tỷ cho tới 4,4 tỷ tấn dầu thô và khí đốt dự trữ trên biển, theo PetroVietnam, hiện đang sản xuất từ 22-33 triệu tấn dầu mỗi năm từ các lô dầu khí.

Theo công ty tư vấn Wood Mackenzie, nếu đường chín đoạn của Trung Quốc được kết nối thành một đường liên tục, nó sẽ chia đôi hoặc sáp nhập toàn bộ 67 lô dầu của Việt Nam [vào đường lưỡi bò của Trung Quốc].

Bốn trong số các lô hiện đang khai thác, cùng với các lô khác ở các giai đoạn thăm dò hoặc khai thác khác nhau, theo Wood Mackenzie.

Căng thẳng ngoài khơi

Tuyên bố của Trung Quốc ở Biển Đông chồng chéo lên các vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, Philippines, Malaysia và Brunei.

Mặc dù Bắc Kinh phản đối gay gắt, nhưng Philippines đã tìm cách [kiện ra tòa] để có được phán quyết vào năm 2016, chống lại Trung Quốc, trong một vụ kiện trọng tài đưa ra, dựa trên Công ước về Luật Biển của Liên Hiệp quốc.

Năm thẩm phán quốc tế đã trao cho Manila chiến thắng lớn, bác bỏ những tuyên bố của Trung Quốc và xóa bỏ bất kỳ cơ sở pháp lý nào của Bắc Kinh để tạo ra một mạng lưới liên kết lãnh hải và kinh tế dưới sự kiểm soát của nó, các chuyên gia pháp lý nói.

Các quan chức Trung Quốc, những người từ chối tham gia vụ kiện, bác bỏ nó như một trò hề và tiếp tục khăng khăng đòi quyền trên hầu hết các tuyến đường biển – mặc dù họ vẫn chưa xác định đường này như một tuyến đường liên tục.

Trung Quốc và các nước tranh chấp khác trước đây đã thảo luận về việc khai thác chung các dự án năng lượng ở các vùng biển tranh chấp, nhưng đã bị các vấn đề chủ quyền làm thất bại.

Tháng trước, Philippines cho biết, họ đang tìm cách ký một hiệp ước với Trung Quốc trong vòng vài tháng để cùng nhau khai thác dầu khí tại các vùng biển mà cả hai nước tuyên bố chủ quyền.

Nhưng trong khi Trung Quốc mơ hồ về những gì mà họ tuyên bố, thì các vùng biển quanh các mỏ dầu ở phía đông nam của Việt Nam từ lâu đã trở thành một điểm xung đột.

Bắc Kinh thường cố gắng ngăn chặn hoạt động thông qua các mối đe dọa ngoại giao đằng sau hậu trường và đôi khi gây áp lực trên biển.

Những mối đe dọa ngầm đó đặc biệt nghiêm trọng trong năm 2007-2008, sau khi hãng ExxonMobil Corp của Mỹ từ chối khuất phục, nhưng hãng dầu mỏ khổng lồ của Anh, BP và những hãng khác đã rút lui khỏi một số lô.

Phản ứng của Trung Quốc đối với việc khai thác dầu của Rosneft sẽ là “một thử nghiệm hoàn toàn về việc Bắc Kinh sẵn sàng đi xa tới đâu”, ông Ian Storey, chuyên gia nghiên cứu Biển Đông thuộc Viện ISEAS Yusof Ishak của Singapore, cho biết.

Đây là một biện pháp để Trung Quốc cố gắng vô hiệu hóa hoàn toàn, một cách thiết thực, phán quyết pháp lý chống lại tuyên bố của họ đối với tòa án trọng tài hồi năm 2016“.

Đồng thời, Bắc Kinh và Moscow cũng hiểu rằng họ không thách thức các lợi ích cốt lõi của nhau, gồm lợi ích trên Biển Đông, ông nói.

Quốc tế hóa

Các nhà ngoại giao của cả Việt Nam và nước ngoài đã mô tả những nỗ lực của Hà Nội để thu hút các công ty nước ngoài như một phần chiến lược chống lại áp lực của Trung Quốc bằng cách “quốc tế hoá” tranh chấp Biển Đông.

Hồi tháng 5 và tháng 6 năm 2011, Hà Nội đã chính thức phản đối hành động của các tàu dân sự Trung Quốc can thiệp vào các tàu khảo sát địa chấn, tại một điểm cắt cáp siêu âm từ một tàu của Na Uy, khai thác theo hợp đồng với PetroVietnam.

Căng thẳng tăng mạnh vào tháng 5 năm 2014 khi các tàu khu trục và tàu đánh bắt cá đụng độ trên biển qua việc đâm tàu và ngăn chặn các hành động sau khi Tổng Công ty Dầu khí Quốc gia Trung Quốc (CNOOC) đưa một giàn khoan nước sâu khổng lồ, để khoan thăm dò các giếng dầu tại các lô ngoài khơi bờ biển miền Trung Việt Nam.

Sau đó, nó đã rút lui trong khi xảy ra các cuộc biểu tình và bạo loạn có quy mô lớn ở Việt Nam.

Sản lượng dầu thô của Việt Nam năm đó là 15,53 triệu tấn, theo Tổng cục Thống kê. Đến năm 2017, sản lượng dầu thô đã giảm xuống còn 13,567 triệu tấn – giảm 12,6%.

Trong tháng tư, PetroVietnam cho biết căng thẳng trên biển với Trung Quốc sẽ làm tổn thương các hoạt động thăm dò và khai thác ngoài khơi trong năm 2018, khiến việc thăm dò của công ty Rosneft là đặc biệt quan trọng.

Đó là quan hệ đối tác với Nga, theo đó Việt Nam bắt đầu khai thác trữ lượng dầu mỏ của mình.

Với ngôi sao vàng của Việt Nam và cây búa liềm của Moscow trong logo của mình, Liên doanh Dầu khí Việt – Xô, “Vietsovpetro”, được thành lập vào năm 1981.

Vietsovpetro bắt đầu khám phá thềm lục địa của Việt Nam và phát hiện ra mỏ dầu đầu tiên của đất nước này là mỏ Bạch Hổ, vào năm 1984.

Không giống như các nước khác, mối quan tâm dầu mỏ của Nga trong khu vực dường như đã bị bỏ lại một mình, Anton Tsvetov, nhà phân tích Đông Nam Á, thuộc Trung tâm Nghiên cứu chiến lược độc lập của Moscow, cho biết.

Không thể nói rằng, ngoài lời nói chính thức, Trung Quốc sẽ trực tiếp gây áp lực đối với Rosneft hoặc chính phủ Nga về việc khai thác mới nhất của Việt Nam, ông Tsvetov nói.

Hiện tại, mối quan hệ giữa Trung Quốc và Nga rất mạnh mẽ, và các vấn đề năng lượng rất quan trọng trong chương trình nghị sự, vì vậy tôi nghĩ rằng, sẽ rất không bình thường khi Trung Quốc gây ra vấn đề cho một công ty dầu mỏ lớn của Nga“.

Bài viết của James Pearson ở Hà Nội và Greg Torode ở Hồng Kông. Bài có sự đóng góp của Khánh Vũ ở Hà Nội và do Lincoln Feast chỉnh sửa.

© Copyright Tiếng Dân – Bản tiếng Việt

Bình Luận từ Facebook

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây